Khác biệt trong tuyên bố của Mỹ và Trung Quốc đặt ra câu hỏi liệu cuộc gặp Trump-Tập tại G20 chỉ đưa đến nước cờ trước mắt hay sẽ tạo giải pháp dài lâu.
Mỹ Trung đình chiến
Trong một dòng trạng thái đăng trên Twitter, ông Trump khẳng định rằng: "Trung Quốc đã nhất trí cắt giảm và dỡ bỏ một số loại thuế quan lên mặt hàng ô tô nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc. Hiện nay, mức thuế này là 40%".
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Argentina ngày 1/12. Ảnh: AP |
Tweet của ông Trump được đăng tải ngay sau khi Trung Quốc và Mỹ đã đạt được một thỏa thuận ngày 2/12 về việc dừng áp thuế bổ sung lên các mặt hàng của 2 bên từ 1/1/2019.
Tuyên bố của Nhà Trắng khẳng định cả hai bên sẽ ngay lập tức bắt đầu các cuộc trao đổi về một loạt vấn đề như chuyển giao công nghệ, bảo vệ sở hữu trí tuệ, hàng rào phi thuế quan và vấn đề xâm phạm an ninh mạng.
Nếu hai bên không thể đạt được thỏa thuận về các vấn đề trên trong 90 ngày tới, Mỹ sẽ tiếp tục áp thuế bổ sung lên các mặt hàng của Trung Quốc.
Nhà Trắng cũng cho biết Trung Quốc sẽ mua thêm một lượng “đáng kể” các sản phẩm nông nghiệp, năng lượng, công nghiệp và một số sản phẩm khác từ Mỹ. Trung Quốc cũng sẽ mua nông sản của các nông dân Mỹ "ngay lập tức".
Đối với 51 tỷ USD hàng nhập khẩu các phương tiện đi lại năm 2017 của Trung Quốc, khoảng 13,5 tỷ USD lượng hàng hóa đến từ Bắc Mỹ, bao gồm cả doanh số của một số mẫu xe được các công ty không phải của Mỹ sản xuất tại đây như BMW. Theo Hiệp hội ô tô chở khách của Trung Quốc, khoảng 10%, tương đương với hơn 280.200 chiếc ô tô mà Trung Quốc nhập khẩu năm 2017 đến từ Mỹ.
Bất kỳ động thái nào nhằm làm giảm hoặc hạn chế việc tăng thuế đều đem đến lợi ích cho các công ty ô tô sản xuất ở Mỹ và nhập khẩu vào Trung Quốc như Tesla, BMW và Daimler.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu xem xét mức thuế 40% của Trung Quốc với ô tô nhập khẩu từ Mỹ, trong đó 25 điểm % trong số này là do Trung Quốc trả đũa việc ông Trump áp thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Mỹ áp mức thuế 27,5% đối với ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc.
Các nhà xuất khẩu ô tô con và xe tải hạng nhẹ của Mỹ tới Trung Quốc có giá trị 9,5 tỷ USD năm 2017 nhưng sau đó giá trị này đã sụt giảm nghiêm trọng sau khi Trung Quốc áp các mức thuế "trả đũa" trong mùa hè này. Tuy nhiên, điều này lại khiến các nhà xuất khẩu ở châu Âu và Nhật Bản thu được "món hời".
Trung Quốc là thị trường ô tô lớn nhất thế giới, cả về cung và cầu. Tuy nhiên, hàng nhập khẩu các phương tiện đi lại chỉ chiếm một thị phần nhỏ trong thị trường ở đây bởi hơn 85% mẫu ô tô bán ở Trung Quốc đều được lắp ráp trong quốc gia này dựa trên các thỏa thuận thương mại chung.
Những khác biệt còn bỏ ngỏ
Tuy nhiên, những hứa hẹn và các con số trên chỉ đến từ những tuyên bố của Mỹ. Trung Quốc dường như có quan điểm khác về việc tạm dừng cuộc chiến tranh thương mại đã đạt được trong một thỏa thuận với chính quyền Tổng thống Trump vào cuối tuần trước, khi mà truyền thông nước này không hề đề cập đến khung thời hạn 90 ngày hay việc cắt giảm các loại thuế đối với ô tô nhập khẩu từ Mỹ cũng như không đưa ra bất kỳ thông tin cụ thể nào về việc sẽ mua thêm các sản phẩm của Mỹ.
Điều này khiến nhiều chuyên gia cho rằng sau khi trở về từ cuộc họp bên lề Hội nghị G20 ở Buenos Aires, Argentina, hai bên đã có những quan điểm rất khác nhau về những điều sẽ xảy ra tiếp theo.
"Liệu có phải chúng ta sẽ lại có một Hội nghị Thượng đỉnh như ở Singapore hồi tháng 6/2018, khi mà các đại biểu phía Triều Tiên trở về với những quan điểm rất khác về những điều đã đạt được trong thỏa thuận", Paul Haenle - một cựu cố vấn từng phục vụ dưới thời Tổng thống George W. Bush và Barack Obama nhận định. Ông Paul đang muốn nhắc đến Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un với những cách định nghĩa khác nhau về vấn đề "phi hạt nhân hóa".
Trang tin chính thống People's Daily của Trung Quốc đã đăng tải một bức ảnh ông Trump và ông Tập bắt tay và mỉm cười với nhau ngay trên trang nhất của tờ báo này ngày 3/12. Tuy nhiên, nội dung bên trong bài báo ngoài việc nhấn mạnh đến sự nhất trí và hợp tác của đôi bên thì không hề đề cập đến việc Trung Quốc sẽ mua một lượng hàng hóa "đáng kể" các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp và năng lượng như Nhà Trắng tuyên bố, cũng như không nói gì đến hạn chót 90 ngày. Ngoài ra, bài báo này cũng không nêu bất kỳ thông tin nào về các mức thuế lên ô tô nhập khẩu của Mỹ vào Trung Quốc.
Ngay cả những điểm tin trên kênh CCTV, một kênh truyền hình của Nhà nước Trung Quốc cũng không hề đề cập đến việc Trung Quốc sẽ mua thêm hàng hóa từ phía Mỹ hay thời hạn 90 ngày đàm phán nhằm tránh đánh thuế bổ sung lẫn nhau giữa hai quốc gia.
Những điều mà truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyên bố chỉ là hai bên sẽ hợp tác "dần dần" để giảm sự mất cân bằng về thương mại - một tuyên bố dường như không ăn khớp gì với tiến trình nhanh chóng mà ông Trump mong muốn. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng khẳng định tại buổi họp báo ngày 3/12: "Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng hai nhà lãnh đạo đã đạt được sự nhất trí quan trọng và đội ngũ quan chức của hai bên sẽ tuân theo sự nhất trí này". Ông cũng cho biết Mỹ và Trung Quốc sẽ "đẩy nhanh" các cuộc trao đổi và "nỗ lực để đạt được một thỏa thuận có lợi cho đôi bên trong thời gian sớm".
Trả lời báo giới về thời hạn 90 ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngần ngừ đưa ra câu trả lời và tuyên bố: "Tôi nghĩ chúng ta nên tập trung vào những điều chúng tôi đã thảo luận và nhất trí. Chúng tôi đều đồng ý sẽ dừng việc áp thuế bổ sung. Thỏa thuận này khá quan trọng bởi nó sẽ ngăn chặn những căng thẳng thương mại giữa hai nước leo thang và cũng mở ra những kỳ vọng mới về sự hợp tác "cùng thắng" (win - win) cho Mỹ và Trung Quốc".
Zhao Hai, một chuyên gia kinh tế tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc tại Bắc Kinh cho rằng hai bên đều đang lựa chọn những chi tiết trong thỏa thuận phù hợp với cách hiểu của họ.
Trong khi ông Trump đang hứng chịu chỉ trích khi một số hàng hóa trong nước như đậu nành và thịt lợn bị ảnh hưởng do phải chịu mức thuế từ Trung Quốc thì ông Tập cũng đang xoay xở với một nền kinh tế đang lao dốc do cuộc chiến thương mại với Mỹ.
90 ngày "hòa hoãn” hay “câu giờ”?
Dù vậy, một số nhà phân tích cho rằng việc trì hoãn trong vấn đề thuế quan dường như đem lại "thế thắng" cho Trung Quốc khi cho rằng bất kỳ sự trì hoãn nào đều là cách Bắc Kinh "câu giờ" để giải quyết những vấn đề về kinh tế hiện nay.
Câu hỏi thực sự đặt ra hiện nay là liệu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể tạo ra tiến triển gì đối với các vấn đề trên trong 3 tháng tới hay không. Chỉ việc Trung Quốc mua thêm hàng hóa Mỹ và cắt giảm thâm hụt thương mại thì vẫn không thể giải quyết được các vấn đề mang tính cấu trúc ở quy mô rộng hơn trong mối quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia.
Mei Xinyu - một nhà nghiên cứu tại Viện Hợp tác Kinh tế và Thương mại Quốc tế Trung Quốc nghi ngờ việc hiệp định giữa Mỹ và Trung Quốc ngày 2/12 vừa qua có thể đưa đến một giải pháp cho những vấn đề thương mại tồn tại trong một thời gian dài.
"Hai bên đều có cách hiểu rất khác nhau về những ưu tiên khi giải quyết những vấn đề mang tính cấu trúc. Mỹ cho rằng nguyên nhân là do những hoạt động thương mại không công bằng trong khi Trung Quốc thì nghĩ đó là do quỹ tiết kiệm quốc gia thấp. Đó là một vấn đề nhưng đã có tới hai cách hiểu.
Chia sẻ về điều này, chuyên gia Mei không mấy lạc quan về những điều sẽ diễn ra sau thỏa thuận 90 ngày. "Tôi cho rằng chúng ta nên chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh mở rộng. Tôi nghĩ Mỹ sẽ áp thuế lên tất cả hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc"./.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan từng nhấn mạnh, xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là cuộc cách mạng về tư duy, nhận thức và mục tiêu, tiến tới nhận thức chung là, chúng ta đang làm một cuộc cách mạng, là giải pháp để khắc phục sự xung đột, mâu thuẫn trong quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa nông thôn.