Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 4 tháng 11 năm 2021 | 11:6

Giá rau xanh tăng cao, đâu là nguyên nhân?

Giá rau xanh tại các chợ dân sinh ở Hà Nội trong thời gian qua tăng “chóng mặt” khiến người tiêu dùng “giật mình”. Đâu là nguyên nhân khiến giá rau “nhảy vọt”?

Làm sao để người dân vừa thích ứng với dịch bệnh trong điều kiện bình thường mới, vừa thích ứng với sự thay đổi của khí hậu?

Người trồng rau “đánh cược với ông Trời”

Sau những ngày Hà Nội mưa gió liên tục, giá rau xanh ở các chợ dân sinh tăng “chóng mặt”, nhiều chị em nội trợ cứ mỗi buổi sáng xách làn đi chợ đều “lắc đầu, rụt cổ” không dám mua rau xanh một cách thoải mái như trước.

Chúng tôi về một số vùng chuyên cung cấp rau xanh cho Hà Nội để tìm lý do khiến giá rau xanh tăng?

Chị Nguyễn Thị Liên (xóm 3, xã Vân Nội) chia sẻ: Nghề nông đã cực nhưng nghề trồng rau thì còn cực hơn nhiều. Mỗi khi vào vụ, tôi thường xuyên phải dậy từ 2 giờ sáng để ra đồng nhổ rau kịp bán cho thương lái đến thu mua, mang đi giao ở các chợ đầu mối hoặc các trung tâm, siêu thị, đơn vị có bếp ăn tập thể trong thành phố. Ngoài trồng rau xanh, gia đình còn cung cấp rau giống cho bà con trong vùng.

Khi được hỏi về nguyên nhân giá rau xanh tăng cao trong những ngày vừa qua, chị Liên nói: “Do Hà Nội vừa qua mưa liên tục, rau xanh gieo trồng trong thời điểm đó đều bị ngập úng, nên phải nhổ bỏ. Vì thế rau xanh không đủ để cung cấp cho thị trường, dẫn đến khan hiếm và giá tăng là điều đương nhiên. Người trồng rau  vẫn đang phải “đánh cược với ông Trời” để mưu sinh”.

 

1-1.JPG
Gia đình chị Liên ở Vân Nội đang thu hoạch rau giống bán.

 

Ông Vũ Anh Liên, chủ trang trại rau sạch Vân Nội (xóm Đầm, Vân Nội) cho biết: “Mưa nhiều ngày khiến diện tích trồng rau xanh của chúng tôi ngập toàn bộ. Rau bị thối rất nhiều, bắt buộc chúng tôi phải tăng giá số rau còn lại để thu hồi vốn, với mức tăng giá khoảng 50 - 100%”.

Đại diện HTX rau Tiền Lệ (huyện Hoài Đức) thì cho hay: Mưa nhiều ngày, cùng thời tiết lạnh đột ngột khiến 100% rau ăn lá bị ảnh hưởng. Sản lượng rau của HTX sụt giảm 50%, trong đó, ảnh hưởng nặng nhất là các loại rau cải: cải ngồng, cải mơ… Một số loại rau vụ hè thu sắp hết mùa như rau muống, mùng tơi, rau dền cũng giảm sản lượng, trong khi các loại rau vụ đông mới bắt đầu gieo trồng, chưa kịp lớn.

Còn ông Đàm Văn Đua (Giám đốc HTX Đông Cao) cho biết, mấy ngày qua, Hà Nội bị ảnh hưởng bởi không khí lạnh và áp thấp nhiệt đới, mưa liên tục làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và thu hoạch rau. Thời điểm này cũng là thời điểm rau vụ đông chưa đến thời kỳ thu hoạch, chỉ có những hộ gieo trồng rau vụ đông sớm mới có rau xanh, nhưng gặp phải thời tiết bất lợi nên rau bị hỏng và nguồn cung cấp rau xanh cho thị trường thiếu trầm trọng, do đó giá rau xanh tăng đột biến.

Hiện nay, rau vụ đông tại các huyện ngoại thành Hà Nội đang chuẩn bị vào thời kỳ thu hoạch. "Rau vụ đông sắp thu hoạch rộ, giá rau xanh sẽ giảm rất mạnh trong khoảng 10-15 ngày tới", ông Nguyễn Văn Bảy, người trồng rau tại Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm), chia sẻ

Có thể thấy, hầu hết các vùng canh tác rau xanh cung cấp cho thị trường Hà Nội hiện nay vẫn được bà con trồng theo phương pháp truyền thống, việc canh tác đều chịu sự tác động của thời tiết, do đó, nếu thiên nhiên không thuận lợi thì nông dân sẽ cầm chắc thua lỗ và thị trường sẽ khan hiếm rau xanh, dẫn đến giá rau tăng đột biến.

Nguồn cung chỉ đạt 65%

Một nguyên nhân làm cho  rau xanh tăng giá là diện tích trồng rau xanh của Hà Nội để cung cấp cho thị trường mới đạt 30 - 65%, trong khi các địa phương lân cận cũng bị ảnh hưởng nặng do dịch Covid-19, nhất là việc thực hiện giãn cách xã hội. Do đó, nông dân các địa phương này cũng không gieo trồng nhiều rau, dẫn đến thiếu hụt.

Anh Hoàng Văn Tuyên, ở xóm Chùa (xã Tiền Phong, huyện Mê Linh), người chuyên kinh doanh rau giống cho biết, thời gian qua, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, người dân trồng rau đến thời điểm thu hoạch lại không được phép mang rau đi tiêu thụ, do đó, bà con không gieo trồng nhiều nên rau xanh bị thiếu.

 

2.JPG
Anh Hoàng Văn Tuyên một người kinh doanh rau giống ở Mê Linh.

 

Tại Chương trình liên kết nông sản Hà Nội với 40 tỉnh, thành phố, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, tự thân thành phố mới chỉ sản xuất được 30 - 65% nhu cầu nông sản.  “Các địa phương cần tiếp tục rà soát sản phẩm đặc sản có thế mạnh của vùng miền để gắn kết những tiêu chí, tiêu chuẩn về chất lượng, số lượng với thị trường, phù hợp với nhu cầu thị hiếu, cân đối cung cầu trên thị trường”, bà Lan đề nghị.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, việc thời tiết ảnh hưởng đến giá cả nông sản, gây khan hàng cục bộ thường xuyên xảy ra, đặc biệt với mặt hàng rau củ. Tuy nhiên, nhiều năm nay, Hà Nội vẫn chưa có phương án bổ sung nông sản từ các tỉnh thành nên người tiêu dùng thi thoảng lại bị "ngã ngửa" với giá cả.

Để giải quyết được vấn đề thiếu rau xanh trong những thời điểm giáp vụ và không chịu ảnh hưởng nhiều đến sự chi phối của thời tiết, bảo đảm nguồn cung rau xanh cho thị trường Hà Nội, Giám đốc Công ty cổ phần rau an toàn Hải Anh Nguyễn Thế Hanh (Đông Anh) cho biết, cần phải ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, nhân rộng mô hình trồng rau trong nhà màng.

“Trong những ngày Hà Nội liên tục có mưa lớn, do được đầu tư trồng trong nhà màng, nên rau sạch của chúng tôi không bị ảnh hưởng, sản phẩm thu hoạch được tiêu thụ ngay. Giá rau xanh tăng do thời tiết chỉ là một nguyên nhân, mà cung không đủ cầu cũng góp phần tăng giá”, ông Hanh nói.

 

3.jpg
Rau trồng trong nhà màng của Công ty cổ phần rau an toàn Hải Anh không bị ảnh hưởng mặc dù mưa liên tục nhiều ngày.

 

Từ thực tế giá rau xanh tăng “chóng mặt” vừa qua chúng ta có thể nhận thấy, không những phải thích ứng với dịch bệnh trong điều kiện bình thường mới, mà thích ứng với sự thay đổi của thời tiết là rất quan trọng. Điều này đặt ra cho nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân phải có những thay đổi phù hợp, để trong mọi tình huống thời tiết, thiên tai, sản xuất nông nghiệp vẫn diễn ra  bình thường. Có như vậy, chúng ta sẽ không còn thấy cảnh giá cả liên tục biến thiên, người tiêu dùng không còn phải “giật mình” khi đi chợ mua sắm thực phẩm.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top