Với đặc thù miền sông nước, nhiều kênh rạch, các tỉnh, thành ở ĐBSCL lo ngại sẽ gặp khó trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
9 địa phương ở ĐBSCL xuất hiện dịch
Mới đây, tỉnh Bạc Liêu đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Như vậy, Bạc Liêu là địa phương thứ 9 tại khu vực ĐBSCL có dịch sau các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long và TP. Cần Thơ.
Theo ông Trương Ngọc Trưng, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hậu Giang, do đặc thù của vùng sông nước cũng là nguyên nhân lây lan của dịch tả.
Còn theo ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Tháp, tỉnh này đang thực hiện nghiêm các văn bản của Trung ương và UBND tỉnh về phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Theo ông Ngoan, khó hiện nay của Đồng Tháp là không đủ lực lượng và thành phần tham gia tại các chốt chặn tạm thời. Ngoài các tuyến đường chính trên quốc lộ, tỉnh lộ… thì còn nhiều tuyến đường huyện lộ, đường nông thôn, ngõ ngách, bến đò, phà… nên khó có thể kiểm soát hết được việc vận chuyển động vật.
Trong khi đó, ngành nông nghiệp Hậu Giang đã kiến nghị Trung ương sớm có hướng dẫn việc giết mổ lợn trong, ngoài vùng có bệnh, để tỉnh tổ chức, quản lý tốt khâu vận chuyển, giết mổ đàn lợn trên địa bàn.
Tại tỉnh Cà Mau, với đặc thù vùng sông nước, giao thông đường thủy - bộ đan xen nhau, cùng với đó là việc thiếu lực lượng, phương tiện, phải huy động lực lượng các ngành khác không chuyên trách,… nên rất khó kiểm soát và có nguy cơ lây lan dịch cao.
Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch
Trước những diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi ở khu vực Đông và Tây Nam Bộ, mới đây, Bộ Nông nghiệp và PTNT có công văn gửi các tỉnh, thành phố trong khu vực yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng chống dịch.
Văn bản nói rõ, trong quá trình kiểm tra, rà soát quá trình phòng chống dịch tả lợn châu Phi ở khu vực Đông và Tây Nam Bộ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã rà soát và phát hiện một số tồn tại, bất cập trong công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi như: Phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, xen lẫn trong khu dân cư vẫn còn phổ biến; mật độ chăn nuôi cao, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch.
Trong khi đó, hầu hết các chủ hộ chăn nuôi chưa lường hết mức độ nguy hiểm của dịch bệnh nên chưa áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; thậm chí một số hộ vẫn sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt cho đàn lợn; các hộ chăn nuôi khi phát hiện lợn bệnh không kịp thời báo với chính quyền, ngành chức năng mà tự điều trị, vứt xác lợn ra ngoài môi trường.
Công tác chủ động giám sát, phát hiện, công bố và báo cáo dịch bệnh chưa kịp thời; chưa làm tốt công tác kiểm soát giết mổ, tình trạng giết mổ lậu vẫn diễn ra thường xuyên; công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng chưa đáp ứng yêu cầu, làm chưa thường xuyên và rộng khắp; việc tiêu hủy lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật...
Điều đáng lo ngại là, khu vực Đông và Tây Nam Bộ đang bước vào mùa mưa, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống sông ngòi dày đặc, giao thông đường bộ và đường thủy đan xen nên rất khó kiểm soát. Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, dịch tả lợn châu Phi có thể phát triển theo 3 hướng: Dịch bệnh dễ dàng phát tán, lây lan nhanh và lan tỏa đến các địa bàn chưa có dịch; tái phát các ổ dịch cũ qua 30 ngày; dịch bệnh xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung, quy mô lớn.
Bộ Nông nghiệp và PTNT yêu cầu các địa phương trong khu vực Đông và Tây Nam Bộ cần rà soát và hoàn chỉnh ngay các phương án phòng, chống dịch ở các cấp độ khác nhau, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm trước cấp ủy, chính quyền cấp trên về công tác phòng chống dịch.
Tổ chức giám sát, phát hiện sớm, xử lý sớm và kịp thời các ổ dịch; việc xử lý chôn lấp cần chú ý đến giảm thiểu tối đa các tác hại môi trường, đặc biệt là ở vùng ngập nước Tây Nam Bộ.
Tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học, khuyến cáo người dân không sử dụng thức ăn dư thừa cho lợn ăn. Các trang trại, hộ chăn nuôi lớn không được chủ quan; cần phải tăng cường các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn; rà soát, tăng cường bảo vệ đàn lợn giống cụ kỵ, ông bà, bố mẹ,... để sau khi dịch hết dịch có con giống chất lượng để tái đàn.
Tăng cường tần suất tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi và xung quanh, đường giao thông, khu vực công cộng trên địa bàn xã hàng ngày; hướng dẫn các hộ tần suất tiêu độc khử trùng chuồng trại và môi trường xung quanh.
Kiện toàn hệ thống thú y theo chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo yêu cầu công tác phòng chống dịch bệnh.
Các địa phương tiếp tục rà soát các tuyến đường có thể vận chuyển lợn vào địa bàn (đặc biệt lưu ý đường thủy) để thành lập các tổ kiểm tra lưu động, chốt kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm.
Nghiên cứu thành lập đội tiêu hủy lợn chuyên nghiệp với phương châm xử lý nhanh, chấp hành chặt chẽ việc vệ sinh tiêu độc, tránh phát tán mầm bệnh. Tiếp tục xây dựng các vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh và xây dựng các chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.