Ngày 10/9, gần 2 triệu người Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới đã đổ về Thánh địa Mecca của Saudi Arabia để thực hành các nghi lễ chính thức của lễ hội hành hương năm nay, diễn ra trong 6 ngày từ ngày 10/9.
Lễ hội hành hương linh thiêng của đạo Hồi năm nay lần đầu tiên trong gần 30 năm qua không có sự tham dự của người Hồi giáo Iran, do nước này và Saudi Arabia không đạt thỏa thuận về vấn đề hành hương.
Sau thảm họa giẫm đạp trong mùa lễ hội hành hương năm 2015 khiến gần 2.300 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương, năm nay giới chức Saudi Arabia đã áp dụng nhiều biện pháp mới nhằm đảm bảo an toàn cho khách hành hương.
Mỗi người người nước ngoài đến Saudi Arabi được phát vòng tay nhận dạng điện tử. Vòng tay được làm bằng giấy ép dẻo và mang mã vạch, có chứa các thông tin cá nhân như mã nhận dạng, quốc tịch, thông tin liên lạc, nơi lưu trú của người hành hương ở Thánh địa Mecca.
Hằng năm, Saudi Arabia thu hút khoảng 2 triệu người Hồi giáo trên khắp thế giới hành hương đến Thánh địa Mecca. Lễ hành hương là lễ hội hàng năm lớn nhất của người Hồi giáo, đã từng chứng kiến nhiều vụ giẫm đạp hay hỏa hoạn, trong khi khả năng kiểm soát đám đông của giới chức Saudi Arabia được đánh giá là hạn chế.
Theo ước tính của giới truyền thông và hơn 30 quốc gia có công dân thiệt mạng, gần 2.300 người hành hương đã thiệt mạng do thảm họa giẫm đạp tại Thánh địa Mecca trong lễ hành hương 2015, trong khi số liệu do phía Saudi Arabia công bố chỉ là 769 người.
Đây là tổn thất lớn nhất về người kể từ năm 1990 và là thảm họa lớn thứ hai trong lịch sử lễ hội hành hương của người Hồi giáo. Năm 1990, một vụ giẫm đạp được coi là thảm họa nhất đã xảy ra tại một đường hầm trong khu vực Mina khi hệ thống thông gió của đường hầm bị hỏng, khiến 1.426 người hành hương thiệt mạng, trong đó chủ yếu đến từ các quốc gia châu Á.
Lễ hội hành hương hôm 24/9/2015 chìm trong đau thương chỉ hơn 10 ngày sau khi xảy vụ tai nạn đổ cần cẩu tại Thánh đường Mecca khiến 109 người chết và hơn 230 người bị thương.
Năm nay, lần đầu tiên trong gần 30 năm qua, người Hồi giáo Iran không có cơ hội tham dự lễ hội hành hương, do Iran và Saudi Arabia không đạt được thỏa thuận cuối cùng về việc tạo điều kiện cho người hành hương Iran tới Thánh địa Mecca.
Sau nhiều vòng đàm phán, hai nước vẫn bất đồng về vấn đề hậu cần và an ninh. Riyadh tuyên bố không thể chấp nhận các yêu cầu từ phía Tehran, trong đó có quyền tổ chức diễu hành, sự kiện được xem là có nguy cơ gây náo loạn. Saudi Arabia cũng cáo buộc Iran cố tình chính trị hóa lễ hội hành hương.
Sau vụ giẫm đạp ngày 24/9/2015, Iran thông báo có 464 công dân của nước này thiệt mạng, đồng thời yêu cầu Saudi Arabia phải chịu trách nhiệm và điều tra làm sáng tỏ nguyên nhân dẫn thảm họa.
Lễ hội hành hương (hay còn gọi là lễ hội Haj) là một trong 5 trụ cột của đạo Hồi, bao gồm tôn sùng tuyệt đối Thánh Allah; cầu nguyện mỗi ngày 5 lần; làm bố thí; tuân thủ mọi điều cấm kị trong tháng lễ Ramadan; hành hương về Thánh địa Mecca ít nhất một lần trong đời./.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…