Theo nguồn tin của Báo Lao Động, chỉ sau ít ngày tạm lắng, từ 2 ngày nay, nghìn con lợn lại được các thương lái đưa sang Trung Quốc theo các lối mở dọc viền biên giới thuộc các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn.
Mỗi ngày hàng nghìn con lợn “vượt biên”
Một lãnh đạo ngành nông nghiệp một tỉnh có chung đường biên giới với Trung Quốc (đề nghị được giấu tên) khẳng định: Sau khi các cửa khẩu chính thức tại Chi Ma, Lộc Bình, Bản Chắt, Bình Nghi, Tràng Định (Lạng Sơn), Trà Lĩnh, Đức Long, Tà Lùng, Trùng Khánh (Cao Bằng) bị “bịt” lại, lợn từ Việt Nam đưa sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch được các thương lái “dắt” đi theo các đường mòn mở giữa vùng dân cư giáp ranh 2 nước.
Để tránh lực lượng chức năng, thương lái giao cho dân xé lẻ chở theo chuyến nhỏ, hoặc “cõng” từng con lợn đưa sang biên giới nước bạn. Tại Bắc Giang, 2 ngày nay, vẫn có hàng nghìn con lợn thịt và cả lợn con được tư thương gom lại chở đến biên giới đợi tư thương Trung Quốc hoặc thuê người chở qua.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Hoàng Đăng Huyến - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh Bắc Giang - cho biết: Tại Bắc Giang không có hiện tượng tồn ứ lợn khi Trung Quốc đóng cửa khẩu. Thậm chí lợn vẫn được chở sang Trung Quốc với số lượng hàng nghìn con/ngày. Cụ thể, ngày 15.5 các tư thương gom và chở đi 2.000 con; ngày 16.5, dù mới thời điểm buổi chiều nhưng số lượng đã trên 2.000 con.
“Giá thịt lợn tại Trung Quốc thời điểm khan hàng nhất đã tăng 200%. Trong khi đó nếu có thịt lợn từ Việt Nam xuất sang, giá chỉ tăng ở mức 20%/kg” - ông Huyến cho hay. Động tác tạm dừng mua lợn của các thương lái Trung Quốc cách đây ít ngày thậm chí còn tạo hiệu ứng ngược, khiến giá lợn trong thị trường nội địa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tăng từ 48.000 đồng lên 50.000 đồng/kg. Do nhu cầu của các thương lái cao, nên giá lợn thịt và lợn sữa tại Bắc Giang đang đắt như tôm tươi. Cụ thể, lợn 18 ngày tuổi giá lên tới 1,8 - 1,9 triệu/con; lợn sữa được bán với giá 800.000 - 1 triệu đồng/con.
Cũng theo ông Huyến, cửa khẩu của Trung Quốc chỉ “đóng hờ”, 30% số lợn từ Bắc Giang vẫn có thể đi qua. Còn lại 70% đi theo các lối tắt, lối mòn. Ông Huyến còn cung cấp thêm thông tin: “Từ hôm 16.5, nhiều cửa khẩu đã mở trở lại”. Lợn thịt của người chăn nuôi tại Bắc Giang đang được tiêu thụ rất tốt. Thậm chí, “có những thương lái đưa về Bắc Giang 20 tỉ đồng/ngày để gom lợn bán sang Trung Quốc”. Từ Bắc Giang, lợn được các thương lái chở bán sang Trung Quốc qua các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Nam Hùng - Chi Cục trưởng Chi cục Thú y Lạng Sơn - cho biết: “Ngày 14.5, có 14 xe chở lợn con và 6 xe lợn thịt; ngày 15.5 có 13 xe chở lợn thịt; ngày 16.5 có 10 xe chở lợn thịt. Tất cả các xe đều chở lợn sang Trung Quốc theo hướng Cao Bằng. Tuy nhiên, đây chỉ là số lượng xe chở theo các đường cửa khẩu có thể kiểm soát được. Còn lại có khả năng lợn được chở theo đường mòn”.
Không có chuyện hàng chục nghìn con lợn bị mắc kẹt
Ông Trần Văn Quang - Chi Cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai - tỏ ra bất bình trước thông tin của Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho rằng chỉ trong khoảng 1 tuần Trung Quốc dừng mua lợn, Đồng Nai đã tồn từ 15.000 - 20.000 con lợn mỡ. Ông Quang cho rằng, lợn mỡ có trọng lượng lớn trên 100kg đã được thương lái Trung Quốc gom mua hết, thậm chí lợn có trọng lượng dưới 90kg cũng phải xuất đi do khan hàng. Ngoài ra, “trung bình mỗi ngày Đồng Nai xuất về TPHCM khoảng 4.000 con lợn, xuất đi các tỉnh phía bắc 500 - 600 con lợn để tiêu thụ nội địa, nên không có chuyện hàng chục ngàn lợn mỡ tồn lại không bán được” - ông Quang khẳng định.
Tại Bình Dương - “thủ phủ” chăn nuôi lớn sau Đồng Nai, Giám đốc Sở NNPTNT Nguyễn Tấn Bình cũng thẳng thắn: “Lợn mỡ tại Bình Dương đã được thương lái Trung Quốc gom và xuất sang Trung Quốc từ đợt trước, không có tình trạng thừa ế”. Các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên hiện cũng không có tình trạng lợn nuôi không thể xuất sang Trung Quốc.
Lãnh đạo của một đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh Lào Cai khẳng định: Vẫn còn tình trạng thương lái vứt trộm lợn chết tại các cung đường vắng khi bị thương lái Trung Quốc trả lại. Chính quyền địa phương phải thu gom và tiêu hủy rất vất vả để đề phòng dịch bệnh lây lan trên đàn gia súc, gia cầm của địa phương. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, có thể lực lượng chức năng không thể phát hiện và thu gom kịp thời, nên không loại trừ người dân lấy lợn chết về ăn, rất nguy hiểm. Trong khi đó, trao đổi với PV Báo Lao Động, lãnh đạo Chi cục Thú y Lạng Sơn và Cao Bằng vẫn cho rằng, không có chuyện vứt lợn chết trên địa bàn tỉnh này, ngoại trừ trường hợp lợn chết tại huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) bị một số người dân lấy về ăn ngày 9.5.2016, nhưng đã được địa phương này thu gom, xử lý. |
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…