Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 1 năm 2019 | 10:21

Kinh tế toàn cầu năm 2019: Bức tranh không mấy tươi sáng

Bức tranh về triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2019 không mấy tươi sáng khi nhiều tổ chức uy tín như IMF, WB, OECD, LHQ... đều hạ mức dự báo tăng trưởng.

Những tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và bất ổn địa chính trị trên thế giới đã khiến bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2019 kém lạc quan. Nhiều tổ chức uý tín trên thế giới như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Liên hợp quốc... đều có những dự báo và nhận định không mấy khả quan về triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay.

Tăng trưởng giảm tốc

Trong báo cáo về triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất, IMF vừa điều chỉnh cắt giảm dự báo tăng trưởng cho năm 2019 xuống còn 3,5%, từ mức 3,7% đưa ra hồi tháng 10/2018.

Định chế tài chính toàn cầu này cho rằng, việc giảm dự báo tăng trưởng một phần là do việc áp đặt các tiêu chuẩn về phát thải nhiên liệu mới nghiêm ngặt hơn tại châu Âu, có tác động trực tiếp tới ngành công nghiệp ô tô.

 

kinh te toan cau nam 2019: buc tranh khong may tuoi sang hinh 1
Bà Christine Lagarde - Tổng Giám đốc IMF - tại cuộc họp báo trước khi khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thuỵ Sĩ, ngày 21/1. (Ảnh: Reuters)

 

Tổng Giám đốc IMF, bà Christine Lagarde, cho biết cơ quan này tiếp tục phải hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, Brexit, cùng nhiều bất ổn khác.

IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng của Italy xuống còn 0,6% và của Pháp xuống còn 1,5%. Dù giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Mỹ và Trung Quốc ở mức tương ứng 2,5% và 6,2%, song IMF cảnh báo về sự "không chắc chắn" xuất phát từ căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay, cũng như việc kéo dài tình trạng chính phủ Mỹ đóng cửa một phần.

Cũng giống như IMF, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng, kinh tế toàn cầu năm 2019 sẽ chỉ tăng 3,5% do một số trở ngại, trong đó có căng thẳng thương mại đang diễn ra giữa Trung Quốc và Mỹ.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất, OECD đã hạ dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay so với mức dự báo 3,7% được đưa ra hồi tháng 9 vừa qua.

OECD cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong năm nay từ mức 1,2% xuống 0,9% và năm 2019 từ mức 1,2% xuống còn 1% trong bối cảnh kế hoạch tăng thuế tiêu dùng của chính phủ nước này từ tháng 10/2019 có khả năng tác động mạnh đến nhu cầu tiêu dùng. Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới được dự báo tăng 0,7% vào năm 2020.

Ngân hàng Thế giới (WB) cũng vừa công bố Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu ấn bản tháng 1/2019. Trong báo cáo này, WB giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 xuống mức 2,9% trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng và thương mại quốc tế suy yếu.

Theo báo cáo của WB, kinh tế Mỹ có thể chỉ tăng 2,5% trong năm nay, so với mức tăng 2,9% trong năm 2018. Kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng 6,2% năm nay, so với mức tăng 6,5% trong 2018.

Tờ Washington Post trích dẫn đánh giá của Liên Hợp Quốc (LHQ) cho rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng ở mức 3% trong năm 2019. Báo cáo về tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2019 của LHQ dự báo, tăng trưởng sẽ không đồng đều ở các quốc gia, trong đó các nước nghèo vẫn tiếp tục tăng trưởng thấp.

kinh te toan cau nam 2019: buc tranh khong may tuoi sang hinh 2
Ông Antonio Guterres - Tổng thư ký Liên hợp quốc (Ảnh: Getty Images)

 

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres quan ngại về tính bền vững trong tăng trưởng toàn cầu khi phải đương đầu với nhiều nguy cơ về rủi ro tài chính, nợ tăng cao, cũng như các thách thức về xã hội, môi trường...

LHQ dự báo nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 2,5% trong năm 2019 và giảm xuống còn 2% trong năm 2020. Liên minh Châu Âu (EU) được dự báo sẽ tăng trưởng quanh mức 2% từ nay đến năm 2020.

"Ngấm đòn" chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Hãng tin Reuters dẫn lời Giám đốc điều hành (CEO) của WB, Kristalina Georgieva cho hay, vào thời điểm đầu năm 2018, nền kinh tế toàn cầu có đà tăng trưởng mạnh mẽ trên mọi phương diện, nhưng động lực đó đã mất dần trong năm, và chặng đường thậm chí có thể sẽ gập ghềnh hơn trong năm 2019.

 

kinh te toan cau nam 2019: buc tranh khong may tuoi sang hinh 3
Bà Kristalina Georgieva - CEO của WB (Ảnh: Reuters)

 

Cảnh báo trên được WB đưa ra trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc rơi vào một cuộc chiến thương mại căng thẳng và đến nay vẫn chưa tìm ra được giải pháp để chấm dứt cuộc chiến này. 

Thị trường tài chính toàn cầu đã trải qua nhiều phiên giao dịch "sóng gió" trong những tháng qua vì mối lo chiến tranh thương mại gây suy giảm tăng trưởng kinh tế thế giới.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nổ ra từ nửa đầu của năm 2018, song phải đến 2019 mới là lúc nền kinh tế thế giới thực sự "ngấm đòn" từ những tác động tiêu cực.

Chỉ số theo dõi hoạt động thương mại toàn cầu (Global Trade Tracker) của hãng tin Bloomberg cho thấy sự suy giảm, khi quá trình các doanh nghiệp khẩn trương xuất khẩu hàng hoá trước thời điểm mức thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc có hiệu lực, đã dần chậm lại. Và khối lượng thương mại được dự báo sẽ giảm hơn nữa, ngay cả khi 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới tìm ra giải pháp để giảm căng thẳng, với việc nhiều doanh nghiệp lên tiếng cảnh báo về tình trạng gián đoạn thương mại vẫn tiếp diễn.

Ngoài ra, các số liệu mới nhất càng làm cho nỗi lo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm tiếp theo bị trì trệ do tình hình thương mại thêm phần rõ nét. Sự lạc quan của người tiêu dùng Mỹ về tương lai của nền kinh tế đang ở mức thấp nhất từ đầu năm. Tình hình các doanh nghiệp nhỏ cũng không mấy triển vọng, khi mức độ lạc quan về sự cải thiện của nền kinh tế rơi xuống mức thấp nhất trong 2 năm qua. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp cũng dự báo, lợi nhuận thu về trong năm 2019 sẽ thấp hơn.

 

kinh te toan cau nam 2019: buc tranh khong may tuoi sang hinh 4
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể gây ra những tác động tiêu cực cho kinh tế toàn cầu trong năm 2019. (Ảnh minh hoạ: KT)

 

Kênh CNBD dẫn lời Chủ tịch WEF, Borge Brende cho rằng, các mâu thuẫn địa chính trị có thể tạo thành lực cản đối với đà tăng trưởng toàn cầu. Nếu không được giải quyết nhanh chóng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng, trong đó đáng lưu ý là tỷ lệ thất nghiệp tại châu Âu đang gia tăng.

Việc đánh thuế kiểu "ăn miếng trả miếng" giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm tăng bất ổn đối với thương mại toàn cầu. Cùng với đó là nguy cơ đóng cửa một phần của Chính phủ Mỹ, vấn đề liên quan đến bức tường biên giới với Mexico, Brexit,... cũng sẽ tạo ra các thách thức cho kinh tế thế giới năm  nay, ông Borge Brende lưu ý./.

 

Ý kiến bạn đọc
  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

  • HTX An Hòa: Tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

    HTX An Hòa: Tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

    Để phát huy hiệu quả giá trị tài nguyên đất, chị Hoàng Thị Gái, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX An Hòa đã mạnh dạn tập trung ruộng đất, áp dụng cơ giới hóa, từ đó nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Top