Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 29 tháng 4 năm 2020 | 18:1

Giá lợn giống quá cao, người chăn nuôi gặp khó

Gắn bó với chăn nuôi lợn thương phẩm, mong muốn ổn định đàn lợn để phát triển kinh tế, đồng thời có nguồn cung thực phẩm cho thị trường, tuy nhiên người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện nay đang gặp trở ngại lớn do giá lợn giống quá cao.

 

longiong2result_20200423183118.jpg
Nông dân xã Cửu Cao (Văn Giang) chăm sóc lợn giống.

 

Hưng Yên: Giá lợn giống quá cao

Trong khoảng 1 tuần trở lại đây, giá lợn giống tại địa phương luôn ở mức cao khoảng 2,7 – 2,8 triệu đồng/con. Mức giá này áp dụng cho hầu hết lợn giống 40 – 45 ngày tuổi ở hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hoặc hộ chăn nuôi trang trại quy mô lớn. Nhiều người chăn nuôi lợn thương phẩm khẳng định đây là mức giá con giống cao kỷ lục.

Trên thực tế, giá lợn giống bắt đầu tăng cao từ cuối năm 2019 cho đến nay, nguyên nhân do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, nguồn cung ứng con giống sụt giảm mạnh. Mặt khác, giá lợn giống phụ thuộc vào giá thịt lợn, lợn thương phẩm trên thị trường, giá lợn thịt càng cao thì lợn giống càng đắt.

Khó chung của hầu hết hộ chăn nuôi lợn thương phẩm hiện nay nếu không tự nuôi được lợn nái để con giống, nhất là hiện nay giá lợn thịt xuất chuồng vẫn chưa ổn định. Nếu như đầu tháng 4 giá lợn hơi đã có chiều hướng giảm, nhiều hộ xuất chuồng với giá 78 – 79 nghìn đồng/kg, thì sang cuối tháng 4 đã tăng cao trở lại ở mức 92 – 94 nghìn đồng/kg. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do nguồn cung lợn thịt thương phẩm khan hiếm, tổng đàn chưa ổn định.

Nhiều hộ chăn nuôi lợn thương phẩm chia sẻ, giá cao như vậy nhưng để mua được lợn giống tốt, bảo đảm chất lượng cũng không phải chuyện dễ dàng. Một phần vì giá lợn thịt cao, người nuôi lợn nái cũng muốn giữ lại lợn giống để tiếp tục chăn nuôi thành lợn thịt. Mặt khác nhiều thương lái chuyên kinh doanh giống gia súc, gia cầm cũng tranh mua lợn giống để kiếm lời.

Đồng chí Nguyễn Đình Tưởng, Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: “Hiện nay, đàn lợn nái trên địa bàn tỉnh có khoảng 46 nghìn con, chiếm trên 10% tổng đàn lợn. Với số lượng này, có thể khẳng định lợn giống đủ để phục vụ người chăn nuôi trong tỉnh sản xuất. Giá lợn giống lên cao là do ảnh hưởng của thị trường thịt lợn chung trong cả nước. Người chăn nuôi trong tỉnh cần bám sát cơ cấu giống vật nuôi của tỉnh và nhu cầu thực tế, không vì giá cao mà tái đàn ồ ạt, lưu ý nhất là bảo đảm các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Đối với các trang trại, mô hình chăn nuôi lợn sinh sản cần quan tâm bảo vệ đàn lợn nái, lợn đực giống để bảo đảm nguồn cung ứng lợn giống cho sản xuất, chú trọng chăm sóc, nuôi dưỡng, áp dụng biện pháp kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng, hạ giá sản phẩm bao gồm cả lợn thịt và lợn giống”.

Ngành chăn nuôi, thú y khuyến cáo người dân thời điểm hiện tại cần tăng cường các biện pháp vệ sinh thú y, phòng ngừa dịch bệnh trên vật nuôi nói chung và trên đàn lợn nói riêng. Các hộ chăn nuôi, trang trại sản xuất con giống lợn ưu tiên cung ứng đủ con giống cho người chăn nuôi trong tỉnh, góp phần ổn định đàn lợn, bảo đảm nguồn cung thực phẩm tươi sống và giảm giá thành thịt lợn trên thị trường.

Hà Nội: Sóc Sơn tập trung tái đàn lợn có kiểm soát

Hiện nay, huyện Sóc Sơn đã khống chế được bệnh Dịch tả lợn châu Phi; việc tái đàn, khôi phục sản xuất đang được nhiều hộ chăn nuôi triển khai. Tuy nhiên, điều quan trọng đối với các hộ chăn nuôi lợn ở Sóc Sơn là thực hiện tái đàn trên cơ sở kiểm soát nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh.

 

hn.jpg
Huyện Sóc Sơn tập trung tái đàn lợn sau khi khống chế thành công bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Nguyễn Tùng

 

Đến nay, đã hơn 4 tháng trên địa bàn xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn) không còn phát sinh ổ bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Để ổn định sản xuất, tạo nguồn cung cho thị trường, các hộ chăn nuôi ở đây đang tập trung tái đàn lợn. Ông Hoàng Văn Thành ở thôn Xuân Đoài (xã Phù Linh) cho biết, trước đây, do ảnh hưởng bệnh Dịch tả lợn châu Phi khiến gia đình ông phải tiêu hủy 116 con lợn nái, gần 500 con lợn thương phẩm, thiệt hại gần 3 tỷ đồng. Đầu năm 2020, khi dịch được khống chế, gia đình ông Thành mới chăn nuôi trở lại. Tuy nhiên, thực hiện khuyến cáo của Phòng Kinh tế huyện, ông Thành chỉ thực hiện tái 40% công suất chuồng trại.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Vinh ở thôn Lương Phúc (xã Việt Long) cũng là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nề bởi bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Ông Vinh cho biết, được huyện hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng, gia đình đã trả một phần nợ ngân hàng và thực hiện tái đàn vật nuôi, tuy nhiên, ông khá thận trọng khi khôi phục đàn lợn. Ngoài việc tổng vệ sinh, rắc vôi bột, khử trùng chuồng trại, thời điểm nhập lợn giống cũng được gia đình ông lựa chọn kỹ, bảo đảm rõ nguồn gốc, con giống không bị nhiễm dịch bệnh...

Cũng đủ điều kiện tái đàn như các hộ dân ở xã Phù Linh và Việt Long, hiện nay trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã có 1.138/6.113 hộ thực hiện tái đàn lợn với gần 20.000 con, nâng tổng số đàn lợn lên 60.000 con (bằng 50% tổng đàn lợn của huyện trước khi bị ảnh hưởng bởi bệnh Dịch tả lợn châu Phi). Việc tăng đàn chủ yếu tập trung tại các gia trại, trang trại lớn có thể chủ động nguồn con giống. Bên cạnh việc tái đàn lợn, huyện Sóc Sơn cũng khuyến khích các hộ dân phát triển những mô hình chăn nuôi mới: Nuôi ếch, ong lấy mật, chim bồ câu, chim cút, gà ta thương phẩm... nhằm mang lại giá trị kinh tế cao và đa dạng sản phẩm nông nghiệp.

Tái đàn sau dịch bệnh là giải pháp quan trọng khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, để hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững, ngay sau khi bệnh Dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát, huyện Sóc Sơn đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn người dân thực hiện tái đàn vật nuôi. Ông Hoàng Chí Dũng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn cho biết, huyện khuyến cáo người dân thực hiện tái đàn có kiểm soát kết hợp tuân thủ quy trình phòng, chống dịch bệnh. Trước khi tái đàn, người chăn nuôi phải vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại ít nhất 2 lần/tuần. Sau khi nuôi được khoảng 30 ngày, các hộ phải lấy mẫu xét nghiệm cho đàn lợn, nếu tất cả mẫu đều âm tính với bệnh Dịch tả lợn châu Phi mới tiếp tục tăng đàn. Đặc biệt, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn lập sổ theo dõi 100% số hộ tái đàn, kiểm soát chặt chẽ quy trình chăn nuôi, nguồn gốc con giống... để xử lý kịp thời nếu dịch bệnh xảy ra.

Ngoài ra, huyện Sóc Sơn còn xây dựng kịch bản tái đàn, quy trình chăn nuôi, kiểm soát chất lượng con giống rất nghiêm ngặt, sẵn sàng khôi phục và phát triển sản xuất khi có điều kiện thuận lợi. Mục tiêu của huyện đến hết năm 2020, tái đàn lợn đạt 70% tổng đàn, nâng số lợn lên 90.000 con, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 8.500 tấn/năm, góp phần tăng nguồn cung thịt lợn trên thị trường và nâng cao giá trị kinh tế cho người chăn nuôi...

Thanh Hóa: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho vùng nhiễm mặn

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi, mỗi vụ sản xuất, toàn tỉnh có tới 7.200 – 9.000 ha sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, tập trung ở các huyện: Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Hà Trung, Tĩnh Gia và thị xã Bỉm Sơn.

 

176d0194816t95602l0.jpg
Diện tích đất trồng lúa thường xuyên bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn tại xã Hoằng Tân (Hoằng Hóa) được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đạt hiệu quả kinh tế cao.

 

Dự báo, những năm tới, tình hình xâm nhập mặn sẽ càng gia tăng cả về diện tích và độ mặn. Do đó, cùng với việc thực hiện các biện pháp hạn chế xâm nhập mặn thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được xem là giải pháp hiệu quả, mang tính bền vững cho vùng sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn tại nhiều địa phương.

Hoằng Tân (Hoằng Hóa) là xã nằm ở cuối nguồn tưới, nên trên địa bàn có tới gần 200 ha đất sản xuất nông nghiệp thường xuyên bị thiếu nước, chiếm 80% diện tích sản xuất nông nghiệp của toàn xã. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp của xã. Vì vậy, để hạn chế thiệt hại, UBND xã Hoằng Tân đã vận động nhân dân đưa các loại cây trồng mới, phù hợp với điều kiện canh tác, có khả năng chịu hạn cao vào trồng thay thế cho những cây truyền thống. Tính từ năm 2015 đến nay, xã đã chuyển đổi được 120 ha trồng lúa thường xuyên bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, năng suất thấp sang trồng các loại cây có khả năng chịu hạn cao, như: Thuốc lào, cà tím, ngô ngọt...

Trong vụ đông xuân năm nay, UBND xã tiếp tục chỉ đạo bà con nông dân mạnh dạn chuyển đổi thêm 30 ha trồng lúa năng suất thấp sang nuôi tôm thẻ chân trắng và trồng khoai tây, rau màu các loại.

Được biết, không chỉ xã Hoằng Tân, mà nhiều xã có diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn của huyện Hoằng Hóa cũng đã chủ động đưa các loại cây trồng mới, có khả năng chịu hạn, chịu mặn cao, như: Bí xanh, cà rốt, khoai lang Nhật Bản, dưa lê... vào chuyển đổi trên diện tích trồng lúa bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, có năng suất, hiệu quả kinh tế thấp. Hiện, toàn huyện Hoằng Hóa đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích 760 ha, trong đó, có khoảng 30% diện tích là vùng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn.

Nga Sơn là địa phương có diện tích nhiễm mặn lớn nhất tỉnh, khi có tới gần 4.000 ha đất sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn, chiếm tới hơn 80% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của toàn huyện và gần 50% diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn của toàn tỉnh. Do đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn luôn được huyện đặt lên hàng đầu.

Theo đó, cùng với việc thực hiện các mô hình thí điểm trồng các loại cây trồng trên vùng đất nhiễm mặn, từ đó lựa chọn được những cây trồng phù hợp để đưa vào chuyển đổi, huyện đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ thực hiện cải tạo đất và chuyển đổi cây trồng trên đất nhiễm mặn. Nhờ đó, huyện đã thực hiện chuyển đổi được khoảng hơn 500 ha đất trồng cói, lúa sang trồng lúa chịu hạn, chịu mặn, nuôi trồng thủy sản và phát triển trang trại. Hiệu quả kinh tế sau chuyển đổi tăng 20 đến 30%.

Với phương châm “Sống chung với lũ” trong việc đối phó với tình hình xâm nhập mặn, những địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn đã và đang lựa chọn cây trồng, mô hình phù hợp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn. Điều này đã và đang góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng nhiễm mặn phát huy hiệu quả kinh tế, các địa phương cần tiếp tục đồng hành cùng bà con nông dân trong việc định hướng, lựa chọn các cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu. Đồng thời, xây dựng và thực hiện nghiêm kế hoạch chuyển đổi, tránh việc phát triển tự phát các loại cây trồng, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế và định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp.

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top