Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 15 tháng 12 năm 2021 | 15:31

Để hạn chế tác động từ các quy định mới từ thị trường Trung Quốc: Phải sát cánh cùng nhau

Thời gian gần đây, Trung Quốc tăng cường biện pháp phòng, chống dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc hàng hóa khiến hoạt động thông quan tại nhiều cửa khẩu phía Bắc diễn ra khá chậm.

Hiện có hàng trăm xe hàng đang chờ làm thủ tục thông quan dù ngành chức năng nỗ lực cao nhất nhằm giải quyết tình trạng ùn ứ.

 

a11111.jpg
Xe chở hàng nông sản ùn ứ trên đường ra cửa khẩu.

 

Nỗ lực thông quan

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), sản lượng trái cây năm 2021 và ước tính sản lượng quý I/2022 các tỉnh phía Nam lên đến hơn 7 triệu tấn, tăng 100.000 tấn so với 2020. Riêng tháng 12/2021, sản lượng trái cây đạt hơn 700.000 tấn, trong đó, thanh long có sản lượng cao nhất, đạt 200.000 tấn.

Mặc dù đang trong giai đoạn “chín muồi”,  thế nhưng, chia sẻ trong Diễn đàn kết nối cung cầu trái cây mới đây, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cảnh báo, xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc sẽ gặp những rào cản về kỹ thuật, thuế quan vào cuối năm và quý I/2022.

Đúng như cảnh báo, những ngày gần đây, bãi đỗ xe phi thuế quan tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) đang trong tình trạng quá tải bởi tốc độ thông quan chậm trong khi hàng từ nhiều địa phương trong nước vẫn đổ dồn về. Hiện nay, cửa khẩu Tân Thanh tổ chức trực 24/24 giờ để hoạt động thông quan hàng hóa diễn ra nhanh nhất có thể.

Theo Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, tính đến ngày 7/12, trên địa bàn tỉnh còn tồn 3.324 xe hàng, trong đó tại cửa khẩu Tân Thanh gần 2.000 xe. Trước tình hình này, lực lượng chức năng tại cửa khẩu tổ chức phân luồng xe xuất và nhập riêng biệt, đưa vào sử dụng bãi xe 150ha để giải phóng hàng nghìn container rỗng.

Trong tình trạng tương tự, khoảng 1 tuần qua, lượng phương tiện đưa hàng xuất khẩu về cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) tăng đột biến. Nguyên nhân là khi các cửa khẩu ở Lạng Sơn rơi vào tình trạng ùn ứ, nhiều chủ hàng đã tự liên hệ với đối tác phía Trung Quốc và chọn lối mở Nà Đoỏng, khu vực cửa khẩu Trà Lĩnh làm điểm thông quan, dẫn đến tình trạng hàng trăm phương tiện vận tải phải xếp hàng chờ tại khu vực này.

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng cho biết, hiện khu vực cửa khẩu Trà Lĩnh thường xuyên có khoảng 200-300 xe tải, container chở hàng chờ thông quan. Mặt hàng chủ yếu vẫn là nông sản như mít, thanh long, hạt điều và một số hàng đông lạnh.

Tìm hiểu được biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do, trong khi các cửa khẩu tại nước ta đang thực hiện quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, thì phía Trung Quốc vẫn thực thi chính sách “Zero Covid”, chỉ cần một ca nhiễm Covid-19 theo lái xe xuất hàng thì cửa khẩu sẽ bị đóng lại, mọi hoạt động giao thương ngưng trệ.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn phát sinh nhiều ca mắc Covid-19 mới (trong đó có cả lái xe đường dài, công nhân bốc xếp tại bãi kiểm tra hàng hóa…), tỷ lệ tiêm 2 mũi vaccine của lái xe đường dài còn thấp. Vì vậy, thời gian gần đây, Trung Quốc tăng cường biện pháp phòng, chống dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, làm chậm tốc độ thông quan. Mặt khác, năng lực bốc dỡ hàng của phía nước bạn cũng không đáp ứng được nhu cầu. Cụ thể, tại cửa khẩu Trà Lĩnh, khả năng tiếp nhận, bốc dỡ hàng hóa phía Trung Quốc chỉ 20-30 xe/ngày.

Chia sẻ tại Diễn đàn kết nối cung cầu trái cây, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho hay, Hiệp hội mới nhận được thông tin Trung Quốc dự định sẽ ngừng nhập khẩu ít nhất 6 tuần trong dịp Tết Nguyên đán 2022 để cách ly thủy thủ.  Thế nên, áp lực xuất khẩu nông sản sẽ dồn qua đường bộ lên các cửa khẩu. Tình trạng ùn ứ dự báo sẽ lại xảy ra.

 

a2.jpg
Việt Nam cần sản xuất theo các tiêu chuẩn GAP (VietGAP, GlobalGAP…)

 

Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa

Ông Đặng Phúc Nguyên khuyến cáo, để giảm thiểu ảnh hưởng từ chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc đến tiêu thụ nông sản, đặc biệt là trái cây, các tỉnh, thành phố cần tăng cường công tác tiêu thụ nội địa thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông, buôn bán, nhất là tại các chợ đầu mối. Đối với DN, cần xác định việc lưu thông, vận chuyển sản phẩm có thể bị kéo dài đến hàng tháng nên cần đặc biệt lưu ý công tác bảo quản. Song song đó, tiếp tục ngoại giao kinh tế, đàm phán để mở rộng danh sách các mặt hàng nhập khẩu vào những thị trường còn nhiều dư địa cho trái cây Việt như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản..

Đặc biệt, theo đại diện Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, không chỉ kiểm soát chặt chẽ dịch Covid-19, thị trường Trung Quốc cũng đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói... Qua đây có thể thấy, thị trường Trung Quốc không còn dễ tính như trước đây. Và đây là xu hướng chung toàn cầu trong thời gian tới.

Nhiều chuyên gia khuyến nghị, để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, Việt Nam cần sản xuất theo các tiêu chuẩn GAP (VietGAP, GlobalGAP…). Cùng với đó là liên kết nông dân, HTX để nâng cao hiệu quả sản xuất. Mặt khác, cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục đàm phán để mở rộng danh sách các mặt hàng nhập khẩu chính ngạch vào  thị trường Trung Quốc.

Ông Lê Thanh Tùng cho rằng, thời gian tới cần đẩy mạnh sản xuất theo tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu, mở ra chuỗi cửa hàng, đồng hành với HTX, bà con nông dân trong tiêu thụ trái cây. Mặt khác, Sở Nông nghiệp và PTNT và Chi cục Bảo vệ thực vật các địa phương cần nâng cao vai trò trong tư vấn, định hướng cho nông dân.

“Địa phương cần nắm chắc sản lượng, chất lượng nông sản, trái cây dịp cuối năm. Từ đó có dự báo dài hơi về tất cả các vấn đề, kịp thời cung cấp thông tin cho DN, cơ sở thu mua để kết nối tiêu thụ. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác bảo quản, chế biến để nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm, đánh giá cấp mã số vùng trồng, xây dựng kế hoạch tiêu thụ cụ thể, kết nối DN thu mua trái cây; số hóa các loại nông sản tạo điều kiện thuận lợi phục vụ xuất khẩu”, ông Tùng nhấn mạnh.

Vấn đề khác được ông Tùng nêu ra là truy xuất nguồn gốc và chứng nhận chất lượng. Các cơ quan chuyên môn, các cơ quan quản lý ở địa phương cần đồng hành, sát cánh hơn nữa với DN, với nông dân. “Đây là trách nhiệm chính của các cơ quan quản lý như Sở Nông nghiệp và PTNT, không phải trách nhiệm của DN. Đây còn là việc xây dựng vùng nguyên liệu, tìm ra vùng đặc thù, điểm đặc biệt để kêu gọi DN tham gia tiêu thụ nông sản”, ông Tùng nói.

Chí Thanh
Ý kiến bạn đọc
Top