Dịch Covid-2019, khiến giá nhiều mặt hàng nguyên liệu ngành thủy sản ở ĐBSCL giảm sâu, kéo theo đó người dân thua lỗ, doanh nghiệp bị ép giá, không xuất khẩu được hàng. Mặc dù Chính phủ đã có chính sách tháo gỡ song khó khăn vẫn đang còn ở phía trước.
Giá cá tra giảm sâu
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sản phẩm cá tra lớn nhất của Việt Nam do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn tới bị sụt giảm đến nay vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Kéo theo đó, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL giảm sâu, còn người nuôi thì thua lỗ.
Ngày 31/3, giá cá tra nguyên liệu tại các địa phương như: Hậu Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ đang giảm mạnh. Tại tỉnh Đồng Tháp giá cá tra loại từ 700-800 g/con chỉ còn 18.000 - 19.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Tấn Phong, Giám đốc HTX Nuôi thủy sản Đại Thắng (thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang), sau Tết nguyên đán đến nay giá cá tra chỉ còn 17.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất lên đến 21.000 - 22.000 đồng/kg, do vậy người nuôi đang lỗ.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PT TP. Cần Thơ, cho biết, trong quý I, địa phương có 480 ha nuôi cá tra, đã thu hoạch 100 ha, sản lượng 31.000 tấn nhưng giá bán chỉ 17.000 - 18.500 đồng/kg nên người nuôi hết sức khó khăn.
Cũng theo ông Hè, chỉ một số hộ nuôi có lợi nhuận khá nhờ gia công cho doanh nghiệp hoặc có liên kết với doanh nghiệp. Những hộ nuôi có lời chỉ chiếm 1/4 tổng số hộ nuôi trên địa bàn, còn lại đều thua lỗ.
Giá tôm làm khó người nuôi
Không chỉ có giá cá tra, những ngày gần đây, giá tôm nguyên liệu, nhất là tôm sú tại ĐBSCL cũng biến động rất mạnh, làm hàng trăm ngàn hộ dân nuôi tôm gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp cũng đang gặp khó vì không xuất khẩu được trong khi hàng tồn kho ngày càng nhiều.
Tôm sú giảm từ 40.000 - 70.000 đồng/kg tùy từng loại.
Theo người nuôi tôm ven biển các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… chưa bao giờ trong thời gian ngắn mà giá tôm sú giảm mạnh như hiện nay. Chỉ hơn một tuần, giá tôm giảm khoảng 70.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.
Theo thống kê, trong tuần thứ 3 (trong tháng 3-2020), tôm sú loại 20 con/kg giá bán từ 170.000 - 200.000 đồng/kg (giảm 60.000 đồng/kg so với tuần trước); tôm sú loại 30 con/kg giá 130.000 - 170.000 đồng/kg (giảm khoảng 70.000 đồng/kg); tôm sú loại 40 con/kg có giá khoảng 90.000 - 130.000 đồng/kg (giảm 40.000 đồng/kg).
Riêng loại tôm thẻ chân trắng giảm nhẹ hơn, với loại 100 con/kg nuôi ao phủ bạt giá từ 72.000 - 78.000 đồng (giảm 20.000 đồng/kg), nuôi ao đất giá giá từ 65.000 - 75.000 đồng/kg (giảm 16.000 đồng/kg).
Theo bà Phạm Thị Loan (xã An Trạch A, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu), mới đây bà bán 30 kg tôm sú loại 30-40 con/kg chỉ được gần 3,8 triệu đồng. Trong khi trước đó bà bán có 28 kg được hơn 4,5 triệu đồng.
Còn theo ông Trần Văn Việt (xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), với tôm thẻ chân trắng nuôi ao đất giá tôm từ 80.000 đồng/kg (loại 100 con) trở lên người nuôi mới có lời. Với giá tôm như hiện nay, dân nuôi đang lỗ.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động thu mua, chế biến, xuất khẩu tôm của các doanh nghiệp và tình hình nuôi tôm trên địa bàn. Một số doanh nghiệp, thương lái ngừng mua hoặc mua hạn chế với giá thấp, làm cho giá tôm giảm bất thường. Còn người nuôi tôm hoang mang, lo không bán được tôm trong thời gian tới, không xác định được giá tôm trên thị trường, nên một số người dân đã bán tôm khi chưa đến lứa thu hoạch với giá rất thấp.
Xuất khẩu giảm
Theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm tại ĐBSCL, dù các cửa khẩu giao thương với Trung Quốc đã thông quan trở lại nhưng lượng hàng chỉ nhỏ giọt, khi hàng vào nội địa cũng bị hạn chế việc di chuyển, mặt hàng tôm tiêu thụ được rất ít.
Dịch Covid - 2019, làm nhiều doanh nghiệp gặp khó trong chế biến, xuất khẩu, lưu kho (ảnh: TTXVN).
Còn thị trường EU, do diễn biến dịch Covid-19, hiện các đơn hàng nhập khẩu tôm đã ký hầu hết đều bị tạm hoãn ít nhất đến hết tháng 4/2020 và không ký đơn hàng mới. Thị trường Mỹ hiện chưa biến động nhiều, vẫn còn duy trì nhập tôm Việt Nam nhưng cũng bắt đầu có dấu hiệu chững lại, các thị trường còn lại đều khó do dịch bệnh.
Ước tính xuất khẩu thủy sản trong tháng 3 giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 549 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu sang những thị trường lớn bị ảnh hưởng dịch bệnh đều giảm mạnh. Xuất khẩu sang EU giảm sâu nhất (40%), sang Trung Quốc giảm 25%, Hàn Quốc giảm 24%, Nhật Bản giảm 19%.
Xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm ít hơn các thị trường khác (8,6%) nhờ sản phẩm thủy sản của Việt Nam vẫn giữ được thị phần tại phân khúc bán lẻ. Nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Mỹ nói chung giảm nhưng nhu cầu các sản phẩm tươi, sống, đóng hộp vẫn tăng. Trong tuần đầu tháng 3, doanh số bán lẻ thủy sản đóng hộp tại Mỹ tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến hết tháng 3/2020, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt trên 1,5 tỷ USD, giảm 14% so với quý I/2019. Trong đó, xuất khẩu cá tra giảm mạnh nhất (31%), chủ yếu do giảm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc từ 2 tháng đầu năm nay. Xuất khẩu tôm giảm nhẹ 4,3%, trong khi xuất khẩu các mặt hàng hải sản giảm sâu như: cá ngừ giảm 13,5%; mực, bạch tuộc giảm 28%...
Nhiều nguyên nhân
Nguyên nhân chính được khách hàng đưa ra là do Chính phủ các nước đóng cửa biên giới vì dịch Covid-19. Khách hàng không bán được hàng nên không nhập hàng tiếp, các cửa hàng dịch vụ thực phẩm cũng ngừng hoạt động. Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ gần như không có các đơn hàng mới trong quý II, quý III-2020, một số doanh nghiệp khác có được đơn hàng mới nhưng không nhiều.
Hầu hết các doanh nghiệp thủy sản ở cả ba nhóm hàng (tôm, cá tra, hải sản khai thác) đều gặp khó khăn trong vấn đề tài chính vì doanh nghiệp thu hồi tiền hàng từ khách hàng chậm và rất chậm trong khi doanh thu xuất khẩu giảm mạnh. Vì vậy, doanh nghiệp không xoay vòng được vốn, không có tiền trả các khoản vay lãi suất cao của ngân hàng.
Đối với thị trường Trung Quốc, phản ánh của một số doanh nghiệp thủy sản cho biết, hiện Trung Quốc đã có nhu cầu nhập khẩu trở lại nhưng đơn đặt hàng không nhiều. Hơn nữa, khách hàng Trung Quốc muốn ép giá mặc dù giá chào bán sản phẩm đã thấp hơn so với trước dịch. Ngoài ra, sau khi dịch Covid-19 bớt căng thẳng tại Trung Quốc, các doanh nghiệp nước này có nhu cầu nhập khẩu nhưng khó tiếp cận các nguồn tài chính để vay vốn.
Các thị trường có tỷ lệ khách hàng yêu cầu hoãn giao hàng hoặc hủy đơn hàng tập trung chủ yếu tại châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc. Tiêu thụ chậm khiến việc thanh toán cũng bị trì hoãn ảnh hưởng đến việc quay vòng vốn của doanh nghiệp.
Hiện nay, giá tôm, cá tra nguyên liệu đều giảm vì người nuôi sợ rớt giá thu hoạch sớm, một số doanh nghiệp tạm ngừng mua nguyên liệu vì đơn hàng giảm (bị hoãn, hủy, không có đơn hàng mới), kho lạnh để trữ hàng bị đầy và thiếu. Tình trạng này có thể dẫn đến thiếu nguyên liệu vào cuối năm, khi dịch bệnh hết, nhu cầu tăng lại, nếu người nuôi hạn chế hoặc bỏ ao vì không trụ được ở giai đoạn này.
Đề xuất nhiều hướng gỡ khó
Trước khó khăn trên ngày 24/3/2020, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi Công văn tới Bộ trưởng Bộ NN&PTNT báo cáo về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam và đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với Bộ nhằm giúp doanh nghiệp thủy sản tháo gỡ các vướng mắc, bất cập để kịp thời ổn định hoạt động kinh doanh xuất khẩu.
VASEP kiến nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT báo cáo hoặc có ý kiến đề nghị với Chính phủ tháo gỡ khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đang gặp phải.
Cụ thể, Chính phủ xem xét đề nghị Tổng LĐLĐ miễn nộp kinh phí Công đoàn (2% quỹ lương) trong năm 2020, và tạm dừng việc đóng BHXH đến cuối năm 2020, không tính lãi nộp chậm; Xem xét giảm 50% thuế TNDN năm 2020; Xem xét giảm giá điện cho các nhà máy sản xuất, kho lạnh trữ hàng và cho phép gia hạn thời gian thanh toán tiền điện.
Tạm ngưng thu phí BOT đến hết 2020 để giảm chi phí vận chuyển; Giảm tần suất và số lượng các cuộc thanh tra - kiểm tra thường xuyên và đột xuất nhằm giảm áp lực về thời gian và nhân lực cho các doanh nghiệp thủy sản.
Chỉ đạo các Ngân hàng Cổ phần nhà nước, Ngân hàng Thương mại có gói hỗ trợ cho vay lãi suất thấp cho các doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các Doanh nghiệp có thể tiếp cận với gói vay lãi suất ưu đãi này.
Đề nghị các ngân hàng cho gia hạn nợ, không chuyển thành nợ xấu, không phạt nợ quá hạn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục sản xuất. Đề xuất các Ngân hàng giảm các loại phí khi doanh nghiệp giao dịch với Ngân hàng và tạo điều kiện cho Doanh nghiệp tiếp cận được gói vay lãi suất ưu đãi.
Đề xuất Chính phủ ban hành chính sách khuyến khích xuất khẩu cho bối cảnh 2020-2021, giảm thiểu các thủ tục hành chính.
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu đáp ứng cho sản xuất xuất khâu của các doanh nghiệp sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, kiến nghị Chính phủ và Bộ NN&PTNT có kế hoạch và quy hoạch về vùng nuôi nguyên liệu tôm, cá tra; hỗ trợ cho người nuôi để khuyến khích người nuôi tiếp tục thả giống mới trong thời gian này; sửa đổi và cải cách các quy định kiểm soát nhập khẩu hàng thủy sản cho mục đích sản xuất xuất khâu và gia công xuất khẩu.
Giải pháp tháo gỡ cho danh nghiệp
Thấy những thiệt hại mà các doanh nghiệp đang gặp phải khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Thủ tướng Chính phủ đã lập tức ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg với các giải pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Theo Chỉ thị 11, việc tháo gỡ khó khăn cho tiếp cận về vốn, tín dụng là giải pháp đầu tiên được Chính phủ đề cập tới. Trước mắt là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng sẽ được các ngân hàng tung ra cho khách hàng vay mới với lãi suất ưu đãi giảm từ 0,5%-1,5%/năm. Những doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được xem xét cho vay mới từ gói tín dụng này nhằm khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đáng chú ý hơn, Ngân hàng Nhà nước mới đây cũng đã có động thái mạnh mẽ trong việc giảm hàng loạt lãi suất điều hành, trong đó lãi suất trần cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam tại các ngân hàng giảm chỉ còn 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm còn 5%/năm và tái chiếu khấu chỉ còn 3,5%/năm…
Hay việc gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp; Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất và nhiều hỗ trợ khác cũng được Chính phủ đề cập trong Chỉ thị.
Mới đây, nhiều ngân hàng đã có những gói tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó. Điển hình như: Agribank triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19.
Chương trình được áp dụng cho các khoản vay giải ngân từ ngày 01/4/2020 đến thời điểm sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19 hoặc đến khi giải ngân hết gói tín dụng 100.000 tỷ đồng.
Khách hàng là đối tượng của chương trình sẽ được áp dụng lãi suất thấp hơn 1% (đối với khoản vay bằng Đồng Việt Nam) và thấp hơn 0,5% (đối với khoản vay bằng ngoại tệ) so với lãi suất cho vay cùng loại.
Có thể nó, trong lúc dịch covid - 2019, đang có diễn biến phức tạp không chỉ sản xuất, chế biến, xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL gặp khó mà còn nhiều ngành nghề khác cũng chịu cảnh tương tự. Bên cạnh những chính sách tháo gỡ khó khăn của Chính phủ thiết nghĩ mỗi doanh nghiệp, người dân lao động cần tự mình có những giải pháp thích ứng, ứng phó để cùng vượt qua khó khăn lúc dịch bệnh.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.