Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 7 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 13 tháng 8 năm 2021 | 9:56

Giá lúa ở ĐBSCL bắt đầu tăng nhẹ trở lại

Sau nhiều ngày giá lúa ở ĐBSCL giảm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với sự vào cuộc gỡ vướng của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Nhà nước, hiện, giá tại nhiều địa phương đang có xu hướng bình ổn trở lại và tăng nhẹ từ 200-300 đồng/kg.

Giá lúa bắt đầu tăng nhẹ

Đến nay, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã thu hoạch được hơn 700.000ha trong tổng số hơn 1,5 triệu ha lúa hè thu 2021, với năng suất ước đạt 57,86 tạ/ha (riêng TP. Cần Thơ đã thu hoạch song). Sau khi Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị vào cuộc gỡ vướng giá lúa gạo ĐBSCL bắt đầu nhích dần lên.

 

 Giá thu mua lúa ở một số địa phương ở ĐBSCL bắt đầu tăng nhẹ.

 

Một số tỉnh đang thu hoạch như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang… lúa chất lượng cao OM 18 được nông dân bán lúa tươi cho thương lái và các doanh nghiệp ở mức 5.800- 6.000 đồng/kg, trong khi cách nay hơn 1 tuần giá chỉ ở mức 5.600-5.800 đồng/kg trở lại. Giá các loại lúa OM 6976, OM 5451… ở mức 5.100-5.400 đồng/kg, trong khi trước đó giá chỉ 4.900-5.200 đồng/kg. Riêng giá lúa tươi IR50404 tại nhiều nơi có tăng nhẹ trở lại khoảng 100 đồng/kg nhưng vẫn còn ở mức thấp, dao động từ 4.500-4.900 đồng/kg. Tại nhiều địa phương, các loại lúa thơm, lúa tươi đài thơm 8, RVT, ST24… bán được giá 6.000-6.500 đồng/kg.

Việc giá lúa hè thu tại nhiều địa phương ở ĐBSCL đã có tín hiệu khởi sắc trở lại nhờ hoạt động thu mua lúa gạo đang được các đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh. Đặc biệt, những ngày qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp các bộ, ngành Trung ương, địa phương và doanh nghiệp có liên quan để triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân thu hoạch, tiêu thụ lúa và thúc đẩy các đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động chế biến, xuất khẩu gạo.

Ông Trương Kiến Thọ, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh An Giang - cho biết, tỉnh đã thu hoạch lúa hè thu đạt 78%, dự kiến hết tháng 8 sẽ thu hoạch đạt 90% diện tích. Giá lúa đã nhích lên được 300-400 đồng/kg ở các loại giống. Cụ thể, giá lúa OM5451 đã tăng lên 5.400 đồng/kg. Nhìn chung, sau khi chính quyền và các ngành chức năng vào cuộc liên tục thì giá lúa đã nhích lên, tình hình đã cải thiện rõ rệt.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam, trên thị trường quốc tế, hiện các nước vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo từ Việt Nam, nhiều nước do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên cũng muốn tăng dự trữ. Từ giờ đến cuối năm, khoảng 50% lượng gạo (2,4-2,7 triệu tấn) dành cho xuất khẩu.

 

Trước đó, trong công văn gửi các tỉnh/thành vùng ĐBSCL về việc hỗ trợ tiêu thụ lúa hè thu 2021 trên địa bàn, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, hiện nay các tỉnh, thành ĐBSCL đã bắt đầu vào chính vụ thu hoạch rộ lúa hè thu 2021. Tuy nhiên, 19 tỉnh, thành phía Nam đang áp dụng giãn cách xã hội nên tình hình thu mua, sản xuất và chế biến lúa gạo của ngành lương thực phải chịu ảnh hưởng rất lớn.

Nhằm phối hợp tạo điều kiên thuận lợi nhất có thể cho hoạt động tiêu thụ lúa gạo hàng hóa trong dân, VFA đề nghị UBND các địa phương tăng cường công tác hỗ trợ cho khối DN ngành lương thực trong việc kết nối vùng sản xuất và đảm bảo khâu vận chuyển lúa tươi từ đồng về nhà máy sấy được kịp thời trên những địa bàn sản xuất lúa của địa phương.

VFA cũng đề nghị các tỉnh/thành ĐBSCL hỗ trợ tổng hợp và thông tin cho VFA về khoảng thời gian thu hoạch của các vùng trồng lúa thuộc từng địa phương. Từ đó, VFA sẽ thông báo kịp thời đến các thương nhân xuất khẩu gạo ở từng địa phương, qua đó thương nhân nào có nhu cầu sẽ cùng tham gia tiêu thụ trực tiếp lúa hàng hóa vụ hè thu 2021 cho bà con nông dân…

 

Sự vào cuộc kịp thời của ngân hàng

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam có văn bản yêu cầu chủ tịch HĐQT/tổng giám đốc các ngân hàng thương mại (NHTM) và giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thực hiện ngay các giải pháp để góp phần hỗ trợ cho các thương nhân, doanh nghiệp (DN), người sản xuất, kinh doanh lúa gạo. Theo đó, các NHTM chủ động cân đối, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn và mở rộng thêm hạn mức tín dụng đã cấp cho thương nhân, DN để có nguồn vốn thu mua tạm trữ lúa gạo và nâng diện tích, chất lượng kho chứa, bảo quản, chế biến, góp phần giảm thiểu tình trạng ách tắc trong lưu thông, tồn ứ lúa gạo hiện nay tại khu vực ĐBSCL.

Đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng phù hợp; chủ động làm việc trực tiếp với các thương nhân, DN để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, thương nhân tiếp cận vốn phục vụ thu mua tạm trữ lúa gạo. Tuy nhiên, việc cho vay đảm bảo các nguyên tắc tín dụng hiện hành, quản lý được dòng tiền và thu hồi nợ…

 

 

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu, các NHTM tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng, trong đó có các thương nhân, DN, người sản xuất, kinh doanh lúa gạo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi, phí, cho vay mới khôi phục sản xuất, kinh doanh…

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL chỉ đạo các chi nhánh NHTM trên địa bàn cân đối, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn và mở rộng thêm hạn mức tín dụng đã cấp cho thương nhân, DN để có nguồn vốn thu mua tạm trữ lúa gạo và nâng diện tích, chất lượng kho chứa, bảo quản, chế biến; không để xảy ra tình trạng ách tắc, ứ đọng lúa gạo do thiếu vốn tín dụng.

Đồng thời, bám sát diễn biến, tình hình thị trường và việc cho vay thu mua tạm trữ lúa gạo của các NHTM trên địa bàn để kịp thời báo cáo UBND tỉnh, thành phố, Thống đốc NHNN các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân, DN trên địa bàn nắm bắt được các chủ trương, chính sách của nhà nước, các quy định của NHTM về cho vay phục vụ sản xuất, thu mua, tạm trữ, xuất khẩu lúa gạo và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của ngành ngân hàng…


Ngày 12/8, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tạo thuận lợi tiếp cận nguồn vốn thu mua thóc, gạo. Theo đó, để tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn thu mua thóc, gạo cho nông dân, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại có hỗ trợ nhất định về lãi suất cho các doanh nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được thế chấp vay vốn bằng chính sản phẩm sẽ thu mua.

 

Không để đứt gãy khâu tiêu thụ

Vu lúa hè thu tỉnh An Giang đạt 228.479 ha, sản lượng hơn 728.000 tấn lúa và gần 69.000 tấn nếp. Tuy nhiên, chỉ mới có 15.654 ha được 12 doanh nghiệp thu mua, trong khi giá các loại lúa có xu hướng giảm. Ngoài lúa, bình quân mỗi tháng tỉnh An Giang còn thu hoạch khoảng 83.000 tấn rau màu như: bắp, đậu nành, hành lá, sen,… nhưng chỉ tiêu thụ được khoảng 25.000 tấn, số còn lại đang cần được hỗ trợ tìm đầu ra.

Các địa phương khác ở khu vực ĐBSCL cũng đang rơi vào tình trạng đứt gãy khâu tiêu thụ cho nông dân, dẫn đến giá lúa và các loại nông sản khác giảm mạnh trong những ngày qua.

Trước tình hình trên, các địa phương khu vực này đang khẩn trương tìm giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT TP Cần Thơ cho biết, sở đã thống kê từng loại sản lượng nông sản, trên cơ sở đó phối hợp với Sở Công thương đưa các mặt hàng nông sản vào siêu thị, cửa hàng tiện ích, các nhóm bán hàng…

Cùng với đó, phối hợp với Tổ Công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và các tỉnh, thành cả nước nhằm đưa sản phẩm của nông dân tại các HTX, tổ hợp tác quảng bá, giới thiệu trên các website, sàn giao dịch điện tử…

 

 Các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp để hạn chế sự đứt gẫy khâu tiêu thụ.

 

Còn theo ông Nguyễn Minh Hùng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang, tỉnh đang khẩn trương thực hiện các biện pháp, cố gắng không để đứt gãy khâu vận chuyển, lưu thông nông sản. Hiện sở đã tổng hợp danh sách 39 doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa gửi Sở Giao thông Vận tải để được hỗ trợ đăng ký giấy nhận diện cho phương tiện.

Đồng thời, có văn bản gửi đến Sở Công thương các tỉnh, thành đề nghị hỗ trợ chuyển tiếp thông tin và phổ biến đến các doanh nghiệp, thương lái có kế hoạch thu mua nông sản trên địa bàn tỉnh An Giang có thông tin điều kiện vận chuyển để đi lại thuận tiện. Các tỉnh, thành nên ĐBSCL có cơ chế thống nhất chung để DN, thương lái đến thu mua lúa, nông sản ở vùng nguyên liệu của các địa phương được thuận lợi hơn.

Về vấn đề này, ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, khi áp dụng Chỉ thị 16, các doanh nghiệp xay xát gạo phải áp dụng “3 tại chỗ” nên ảnh hướng lớn đến tiêu thụ hàng hóa, nông sản nói chung, trong đó có lúa. Ông Tuấn đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT kiến nghị Chính phủ có chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, có phương án xử lý các lô hàng tại các cảng biển để tiếp nhận các lô hàng mới chuẩn bị xuất khẩu; có giải pháp cụ thể để giảm giá thành nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...

 

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Kiểm kê đất đai trên phạm vi cả nước từ ngày 1/8/2024

    Kiểm kê đất đai trên phạm vi cả nước từ ngày 1/8/2024

    Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm kê đất đai năm 2024.

  • HoREA góp ý nội dung hoàn thiện hệ thống thông tin về đất đai

    HoREA góp ý nội dung hoàn thiện hệ thống thông tin về đất đai

    Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến hai nhóm góp ý để xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định về điều tra cơ bản về đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin về đất đai.

  • Sống như nghỉ dưỡng suốt bốn mùa tại The Sola Park

    Sống như nghỉ dưỡng suốt bốn mùa tại The Sola Park

    Thiết kế không gian “phủ đầy” tiện ích “từ nhà ra ngõ”, dự án “đình đám” khu vực phía Tây Hà Nội, The Sola Park (Đại đô thị Vinhomes Smart City, đại lộ Thăng Long, Tây Mỗ, Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội) sẽ mang tới cho cư dân chốn nghỉ dưỡng suốt bốn mùa.

Top