Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 5 năm 2021 | 14:48

Giải cơn khát vốn

Theo Đoàn công tác NHCSXH do Ủy viên HĐQT - Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng dẫn đầu, chúng tôi về miền đất thiếu mưa, thừa nắng gió khô hạn nhất cả nước - Bình Thuận.

Giữa cái nắng chang chang của miền đất cực Nam Trung Bộ, lại càng thấy hiệu ứng rõ nét của nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội bền bỉ chảy đều ở nơi này 18 năm qua.

 

t10.jpg
Tổng Giám đốc kiểm tra các thông tin hộ vay, các chính sách tín dụng… được niêm yết tại Điểm giao dịch xã Ngũ Phụng, huyện Phú Quý.
 

Mức vay nhỏ song vừa đủ làm dịu đi cơn khát vốn của những đối tượng yếu thế nhất nhưng cần cù chịu khó và giàu nghị lực. Đây là cơ sở giúp họ kiến tạo, nhân rộng nhiều sinh kế mới thoát nghèo bền vững, gia tăng thu nhập và chất lượng sống hòa nhịp cùng công cuộc phát triển kinh tế địa phương.

Hóa giải khó khăn

Vượt qua 3 giờ đồng hồ của hơn 56 hải lý, từ bờ biển thành phố Phan Thiết, theo hướng Đông - Đông Nam, chúng tôi đến đảo tiền tiêu Phú Quý. Đúng như tên gọi, vùng đất này không chỉ được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh đẹp, cùng sự trù phú của các sản vật biển, những lợi thế phát triển kinh tế biển riêng có. Mà hơn thế, đường thủy phát triển đã mang hơi thở kinh tế hàng hóa gieo lên mảnh đất này.

Từ huyện đảo đã có thời gian dài kinh tế tự cung tự cấp, Phú Quý đang dần thay da đổi thịt. Đói nghèo đã lùi dần về quá khứ. Nhiều túp lều mái lá đã nhường chỗ cho những ngôi nhà mới khang trang, sạch đẹp. 100% số xã có đường ôtô đến trung tâm huyện, đường trục xã, liên xã được thảm nhựa và bê tông hóa. Dọc con đường chính của huyện đảo dài hơn 14km đầy kín những khách sạn khang trang, bề thế, chào đón du khách trong và ngoài nước.

Người dân huyện đảo vốn trước kia đa phần đi biển hoặc buôn bán nhỏ, nay đã có nhiều thêm cơ hội phát triển kinh tế, gia tăng thu nhập khi tham gia vào chuỗi giá trị liên kết trong đánh bắt, nuôi trồng hải sản; ưu tiên phát triển du lịch trở thành ngành mũi nhọn, chuyển đổi các dịch vụ liên quan đến hậu cần nghề cá hay kinh doanh dịch vụ du lịch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi cho giá trị gia tăng cao như măng tây, trồng rau sạch, nuôi nhím, dông, chim câu…

Trong dòng chảy đó, cái khó nhất của người nghèo và các đối tượng chính sách 18 năm qua  dần được hóa giải bằng các chương trình tín dụng ngày càng đa dạng hóa và hạn mức vay sát với nhu cầu thực tế đã giúp nhiều người dân thoát nghèo bền vững, thậm chí làm giàu. Nhờ vay vốn ưu đãi mà nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống, nhận thức tốt hơn về cách thức sử dụng vốn vay sao cho có hiệu quả, vươn lên làm giàu chính đáng.

Đáng chú ý hơn là kênh tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện cho nhiều em có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đi học, phấn đấu trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước. Phú Quý trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Bình Thuận và huyện đảo thứ hai của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới vào đầu năm 2016.

Theo ông Tạ Minh Nhựt , Phó bí thư Huyện ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Phú Quý, cộng hưởng hiệu quả từ tín dụng chính sách đã đưa thu nhập bình quân đầu người tại huyện năm 2020 đạt 50,542 triệu đồng, tăng 1,5 lần so với cuối năm 2015 - thời điểm Phú Quý hoàn thành các chỉ tiêu huyện nông thôn mới.

Rà soát cuối năm 2020, toàn huyện có 6.557 hộ dân với dân số trên 27 nghìn người, trong đó hộ nghèo chỉ còn chiếm 0,5%; hộ cận nghèo chiếm 2,14% tổng số hộ trên địa bàn. Dư nợ tín dụng chính sách xã hội thực hiện đến nay đạt hơn 136 tỷ đồng với 2.619 hộ còn dư nợ, trong đó dư nợ cho vay chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn là 60 tỷ đồng, chiếm 44,1% tổng dư nợ.

Trước đề xuất của các hộ vay, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội địa phương về việc quan tâm bổ sung thêm nguồn vốn Chương trình giải quyết việc làm và Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) để đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn trong việc mở rộng, đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh, cải thiện chất lượng cuộc sống, từng bước thoát nghèo bền vững, duy trì, giữ vững và nâng cao danh hiệu huyện nông thôn mới, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng đề nghị NHCSXH tỉnh Bình Thuận chủ động nắm bắt nhu cầu của hộ vay, xây dựng đề án các chương trình tín dụng chính sách giai đoạn 2021 - 2025, đề xuất Trung ương bố trí nguồn lực đủ để cho vay trong thời gian tới; trước mắt Trung ương sẽ bố trí 20 tỷ đồng cho huyện Phú Quý  thực hiện hiệu quả 2 chương trình này.

Lan tỏa phong trào giảm nghèo

Không chỉ có Phú Quý, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã lan tỏa rộng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, tạo nên những bước chuyển mạnh mẽ trong công cuộc giảm nghèo bền vững. Đặc biệt là sau khi triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, việc cấp ủy, chính quyền các cấp nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương đã thể hiện rõ bằng một kế hoạch hành động xuyên suốt từ cấp ủy, chính quyền tỉnh đến các cấp cơ sở.

Đồng thời phối hợp lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. UBND tỉnh, huyện, xã quan tâm hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động của NHCSXH như: cấp đất xây dựng trụ sở làm việc tại Hội sở tỉnh và Phòng giao dịch cấp huyện, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho mọi hoạt động của NHCSXH, nhất là hoạt động của Tổ giao dịch tại Điểm giao dịch xã…; từ đó, hoạt động của NHCSXH ngày càng thuận lợi, hiệu quả, chất lượng hoạt động được nâng cao.

Tính đến ngày 31/3/2021, số dư vốn ủy thác từ ngân sách địa phương tại NHCSXH tỉnh Bình Thuận đạt 108,3 tỷ đồng, tăng 87,6 tỷ đồng, tăng gấp 4,2 lần trước khi có Chỉ thị số 40; trong đó, ngân sách tỉnh bổ sung 46 tỷ đồng và 10/10 huyện, thị xã, thành phố chuyển sang 31 tỷ đồng, trích từ thu lãi và nguồn kết dư từ quỹ dự phòng rủi ro tín dụng nhập bổ sung nguồn 10,6 tỷ đồng. Ngay từ những tháng đầu năm 2021, tỉnh Bình Thuận đã chuyển 15 tỷ đồng sang NHCSXH để ủy thác cho vay. “Với  tỉnh ngân sách còn khó khăn, điều này thể hiện sự quan tâm rất lớn của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tạo lập nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách tại địa phương”, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng ghi nhận.

Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 68 nghìn lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm và qua từng thời kỳ, trong đó giai đoạn 2016 - 2020 giảm từ 5,81% xuống còn 1,31%; góp phần hỗ trợ 65/93 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và huyện Phú Quý được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Hiện tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Bình Thận đạt trên 3.000 tỷ đồng với 100,9 nghìn hộ đang còn dư nợ, gấp 26,3 lần so với đầu năm 2003, với tốc độ tăng trưởng bình quân năm đạt 19,1%; trong đó, dư nợ cho vay hộ đồng bào DTTS đạt 388 tỷ đồng/11,1 nghìn hộ, chiếm 44,6% tổng số hộ DTTS. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của chi nhánh chỉ chiếm 0,44% tổng dư nợ cho thấy nguồn vốn đã được sử dụng và quay vòng hiệu quả.

NHCSXH tỉnh Bình Thuận đặt mục tiêu nguồn vốn và dư nợ tín dụng tăng trưởng bình quân hằng năm từ 10% trở lên; phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ vốn ngân sách tỉnh và huyện ủy thác sang NHCSXH (so với tổng nguồn vốn) ít nhất bằng mức bình quân chung của cả nước theo tinh thần chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Thông báo kết luận số 841-TB/VPTU ngày 27/9/2019 để đáp ứng nhu cầu vốn cho người nghèo và đối tượng chính sách.

 

 

Nhật Nam
Ý kiến bạn đọc
Top