Trước cuộc tranh giành quyền lực ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, Đông Nam Á sẽ sớm phải đưa ra quyết định chọn lựa nghiêng về một bên.
Kể từ khi Liên Xô tan rã vào đầu những năm 1990, Đông Nam Á luôn tìm cách tránh bị liên đới trong một cuộc chiến giữa các cường quốc. Tuy nhiên, mục tiêu này của các quốc gia Đông Nam Á ngày càng khó thực hiện khi Mỹ và Trung Quốc không ngừng gia tăng cạnh tranh quyền lực về mọi mặt.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cảnh báo Đông Nam Á sẽ phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg. |
Cuộc chiến chưa hạ nhiệt
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã đẩy mạnh sự công kích của Mỹ đối với Trung Quốc tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở Papua New Guinea vừa kết thúc hôm 18/11. Đáng chú ý là ông hối thúc các nước châu Á kiềm chế trước những khoản vay Trung Quốc để tránh rơi vào “bẫy nợ” của Bắc Kinh. “Các điều khoản trong những khoản vay này thường thiếu minh bạch, những dự án được hỗ trợ thường thiếu bền vững và có chất lượng kém. Các khoản vay thường bị ràng buộc quá nhiều và dẫn tới khoản nợ chóng mặt”, ông nói.
Phó Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh, “Mỹ sẽ không vội vàng chấm dứt cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và sẽ giữ nguyên lập trường cho đến khi Trung Quốc thay đổi hành vi”. Giới phân tích cho rằng, tuyên bố này của ông Mike Pence đã tạo ra một viễn cảnh đáng lo ngại đối với khu vực vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.
Ông Jonathan Pryke, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Lowy của Australia nhận định: “Những phát ngôn mà chúng ta nghe được từ ông Pence thực sự đáng lo ngại bởi nó cho thấy chúng ta đang bị lái vào một trò chơi địa chính trị mang tính thắng thua tại Châu Á-Thái Bình Dương. Hy vọng về sự hòa hợp giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên khó thành hiện thực”.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33 ở Singapore và Hội nghị APEC tại Papua New Guinea vừa qua đã không mang lại kết quả như kỳ vọng để tạo tiền đề giúp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được một thỏa thuận khi hai bên gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20, dự kiến diễn ra tại Argentina trong một vài tuần tới.
Riêng Hội nghị APEC đã không thể thống nhất đưa ra một Tuyên bố chung, cho thấy sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc sau khi Mỹ công bố áp thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn Trung Quốc đã đáp trả bằng cách đánh thuế đối với 110 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Những nền kinh tế nhỏ hơn tại Châu Á-Thái Bình Dương từ lâu đã tìm cách cân bằng quan hệ với mỗi quốc gia, nhằm gặt hái lợi ích từ trao đổi thương mại với nền kinh tế Trung Quốc vốn đang phát triển nhanh chóng, trong khi dựa vào ảnh hưởng của Mỹ để kiềm chế sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại đã đặt ra một tình huống khó xử khi mà các quốc gia sẽ phải lựa chọn nghiêng về hợp tác với bên nào, đặc biệt khi mà rào cản thuế quan của Mỹ đang gây ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng sản phẩm đã được thiết lập từ lâu.
Cảnh báo từ Singapore
Hồi đầu tháng 11/2018, cựu Bộ Trưởng Tài chính Hank Paulson đã cảnh báo nguy cơ xuất hiện một “Bức rèm sắt về kinh tế” chia rẽ thế giới nếu Mỹ và Trung Quốc không thể thu hẹp được những bất đồng chiến lược. Điều đó có thể khiến Trung Quốc và Mỹ từ chối trao đổi công nghệ, vốn và việc đầu tư của nhau, đảo ngược những thành tựu kéo dài hàng thập kỷ qua từ việc toàn cầu hóa.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nhắc lại những mối lo ngại nêu trên Hội nghị Cấp cao ASEAN, đồng thời cho rằng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang đến một mức độ mới mà một ngày nào đó Đông Nam Á sẽ phải “chọn bên này hoặc bên kia”.
Chuyên gia Pei tại Đại học Claremont McKenna ở California cho biết, các nước Đông Nam Á luôn muốn giữ quan điểm trung lập, không muốn coi Trung Quốc là “đối thủ”. Theo ông, “Trung Quốc và Mỹ sẽ phải nỗ lực rất nhiều trong những năm tới nếu muốn lôi kéo các quốc gia trong khu vực này”.
Cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc đã trở thành tâm điểm khi Phó Tổng thống Pence nói rằng, Mỹ sẽ mang đến “một lựa chọn tốt hơn” cho các quốc gia trong khu vực và công bố một kế hoạch cùng với các đồng minh chủ chốt tại Thái Bình Dương để xây dựng mạng lưới điện trị giá 1,7 tỷ USD tại Papua New Guinea. Đây là một trong những bước đầu của kế hoạch đối phó với ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng phối hợp với Australia tái phát triển một căn cứ hải quân và tổ chức cuộc họp của “Bộ tứ kim cương” gồm Mỹ-Nhật-Ấn Độ-Australia, với mục tiêu kiềm chế sức mạnh kinh tế-quân sự của Trung Quốc đang ngày càng lớn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Lôi kéo sự ủng hộ
Phó Tổng thống Mike Pence đã lên tiếng chỉ trích Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Chủ tịch Tập Cận Bình - mà theo đánh giá của công ty chứng khoán Morgan Stanley có thể tiêu tốn 1,3 nghìn tỷ USD vào năm 2027. Ông cho rằng sáng kiến này đã làm suy yếu các quỹ mà Mỹ và đồng minh đang huy động. Ông cũng khẳng định Mỹ không “đánh chìm các đồng minh trong biển nợ” và không muốn tạo ra “một vành đai thắt chặt hay con đường một chiều”.
Trái ngược với phát ngôn của Phó Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Tập Cận Bình lại đưa ra một thông điệp mềm dẻo hơn đối với Châu Á. Ông cam kết hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương, kêu gọi hợp tác sâu rộng hơn, đồng thời cho biết việc thực thi các rào cản thuế quan và phá vỡ chuỗi cung ứng sản xuất sẽ “nhanh chóng bị thất bại”. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng lên tiếng bảo vệ Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, nhấn mạnh “đây không phải một cái bẫy như một số người từng nói”.
“Trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ gia tăng, cách tiếp cận của Trung Quốc với các nước láng giềng đã thay đổi. Hiện tại, Trung Quốc muốn ngày càng có thêm nhiều bạn bè”.
Sau Hội nghị APEC, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thăm Brunei và Philippines – quốc gia đang ngày càng gần gũi hơn với Trung Quốc. Trước đó, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tiếp đón Thủ tướng Shinzo Abe nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của một nhà lãnh đạo Nhật Bản trong 7 năm qua.
Thái độ trung lập
Ông Richard Maude, Cố vấn cấp cao của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia cho biết: “Các nước nhỏ và các nước trung bình không muốn phải lựa chọn duy nhất giữa Bắc Kinh hoặc Trung Quốc. Điều họ muốn là tìm ra một khoảng trống ở giữa và theo đuổi các lợi ích của riêng họ”.
Chuyên gia Minxin Pei, phụ trách quan hệ Mỹ-Châu Á thì nhận xét, dù Mỹ có thể dựa vào các đồng minh để củng cố vị thế, nhưng một số quốc gia – vốn có các thỏa thuận quốc phòng lâu đời với Mỹ, sẽ vẫn cố gắng tạo ra một khoảng cách nhất định.
Bất chấp quan hệ gắn bó mật thiết trong lĩnh vực an ninh, Nhật Bản và Australia đều không ủng hộ chính sách bảo hộ của Tổng thống Donald Trump. Cả hai bên đều thúc đẩy Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau Mỹ rút khỏi Hiệp định này. Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tận dụng bài phát biểu tại Hội nghị APEC để cảnh báo “chủ nghĩa bảo hộ và mối đe dọa về cuộc chiến thương mại không nằm trong lợi ích của bất cứ bên nào, về mặt kinh tế”.
Phát biểu với báo chí, ông Morrison cho biết: “Vai trò của chúng ta ở đây là tối đa hóa các lợi ích của Australia. Điều này được thực hiện qua việc hợp tác một cách xây dựng với đối tác lâu đời của chúng ta là Mỹ và hợp tác chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc”.
Phó Tổng thống Mike Pence đã tìm cách gạt bỏ những lo ngại trong khu vực rằng các hành động của Mỹ sẽ gây ra tổn thương về kinh tế và buộc các nước phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. “Sự cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc không có nghĩa là hai bên theo đuổi quan hệ thù địch. Tôi tin rằng những vấn đề này có thể được giải quyết tại bàn đàm phán” ông nói. Tuy vậy nhiều quốc gia trong khu vực không kỳ vọng hai bên sẽ sớm đạt được thỏa thuận, bất chấp sự lạc quan từ chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Ông Kunihiko Miyake, giáo sư tại trường Đại học Ritsumeikan của Nhật Bản cho biết: “Đây chỉ là một phân đoạn trong cuộc cạnh tranh giành ngôi “bá chủ” giữa Mỹ và Trung Quốc. Nó sẽ diễn ra trong một thời gian dài. Đó sẽ là một cuộc Chiến tranh Lạnh dù chúng ta có muốn gọi tên nó hay không”./.
Mỗi năm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) bán ra thị trường trên 10 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Tuy chăn nuôi đã trở thành một nghề quan trọng trong kinh tế địa phương nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.