Cù lao Ông Hổ nằm bên bờ sông Hậu thơ mộng, phù sa quanh năm, đã làm nên một cù lao trù phú, cây trái tốt tươi, thuộc địa phận xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên - An Giang).
Đến đây, du khách sẽ được nghe kể về câu chuyện ông Hổ nghĩa tình, cũng như cuộc đời của Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính yêu.
Sự tích cù lao Ông Hổ
Để tham quan cù lao Ông Hổ, du khách phải đón phà Ô Môi từ bên phía thành phố Long Xuyên (hoặc thuê thuyền riêng). Cả bến thuyền và phà đều nằm kề chợ Long Xuyên nên rất tiện lợi.
Qua đến ốc đảo, du khách sẽ thấy ngay hai bức tượng hổ to lớn được tạc bằng đá uy nghi đứng trấn cổng. Đó là biểu tượng của vùng đất này từ hơn 300 năm qua. Theo nhiều bậc cao niên địa phương, thuở xưa, vùng đất này được phù sa bồi đắp, nổi lên giữa dòng sông Hậu, cây cối rậm rạp hoang sơ, rắn độc, hùm dữ tụ quần, nên không người lui tới. Đến thời khẩn hoang, người dân bắt đầu đến đây dựng nhà, lập làng, làm ăn và sinh sống cho đến ngày nay.
Gắn liền với địa danh ông Hổ có rất nhiều truyền thuyết để giải thích tên gọi này. Một trong những truyền thuyết được người dân thống nhất cao là, xưa kia có vợ chồng ông lão chèo xuồng đi bắt cá, lượm củi thì thấy bám trên mảng lục bình trôi trên sông có một con vật giống như mèo. Nhưng khi đến gần, không phải mèo mà là một con hổ con vừa đói, vừa rét, thấy thương nên ông bà đem về chăm sóc, nuôi dưỡng. Con hổ dần lớn lên trong tình thương đó nên rất hiền lành, không phá phách. Thời gian sau, ông bà tuổi cao sức yếu nên qua đời. Lúc này người dân đến đây sinh sống nhiều nên hổ rút sâu vào rừng. Tuy nhiên, chú hổ này vẫn nhớ công chăm sóc của ông bà lão.
Hàng năm, tới ngày giỗ của ân nhân, hổ đều mang về một con heo rừng hoặc nai rừng đặt bên mộ rồi đi. Lần cuối cùng, người ta thấy hổ đi quanh hai nấm mồ, nhưng đến nửa đêm thì hổ chết. Thương con vật sống có tình, dân làng chôn cất con vật giữa hai nấm mồ của ông bà lão. Từ đó, dân làng lập miếu thờ Ông Hổ và đặt tên cho cù lao này là cù lao Ông Hổ. Tên gọi cù lao ông Hổ là niềm tự hào của người dân nơi đây, bà con hay nói với nhau đó là hổ nghĩa, hổ tình, không phải hổ dữ. Nó là minh chứng cho một vùng đất cù lao với con người sống hiền hòa, chan chứa tình yêu thương.
Nơi đây có Bửu Long Cổ Tự, mà người dân còn hay gọi với cái tên thân thương “Chùa ông Hổ”. Chùa ông Hổ tuy diện tích nhỏ, nằm thu mình dưới tán những cây dầu cổ thụ, nhưng bản thân mang trong mình nét cổ xưa.
Đối với những người muốn tìm hiểu về văn hóa thì chùa Ông Hổ sẽ là điểm dừng chân thú vị vì mọi thứ đều có giá trị: tượng thờ, không gian, điển tích… Hàng năm, lễ giỗ Ông Hổ được tổ chức vào ngày 28/10 (âm lịch) với sự tham gia của đông đảo người dân địa phương cũng như du khách gần xa. Đây là dịp cầu mong mùa màng bội thu, quốc thái dân an…
Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Đến cù lao Ông Hổ, không thể không ghé thăm khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Đây là địa chỉ đỏ mà bất kỳ du khách nào cũng muốn viếng để tìm hiểu về cuộc đời của người anh hùng dân tộc Tôn Đức Thắng. Nơi đây, trước là nhà thân sinh của Bác Tôn (cụ Tôn Văn Đề cất năm 1887), được Bộ Văn hóa – Thể Thao – Du Lịch công nhận Di tích Lịch sử quốc gia năm 1984. Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 110 của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang đã khánh thành Khu lưu niệm và đền thờ Bác với nhiều công trình mới được xây dựng trên khuôn viên 6,7ha. Năm 2012 được Chính phủ công nhận Di tích quốc gia đặc biệt.
Khu di tích có: Nhà trưng bày giới thiệu về cuộc đời hoạt động của Bác Tôn, nhà lưu niệm thời niên thiếu, Đền tưởng niệm, Nhà trưng bày các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ, chiếc phi cơ chở Bác vào Sài Gòn để làm lễ mít tinh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, phục chế mô hình nhà lán của Bác Tôn ở ATK (Thái Nguyên), cầu treo dài 80m đón khách tham quan bằng đường sông và nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật khác. Mỗi khu có một vẻ đẹp riêng, được thiết kế lồng ghép với hệ thống công viên, những con rạch cảnh, cầu kiều, ao cá cùng những con đường rợp bóng cây xanh, làm cho Khu lưu niệm càng thêm gần gũi.
Nhà trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn có các hình ảnh, hiện vật, các tư liệu và phim hình sống động giúp chúng ta hiểu thêm về Bác, một tấm gương sáng của dân tộc về chí khí kiên cường, đạo đức cách mạng, khiêm tốn, giản dị. Trong khuôn viên khu lưu niệm còn lưu giữ nguyên trạng những hình ảnh, hiện vật gắn với thuở thiếu thời của Bác Tôn – đó là căn nhà sàn lót ván 3 gian, 2 chái lợp bằng ngói âm dương cùng với những đồ vật, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình; lũy tre xanh đầu ngõ soi bóng xuống sông Hậu theo thế “Long chầu Nguyệt”. Đã mấy trăm năm nhưng lũy tre vẫn xanh tốt; những ao cá trong vườn vẫn rực màu hoa sen, hoa súng; vườn cây quanh năm hoa trái trĩu cành…
Cù lao Ông Hổ là vùng đất lấy chữ “Đức” làm gốc, con người sống nhân hậu, nghĩa tình, thủy chung son sắt. Thuở Bác Tôn chào đời, cụ Tôn Văn Đề – thân sinh Bác Tôn và các bậc Nho học nhận thấy cậu con trai mặt mũi khôi ngô, tuấn tú, nhân tướng toát lên vẻ thanh cao, giàu chí khí nên đã dùng chữ đệm là “Đức” trước tên là chữ “Thắng” và dự đoán: Cù lao này có long mạch, nhất định sau này cậu bé sẽ là bậc gánh trọng trách của xã tắc, non sông.
Với những truyền thuyết gắn với hiện thực về mảnh đất chôn nhau cắt rốn của Bác Tôn nên cù lao Ông Hổ từ lâu đã thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến An Giang. Tình cảm đó đã được đúc kết trong ca dao Nam Bộ:
“Dù ai xuôi ngược bốn bề
Chưa đến Ông Hổ chưa về An Giang".
Ngày nay, cù lao Ông Hổ đã trở thành địa chỉ đặc biệt thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Ngoài hai địa danh trên, ở vùng đất trù phú này còn có hàng trăm ngôi nhà cổ, đình thần Mỹ Hòa Hưng trăm tuổi, làng bè nuôi cá, vườn táo hồng xanh mướt mắt… Cứ đến dịp lễ, Tết, du khách khắp nơi lại nô nức xuống phà Ô Môi qua sông Hậu để đến với cù lao Ông Hổ thưởng ngoạn, về nguồn.