Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 25 tháng 1 năm 2022 | 16:1

Giữ “sạch” nguồn cung nông sản và bình ổn giá

Giáp Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra sôi động, các địa phương đều ra sức siết chặt vấn đề chất lượng và bình ổn giá.

nguoi-dan-mua-thuc-pham-tai.jpg
Người dân mua thực phẩm tại một điểm bán hàng của Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín). 

 

Hà Nội: Giữ “sạch” nguồn cung nông sản

Từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sẽ tăng cao. Ngành Nông nghiệp Thủ đô đang tăng cường các giải pháp quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ sản xuất tới tiêu thụ; đánh giá, xếp loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm an toàn vệ sinh để bảo đảm nguồn cung “sạch” ra thị trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội, thành phố đang có 17.678 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư, sản phẩm nông nghiệp, trong đó 16.256 cơ sở được phân cấp cho xã, phường quản lý. Trong năm 2021, Chi cục đã kiểm tra 197 cơ sở sản xuất, phát hiện 48 cơ sở vi phạm (không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, nhân viên không đeo khẩu trang…) và xử phạt 823 triệu đồng. Thực tế đáng lo là tại các cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm đã được đánh giá, xếp loại, việc bố trí khu vực sản xuất thực phẩm chín và sống vẫn chưa ngăn nắp, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh...

Liên quan vấn đề này, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Khắc Diến thông tin: Năm 2021, Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra 76 cơ sở sản xuất nông nghiệp, xử phạt 27 cơ sở (kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm...) với số tiền hơn 500 triệu đồng; tịch thu và tiêu hủy 4.269kg thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ trị giá hơn 83 triệu đồng.

Phân trần về tình trạng này, bà Nguyễn Thị Thảo, quản lý cơ sở kinh doanh nông sản sạch Hai Sương (quận Hà Đông) cho biết: Cơ sở đã chia tách nơi để đồ chín và sống, nhưng do diện tích nhỏ hẹp nên việc sơ chế thực phẩm vẫn phải bố trí cùng khu vực để đồ sống...

Ở góc độ quản lý, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Số lượng cơ sở sản xuất, chế biến nông sản của Hà Nội rất lớn, nhưng manh mún, thậm chí hoạt động theo thời vụ, lại nằm rải rác ở các xã nên việc kiểm tra định kỳ còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, lực lượng chuyên môn trong lĩnh vực này còn quá ít so với chức năng, nhiệm vụ được giao. Mặt khác, công nghệ sản xuất, sơ chế, chế biến thực phẩm còn nhiều hạn chế, hạ tầng phục vụ chưa đáp ứng được yêu cầu… Đáng nói hơn là một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa có ý thức bảo vệ sức khỏe cộng đồng, vì lợi nhuận trước mắt mà quên mất đạo đức kinh doanh, có hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm…

Để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán và các tháng đầu năm khi mùa lễ hội diễn ra, theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Chữ, công ty đã liên kết với hơn 300 trang trại chăn nuôi lợn, gà, vịt và thực hiện giết mổ trên dây chuyền công nghệ châu Âu bảo đảm an toàn thực phẩm. Hơn 134 điểm bán thực phẩm sạch của công ty tại thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành phố đều được đầu tư trang thiết bị hiện đại, có khu riêng biệt bảo quản đồ sống, đồ chín, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Từ góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, để siết chặt việc sản xuất, kinh doanh nông sản, huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn tổ chức cho người dân tại địa bàn ký cam kết bảo đảm an toàn và tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm nội dung đã cam kết. Đồng thời, Thanh Oai tiếp tục mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu, triển khai mã QR để có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất những cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản đã xếp loại A, B, C để loại trừ những sự cố mất an toàn thực phẩm; với các cơ sở nhiều lần xếp loại C, kiên quyết xử lý theo quy định. Cùng với đó, sẽ mở các lớp tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho các chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh nông sản; phổ biến chính sách pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh công tác quản lý từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản đến vận chuyển, kinh doanh...

Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp, từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhu cầu tiêu thụ nông sản của người dân rất lớn, đặc biệt là ở thành phố Hà Nội. Do đó, Sở NN&PTNT Hà Nội cần hỗ trợ các địa phương tập trung sản xuất sản phẩm theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp Hà Nội cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nông sản từ các tỉnh, thành phố đưa về Thủ đô tiêu thụ - kiểm tra theo quy định, chỉ thanh tra đột xuất khi có bằng chứng, dấu hiệu vi phạm; đồng thời xử lý nghiêm khắc các vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Dự báo, trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, khả năng cung ứng một số nhóm hàng thiết yếu cần cho khoảng 10,33 triệu người sinh sống, làm việc, học tập tại Hà Nội ước tính khoảng 39.000 tỷ đồng.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào sản phẩm có nguy cơ cao; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép "Vừa phòng, chống dịch Covid-19 - vừa ổn định đời sống nhân dân, phục hồi, phát triển kinh tế trong tình hình mới".

 

Vĩnh Phúc: Không để bị động trước thị trường

Thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, việc quản lý, điều hành và bình ổn giá từ Trung ương đến các địa phương được quan tâm, chú trọng. Không để bị động trước những diễn biến của thị trường, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các ngành chức năng đề ra giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn giá thị trường, chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để nhân dân đón Xuân Nhâm Dần 2022 vui vẻ, an toàn, lành mạnh và tiết kiệm.

Nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo cụ thể, yêu cầu Sở Tài chính chủ động theo dõi diễn biến giá cả thị trường để kịp thời tham mưu UBND tỉnh điều hành phù hợp, giữ ổn định thị trường, giá cả, đảm bảo mục tiêu phát triển KT – XH và kiểm soát lạm phát trên địa bàn.

1_7.jpg
Cán bộ Đội QLTT số 1, Cục Quản lý thị trường Vĩnh Phúc kiểm tra các điểm bán hàng bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán 2022. 

 

Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo giá thị trường định kỳ, báo cáo đột xuất trong và sau Tết Nguyên đán. Tăng cường quản lý, điều hành ngân sách nhà nước (NSNN) dịp cuối năm đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả và tiết kiệm…

Thực hiện văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, đơn vị “chủ công” là ngành Công thương đã phối hợp tốt với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thường xuyên theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhiều biến động về giá trên địa bàn để chủ động phương án đảm bảo ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến.

Chủ động đề ra phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa; có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ người tiêu dùng.

Phối hợp tốt với các tổ chức tín dụng để hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp (DN) sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để kinh doanh.

Đơn vị cũng thường xuyên đôn đốc các DN triển khai chương trình kích cầu tiêu dùng, tạo điều kiện cho các DN tham gia chương trình bình ổn mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa với các phương thức bán hàng lưu động để cung ứng hàng hóa bình ổn đến những khu vực đông dân, KCN, các khu cách ly tập trung.

Cùng với đó, phối hợp với các sở, ngành theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, thời tiết để có cơ sở đánh giá năng lực cung ứng hàng thiết yếu; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho việc lưu thông hàng hóa, đảm bảo thông suốt kịp thời; thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về KCN theo phương thức phù hợp, thích ứng an toàn với dịch Covid – 19.

Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn các chợ dân sinh, các chợ đầu mối thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt để duy trì hoạt động nhằm đảm bảo cung ứng, trao đổi hàng hóa, nhất là mặt hàng lương thực, thực phẩm cho người dân.

Chủ động phối hợp với các tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, áp dụng phương thức trực tuyến, sàn đấu giá điện tử… để giới thiệu, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm đảm bảo an toàn, kết hợp với tạo nguồn hàng phục vụ Tết.

Sở Công thương cũng thường xuyên phối hợp với Cục Quản lý thị trường Vĩnh Phúc tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường đối với các lĩnh vực về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về ATTP, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn...

Theo lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Vĩnh Phúc, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã kiểm tra hơn 800 vụ, xử phạt gần 160 vụ với số tiền xử phạt và nộp ngân sách Nhà nước gần 2 tỷ đồng.

Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, đây cũng là dịp các đối tượng xấu hay lợi dụng trà trộn hàng kém chất lượng, hàng cấm, hàng giả để kiếm tiền bất chính.

Hiện nay, bên cạnh phương thức kinh doanh truyền thống, sự phát triển nhanh chóng của loại hình kinh doanh Online cũng khiến cho công tác quản lý, kiểm soát, đảm bảo bình ổn giá thị trường gặp nhiều khó khăn.

Mới đây, Đội QLTT số 1 phối hợp với Công an thành phố Vĩnh Yên kiểm tra một cơ sở kinh doanh hàng tạp hóa tại phường Liên Bảo đã phát hiện, thu giữ gần 200 cây thuốc lá nhập lậu, trị giá gần 70 triệu đồng.

Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ số thuốc lá trên đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Đối tượng buôn lậu khai nhận, toàn bộ số thuốc lá trên đều là hàng nhập lậu được đối tượng mua về bán kiếm lời.

Hiện, Công an thành phố Vĩnh Yên đã tạm giữ toàn bộ số thuốc lá trên để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Thời điểm này, để góp phần ổn định thị trường, ổn định SXKD, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, lực lượng QLTT đang nỗ lực phối hợp với ngành chức năng tăng cường kiểm tra, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại ở những địa bàn trọng điểm.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các DN, tổ chức, cá nhân ký cam kết tuân thủ pháp luật, không tiếp tay hay trực tiếp buôn lậu, gian lận thương mại.

Ngoài sự nỗ lực vào cuộc của chính quyền các cấp, ngành chức năng thì người dân cũng cần nêu cao cảnh giác, lựa chọn hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không tiếp tay cho hành vi buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

Khi phát hiện hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái, cần thông báo với cơ quan chức năng để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật.

Hưng Yên: Bình ổn giá, không để tăng "nóng" các mặt hàng thiết yếu

Giáp Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra sôi động. Nhằm bình ổn thị trường hàng hóa và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hưng Yên đã và đang đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 24 siêu thị, 104 chợ và hàng chục nghìn cơ sở kinh doanh, dịch vụ. Qua nắm bắt tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh cho thấy, hàng hóa chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 được cung ứng khá dồi dào, giá bán ổn định; nguồn cung và giá cả các mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 bảo đảm.

img_9968_result_20220125083753.jpg
Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hưng Yên) kiểm tra cửa hàng kinh doanh mặt hàng rượu, bia tại thành phố Hưng Yên.

 

Vào những ngày gần Tết Nguyên đán, nhu cầu của người dân tăng mạnh, đặc biệt là các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng, biếu, tặng như: Bia, rượu, bánh, kẹo, hoa quả, nước giải khát... nên lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường tương đối lớn.

Có mặt tại Siêu thị T-mart (thành phố Hưng Yên), siêu thị The City (Yên Mỹ), một số chợ trong tỉnh... không khí mua sắm của người dân khá nhộn nhịp, nhất là dịp cuối tuần. Chị Ngô Thị Cẩm Vân, Quản lý siêu thị T-mart (thành phố Hưng Yên) cho biết: Siêu thị hiện kinh doanh hàng nghìn sản phẩm. Càng cận Tết, sức mua của người tiêu dùng càng tăng cao, có thời điểm tăng gấp 3 - 5 lần so với ngày thường. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, tránh tình trạng khan hàng, siêu thị đã chủ động nhập hàng từ tháng 12.2021. 100% lượng hàng hóa siêu thị nhập bán đều có hóa đơn chứng từ, có nguồn gốc xuất xứ...

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, cùng với các lực lượng chức năng khác, lực lượng QLTT trên địa bàn tỉnh đã tích cực ra quân kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, triển khai từ ngày 10.12.2021 đến ngày 28.2.2022. Thực hiện kế hoạch cao điểm, từ ngày 15.12.2021 đến 15.1.2022, Cục QLTT Hưng Yên đã kiểm tra 69 vụ tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, xử lý 37 vụ vi phạm, trình UBND tỉnh ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1 vụ với tổng số tiền gần 212 triệu đồng. Điển hình như vụ việc: Ngày 14.12.2021, Đội QLTT số 5 (Cục QLTT Hưng Yên) phối hợp với Đội 3, phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) tiến hành kiểm tra đột xuất Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thiện Ngọc tại thôn Lôi Cầu, xã Việt Hòa (Khoái Châu). Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện công ty đang sản xuất, đóng chai các sản phẩm nước giặt và nước rửa chén ghi nhãn D-nee, Tauau, Fineline. Trên nhãn ghi chữ nước ngoài, mã vạch ghi đầu số 885..., nhãn phụ thể hiện hàng hóa được sản xuất tại Thái Lan. Kiểm tra trực tiếp tại khu vực đóng chai của công ty, lực lượng chức năng ghi nhận 1.279 can nước giặt ghi nhãn D-nee thành phẩm; 619 can nước giặt ghi nhãn Fineline thành phẩm; 6.384 can nước rửa chén ghi nhãn Tauau thành phẩm cùng một số máy móc, nguyên vật liệu dùng để sản xuất, đóng chai, tem nhãn, bao bì hàng hóa. Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thiện Ngọc có dấu hiệu sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa, máy móc, nguyên vật liệu, tem nhãn, bao bì hàng hóa nêu trên để tiến hành xác minh làm rõ. Đội QLTT số 5 đã bàn giao toàn bộ hồ sơ và tang vật vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mới đây, ngày 14/1, qua trao đổi thông tin phản ánh, Đội QLTT số 3 (Cục QLTT Hưng Yên) và Công an huyện Ân Thi phối hợp kiểm tra kho chứa hàng hóa của ông Phạm Xuân Hoàng, địa chỉ thôn Kim Lũ, xã Phù Ủng (Ân Thi), phát hiện 10.760 sản phẩm hàng hóa mang nhãn hiệu Dầu gội đầu phủ bạc Sin Hair và Dưỡng tóc serum Sin Hair được đóng trong 270 thùng hàng. Tại thời điểm kiểm tra, chủ kho hàng là ông Phạm Xuân Hoàng chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng hóa nêu trên. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên để tiến hành xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, lực lượng QLTT tỉnh tiếp tục rà soát, nắm công tác quản lý địa bàn, giữ ổn định thị trường, không để xảy ra điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá, buôn bán các mặt hàng giả, kém chất lượng. Phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các khu vực tập kết hàng hóa, chợ đầu mối, tuyến đường trọng điểm trên địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại./.

 

 

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
Top