Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 16 tháng 12 năm 2021 | 14:47

"Khi nào hết diễn tập sự cố mới đi tàu Cát Linh - Hà Đông"

Đó là ý kiến của nhiều người dân xung quanh việc tuyến đường sắt đô thị (metro) Cát Linh - Hà Đông sẽ có thêm những tình huống diễn tập sự cố bất ngờ, không báo trước cho hành khách.

Mới đây, trao đổi với báo chí về sự cố tàu mất tín hiệu vào ngày 7/12, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) Vũ Hồng Trường cho biết, đây chỉ là một sự cố diễn tập.

 

Trước thông tin trên, nhiều người dân cho rằng, không thể lấy hành khách để diễn tập. Nếu vậy thì sẽ chờ khi nào cơ quan nhà nước hết “kích hoạt bất ngờ để kiểm tra phản ứng của đơn vị vận hành” sẽ đi.
 
chc2581-jpg-7404-1639548623.jpg
Hành khách đi tàu điện Cát Linh - Hà Đông tháng 11/2021. Ảnh: Phạm Chiểu
Thời gian chạy thử chưa đảm bảo?
 
Đây là câu hỏi nghi ngờ của rất nhiều người dân khi ông Vũ Hồng Trường, Giám đốc Metro Hà Nội cho biết: “Khi diễn tập sự cố thì ngay cả Metro Hà Nội cũng không được thông báo trước, việc này do cơ quan nhà nước kích hoạt bất ngờ để kiểm tra phản ứng của đơn vị vận hành”.
 
Ông Vũ Hồng Trường cũng cho biết thêm, theo khuyến cáo của Tư vấn độc lập ACT (Pháp), trong năm đầu khai thác thương mại, quá trình vận hành đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông nên diễn tập những tình huống có thể xảy ra trong vận hành. "Quá trình vận hành thương mại khác với trước là có hành khách. Việc không báo trước chỉ là thời điểm xảy ra diễn tập, còn kịch bản các sự cố như thế nào, các bên đều đã nắm được hết chứ không phải muốn làm thế nào thì làm", ông Trường nói thêm.
 
Ông Phạm Ngọc Tâm (quận Long Biên) cho biết, tôi có cháu làm ở Hà Đông, sau khi tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông hoạt động, tôi khuyên cháu nên đi tàu vừa không tắc đường, vừa đảm bảo thời gian làm việc. Nhưng khi thấy thông tin trước đó tàu Cát Linh – Hà Đông có lỗi tín hiệu xảy ra ở máy đếm trục tín hiệu ga Cát Linh, nên tàu phải dừng hoạt động 30 phút. Lúc này trên tàu có khoảng 40 hành khách, ga Cát Linh phải đóng cửa hơn 30 phút để khắc phục sự cố,  nhiều hành khách "hú vía" về sự cố này. Sau đó lãnh đạo Metro Hà Nội cho biết đây là tình huống diễn tập mà các cơ quan nhà nước kích hoạt để kiểm tra bất ngờ phản ứng của đơn vị vận hành. “Tôi nói với cháu chờ tàu điện Cát Linh – Hà Đông hết diễn tập rồi hãy đi", ông Tâm nói.
 
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Tư vấn độc lập ACT (Pháp) cấp chứng nhận an toàn hệ thống; trong 166 quy trình vận hành có đưa ra 63 tình huống sự cố giả định. Trong quá trình vận hành thử đợt tháng 12/2020, các đơn vị liên quan đã diễn tập đủ 63 tình huống, nhưng lúc đó không có hành khách.
 
Ông Tâm nói: “Đơn vị khai thác đã thực hành diễn tập, mục đích để kiểm tra sự an toàn của đoàn tàu, sau đó tiến hành hoạt động, mọi tình huống giả định đã được đặt ra rồi, sao phải lấy hành khách chúng tôi ra thí nghiệm. Hay thời gian chạy thử chưa đảm bảo?”.
 
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Bình (quận Thanh Xuân) cho rằng, diễn tập đang có hành khách trên tàu là không thể chấp nhận được, vì hành khách lúc đó đang đi đến cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị vận hành lại diễn tập, dừng hoạt động đoàn tàu đến 30 phút, làm ảnh hưởng rất lớn đến công việc của hành khách, dẫn đến bức xúc cho người tham gia phương tiện này.
 
Diễn tập không thể lấy hành khách “làm diễn viên đóng thế”
 
Đã có nhiều tình huống diễn tập được các cơ quan chức năng thực hiện để bảo đảm rằng khi có sự cố xảy ra, lực lượng tham gia phải tiến hành xử lý được ngay, không để bất cứ nguy hiểm nào ảnh hưởng đến tính mạng của người dân.
 
Một trong những diễn tập thường xuyên đó là diễn tập phòng cháy chữa cháy (PCCC) của lực lượng cảnh sát, việc diễn tập này đều được lựa chọn địa điểm, vị trí xảy ra tình huống diễn tập, người dân ở khu vực đó đều được báo trước để không hoang mang, thậm chí hoảng loạn không cần thiết.
 
Tuy nhiên, diễn tập này chủ yếu là các lực lượng tham gia công tác PCCC và cứu hộ, cứu nạn (CNCH), mục đích là nếu có xảy ra sự cố cháy nổ tại đây thì lực lượng PCCC và CNCH sẽ nắm chắc được phương án xử lý, phương CHCN khi phát hiện người dân bị nạn.
 
Ông Trần Văn Nam (quận Hai Bà Trưng) cho rằng, không nên thực hiện diễn tập khi có hành khách đang trên tàu điện, lại ở vị trí là đường sắt trên cao. Nếu hành khách không được báo trước sẽ gây hoảng loạn, dẫn đến những hậu quả không đáng có. “Không thể lấy hành khách làm diễn viên để đóng thế được”, ông Nam nói.
 
Theo TS Phan Lê Bình, chuyên gia quy hoạch giao thông, việc tàu đang chở hành khách mà tổ chức diễn tập là không hợp lý. "Tôi đã sống và làm việc tại Nhật Bản gần 30 năm, thường xuyên sử dụng các phương tiện công cộng, song ở Nhật Bản tuyệt đối không có những tình huống diễn tập kiểu như đường sắt Cát Linh – Hà Đông đang làm", ông Bình nói.
 
"Ở Nhật Bản, mọi diễn tập nếu có đều được báo cho người dân cả tuần. Tôi không bàn đến quy trình vận hành, nhưng tại sao Metro Hà Nội không dùng cán bộ, nhân viên của đơn vị và nếu thiếu người thì mượn thêm từ bên xe buýt... để diễn tập vào thời điểm mà tàu không còn hành khách, như sau 22h chẳng hạn", ông Bình góp ý.
 
Tuyến metro Cát Linh - Hà Đông vận hành thương mại từ ngày 6/11; sau 15 ngày miễn phí cho khách trải nghiệm, bắt đầu mở bán vé từ 21/11.
 
Thống kê đến ngày 5/12 của Metro Hà Nội cho biết, trong thời gian khai thác thương mại, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã chạy 3.045 chuyến tàu an toàn, vận chuyển 239.954 lượt hành khách. Về tỉ lệ phân bổ hành khách, ga Cát Linh đạt cao nhất với 33,2%, ga Yên Nghĩa 17,3%. 10 ga còn lại chiếm 49,5% lượng khách.
 
Trước những khó khăn, thách thức trong việc vận hành tuyến metro đầu tiên từ Bộ Giao thông Vận tải, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lãnh đạo Metro Hà Nội đã kêu gọi toàn thể đơn vị tiếp tục nỗ lực, thực hiện thành công “nhiệm vụ kép” vừa chống dịch, vừa phục hồi, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ và TP. Hà Nội.
 
 
 
Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top