Dùng hóa chất tẩm sầu riêng – Tội ác cần nghiêm trị
Mới đây, Công an huyện Xuân Lộc phối hợp với Quản lý thị trường địa phương, kiểm tra phát hiện cơ sở sơ chế, thu mua trái cây Hùng Thuận (ấp Bảo Định, Xuân Định, Xuân Lộc), do ông Nguyễn Thành Tâm làm chủ, sử dụng hóa chất ngâm tẩm sầu riêng.
Chỉ vì lợi nhuận làm mờ mắt, một số hộ kinh doanh đã sử dụng hóa chất để ngâm tẩm các loại hoa quả tiêu thụ ngoài thị trường. Hành vi này không những vi phạm pháp luật mà còn gây hậu quả không lường đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Dùng hóa chất ngâm tẩm sầu riêng hành vi bất nhân
Ngày 6/7, Công an huyện Xuân Lộc phối hợp với Quản lý thị trường địa phương, kiểm tra phát hiện cơ sở sơ chế, thu mua trái cây Hùng Thuận (ấp Bảo Định, xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc), do ông Nguyễn Thành Tâm (34 tuổi) làm chủ, phát hiện có một số nhân công đang quét bột ướt vàng lên cuống trái sầu riêng rồi nhúng vào thùng nước màu vàng (nghi có pha hóa chất). Sau đó, sầu riêng được đưa lên dùng quạt thổi khô, dán tem, đóng thùng.
Cơ quan chức năng phát hiện và tạm giữ tại hiện trường một xô chứa dung dịch nước màu vàng, gần 20 chai hóa chất in nhiều loại chữ nước ngoài, 14 bịch bột màu không nhãn hiệu; 7 can nhựa in nhiều loại chữ nước ngoài; 2 bịch kích thích sinh trưởng hiệu Lunar 150WP dùng để phun trên lá sầu riêng; 851 thùng sầu riêng đã bôi, nhúng dung dịch màu vàng có trọng lượng khoảng 14 tấn.
Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện, tạm giữ 27kg tem có in chữ nước ngoài và biểu tượng trái sầu riêng, đầu sư tử, cùng nhiều chai, lọ đựng hóa chất và các phương tiện, dụng cụ dùng để bôi, nhúng sầu riêng.
Phần lớn số sản phẩm nghi là hóa chất trên đều không được phép sử dụng tại Việt Nam. Không chỉ có ngâm tẩm sầu riêng, một số chủ kinh doanh trái cây còn sử dụng hóa chất để ngâm tẩm và kích thích cho rất nhiều loại trái cây nhanh chín, giữ được vẻ đẹp bên ngoài bắt mắt để bán cho người tiêu dùng.
Theo các nhà khoa học, ethylen được coi là hormon thực vật thúc đẩy quá trình chín nhanh của trái cây sau khi thu hái. Muốn bảo quản được trái cây tươi lâu mà vẫn giữ được hương vị màu sắc, người ta phải sử dụng các hóa chất có khả năng kìm hãm quá trình sản sinh ethylen hoặc ngăn cản sự gắn kết của ethylen với thụ thể của nó. Ở các nước phát triển, các hóa chất loại này có thể được sử dụng trước khi thu hoạch như aminoethoxyvinyl-glycin (ReTrain) hoặc sau thu hoạch như 1-methylcyclopropen (EthylBloc). Theo phân loại, đây là các chất thuộc nhóm điều hòa sinh trưởng.
Tuy nhiên, hiện chúng vẫn chưa được liệt kê trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật cho phép ở Việt Nam. Chính vì vậy, hiện tượng trái cây được giữ tươi lâu, thậm chí là 4-6 tháng chỉ có thể do trái cây được tẩm ướp với các hóa chất cấm sử dụng như: thuốc diệt cỏ CO 2,4D, hóa chất có gốc clo. Đây là các chất giúp tiêu diệt các loại vi sinh vật bám vào trái cây. Nếu nhúng vào dung dịch các chất này, trái cây không những bảo quản được lâu hơn mà còn có vẻ ngoài cứng hơn, tươi hơn.
Hành vi cần phải được nghiêm trị
Mặc dù Nhà nước đã có những chế tài để xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, tuy nhiên các đối tượng kinh doanh mặt hàng trái cây dường như vẫn coi thường pháp luật.
Bộ luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016) đã đặt ra các chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm.
Điều 317 về tội “vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm” quy định: Người nào thực hiện một trong các hành vi như sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm; hoặc sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật bị cấm, nằm ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm; hoặc chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự (mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với tội danh này là 20 năm tù).
Hành vi sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc để ngâm tẩm trái cây khi tiêu thụ trên thị trường, nhằm thu lời nhanh chóng của cơ sở sơ chế, thu mua trái cây Hùng Thuận (ấp Bảo Định, xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc) và một số chủ kinh doanh trái cây khác là một hành vi cần phải được lên án và xử lý nghiêm minh.
Đây không chỉ là một việc làm vi phạm pháp luật mà còn làm cho sức khỏe của người tiêu dùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí còn dẫn đến tử vong. Bảo vệ an toàn sức khỏe của nhân dân là trách nhiệm chung của toàn xã hội, bán các mặt hàng thực phẩm đảm bảo an toàn là lương tâm của người kinh doanh. Không thể để một số chủ kinh doanh trái cây ngâm tẩm hóa chất này tồn tại. Các cơ quan chức năng cần phải thường xuyên kiểm tra và xử lý thật nghiêm đối với các cơ sở này.