Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 23 tháng 6 năm 2022 | 15:54

Động lực cho thành công mới của xuất khẩu nông sản

Sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng cũng như sự chủ động của cộng đồng DN trong việc giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tế sẽ tạo động lực cho thành công mới của xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong năm 2022.

ttxvn_ca_tra_basa.jpg
Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đa quốc gia (Tập đoàn Sao Mai) tại khu công nghiệp Vàm Cống, huyện huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Vũ Sinh)

 

Xuất khẩu (XK) nông lâm thủy sản trong 5 tháng đầu năm 2022 lập kỳ tích khi có tới 9 mặt hàng/nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản là 3 thị trường mua nông sản Việt Nam nhiều nhất.

9 nhóm sản phẩm có giá trị XK trên 1 tỷ USD

Thông tin từ Bộ NN&PTNT, 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt gần 23,2 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt trên 9,4 tỷ USD, tăng 10,4%; lâm sản chính đạt gần 7,7 tỷ USD, tăng 7,6%; thủy sản ước đạt gần 4,8 tỷ USD, tăng 46,3%.

Đáng chú ý, trong 5 tháng đầu năm 2022, đã có 9 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đó là: Cà phê đạt gần 2 tỷ USD (tăng 54,0%); cao su đạt trên 1 tỷ USD (tăng 12,0%); cá tra đạt 1,2 triệu USD (tăng 91,2%), tôm đạt trên 1,9 tỷ USD (tăng 42,7%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 7,2 tỷ USD (tăng 6,9%)…

Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất (Mỹ chiếm tỷ trọng 28%, tăng 17,1%; Trung Quốc chiếm 17,8%, tăng 6,8% và Nhật Bản chiếm 7%, tăng 19,5%).

Điều đáng ghi nhận là, các loại quả tươi chủ lực như xoài, thanh long, chanh leo, nhãn, vải... đã xuất khẩu đi nhiều quốc gia, đặc biệt là các thị trường lớn như EU, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Trung Quốc, Trung Đông, ASEAN… 

Cá tra là mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất khi trong 5 tháng qua đạt 1,2 tỷ USD, tăng 91,2% so với cùng kỳ năm trước. Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Tô Thị Tường Lan cho biết, xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn như Mỹ, EU... khả quan do mức giá cá tra xuất khẩu của các DN chế biến trong nước cạnh tranh tốt và mặt hàng cá tra là nguồn thay thế cho một số phân khúc cá thịt trắng bị thiếu hụt có nguồn cung từ Nga.

Dự báo, giá xuất khẩu cá tra ở tất cả thị trường đều tăng, xuất khẩu cá tra trong năm 2022 tăng từ 20 - 25% so với năm 2021; giá cá tra xuất khẩu dự báo sẽ tăng khoảng 5%. Trong khi đó, các thị trường nhập khẩu đang phục hồi, tăng trưởng tốt, chủ yếu ở 4 nhóm gồm: Trung Quốc (31%), Mỹ (23%), CPTPP (13%) và EU (6,6%).

Về thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 5 tháng đầu năm 2022, thị trường lớn nhất vẫn thuộc về Mỹ, đạt gần 6,5 tỷ USD, chiếm 28,0% thị phần. Nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 67,5% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam vào thị trường Mỹ.

Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc trên 4,1 tỷ USD, chiếm 17,8% thị phần; với kim ngạch xuất khẩu nhóm rau quả chiếm 20,8. Xếp ở vị trí thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD (chiếm 7,0%) và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ nhiều nhất (chiếm 43,8%). Thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,1 tỷ USD (chiếm 4,8%) và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ chiếm 44,2%.

Phân tích về thị trường xuất khẩu, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, các mặt hàng như: Cao su, trái cây, rau quả, gỗ và lâm sản, thủy sản… đều dự báo có sự tăng trưởng lớn trong xuất khẩu.

Đơn cử như mặt hàng cao su, trong giai đoạn 2022 - 2024, cao su thế giới có thể bước vào chu kỳ tăng giá khá mạnh do nguồn cung đang giảm dần. Vì thế, xuất khẩu cao su của Việt Nam có thể tiếp tục được hưởng lợi về giá, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cao su năm 2022 dự báo vượt mốc 3,6 tỷ USD.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt trong năm 2022 nhiều lạc quan bởi nhu cầu của thế giới tăng sau dịch Covid-19. Còn theo các tham tán thương mại tại nhiều nước, thị trường, người tiêu dùng châu Âu và châu Mỹ, người dân châu Á cũng dần biết đến và ưa thích các loại nông sản chủ lực của Việt Nam như: Cà phê, trái cây tươi. Điều này cho thấy cơ hội xuất khẩu của cà phê, trái cây tươi Việt Nam năm 2022 vẫn rất lạc quan.

Tiềm năng to lớn của các thị trường mới mở

Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam cho biết: Đến tháng 12/2020, Việt Nam đã tham gia ký kết 13 Hiệp định thương mại tự do (FTA), tạo động lực mạnh mẽ cho xuất khẩu hàng hóa nông sản trong thời gian tới. Theo các chuyên gia nhận định, tham gia vào FTA sẽ giúp ngành nông nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu với các mặt hàng chiến lược và có lợi thế nhờ các cam kết cắt giảm thuế quan, đồng thời đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa nhờ cắt giảm thuế nhập khẩu của Việt Nam, tuân thủ các quy định tiêu chuẩn an toàn và hàng rào kỹ thuật trong thương mại.

 

a7-1603721610316.jpg
Tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm tại Trung tâm Xúc tiến thương mại và Ðầu tư TP Hồ Chí Minh.

 

Đồng thời, FTA cũng tạo điều kiện đa dạng hóa nguồn thị trường đầu tư tiềm năng cho cộng đồng doanh nghiệp Việt ở nước ngoài. Mặt khác, do áp lực cạnh tranh, buộc các doanh nghiệp phải tiếp cận nhiều hơn với công nghệ tiên tiến và nâng cao trình độ quản lý, quản trị của chính mình.

Theo Tiến sĩ Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Xã hội Quốc gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì không phải tất cả các Hiệp định thương mại đều mang lại lợi thế xuất khẩu nông sản cho Việt Nam. Mà, trong số đó chỉ có một số hiệp định mang lại hiệu quả khả thi rõ rệt. Ví dụ, Hiệp định EVFTA (Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU) tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam tiếp cận với thị trường 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu, với số dân trên 500 triệu người.

Bên cạnh EVFTA thì Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) gồm 11 nước: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Đây là một thị trường gồm 11 nước với hơn 400 triệu dân, GDP chiếm 13,5 GDP toàn cầu. Theo điều khoản được ký kết, nông lâm sản khi xuất khẩu vào các nước này với thuế suất phổ biến từ 5-10%, hiện nay được hạ xuống 0%. Trước mắt là xuất khẩu sang Canada và Nhật Bản. Một số sản phẩm như cá tra, cá ba sa hoặc gạo được hưởng thuế suất bằng 0% khi xuất sang các nước Mexico và Canada.

Và ngay khi EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam sẽ được giảm thuế từ 0 – 4%, ví dụ hạt tiêu hiện nay là 0 – 11%, gạo tấm và các sản phẩm từ hạt cũng được giảm về 0%. Cần nhấn mạnh: Gạo, rau, củ quả, cà phê là lợi thế của Việt Nam thì việc cắt giảm thuế ở những thị trường rộng lớn như CPTPP và EVFTA sẽ mở ra chân trời mới cho hàng nông sản Việt Nam.

Những thách thức, rào cản cần vượt qua

Qua dẫn liệu và phân tích nói trên, chúng ta thấy và hy vọng nông sản nước ta trong những thập niên tới sẽ có những bước nhảy vọt trong xuất khẩu. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào sự thật: EVFTA hay CPTPP đều là những thị trường khó tính, đòi hỏi rất nghiêm ngặt ổn định về chuẩn giá trị, tuyệt đối sạch và an toàn, mẫu mã đẹp, bắt mắt.

Do đó, sắp tới ngành nông nghiệp phải phối hợp rất chặt chẽ với các ngành, các địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm hàng hóa. Các nhà sản xuất phải đảm bảo chất lượng, độ an toàn của các sản phẩm họ sản xuất ra. Cần tránh được các nguy cơ tiềm tàng như rủi ro từ nguồn nước ô nhiễm, ô nhiễm vi sinh vật hay hóa chất độc hại. Quy định nghiêm ngặt mức dự lượng tối đa cho phép các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ, trừ sâu, trừ bệnh... Đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc rõ ràng, minh bạch... Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng phải trả giá đắt, mất uy tín, thương hiệu vì khi có những lô hàng kém chất lượng bị bạn trả về.

Trong tiến trình đổi mới, đặc biệt những năm gần đây nông nghiệp nước ta đã đạt được nhiều thành công rất đáng ghi nhận, số lượng và chất lượng hàng hóa nông sản của Việt Nam ngày càng có vị thế cao trên thị trường thế giới.

Với quyết tâm chính trị lớn của toàn Đảng, toàn dân, nhất là ý chí, nghị lực của giai cấp nông dân, chúng ta tin tưởng các Hiệp định thương mại tự do sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện để nông sản hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu ngày càng nhiều ra thị trường tiêu dùng của nhiều quốc gia trên thế giới.

Mở rộng thị trường xuất khẩu

Mặc dù từ đầu năm đến nay xuất khẩu nông sản có được đà tăng trưởng tốt, song theo nhận định của các chuyên gia, hoạt động này trong thời gian tới sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức từ những yếu tố rủi ro khó lường của dịch Covid-19, lạm phát và đặc biệt là tình hình xung đột giữa Nga - Ukraine.

Đáng nói, giá cước vận tải biển chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, giá thành sản xuất còn cao... vẫn là những thách thức mà các DN xuất khẩu nông sản phải đối mặt trong năm 2022.

Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, cùng với việc chú trọng theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung các mặt hàng nông sản tại địa phương trong nước trong điều kiện mới, Bộ NN&PTNT đang triển khai cập nhật hệ thống phần mềm dữ liệu cung cầu nông sản từ địa phương; tăng cường kết nối, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại các vùng sản xuất trọng điểm và tại các cửa khẩu chính với Trung Quốc.

“Bộ luôn sát sao chỉ đạo đơn vị chuyên môn tập trung tháo gỡ, xử lý các vướng mắc của thị trường, nhất là thị trường Trung Quốc, Mỹ. Riêng thị trường Trung Quốc với chính sách “Zero Covid”, thực tế vẫn có các lô hàng của DN Việt Nam bị cảnh báo liên quan tới Covid-19. Vì vậy, các DN cần đặc biệt lưu ý đến khâu bao gói, xếp hàng lên container... để đảm bảo trong kiểm soát dịch” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định.

 

antd-nong-san02-9754.jpg
Ngành nông nghiệp sẽ không ngừng thúc đẩy các hoạt động mở cửa thị trường.

 

Xác định rõ việc kiểm soát chất lượng nông sản không chỉ mở cánh cửa xuất khẩu chính ngạch mà còn để mở rộng thị trường cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là ở những thị trường mang lại giá trị cao, khó tính. Vì vậy, Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường cập nhật, thông báo kịp thời quy định an toàn thực phẩm của các thị trường cho DN, chính quyền địa phương, người nông dân để áp dụng quy trình sản xuất phù hợp và kiểm soát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm trước khi xuất khẩu.

Mặt khác, ngành nông nghiệp sẽ không ngừng thúc đẩy các hoạt động mở cửa thị trường. Cụ thể, ngành nông nghiệp sẽ chuẩn bị nội dung làm việc song phương với cơ quan chức năng của các nước: Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc và xây dựng Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đi châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản.

Đơn cử, trong tháng 6/2022, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) đã thống nhất phương án giám sát xử lý vải xuất khẩu của niên vụ 2022 trong điều kiện dịch Covid-19; tổ chức Đoàn giao thương, quảng bá chuỗi cung ứng trái cây, thủy sản tại Trung Quốc.

Đưa ra giải pháp về đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thông qua nhiều chương trình xúc tiến thương mại số, Bộ tiếp tục hỗ trợ DN nói chung và DN xuất khẩu nông sản đẩy mạnh khai thác hiệu quả những hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký với các quốc gia, lãnh thổ, đặc biệt là FTA với Liên minh kinh tế Á - Âu; các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hiện Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Bộ Công Thương trong việc đánh giá, dự báo tình hình một cách kịp thời chính xác; cùng nhau tìm giải pháp ổn định sản xuất và cung ứng cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu hàng hóa nông sản. Đặc biệt là chú trọng trao đổi, đàm phán với các nước để đưa hàng nông sản của Việt Nam vào những thị trường này. Ngoài ra, hai Bộ cũng đẩy mạnh việc hỗ trợ DN vừa khai thác tốt thị trường truyền thống vừa tiếp cận các thị trường mới. Cùng với đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, ách tắc trong xuất khẩu nông sản.

Để tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thực tiễn sản xuất.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung Quyết định số 72/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, theo hướng bổ sung các nội dung liên quan đến hỗ trợ, tư vấn phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản đáp ứng nhu cầu các phân khúc thị trường trong nước; hỗ trợ tổ chức các cuộc thi, hội thi ngành hàng, giúp khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp và hợp tác xã.

Triển khai chủ động, có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do với các nước, khu vực trên thế giới; đàm phán, tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào thị trường lớn và tiềm năng như: Trung Quốc (sầu riêng, tổ yến, chanh leo, bơ, bưởi, na, roi, dừa…), Nhật Bản (nhãn, bưởi, chanh leo, xuất khẩu gia cầm đã qua xử lý nhiệt), Hàn Quốc (tôm, bưởi, vú sữa, chanh leo, nhãn, vải, chôm chôm, thịt gia súc, gia cầm chế biến, trứng gia cầm chế biến), Myanmar (bưởi, xoài), Thái Lan (chôm chôm, bưởi, chanh leo, na, vú sữa),…

Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương phát triển sản xuất gắn với xuất khẩu. Phối hợp đẩy mạnh việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương và các sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng./.

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
  • The S-Vista “tạo sóng” cho phân khúc căn hộ tại thị trường phía Đông Thủ đô

    The S-Vista “tạo sóng” cho phân khúc căn hộ tại thị trường phía Đông Thủ đô

    Những sản phẩm số lượng giới hạn luôn có sức hút nhờ tiềm năng tăng giá vượt trội so với mặt bằng chung. Cũng vì lý do đó mà ngay sau khi mở bán, tòa căn hộ cuối cùng The S-Vista thuộc phân khu Sapphire - Vinhomes Ocean Park 1 đã khuynh đảo thị trường phía Đông Hà Nội.

  • Agribank tích cực hỗ trợ vốn phát triển nhà ở xã hội

    Agribank tích cực hỗ trợ vốn phát triển nhà ở xã hội

    Phát triển nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân thu nhập thấp là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững. Trong bối cảnh việc triển khai các chương trình nhà ở xã hội trong thời gian qua còn nhiều vướng mắc, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) với trách nhiệm của NHTM Nhà nước, Ngân hàng vì cộng đồng đã tích cực đồng hành cùng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước triển khai các giải pháp tín dụng ưu đãi để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội vào năm 2030.

  • Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…

Top