Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 15 tháng 4 năm 2021 | 15:35

Hồ tiêu tăng giá: Cần thận trọng

Người dân cần thận trọng khi găm trữ hàng và mở rộng diện tích trồng trước diễn biến giá hồ tiêu tăng cao. Đó là khuyến cáo của Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) Nguyễn Tấn Hiên.

Đại diện VPA nhận định, giá hồ tiêu có thể thay đổi do nhu cầu hồ tiêu của thế giới hiện nay cung đang vượt cầu.

t12.jpg
Nông dân tại xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, thu hoạch tiêu. Ảnh: Tuấn Anh

Giá tiêu bước vào chu kỳ “rung lắc”

Ngay sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, thị trường hồ tiêu Việt Nam đã có những biến động, giá tiêu tăng lên 40% so với trước Tết Nguyên đán.

Những ngày đầu tháng 3, giá tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng liên tục tăng cao, từ 70.000 lên 75.000 đồng/kg, tăng gần 20.000 đồng/kg so đầu vụ thu hoạch trước đó một tháng. Đây là mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Với mức giá này, người trồng tiêu đã có lãi.

Khoảng giữa tháng 4, giá tiêu tại các vùng nguyên liệu Tây Nguyên và miền Nam giảm về mức 70.000 – 74.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Gia Lai chốt mức thấp nhất sau khi giảm 1.000 đồng/kg, hiện ở mức 70.000 đồng/kg; tại Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 500 đồng/kg, chốt mức giá cao nhất 74.000 đồng/kg. Dù đã giảm so với mức đỉnh 80.000 đồng/kg so với trước đó nhưng giá tiêu hiện vẫn cao hơn nhiều so với đầu năm.

Ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh (chuyên về xuất khẩu tiêu), nhận xét, giá tiêu tăng nhanh từ cuối tháng 2, đầu tháng 3 đến nay, phần lớn là do hiện tượng đầu cơ của thương lái, đại lý. Ông Thông khẳng định: “Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, họ phải bán được thì mới mua hàng”.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, một trong những nguyên nhân giá hồ tiêu tăng cao trong thời gian vừa qua do một số địa phương có hiện tượng gom hàng, “thổi” giá. Vụ thu hoạch hồ tiêu năm 2021 muộn hơn các năm trước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Đến nay, cả nước thu hoạch chỉ khoảng 30-40%, gần hết tháng 4/2021 cơ bản mới thu hoạch xong, vì vậy, hàng ra chưa nhiều.

Còn theo ông Hoàng Phước Bính, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, giá hồ tiêu những ngày qua đang bước vào chu kỳ “rung lắc” (tức là dao động lên xuống liên tục). Giá tăng là điều rất đáng mừng, nhưng sự tăng nhanh và đột ngột đã gây ra nhiều xáo trộn.

Ông Bính cho biết, qua nắm bắt tình hình thấy có 2 nguyên nhân chính khiến giá tăng. Thứ nhất, đa số nông dân giữ hàng lại không bán. Còn các đại lý thì gom hàng bán chủ yếu cho nhà đầu cơ, chứ không bán cho doanh nghiệp xuất khẩu. Vì vậy, các nhà xuất khẩu không mua được hàng để đáp ứng cho các hợp đồng xuất ngay hoặc trả nợ các hợp đồng ký trước đó.

Thứ hai là do thiếu hụt sản lượng. Nếu năm 2020, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam là 240.000 tấn thì niên vụ này ước đạt dưới 150.000 tấn. Giá thành sản xuất hồ tiêu đang nằm mức 65-70 ngàn đồng/kg mà giá bán như hiện tại thì người trồng mới có lãi chút đỉnh bởi diện tích thu hẹp do ảnh hưởng của dịch bệnh từ những năm trước và giá xuống thấp mấy năm qua.

Thận trọng với giá tiêu “nhảy múa”

Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, xuất khẩu hạt tiêu trong tháng 2/2021 đạt 15.000 tấn, trị giá 44 triệu USD, giảm 41,9% về lượng và giảm 23,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt tiêu ước đạt 32.000 tấn, trị giá 93 triệu USD, giảm 21,4% về lượng và giảm 0,9% về trị giá. Tuy nhiên, giá tiêu trong nước tại một số thời điểm có dấu hiệu nhích và thậm chí tăng phi mã.

Nhiều khuyến cáo đã được đưa ra, nhưng tại một số địa phương vẫn có hiện tượng gom hàng, “thổi” giá.  Ghi nhận của VPA cho thấy, vào ngày 26/2/2021, tại cảng khu vực TP. Hồ Chí Minh, giá thu mua để xuất khẩu hạt tiêu đen loại 500 g/l và 550 g/l cùng tăng 250 USD/tấn (tăng 8,4%) so với ngày 29/1/2021, lên mức 3.155 USD/ tấn và 3.236 USD/tấn. Giá hạt tiêu trắng cũng tăng 300 USD/tấn (tăng 6,7%) so với ngày 29/1/2021, lên mức 4.800 USD/tấn... Giá thu mua tiêu để xuất khẩu bình quân trong 2 tháng đầu ước đạt mức 2.907 USD/tấn, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, giá tiêu trên thị trường thế giới không tăng. Bởi vậy, đã có việc các nhà nhập khẩu lớn chuyển sang mua hồ tiêu tại các nước khác có giá rẻ hơn của Việt Nam.

Ông Hoàng Phước Bính cho biết, giá hồ tiêu hiện nay vừa là giá thật nhưng cũng là giá ảo. Bởi ngoài việc hồ tiêu được các doanh nghiệp xuất khẩu thu mua thì hiện có một lượng khách hàng ngoài ngành là người Việt Nam muốn mua hồ tiêu để đầu cơ.

Do vậy, người nông dân và các đại lý thu mua hồ tiêu cần cân nhắc việc bán hàng đúng thời điểm, không hái tiêu xanh khi thu hoạch, không vì giá tăng cao mà vay ngân hàng hoặc các nguồn vay khác để trữ hàng, tránh rủi ro khi giá xuống thấp. Đồng thời cũng không nên mở rộng diện tích trồng tiêu khi thấy giá tiêu tăng cao, nếu không sẽ lặp lại “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn thường hay diễn ra.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tiếp cận thị trường, đầu tư mạnh vào chế biến sâu để tăng các sản phẩm xuất khẩu, số lượng xuất khẩu và kim ngạch xuất khẩu trong những tháng tới khi thu hoạch rộ. Có như vậy, lợi nhuận thu được từ hồ tiêu mới cao, cuộc sống của người trồng tiêu không còn bấp bênh và doanh nghiệp chế biến sẽ có đủ nguồn hàng để xuất khẩu.

Bài học “trắng tay” do tiêu

Niên vụ hồ tiêu 2018-2019 là năm khó khăn đối với người trồng hồ tiêu ở Tây Nguyên khi giá liên tục giảm và ở mức thấp kỷ lục trong khoảng 10 năm trước. Thêm nữa, hàng chục nghìn hecta tiêu nhiễm bệnh và chết trụi khiến nông dân trắng tay, người trồng tiêu điêu đứng vì những khoản nợ tiền tỷ vay từ ngân hàng.

Khoảng 5 năm trước, giá hồ tiêu ở mức rất cao, trên dưới 200.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên tới 250.000 đồng/kg, làm cho nhiều hộ nông dân chỉ qua một mùa đã thành tỷ phú.

Chính vì lợi nhuận của cây tiêu cao đến mức “chóng mặt” nên nhiều gia đình nông dân đã chặt hằng trăm hecta cây công nghiệp khác, để chuyển sang trồng hồ tiêu.

Tuy nhiên, cây tiêu bị nhiễm bệnh chết hàng loạt, cộng với giá cả lao dốc (có thời điểm vào đầu năm 2019 chỉ còn 42.000 đồng/kg) khiến nhiều hộ lâm vào cảnh nợ nần.

Bài học “vàng đen” của năm 2015 vẫn còn nguyên giá trị. Khi đó mức giá được đẩy lên đến 250.000 đồng/kg khiến nhiều người dân bỏ hết các loại cây khác để mở rộng trồng tiêu, thậm chí cầm cố vay ngân hàng để đầu tư cho cây hồ tiêu. Sau đó, nhiều hộ gần như mất trắng khi sang năm 2016, giá tiêu lao dốc không phanh.

 

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Techcombank được vinh danh về đổi mới sáng tạo khu vực châu Á-Thái Bình Dương 2024

    Techcombank được vinh danh về đổi mới sáng tạo khu vực châu Á-Thái Bình Dương 2024

    Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (“Techcombank”) là đại diện ngân hàng duy nhất tại Việt Nam được tôn vinh 2 giải thưởng lớn tại hạng mục đổi mới sáng tạo lĩnh vực thương hiệu và tiếp thị của Stevie Awards châu Á-Thái Bình Dương.

  • Bảo chứng vàng cho tiềm năng tăng trưởng đột phá của Vincom Shophouse Diamond Legacy

    Bảo chứng vàng cho tiềm năng tăng trưởng đột phá của Vincom Shophouse Diamond Legacy

    Các shophouse ở vị trí trung tâm, tọa lạc tại những nơi có hạ tầng hoàn chỉnh, kết hợp với mô hình tổ hợp thương mại – giải trí hiện đại… là yếu tố tạo nên sức hút bền bỉ theo thời gian cho loại hình kinh doanh shophouse, đồng thời là bệ phóng gia tăng giá trị BĐS mà các nhà đầu tư sành sỏi luôn nhắm đến.

  • Bất động sản ven sông Đà Nẵng: Đã có những "mảnh ghép" xứng tầm

    Bất động sản ven sông Đà Nẵng: Đã có những

    Quy hoạch phân khu ven sông Hàn và bờ đông chính thức được phê duyệt mở ra kỳ vọng về diện mạo mới của khu vực trung tâm Đà Nẵng. Với giới thành đạt, đó còn là khát khao về không gian sống tiện nghi, đẳng cấp ven sông Hàn, trong những công trình biểu tượng chứng kiến trọn vẹn vẻ phồn hoa của đô thị biển tầm cỡ quốc tế tương lai.

Top