Phương pháp loại bỏ rác thải bằng cách đốt trực tiếp, từ lâu đã trở thành thói quen của không ít người, mặc cho những nguy hại về môi trường, sức khỏe. Trong khi đó, việc xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực, công cụ giám sát.
Tràn lan từ nông thôn đến thành thị
Hiện nay, tình trạng người dân tự ý đốt rác thải diễn ra tràn lan, ở bãi đất trống, giữa đường hay ngay tại các khu dân cư có nhiều hộ gia đình đang sinh sống.
Ở khắp nơi, từ những ụ lá khô, cỏ khô, đến rác sinh hoạt gồm nhựa, ni lông… đều được người dân tập kết rồi vô tư châm lửa đốt, mặc cho khói bay tỏa mùi khó chịu, gây ô nhiễm môi trường. Nhiều người còn cho rằng đây là hành động bình thường, lâu dần trở thành thói quen khó bỏ.
Ví dụ như tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức, bãi rác hình thành theo vị trí tập kết của Hợp tác xã Thành Công luôn âm ỉ khói ngày đêm, diễn ra trong nhiều năm khiến sinh hoạt của hàng trăm hộ gia đình gần đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hay tại phố Ngọc Trục, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, hai bên lối đi vào khu dân cư từ lâu cũng trở thành nơi một số người dân vứt, đốt rác tạo ra những cột khói đen bốc lên nghi ngút không thể dập tắt.
Điều đáng nói, hành vi đốt rác không chỉ diễn ra ở những nơi vắng vẻ, khó kiểm soát mà xảy ra ngay tại quận trung tâm cho thấy tình trạng này cần phải được quan tâm đúng mức hơn.
Cụ thể, trước cổng Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (ngõ 175B, phường Láng Thượng, quận Đống Đa) tồn tại bãi rác lớn rải dọc theo hàng trăm mét vỉa hè, lòng đường khiến hạ tầng đô thị vừa được đầu tư, xây dựng trở nên vô cùng mất mỹ quan và ô nhiễm.
Anh Nguyễn Tấn Trường, người dân sống tại ngõ 175B phường Láng Thượng, quận Đống Đa chia sẻ, mùi xú uế bốc ra từ đống rác thải cộng hưởng với khói độc hại khiến việc kinh doanh của gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Mặc dù đã nhiều lần phát hiện có người đốt rác và nhắc nhở nhưng vẫn không chấm dứt được do là ngõ chung, không phải lúc nào chúng tôi cũng tự giám sát. Chưa kể, vẫn có nhiều người coi đây là thói quen và không nghĩ rằng sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường” - anh Nguyễn Tấn Trường nói.
Đây chỉ là một số ví dụ điển hình cho thấy vấn đề đốt rác gây hại cho môi trường sống đang bị thả nổi, dẫn đến diễn ra tràn lan. Thực tế, ở khắp nơi trên địa bàn TP, không khó để gặp hình ảnh người dân thu gom rồi đem đốt rác thải một cách vô tội vạ. Trong khi đó, công tác kiểm soát, xử lý của lực lượng chức năng lại gặp khó khăn khi không đủ nhân sự túc trực tại các điểm vi phạm, cùng đó là thiếu công cụ giám sát ghi hình, lưu giữ hình ảnh để làm căn cứ xử lý.
Cần thêm chế tài xử phạt
Theo một số chuyên gia về môi trường, rác bị đốt sẽ tạo ra khói tỏa vào các nhà xung quanh nếu diễn ra tại khu dân cư, ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt của người dân cũng như kết cấu các công trình công cộng do bị nhiệt lượng cao tác động lâu ngày.
Mặt khác, khí thải sinh ra từ đó cũng khiến ô nhiễm môi trường không khí, gây mùi hôi; nước rỉ rác sinh ra sẽ chảy xuống ao hồ, làm ô nhiễm nguồn nước. Chính vì vậy, đầu tiên người dân cần có ý thức xóa bỏ thói quen xưa cũ, góp phần bảo vệ chính môi trường mình đang sống.
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, quy định cấm đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật đã được nêu ra tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Tuy nhiên, việc xử phạt hành vi đốt rác tự phát lại không được quy định cụ thể. Chính vì vậy, dù hành động này gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, nguy cơ cháy lan nhưng rất khó xử lý, nhất là khi việc đốt rác được thực hiện tại các bãi đất trống hay trong sân nhà.
Đồng quan điểm, chuyên gia Bùi Đức Hiển - Phòng Luật Tài nguyên và Môi trường (Viện Nhà nước và Pháp luật) cho biết, hiện nay Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có hiệu lực với các chế tài rõ ràng hơn trong công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy còn rất nhiều cá nhân, hộ gia đình, tổ chức vẫn vi phạm các quy định, có những hành vi gây ô nhiễm nhưng chưa bị xử lý một cách nghiêm khắc, triệt để do vẫn còn lỗ hổng.
Bởi vậy, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu đâu là hành vi gây hại với môi trường. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung chế tài xử phạt. Trong đó, bên cạnh sự tự giác của người dân, vai trò quản lý của người đứng đầu tại các địa phương cần được chú trọng nếu để xảy ra vi phạm.
Vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt luôn là thách thức, những nơi diễn ra tình trạng rác bị đốt phát sinh nhiều từ điểm tập kết tạm của các công ty thu gom do không được chuyển đi ngay, dẫn đến hình thành bãi rác lớn. Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia cho rằng TP Hà Nội cần sớm bổ sung các điểm trung chuyển có hàng rào phân cách, có người trông coi và di chuyển đúng thời gian quy định, tránh gây ảnh hưởng tới người dân.
Biến rác thành điện
Lượng rác thải tăng trong khi quỹ đất ngày càng eo hẹp đang biến việc xử lý rác bằng phương pháp đốt thành một xu hướng trên thế giới. Điều này thúc đẩy sự phát triển của các dự án nhà máy điện rác.
Ở Việt Nam, trong vòng 5 năm qua, nhiều dự án điện rác đã được triển khai, song đến nay mới chỉ có 01 dự án hoàn thành và đi vào vận hành ở giai đoạn thử nghiệm.
Đó là dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, được UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu từ cuối năm 2017 với tổng đầu tư 7.000 tỷ đồng. Dự án chính thức khởi công tháng 9/2019. Chủ đầu tư dự án là Công ty CP Môi trường năng lượng Thiên Ý (Công ty Thiên Ý), Tổng thầu MCC (Trung Quốc). Theo kế hoạch, nhà máy đi vào hoạt động từ tháng 10/2020 nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến ngày 25/7/2022, nhà máy mới vận hành giai đoạn 1, chính thức hòa lưới điện quốc gia.
Nhà máy có 5 lò đốt với 3 tổ máy phát. Trong giai đoạn 1, nhà máy sẽ vận hành lò đốt số 3-4 (tổ máy 1), giai đoạn 2 vận hành lò đốt số 1-2 (tổ máy 2), giai đoạn 3 là lò đốt số 5 (tổ máy 3).
Đây được xem là nhà máy đốt rác lớn nhất Việt Nam. Dự kiến đến tháng 11/2022, nhà máy đốt rác phát điện Sóc Sơn sẽ chạy đủ công suất xử lý 4.000 tấn rác khô, tiếp nhận mỗi ngày 5.500 tấn rác, hơn 78% lượng rác toàn thành phố. Khoảng 1.300 tấn rác/ngày vẫn xử lý chôn lấp ở khu xử lý Xuân Sơn. Lượng điện phát ra là 75 MW. Trong đó, lượng điện được tái sử dụng là 15 - 20%; còn lại nhà máy đã ký hợp đồng bán điện với Tổng công ty Điện lực Việt Nam.
Ông Đỗ Tiến Dũng - Phó Tổng giám đốc Nhà máy Điện rác Sóc Sơn cho biết, nhà máy đã vận hành tổ máy số 1, công suất 15MW, xử lý 1.000 tấn rác tươi, đốt phát điện/ngày. Tổ máy số 2 đã hoàn thành tất cả bước hiệu chỉnh kỹ thuật, đang chờ cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép vận hành. Các lò đốt còn lại số 3, 4, 5 cũng đã được hiệu chỉnh thành công, có thể hoạt động khi được phép.
Về nguồn nguyên liệu cho các lò đốt, ông Đỗ Tiến Dũng cho hay, đầu mối cung cấp rác cho nhà máy là Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội). Nguồn rác này đã được bên cung cấp cam kết sàng lọc theo các tiêu chuẩn cụ thể. Chẳng hạn như loại rác có lẫn rác thải xây dựng mà quá 10%, thì nhà máy sẽ không tiếp nhận.
“Về lâu dài, nếu nguồn rác của Hà Nội không đủ để vận hành, chúng tôi có thể tiếp nhận rác từ các nhà máy trong các khu công nghiệp lân cận” - ông Dũng chia sẻ.
Về công nghệ xử lý khí thải Nhà máy điện rác Sóc Sơn, ông Dũng cũng cho biết, quá trình ủ rác và quá trình cháy của rác trong buồng đốt sẽ sinh ra các chất khí thải ô nhiễm môi trường có các thành phần chủ yếu như mùi hôi, bụi, các gốc axit, furan, dioxin, kim loại nặng. Các thành phần này sẽ bay theo khói mà nếu thải ra ngoài môi trường sẽ gây ô nhiễm và làm ảnh hưởng đến môi trường sống của con người. Vì thế, bắt buộc khói sẽ phải qua xử lý đạt được chất lượng theo tiêu chuẩn về môi trường sau đó sẽ được quạt qua ống khói ra ngoài.
Các công nghệ hiện đại được sử dụng cho quá trình xử lý khói thải đảm bảo được quy định của nhà nước Việt Nam, và đặc biệt một số thông số quan trọng có ảnh hưởng lớn đến môi trường như hàm lượng furan, dioxin sẽ được vận hành theo tiêu chuẩn của EU.
Nhiều tiềm năng cho các dự án điện rác
Sản xuất điện từ chất thải được coi là một chiến lược đa dạng hóa năng lượng tiềm năng. Thị trường xử lý nhiệt và thu hồi năng lượng đối với chất thải rắn đang tăng trưởng liên tục. Lượng rác thải ra ngày càng tăng, không gian bãi chôn lấp thu hẹp theo các khối tích tụ và các tiêu chuẩn sinh thái cao hơn kích thích xu hướng phát triển này trên toàn thế giới.
Nhận thấy tiềm năng to lớn của thị trường cung cấp năng lượng từ chất thải, trong khoảng 5 năm qua, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã hướng đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, đến nay, ngoài dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn mới đưa vào vận hành, thì nhiều dự án khác đều đang triển khai rất chậm, hoặc ngừng triển khai.
Tại TP.HCM, lượng rác phát sinh khoảng 10.000 tấn/ngày, dự báo đến năm 2025 sẽ tăng lên 12.500 tấn/ngày. Thành phố định hướng đến năm 2025, ít nhất 80% rác thải phải được đốt phát điện và tái chế. Vì thế, tháng 8/2019, tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi, Nhà máy đốt rác phát điện Vietstar đã được khởi công với kinh phí khoảng 400 triệu USD.
Tiếp đó, tháng 10/2019, tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi), khởi công Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa công suất xử lý 2.000 tấn rác/ngày, công suất phát điện 40 MW với tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng. Thời gian xây dựng nhà máy trong 18 tháng và 4 tháng hiệu chỉnh, vận hành thử. Nhưng, sau khi rầm rộ khởi công, cho đến nay, cả hai dự án này đều chưa hoàn thành.
Tại Hải Phòng, địa phương này tính toán đến năm 2025, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh khoảng hơn 1.700 tấn rác/ngày; giai đoạn 2026 - 2027 khảng 2.600 tấn rác/ngày; giai đoạn 2028 - 2030 khoảng 3.600 tấn rác/ngày. Trong khi đó, Hải Phòng chỉ có 2 khu xử lý chất thải sinh hoạt với công suất xử lý từ 850 - 1.100 tấn rác thải/ngày.
Trước thực tế này, Hải Phòng cũng đặt mục tiêu đến năm 2050, các nhà máy điện rác cũng như công nghệ xử lý chất thải rắn sẽ được xử lý bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại, không xử lý chất thải rắn bằng công nghệ chôn lấp.
Theo đó, UBND TP Hải Phòng đã có Đề án thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải với trọng tâm là xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện công suất xử lý 2.000 tấn rác/ngày. Dự kiến đến năm 2025 hoàn thành đầu tư và đi vào hoạt động nhà máy tại Khu xử lý chất thải rắn Đình Vũ (quận Hải An).
Giai đoạn 1 có công suất xử lý 1.000 tấn rác/ngày. Sau năm 2028, dây chuyền thứ 2 của nhà máy cùng Nhà máy đốt rác phát điện thứ 2 có thể được xây dựng tại Trấn Dương (huyện Vĩnh Bảo) để xử lý 4.000 tấn rác/ngày.
Tại Bắc Ninh cũng đã khởi công xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ cao phát năng lượng, với tổng mức đầu tư 58 triệu USD tại huyện Thuận Thành. Dự án có công suất xử lý tối đa chất thải rắn 500 tấn/ngđ; công suất phát điện từ 11 – 13 MW, dự kiến hoàn thành trong quý IV/2023.
Theo lộ trình của Đề án tổng thể bảo vệ môi trường giai đoạn 2019 - 2025, Bắc Ninh sẽ có 3 nhà máy đốt rác phát điện công nghệ cao tại huyện Quế Võ, Thuận Thành và Lương Tài. Khi các nhà máy đốt rác phát điện công nghệ cao đi vào hoạt động sẽ giải quyết cơ bản các vấn đề rác thải tồn đọng ra môi trường.
Tiềm năng to lớn trong phát triển các nhà máy điện rác là một xu thế đã được minh chứng. Bởi, hiện có khoảng 2.500 nhà máy điện rác đang hoạt động trên toàn thế giới, với công suất xử lý hơn 420 triệu tấn rác mỗi năm. Năm 2020, có 104 nhà máy mới đã được lắp đặt với tổng công suất xử lý khoảng 34,8 triệu tấn/năm. Ước tính gần 3.000 nhà máy với công suất hơn 650 triệu tấn/năm sẽ đi vào hoạt động vào năm 2030.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.