Thỏa thuận COP21 Paris là bước đột phá của Liên Hợp Quốc trong suốt 20 năm đàm phán nhằm thuyết phục các nước hợp tác để cắt giảm lượng khí thải.
Ngày 12/12 ghi một dấu ấn quan trọng trong lịch sử bảo vệ Hành tinh Xanh, Hội nghị quốc tế về Biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP21) tại Paris đã thành công với việc 195 quốc gia thành viên của Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (CCNUCC) ký kết một thỏa thuận mới -Thỏa thuận Paris - thay thế cho Nghị định thư Kyoto đã hết hạn.
Thỏa thuận COP21 Paris gồm 31 trang, 29 điều khoản, xoay quanh 5 nội dung chính như sau.
Về mục tiêu: đặt ra mức trần tăng nhiệt độ của trái đất dưới 2°C đến năm 2100 so với thời điểm tiền công nghiệp (cuối thế kỷ 19), cùng với khuyến nghị phấn đấu đạt được mức 1,5°C.
Về tính ràng buộc: đưa ra cơ chế kiểm điểm, đánh giá 5 năm/lần mức độ thực hiện cam kết của các nước thành viên, bắt đầu từ năm 2025.
Về hỗ trợ tài chính: các nước phát triển phương Bắc phải có trách nhiệm đi đầu trong đóng góp tài chính hỗ trợ cho các nước đang phát triển phương Nam. Theo đó, các nước phát triển có nghĩa vụ huy động 100 tỷ USD/năm để giúp các nước đang phát triển từ nay đến năm 2020. Từ sau 2025, một mục tiêu mới sẽ được xác định với mức “hỗ trợ sàn” là 100 tỷ USD.
Về vấn đề “mất mát và thiệt hại”: đây là lần đầu tiên nội dung này được đưa vào thỏa thuận. Tuy nhiên, chưa xác định rõ mức bồi thường thiệt hại mà các nước phát triển phải chi trả cho các nước đang phát triển chịu hậu quả nặng của biến đổi khí hậu mà chỉ nêu chung chung là “các bên tăng cường trao đổi, hành động và trợ giúp lẫn nhau” để bù đắp các mất mát và thiệt hại.
Về hiệu lực: thỏa thuận sẽ thay thế Nghị định thư Kyoto và có hiệu lực từ năm 2020, với điều kiện ít nhất 55 quốc gia, chiếm ít nhất 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu phê chuẩn. Các nước đều có quyền từ bỏ thỏa thuận, nhưng phải ít nhất là 3 năm sau khi thỏa thuận có hiệu lực.
Thỏa thuận mang tính lịch sử
Thỏa thuận COP21 Paris mang tính lịch sử, thay thế Nghị định thư Kyoto được thông qua năm 1997. Đây là một bước đột phá quan trọng trong nỗ lực của Liên Hiệp Quốc, trong suốt 20 năm đàm phán nhằm thuyết phục các nước hợp tác để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm, hạn chế gia tăng nhiệt độ trái đất, sau nhiều thất bại của một số hội nghị COP trước đó như COP15 tại Copenhagen; COP17 tại Durban…
Thỏa thuận Paris đã phản ánh được 3 thành công quan trọng. Thứ nhất là vào lúc mọi người lo ngại không đạt được chuẩn mực giới hạn 2°C thì mục tiêu cao hơn 1,5°C được ghi vào thỏa thuận. Điều này nhờ sự kiên định của các nước nghèo ở Châu Phi, Châu Á, Châu Mỹ Latinh và các quốc đảo Thái Bình Dương, và đặc biệt của nước chủ nhà Pháp, rồi cuối cùng được EU và Mỹ chấp thuận.
Thứ hai là từ nay toàn thế giới cùng nhau hợp tác, chia sẻ trách nhiệm chung. Những nước giàu phải tài trợ 100 tỷ USD hàng năm cho các nước đang phát triển để đối phó với hệ quả của biến đổi khí hậu và chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch. Ngân sách này sẽ được xem xét lại vào năm 2025.
Thứ ba là lần đầu tiên cuộc tranh đấu dài hơi của các tổ chức phi chính phủ, của phong trào xã hội công dân đã thúc đẩy giới chính trị phải có hành động, không thể viện lý do lợi ích kinh tế trước mắt mà hy sinh tương lai của các thế hệ mai sau.
Những hy vọng và lo âu
Lãnh đạo các nước đã hoan nghênh thỏa thuận lịch sử này, cho rằng đây là “một tín hiệu hy vọng cho tương lai của hàng tỷ người trên thế giới và cho các thế hệ sau”, là “khuôn khổ bền vững để đối phó với biến đổi khí hậu”, tuy nhiên cũng cảnh báo chặng đường dài phía trước trong việc thực hiện nghiêm túc cam kết thỏa thuận.
Là một trong những nguyên thủ quốc gia đầu tiên lên tiếng chào mừng thỏa thuận Paris, Tổng thống Mỹ Barack Obama đánh giá đây là “cơ hội tốt nhất để cứu hành tinh trước đe dọa biến đổi khí hậu”... “Thỏa thuận Paris không cho phép giải quyết tất cả mọi vấn đề nhưng đây là một cơ sở cần thiết và mang tính lâu bền để đối phó với khủng hoảng khí hậu”.
Tuy nhiên, cũng chính tại Mỹ, thỏa thuận Paris đã gây ra hai luồng ý kiến trái ngược. 56% công luận Mỹ ủng hộ, ngược lại, đảng Cộng hòa lại xem thỏa thuận là một mối đe dọa cho công việc của người dân Mỹ. Họ nhấn mạnh rằng thỏa thuận này không phải là một hiệp ước chính thức và do đó không đòi hỏi Thượng viện Mỹ phải phê chuẩn để đi vào hiệu lực. Bất cứ ai kế nhiệm ông Obama vào năm 2017 đều có thể đình chỉ hoặc tiếp tục để Mỹ tuân thủ những điều khoản của nó.
Trung Quốc, nước có lượng khí thải CO2 lớn nhất hiện nay, cũng nhấn mạnh đến tính chất “lịch sử của thỏa thuận Paris cho những thế hệ mai sau”.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tỏ ra hài lòng về văn bản này. Theo ông “Không có người thắng hay kẻ thua. Phần thắng đã thuộc về Công lý...”.
Thủ tướng Anh David Cameron nhấn mạnh với thỏa thuận vừa đạt được, toàn thế giới cùng “bảo đảm tương lai cho các thế hệ sau này”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi cộng đồng quốc tế “bắt tay ngay vào việc để hàng tỷ người trên trái đất được sống trong những điều kiện an toàn hơn”.
Giới khoa học và các tổ chức bảo vệ môi trường tỏ ra dè dặt trước Thỏa thuận Paris và đòi hỏi phải có những nỗ lực bổ sung. Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), để duy trì nhiệt độ khí quyển tăng không quá 2°C từ nay cho đến cuối thế kỷ, thì lượng khí thải CO2 từ nay đến năm 2030 không được quá 40 tỷ tấn. Thế nhưng, các cam kết hiện tại của các nước cộng lại không thể thấp hơn 55 tỷ tấn. Nếu không xem xét lại mục tiêu cam kết tại Paris vào 5 năm tới đây, thì mục tiêu 1,5°C sẽ không bao giờ đạt được.
Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, Việt Nam sẽ nằm trong danh sách được hỗ trợ theo tinh thần COP21. Bên cạnh những trách nhiệm cùng thực hiện các mục tiêu giảm khí thải CO2, Thỏa thuận Paris mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam.
Ngày 13/12, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Việt Nam vui mừng và hoan nghênh việc Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu đã nhất trí thông qua Thỏa thuận Paris. Đây là bước mở đầu cho một giai đoạn mới về ứng phó với biến đổi khí hậu và là một bước tiến hết sức quan trọng trong nỗ lực chung nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất trong thế kỷ XXI".
Thỏa thuận Paris là thành quả của chuỗi nỗ lực cao độ của Ban Lãnh đạo Pháp trong suốt một năm qua trong việc vận động cho COP21 và đặc biệt là quyết tâm giữ đúng lịch trình Hội nghị trong hoàn cảnh vừa diễn ra các cuộc khủng bố đẫm máu tại Paris.
Thỏa thuận Paris cũng thể hiện ý thức của mọi nước trên thế giới bảo vệ bầu khí quyển Trái Đất, vượt qua những toan tính lợi ích riêng tư, vượt qua những mâu thuẫn tưởng như không giải quyết được. Thỏa thuận COP21 Paris là biểu tượng của nhân loại "vượt qua chính mình" để cùng nhau gìn giữ ngôi nhà chung Trái Đất./.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…