Giá tăng
Tại diễn đàn kết nối cung cầu vật tư đầu vào, thúc đẩy sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022 các tỉnh Nam Bộ diễn ra sáng 13/11, ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, vụ Đông Xuân là vụ lúa hết sức quan trọng, là vụ lúa cho năng suất cao nhất với giá thành sản xuất thấp nhất.
Tuy nhiên, ông Tùng nói: "Đó là nói theo hàng năm, còn năm nay có điều đặc biệt là giá vật tư lên rất cao, nên mới có diễn đàn hôm nay".
Vụ Đông Xuân 2021-2022, toàn vùng Nam Bộ xuống giống gần 1,6 triệu ha (hiện đã xuống giống hơn 300.000ha); năng suất ước đạt 71,89 tạ/ha (tăng 0,23 tạ/ha); sản lượng ước đạt hơn 11,4 triệu tấn (tăng hơn 50.000 tấn).
Trong đó, vùng ĐBSCL có hơn 1,52 triệu ha; năng suất 72,5 tạ/ha (tăng 0,21 tạ/ha) và sản lượng hơn 11 triệu tấn (giảm hơn 26.000 tấn).
Với diện tích trên, vùng ĐBSCL cần 153.000 tấn lúa giống. Trong đó, nhiều nhất là tỉnh Kiên Giang (28.500 tấn), kế đến là An Giang (23.000 tấn), Long An (22.800 tấn), Đồng Tháp (19.800 tấn), Sóc Trăng (17.300 tấn)…
Về nhu cầu phân bón cho vụ lúa này, vùng ĐBSCL cần hơn 920.000 tấn phân bón đơn (URE 297.000 tấn, phân lân Văn Điển 552.000 tấn, phân KCL 77.000 tấn) và hơn 460.000 tấn phân bón hỗn hợp (URE 185.000 tấn, DAP 198.000 tấn, KCL 77.000 ngàn tấn).
Theo ông Trương Kiến Thọ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang, giá vật tư, phân bón đang là rào cản rất lớn cho nông dân ĐBSCL, cần phải có những mô hình, hướng dẫn, khuyến cáo để giảm chi phí sản xuất.
Ông Thọ cũng kiến nghị, cần có chính sách về vốn tín chấp cho hợp tác xã (HTX) để họ nhận được vật tư nông nghiệp từ doanh nghiệp, nhà máy, không phải qua khâu trung gian để giảm bớt chi phí. Bên cạnh đó, doanh nghiệp (DN) cũng cần vốn đầu tư cơ sở, kho chứa… để đủ khả năng thu mua hết lúa cho nông dân…
Nhu cầu giống lớn nhưng chưa được chia sẻ bản quyền
Ông Lê Hữu Toàn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang cho hay, tỉnh có nhu cầu giống rất lớn, trong đó giống chất lượng cao chiếm hơn 93%. Tuy nhiên, nguồn giống chính quy do trung tâm giống đáp ứng rất hạn chế, còn lại là bà con phải trao đổi trong cộng đồng, ngành sẽ tổ chức khảo sát xem bà con trong tỉnh có đủ giống chưa.
Theo ông Toàn, những giống lúa đóng bao bì không có nhãn mác cung ứng giữa các cơ sở, đại lý, nông dân với hình thức giao tận nhà, rất khó quản lý. “Ví dụ như hợp đồng giữa các cơ sở với HTX chỉ ghi là mua bán lúa, không nói bán lúa giống, đóng bao trắng rồi để đó, chuyện này rất khó quản lý” – ông Toàn dẫn chứng và cho biết việc này có nguyên nhân do địa phương có nhu cầu lớn về lúa giống nhưng gặp trở ngại trong việc chia sẻ bản quyền.
"Không chia sẻ bản quyền, lại còn nâng giá lúa giống lên cao, như trước đây giống OM5451, OM18 sản xuất ra bán 13.000 đồng/kg, hiện nay lên hơn 15.000 đồng, có nơi 15.800 đồng. Điều này làm chi phí vật tư đầu vào của bà con tăng.
Rất mong các DN đang giữ bản quyền giống có thể chia sẻ bản quyền với giá thỏa thuận, tạo điều kiện cho các trung tâm, HTX tiếp cận được giống. Sở Nông nghiệp Kiên Giang khẳng định sẽ làm trung gian đảm bảo các trung tâm, HTX phải nộp bản quyền và nộp đúng số lượng các đơn vị này bán ra…”, ông Toàn nói.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, kết quả từ mô hình áp dụng lượng giống gieo sạ từ 80-100kg/ha cho thấy hiệu quả khá rõ rệt, chi phí giảm bình quân 3,5 triệu đồng/ha (18%), trong đó giảm chi phí về giống bình quân 1,1 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn 5,6 triệu đồng/ha (40%). Kết quả chuyển giao đã góp phần làm tăng diện tích lúa áp dụng giảm lượng giống gieo sạ, diện tích gieo sạ dưới 100kg/ha tăng 29%, số diện tích gieo sạ trên 150kg/ha chỉ còn 24,1% so với năm 2016… |
Theo tienphong.vn