Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 2 tháng 1 năm 2016 | 1:32

Gian nan sự học bản Tèn

Bản Tèn (xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ) nằm ở độ cao 1.200m so với mực nước biển - nơi được mệnh danh là xa nhất, cao nhất, khó khăn nhất tỉnh Thái Nguyên. Dù cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn nhưng nhờ sự miệt mài truyền lửa của các thầy, cô giáo, ý thức được tầm quan trọng của việc học chữ để thoát cái đói, cái nghèo nên hiện 100% học sinh của bản đến lớp đúng độ tuổi, không có trường hợp ngồi nhầm lớp.

Đường lên bản Tèn

Giao thông cách trở khiến cuộc sống của giáo viên và người dân bản Tèn gặp nhiều khó khăn.

Những ngày giá rét cuối năm 2015, chúng tôi có dịp lên bản Tèn cùng với đoàn công tác của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Đồng Hỷ. Trước lúc khởi hành, tôi được mấy anh trong đoàn “nắn gân”: “Đường lên bản Tèn khủng khiếp lắm, đường đang làm, lại mới mưa nên chắc chắn phải đi bộ mới lên được tới nơi. Lên là vậy, nhưng khi xuống mà gặp mưa nữa thì 100% phải ở nhờ nhà dân”.

Qua cầu treo Vân Khánh khoảng 3km, chúng tôi đến được với phân trường Mỏ Nước nằm chơ vơ trên đỉnh dốc. Cũng từ đây chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình “đi bộ” vì đường quá xấu. Trên đường đi đã có người phải bỏ lại đôi dép trong đất bùn đặc quánh.

Dọc đường lên bản, tôi được cán bộ Phòng GD&ĐT huyện Đồng Hỷ chia sẻ: “Các thầy, cô lên bản Tèn dạy chữ ai cũng ngã ít nhất một lần, nhiều trẻ con còn bật khóc khi gặp mưa. Nhiều cô giáo có con nhỏ ở dưới huyện lên dạy phải gửi lại con cuối tuần mới vội vã về. Có những cô sau buổi chiều đứng lớp là chấp nhận vượt đèo, vượt núi trong đêm để về với gia đình. Có hôm trời mưa tầm tã, đá lở, đường đất lầy lội không nhấc được chân, chỉ biết khóc và đợi có ai đi qua nhờ giúp”.

Học sinh lớp 1 tại Trường Tiểu học Văn Lăng, Phân hiệu bản Tèn.

Càng lên cao, dốc càng chênh vênh, đá núi khấp khểnh. Con đường một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, chỉ có những bụi lau, sậy, cỏ chanh, cỏ chít đang nghiêng mình trước những làn gió đông rít mạnh. Nhiều đoạn đường núi “dốc chạm đầu gối” nhiều con dốc “tức ngực”, trời mùa đông nhưng ai trong đoàn cũng ướt đẫm mồ hôi, đôi chân căng mỏi.

Những lúc thế này tôi mới ngấm hơn câu nói của bà Nguyễn Thị Kim Chi, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đồng Hỷ: “Chỉ những ai đặt chân lên với bản Tèn mới thực sự thấm cái vất vả, khó khăn của người dân và những thầy, cô giáo hàng ngày đang gắn bó với mảnh đất này”.

Bà Chi cho biết, tại điểm trường bản Tèn có rất nhiều cháu ở xã như: Ao Cước 30 em, Tằm Phàn 20 em, Đèo Rạch 10 em, Mỏ Nước 4 em... Ở đây, các em phải nắm cơm đi học, hàng ngày đi bộ 1,5 - 2 giờ đồng hồ mới đến được trường. Khó khăn là vậy nhưng điều mà các thầy cô cắm bản nơi đây làm được là luôn đảm bảo được sĩ số, không có học sinh bỏ học và không có học sinh ngồi nhầm lớp.

Còn nhiều khó khăn

Giờ ra chơi của các em học sinh bản Tèn.

Chúng tôi đến bản Tèn khi đã gần trưa nhưng mây vẫn còn bồng bềnh, vấn vít trên những đỉnh núi bao quanh bản. Trong niềm phấn khởi, tiếp chúng tôi ông Vương Văn Tình, Trưởng bản Tèn, tâm sự: “Bản có 113 hộ, 100% đồng bào là người Mông, lương thực chính của bà con vẫn là ngô. Nhưng bản Tèn bây giờ chỉ còn “giặc nghèo” chứ không còn “giặc dốt”. Hiện, chúng tôi đều cho con em đi học cái chữ cả rồi. Bản đã có em Vương Văn Chầu và em Lý Văn Dung đỗ đại học, dù gia đình đều khó khăn nhưng các em vẫn kiên trì bám trụ”.

Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là hiện nay 100% học sinh bản Tèn đều đến lớp đúng độ tuổi. Làm được điều này trước hết phải kể đến công lao của những người “gánh” chữ lên non, cùng với đó là nhận thức đúng đắn của các bậc làm cha, làm mẹ muốn con mình được học chữ để có cơ hội thoát nghèo.

Do nằm ở vị trí cao, thiếu nước nên mỗi năm người dân bản Tèn chỉ làm được một diện tích nhỏ lúa nước vào mùa mưa. Khó khăn lớn nhất của bà con là thiếu đường đi lại. Các loại hàng hóa vận chuyển lên bản chủ yếu bằng chính đôi vai của người dân. Bà con mong có một con đường để đi và ánh điện về với bản.

Chúng tôi ghé nhà văn hóa bản Tèn, nơi 51 cháu của trường mầm non (phân trường bản Tèn) học nhờ do trường đang xây dựng. Cô Trần Lan Hương cho hay, các em muốn đến lớp đúng giờ thường phải nắm cơm mang đi học và phải đi từ rất sớm, buổi trưa các cháu ở lại để chiều học tiếp nên kiểu gì cũng có em “lăn” ra ngủ. Vừa nói, cô đứng dạy, chạy đến bên em học sinh đang ngủ gật để đỡ em nằm xuống và vỗ về.

Mỗi khi mưa xuống, đường tới trường của học sinh bản Tèn lại ngập bùn đất.

Lớp học ở đây đặc biệt khác với miền xuôi, cô dạy các cháu học chữ phổ thông, còn các cô thì được các em bảo cách đọc tiếng Mông, ví như, “mù ché” (đi về); pừ (ngủ), ghì (số 8), plau (số 4)…”.

Bà Đinh Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng, cho hay: “Trường có 3 phân hiệu gồm: bản Tèn, Mỏ Nước và Liên Phương. Trong đó, phân hiệu bản Tèn cơ sở vật chất còn hạn chế bởi con đường lên bản đang thi công nên rất khó khăn cho việc chỉnh trang lại trường. Nhưng, bằng mọi cách chúng tôi sẽ khắc phục để có cơ sở tốt nhất cho các em học”.

Học để biết chữ, học để thoát nghèo, đó là nguyện vọng của các bậc làm cha, làm mẹ, sự nhiệt huyết của các thầy cô giáo mà trực tiếp là sự cố gắng không ngại khó để đi tìm con chữ của các em học sinh nơi đây. Ngày mai khi con đường lên bản Tèn hoàn thành, ánh sáng về đến bản, cộng với sự nhiệt huyết của các thấy cô cắm bản, sự nỗ lực của học sinh, tôi tin, bản Tèn sẽ không còn nghèo nữa.

Hoàng Văn

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top