Nếu các lực lượng chức năng không kiểm tra, bắt giữ những chiếc xe vận chuyển nội tạng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đang bốc mùi hôi, thối. Thì ngay trên chính mâm cơm của chúng ta số nội tạng này sẽ hiện diện, chỉ sau một vài công đoạn ngâm, tẩm hóa chất.
Nguy cơ mắc các bệnh nan y, sức khỏe và tính mạng chúng ta sẽ bị đe dọa là rất cao.
Nhiều vụ vận chuyển nội tạng hôi thối được bắt giữ
Trên tuyến đường Lạng Sơn – Bắc Giang, các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, bắt giữ những chiếc xe ô tô vận chuyển nội tạng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hôi thối về các tỉnh thành để tiêu thụ.
Mới đây nhất vào sáng 9/3, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 6 Cục QLTT Lạng Sơn phối hợp Đội QLTT số 5, Cục QLTT Bắc Giang và Đội 3 phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Lạng Sơn, Đội Tuần tra Kiểm soát Giao thông đường bộ cao tốc số 2 thuộc Phòng Hướng dẫn Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ - Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) tiến hành kiểm tra đối với 2 phương tiện vận tải có dấu hiệu chở hàng hóa vi phạm khi các xe này đang lưu thông theo hướng Lạng Sơn - Bắc Giang.
Kiểm tra 2 xe ôtô biển kiểm soát 89C- 172.44 và 98C- 153.96 lực lượng chức năng phát hiện: Trên cả 2 xe đều đang vận chuyển số lượng lớn hàng hóa là nầm lợn cấp đông đã có dấu hiệu hỏng mốc, tổng trọng lượng lên đến 3,3 tấn.
Tại thời điểm kiểm tra, người điều khiển xe ôtô Ford Ranger có biển kiểm soát 98C - 153.96 là Lê Mạnh Huy, sinh năm 1981, địa chỉ thường trú tại xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, giấy tờ kiểm dịch theo quy định của pháp luật. Đối với xe tải biển số 89C - 172.44, khi bị kiểm tra lái xe đã để lại xe và bỏ đi.
Trước đó vào hồi 8 giờ 45 phút ngày 25/02/2021, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 4, Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Đội Tuần tra Kiểm soát Giao thông số 2 thuộc Cục Cảnh sát Giao thông phát hiện xe ô tô biển kiểm soát 12C- 096.60 (biển giả) vận chuyển số lượng lớn hàng hóa vi phạm.
Chiếc xe vi phạm có biển số thật theo đăng ký, kiểm định là 29H - 470.38 nhưng lái xe đã gắn biển số giả 12C- 096.60. Qua quá trình tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe đang vận chuyển 100 bao tải dứa màu xanh.
Đáng nói là, trong các bao tải dứa có chứa nầm lợn đông lạnh, khi bỏ ra ngoài không khí bị chảy nước và có hiện tượng chuyển màu. Tổng trọng lượng số hàng trên là 2,5 tấn với tổng giá trị ước tính trên 200 triệu đồng. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe Lành Văn Nguyên, sinh năm 1985, địa chỉ tại xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa và giấy tờ kiểm dịch theo quy định.
Đây chỉ là một số vụ vận chuyển nội tạng không rõ nguồn gốc, hôi thối, bị các lực lượng chức năng kiểm tra và bắt giữ mà chúng tôi nêu ra đây để làm ví dụ. Một câu hỏi được dư luận đặt ra là. Tại sao các vụ vận chuyển nội tạng không rõ nguồn gốc xuất xứ, bị các lực lượng chức năng bắt giữ nhiều như vậy, nhưng các đối tượng vẫn ngang nhiên coi thường pháp luật, vận chuyển hàng tấn nội tạng hôi thối này đi tiêu thụ. Nguyên nhân nào mà nội tạng hôi thối, không rõ nguồn gốc xuất xứ lại thu hút các đối tượng vận chuyển.
Câu trả lời đó là lợi nhuận cao và chế tài xử phạt đối với các đối này vẫn còn quá nhẹ.
Cần xử phạt mạnh hơn nữa đối với những hành vi vận chuyển thực phẩm bẩn
Dư luận cho rằng, mặc dù đã có những quy định về việc vận chuyển thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc đi tiêu thụ, nhưng những chế tài xử phạt vẫn chưa đủ sức răn đe đối với các đối tượng vận chuyển, do vậy chúng vẫn coi thường pháp luật và liên tục có những vụ vận chuyển thực phẩm bẩn diễn ra.
Hầu hết những vụ vận chuyển thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ đều bị các lực lượng chức năng tiến hành thu giữ, được báo chí đăng tải. Biện pháp xử lý chỉ là tịch thu, thiêu hủy và xử phạt hành chính, hay lập hồ sơ để chuyển lực lượng quản lý thị trường xử lý theo quy định, chưa thấy có đối tượng vận chuyển thực phẩm bẩn nào bị truy tố trước pháp luật.
Để không còn có những chuyến xe vận chuyển thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ đi tiêu thụ, để cho an ninh sức khỏe của người dân được bảo đảm, rất mong các cơ quan lập pháp cần sửa đổi các quy định pháp luật và cần có chế tài xử lý mạnh tay hơn nữa đối với hành vi vận chuyển và người vận chuyển thực phẩm bẩn, mạnh hơn. Có như vậy mới mong được sự an toàn sức khỏe của người dân.
Đã từng có một đại biểu Quốc hội phát biểu “Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn thế' để nói về tình trạng thực phẩm bẩn đang diễn ra, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.
Muốn con đường này “dài ra” người viết bài này thiết nghĩ và mong muốn Nhà nước cần phải có biện pháp mạnh tay hơn nữa đối với những đối tượng vận chuyển thực phẩm bẩn này.