Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 16 tháng 7 năm 2021 | 8:52

Tiêu thụ nông sản ở ĐBSCL gặp khó vì dịch Covid-19

Những ngày qua, dịch Covid-19 ở ĐBSCL và TP.HCM diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đã kiểm soát chặt người, phương tiện vào tỉnh dẫn tới việc vận chuyển, tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản tại đây gặp khó khăn.

Thử thách lớn cho tiêu thụ nông sản

Hiện, dịch Covid-19 có mặt ở tất cả các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều tỉnh đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt với quy định lái xe và phụ xe phải có kết quả xét nghiệm âm tính mới được vào địa phương khiến việc lưu thông hàng hoá gặp khó khăn, tăng chi phí vận chuyển.

 Việc tiêu thụ nông sản gặp khó đang khiến lượng hàng cung ứng tại một số nơi bắt đầu chậm lại và giá bán có xu hướng giảm.

 

Không chỉ tăng chi phí vận chuyển hàng hóa từ Đồng bằng sông Cửu Long lên TP. Hồ Chí Minh, mà việc tiêu thụ nông sản cũng gặp khó khi chợ đầu mối tại đây gần như đồng loạt đóng cửa phục vụ cho công tác phòng, chống dịch. Kéo theo đó, sức tiêu thụ giảm xuống, giá một số mặt hàng nông, thủy sản theo đó cũng bắt đầu giảm theo.

Giá tôm mấy ngày qua đã giảm vài ngàn đồng/kg, nếu như người nuôi không bình tĩnh mà thu hoạch ồ ạt vì sợ rớt giá sẽ làm cho giá tôm tới đây sẽ còn giảm thêm dù thị trường xuất khẩu vẫn đang rất thuận lợi. Tương tự, giá một số loại cá nuôi có giá trị cao, như: cá chẽm, cá hồng mỹ… đều đã giảm, nhiều hộ nuôi thua lỗ.

Một số mặt hàng chăn nuôi, lương thực, trái cây, rau củ quả… cũng gặp khó trong tiêu thụ. Giá lúa gạo sau thời gian ở mức cao cũng bắt đầu hạ nhiệt, trong khi vụ lúa hè - thu đang vào vụ thu hoạch rộ. Người nuôi lợn phải đối mặt khó khăn khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng từ đầu năm đến nay, nhưng giá lợn hơi lại quay đầu giảm, tác động không nhỏ đến khả năng duy trì đàn heo trên cả nước…

Tiền Giang: Hàng nghìn heca dứa có nguy cơ bị thối

Hiện, cánh đồng dứa (khóm) của nông dân vùng Đồng Tháp Mười, thuộc huyện Tân Phước (Tiền Giang) đang bước vào mùa thu hoạch. Tuy nhiên, nhiều xã ở huyện Tân Phước đã rào chắn đường giao thông. Nông dân và thương lái muốn vào ruộng thu hoạch phải có kết quả test nhanh âm tính dịch SARS CoV-2. Cách làm này có nguy cơ làm hàng nghìn hecta dứa không thu hoạch được.

Bà Phạm Thị Ngọc Tuyền, ở xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước (Tiền Giang), cho biết, gia đình có 5,5 ha dứa ở xã Thạnh Mỹ và Tân Hòa Đông đã chín. Dù đến thời điểm phải thu hoạch nhưng chính quyền các xã nơi đây bố trí các chốt chặn, người dân không thể đến ruộng thu hoạch. Chính quyền địa phương cho rằng, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nông dân muốn đi ra đồng phải có kết quả test nhanh SARS CoV-2 âm tính.

 Hàng nghìn hecta dứa đang chín vàng của nông dân huyện Tân Phước cần khẩn trương thu hoạch, (Ảnh: VOV).

 

Theo ông Huỳnh Văn Thuận, chủ vựa dứa Hiếu Châu, tại Thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước, ông đã ký hợp đồng thu mua dứa với nhà nông, nhưng hiện nay không thể vào thu nhận dứa do không có giấy test nhanh âm tính với SARS CoV-2. Việc thương lái gặp khó khi vào ruộng thu mua dứa của nông dân thì cả thương lái và người trồng dứa đều bị thiệt hại.

Dứa là loại cây trồng chủ lực, thích hợp với thổ nhưỡng của vùng đất phèn chua Đồng Tháp Mười, thuộc huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Đến thời điểm này, diện tích dứa của địa phương đạt hơn 15.000 ha, sản lượng khoảng 250.000 tấn/năm, đứng hàng đầu trong cả nước. Đại bộ phận đời sống người dân nơi đây, gắn bó với nghề trồng dứa nên khi dứa vào mùa chín rộ mà không thu hoạch được sẽ gây thất thu, tạo bức xúc đối với người dân. Hơn nữa, cây dứa khi không thu hoạch sẽ còn ảnh hưởng đến năng suất vụ sau đó.

Ông Đoàn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Tân Phước cho biết, huyện không có chủ trương cấm nông dân trong lao động sản xuất, nhất là thu hoạch dứa. UBND huyện sẽ kiểm tra, chấn chỉnh vấn đề này.Tôi nắm thông tin, sẽ chỉ đạo lại. Quan điểm của UBND huyện rất rõ, bà con đi ra đồng thu họach nông sản vẫn làm bình thường.

Hậu Giang: Trái cây giảm giá mạnh

Mít Thái là loại trái cây rớt giá mạnh nhất trong những ngày qua ở tỉnh Hậu Giang. Trước đây mít bán ở mức vài chục ngàn đồng/kg, nhưng hiện nay chỉ còn ở mức 3.000 - 5.000 đồng/kg. Giá rẻ đi kèm với việc thiếu người mua, mít chín không kịp thu hoạch, nhiều nhà vườn đành phải bỏ.

Ông Lê Văn Tác, ở xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp cho biết, mấy năm trước không có dịch, giá mít có giao động nhưng trồng mít cũng hiệu quả. Giờ có dịch giá mít giảm thấp nên thu nhập từ trồng mít rất bấp bênh. Không chỉ mít Thái, các loại trái cây khác như xoài, chanh không hạt, dưa lưới… cũng rớt giá mạnh.

Theo ông Huỳnh Công Hậu, chủ vựa trái cây ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, trước đây trung bình mỗi ngày ông thu mua và xuất bán về các tỉnh, thành lớn trong nước từ 7-8 tấn xoài Đài Loan, nhưng gần nửa tháng nay không xuất được chuyến nào. Hiện còn gần 30 tấn xoài Đài Loan đã đặt cọc nhà vườn, nhưng do dịch bệnh chưa thể thu hoạch được.

Nhiều mặt hàng trái cây ở ĐBSCL đang gặp khó do vận chuyển dẫn tới giá giảm mạnh.

 

Ông Hậu cho biết thêm, tình hình dịch bệnh khiến xoài vận chuyển ra Hà Nội không bán được. Giá xoài từ mười mấy ngàn đồng/kg, giờ còn có 2.000 đồng/kg. Xoài còn trong vườn nhưng do rẻ quá nên các nhà vườn không bán, bỏ luôn cho chín rồi cho cá ăn vì thu hái sẽ lỗ tiền công.

Tỉnh Hậu Giang có hơn 41.500 ha trồng cây ăn trái, với sản lượng thu hoạch hàng năm hơn 300.000 tấn trái. Chỉ tính riêng ở huyện Phụng Hiệp trong tổng số gần 9.500 ha cây ăn trái thì có khoảng 450ha cho thu hoạch từ đầu tháng 6 đến nay, với tổng sản lượng ước hơn 1.850 tấn, chủ yếu là mít Thái, mãng cầu xiêm, chanh không hạt, xoài Đài Loan, cam sành và cam xoàn… Hầu hết những loại trái này đều giảm giá từ 30-50% so với thời điểm cách nay hơn 1 tháng.

VASEP kiến nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT

Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, trình bày những bất cập trong quy định về giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 cho các tài xế vận chuyển hàng hóa lưu thông qua các tỉnh ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh và ngược lại.

VASEP cho hay, theo phản ánh liên tục của các doanh nghiệp hội viên tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong việc thực hiện quy định của các tỉnh, thành cũng như của Bộ Giao thông vận tải về việc các tài xế vận chuyển hàng hóa phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực.

Việc này đang gây ùn tắc lớn tại lối vào nhiều tỉnh ở ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh nhất là với ngành hàng thủy sản (vận chuyển nguyên liệu tôm, cá, vận chuyển thành phẩm đông lạnh, thức ăn cho tôm cá…).

Thời gian quy định hiệu lực của giấy xét nghiệm này phụ thuộc vào từng địa phương, một số địa phương cho phép có hiệu lực trong vòng 7 ngày, một số địa phương quy định 3 ngày, đặc biệt tỉnh Bạc Liêu quy định giấy xét nghiệm chỉ có hiệu lực trong vòng 24 giờ.

Mới đây, VASEP có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đề xuất tháo gỡ cho khâu vận chuyển nông sản.

 

Việc không thống nhất giữa các địa phương đã gây ra nhiều khó khăn và ách tắc trong việc vận chuyển hàng hóa phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu khi mà tài xế, người vận chuyển có thể đến từ các tỉnh khác, thậm chí ở xa. Đặc biệt, tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang còn quy định (áp dụng từ ngày 8/7) việc test phải bằng phương pháp RT - PCR.

Nhiều trường hợp tài xế khi đến trạm kiểm soát thì giấy xét nghiệm đã hết hiệu lực và buộc phải quay về nơi cư trú để làm lại giấy xét nghiệm mới. Đây là bất cập rất lớn trong khâu kiểm soát và quy định thời gian hiệu lực của giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2…

VASEP đề xuất Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT có ý kiến đề xuất gấp với Thủ tướng Chính phủ để có các chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời. Cụ thể, thống nhất chỉ đạo, áp dụng đồng bộ giữa các bộ và các tỉnh, thành về thời gian cụ thể cho giấy xét nghiệm âm tính đối với SARS-CoV-2 có hiệu lực trong vòng 7 ngày.

Thống nhất việc áp dụng thực hiện test nhanh thay vì test RT - PCR trong kiểm soát người từ nơi khác tới, bao gồm cả tài xế; thực hiện test nhanh tại các điểm kiểm soát đối với các giấy xét nghiệm hết hiệu lực trong vòng 24 giờ nhằm giải quyết nhanh, tránh gây ách tắc giao thông và chất lượng của hàng hóa vận chuyển. Đưa nhóm tài xế xe vận chuyển hàng hóa vào danh sách ưu tiên được tiêm vaccine sớm nhất trong tháng 7/2021 ở tất cả các địa phương.

 

 

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…

  • Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.

  • Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Hiện tại, các chủ đầu tư gần như đang vượt qua chính mình khi phải cân bằng giữa các yếu tố đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, sản phẩm phải chinh phục được đối tượng khách hàng là người trẻ.

Top