Làm gì để biến tiềm năng thành thế mạnh để các loại sản phẩm nông sản chiếm lĩnh thị phần lớn trên đa thị trường là cả một vấn đề không đơn giản.
Thanh Hóa: Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm
Bưởi Luận Văn là một trong những sản phẩm đặc hữu của tỉnh Thanh Hóa. Đây là giống bưởi có màu đỏ đẹp mắt, mùi thơm dịu, thời gian bảo quản lâu nên được nhiều người lựa chọn để trưng vào dịp Tết Nguyên đán. Năm 2005, giống bưởi này được đưa vào chương trình khôi phục và phát triển cây ăn quả đặc sản của tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, những cây bưởi đầu dòng ít ỏi còn sót lại trong các vườn nhà được tuyển chọn, phục tráng và diện tích trồng bưởi Luận Văn trên địa bàn xã ngày càng được mở rộng.
Với những đặc điểm đặc trưng, năm 2013, sản phẩm bưởi Luận Văn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Có trong tay “bảo bối” để phát triển thành thương hiệu, xã Thọ Xương (Thọ Xuân) đã chú trọng việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho giống bưởi quý này, một số doanh nghiệp đã vào cuộc, qua nhiều năm nỗ lực, năm 2020 sản phẩm Bưởi Luận Văn Hải Đăng của Công ty TNHH Nông nghiệp hiện đại Lam Sơn - Sao Vàng được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh 4 sao.
Sau khi được “chắp cánh” bằng thương hiệu, sản phẩm bưởi Luận Văn nhanh chóng được nhiều đơn vị, doanh nghiệp săn đón, muốn được bao tiêu sản phẩm và hàng chục nghìn quả bưởi đã được doanh nghiệp, thương lái bao tiêu. Chị Lê Thị Tuyết, xã Thọ Xương cho biết: Từ tháng 10, tháng 11 âm lịch, các vườn trồng bưởi Luận Văn của xã gần như đều được các thương lái trong và ngoài tỉnh đặt mua, chờ đến thời điểm cận tết sẽ cung ứng ra thị trường. Giá bưởi dao động từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng/quả, cao gấp 5 lần so với trước kia, nhờ đó, nhiều hộ dân đã có nguồn thu nhập cao.
Thực tế, không chỉ bưởi Luận Văn, nhiều sản phẩm cây ăn quả của tỉnh sau khi có thương hiệu thì giá trị, hiệu quả kinh tế đều được nâng lên. Điển hình như sản phẩm cam đường Canh và cam Xã Đoài Như Xuân được công nhận chỉ dẫn địa lý và là 2 trong số 17 sản phẩm đầu tiên được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Việc được công nhận các tiêu chuẩn chất lượng và chỉ dẫn địa lý chính là sự khẳng định uy tín, chất lượng của sản phẩm trên thị trường, qua đó, hiệu quả kinh tế của sản phẩm cao hơn 25% so với khi chưa xây dựng được thương hiệu.
Ông Vũ Quang Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Với 23.240 ha cây ăn quả hiện có, trong đó diện tích cho thu hoạch đạt 18.358 ha, phong phú, đa dạng về chủng loại, nhiều loại cây được trồng tập trung, quy mô lớn, tỉnh Thanh Hóa có đủ điều kiện để xây dựng và phát triển thương hiệu cho nhiều loại cây ăn quả. Những năm qua, ngành nông nghiệp đã và đang phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu cho cây ăn quả. Qua đó, đến nay, toàn tỉnh đã có 12 sản phẩm cây ăn quả được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 1 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Ngoài ra, hiện một số sản phẩm cây ăn quả đang được xây dựng nhãn hiệu, như cam Xuân Thành, bưởi Bắc Lương (Thọ Xuân), cam Vân Du (Thạch Thành).
Để tiếp tục xây dựng nhãn hiệu, phát triển thương hiệu cho sản phẩm cây ăn quả, tỉnh ta đã và đang khuyến khích người dân phát triển cây ăn quả theo hướng tập trung, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... Đồng thời, khuyến khích các địa phương thành lập mới các HTX, tổ hợp tác, trang trại, gắn vùng sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả. Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh thông qua hoạt động xúc tiến thương mại. Tích cực phối hợp với các đơn vị chuyên môn trong và ngoài tỉnh để lai tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm cây ăn quả, đáp ứng thị hiếu, nhu cầu tiêu dùng nội địa, hướng đến xuất khẩu.
Vĩnh Phúc: Tạo bước đột phá, thúc đẩy ngành nông nghiệp tăng trưởng
Là tỉnh công nghiệp phát triển nhưng Vĩnh Phúc còn được biết đến là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, từ chăn nuôi, trồng trọt các sản phẩm truyền thống cho đến các loại cây, con đặc sản vùng miền. Tuy nhiên, trái với những sản phẩm công nghiệp đã, đang có chỗ đứng vững chắc trên thị trường và có mặt khắp các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, sản phẩm nông nghiệp của Vĩnh Phúc chỉ được biết đến khá khiêm tốn trong phạm vi hẹp. Làm gì để biến tiềm năng thành thế mạnh để các loại sản phẩm chiếm lĩnh thị phần lớn trên đa thị trường là cả một vấn đề không đơn giản.
Vĩnh Phúc có lợi thế rất lớn về mặt tự nhiên khi có đầy đủ các loại địa hình như đồng bằng, trung du và miền núi, thuận lợi cho sự phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp.
Tỉnh cũng có lợi thế về mặt giao thông, từ đường thủy, đường bộ cho đến đường không, thuận tiện cho việc vận chuyển và giao thương hàng hóa. Đặc biệt, người nông dân Vĩnh Phúc có truyền thống năng động, sáng tạo, cần cù và thông minh trong canh tác nông nghiệp qua hàng nghìn năm lịch sử.
Hiện tại, Vĩnh Phúc có đầy đủ các sản phẩm nông nghiệp khác nhau, tạo nên sự đa dạng và phong phú, đáp ứng được đòi hỏi ngày càng khắt khe cả về khối lượng và chất lượng của thị trường. Nông sản chủ lực của Vĩnh Phúc có thể kể đến là rau, củ, quả các loại, các sản phẩm thịt, sữa của ngành chăn nuôi và các sản phẩm lâm nghiệp.
Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã chuyển đổi được hơn 7.500 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau, củ, quả cho hiệu quả kinh tế cao; xây dựng hơn 1.300 cơ sở chế biến nông sản thực phẩm, từ quy mô lớn đến sản xuất nhỏ lẻ kiểu hộ gia đình, trong đó, nhiều cơ sở đã thực hiện chuỗi liên kết trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ; hình thành một số vùng sản xuất rau, quả an toàn thực phẩm theo quy trình VietGAP và đưa một số sản phẩm có thương hiệu như thanh long ruột đỏ, ớt quả, chuối tiêu hồng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, góp phần đưa giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác đạt khoảng 150 triệu đồng/ha.
Đến năm 2022, toàn tỉnh có gần 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; hàng trăm cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm được chứng nhận VietGAP, HACCP, ISO. Toàn tỉnh cũng đã xây dựng được gần 20 mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn hoạt động ổn định và hiệu quả.
Để có kết quả này, Vĩnh Phúc đã dành kinh phí hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ hàng chục nghìn ha giống lúa chất lượng cao, hàng nghìn ha sản xuất rau quả hàng hóa an toàn theo VietGAP và mua sắm hàng trăm máy sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời, ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ các hộ chăn nuôi nhân giống lợn ngoại, bò thịt, bò sữa chất lượng cao; hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đối với trâu, bò cho các hộ nông dân tại 57 xã, thị trấn thuộc 8 huyện, thành phố trên địa bàn; dành hàng chục tỷ đồng hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học.
Cùng với triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, các cây trồng có giá trị kinh tế cao như trà hoa vàng, cát sâm, hà thủ ô đỏ, ba kích tiếp tục được mở rộng. Qua đó, không chỉ góp phần đưa giá trị sản xuất nông nghiệp tăng cao mà còn tạo đà quan trọng để ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục thực hiện lộ trình hội nhập quốc tế.
Dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song sự phát triển của nền nông nghiệp Vĩnh Phúc vẫn được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Trên thực tế, việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp còn chậm, sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương trên địa bàn còn manh mún, nhỏ lẻ; chưa có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có thế mạnh, sản lượng lớn, có thương hiệu để giới thiệu, quảng bá và cạnh tranh trên thị trường; công tác dồn thửa đổi ruộng còn nhiều khó khăn; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực chế biến còn hạn chế… đã và đang là rào cản khiến nông nghiệp của tỉnh khó có thể phát triển với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng.
Trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia sâu rộng vào các Hiệp định thương mại tự do đã mở ra cơ hội để nông sản Vĩnh Phúc có cơ hội “bay cao, vươn xa” nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức.
Để tạo bước đột phá, thúc đẩy ngành Nông nghiệp tăng trưởng, thích ứng với quá trình hội nhập, một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII chỉ ra thời gian tới là tiếp tục đầu tư cho phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản; thực hiện đề án cơ cấu lại sản xuất ngành Nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ khí hóa nông nghiệp, sản xuất hàng hóa gắn kết với tổ chức thị trường, chế biến và xuất khẩu, nâng cao thu nhập và đời sống người dân vùng nông thôn.
Trên cơ sở đó, tỉnh đề ra các giải pháp phù hợp hướng đến mục tiêu phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.
Cụ thể là ngành Nông nghiệp Vĩnh Phúc tiếp tục huy động nguồn lực nhằm chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao.
Đồng thời, làm tốt công tác xúc tiến thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là khai thác cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, tạo điều kiện cho xuất khẩu các hàng nông sản chủ lực của tỉnh; tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm và phát triển thêm các sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao cấp tỉnh trở lên.
Tin rằng, với những giải pháp đồng bộ và quyết liệt, sự đầu tư thích đáng cả về con người và nguồn lực, ngành Nông nghiệp Vĩnh Phúc sẽ sớm có chỗ đứng vững chắc và sâu rộng trên thị trường trong nước, khu vực và quốc tế, xứng đáng với tiềm năng và lợi thế sẵn có của mình.
Hà Nội: Cầu nối đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng
Thời gian qua, Hà Nội cùng các tỉnh, thành phố đã, đang triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); thường xuyên hỗ trợ giới thiệu, kết nối sản phẩm OCOP Hà Nội và các tỉnh, thành phố vào các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Từ đây, góp phần hoàn thành vai trò cầu nối, đưa sản phẩm chất lượng cao từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng Thủ đô và cả nước.
Mới đây, Hội Nông dân huyện Quốc Oai đã tổ chức khai trương điểm kết nối, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn cho người dân tại thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu. Mang đến điểm kết nối các sản phẩm có chứng nhận OCOP như: Gạo Ngọc thơm, gạo lứt đỏ đất ngọc…, anh Nguyễn Thành Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp An Khánh cho biết, đây là cơ hội để chúng tôi kết nối tới nhiều khách hàng hơn, qua đó mở rộng sản xuất để cung cấp các sản phẩm sạch, an toàn của địa phương.
Đem tới các sản phẩm chế biến từ thịt lợn như giò xào, giò tai, xúc xích, giò sụn, chả lụa…, anh Nguyễn Doãn Hợi, chủ cơ sở Giò chả Hợi Thương chia sẻ, toàn bộ các sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP từ 3 đến 4 sao vào năm 2019. Đây là cơ hội để cơ sở nâng cao chất lượng sản phẩm, tự tin đem thương hiệu đến với người tiêu dùng Thủ đô.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quốc Oai Nguyễn Tuấn Hưng cho biết, 100% sản phẩm trưng bày và bán tại điểm giới thiệu tiêu thụ nông sản an toàn đều đã được công nhận là sản phẩm an toàn, có mã truy xuất nguồn gốc, công nhận nhãn hiệu tập thể và đạt chứng nhận sản phẩm OCOP của huyện Quốc Oai. Trong số đó phải kể đến các thương hiệu đặc trưng như: Giò chả Hợi Thương; ổi Đài Loan, trứng vịt xã Tuyết Nghĩa; thịt lợn sinh học Đồng Tâm; trứng gà Ai Cập, trứng gà đỏ, chim bồ câu xã Cấn Hữu; rau an toàn của các xã: Nghĩa Hương, Cộng Hòa; chè tươi xã Đông Yên; chè Long Phú xã Hòa Thạch…
Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Hưng, chương trình nhằm giúp các sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn an toàn của hội viên nông dân ở các địa phương có điều kiện được mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời, kết nối với các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các chủ cửa hàng sản xuất, kinh doanh trong và ngoài thành phố tiêu thụ các sản phẩm nông sản bảo đảm sản xuất sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và các sản phẩm được công nhận OCOP có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Tương tự, mới đây Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức Tuần lễ quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, trái cây, nông sản tại Hà Nội với sự tham gia của trên 60 doanh nghiệp, hợp tác xã của Hà Nội và 20 tỉnh, thành phố.
Mang sản phẩm nông sản, đặc sản của Đắk Nông như: Hạt mắc ca, cà phê… đến với người dân Thủ đô, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Trương Thị Thanh Lam cho biết, đây đều là những sản phẩm nông sản tiêu biểu của công ty, đặc sản vùng miền của Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng. “Những sản phẩm này đều được chấm giải 3 sao, 4 sao của OCOP. Tôi hy vọng thông qua hội chợ này, đông đảo người dân Thủ đô sẽ biết đến sản phẩm vùng miền Tây Nguyên nhiều hơn và công ty có thêm nhiều khách hàng, đầu mối tiêu thụ tại Hà Nội”, bà Lam mong muốn.
Đi tham quan, mua sắm tại hội chợ, chị Đinh Thị Hồng Anh (quận Hà Đông) chia sẻ: "Tôi rất thích mua sắm tại các hội chợ đặc sản, sản phẩm OCOP do thành phố Hà Nội tổ chức, vì giá cả ở đây hợp lý, đa dạng sản phẩm mà lại bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm".
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Hà Nội là thị trường lớn về tiêu thụ sản phẩm OCOP, trái cây, nông sản, với dân số 10,7 triệu người đang sinh sống, học tập, làm việc. Người tiêu dùng Thủ đô ưa chuộng sản phẩm đặc sản, rõ nguồn gốc xuất xứ, có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, chất lượng tốt, sẵn sàng chấp nhận mức giá cao hơn so với sản phẩm cùng loại ngoài thị trường.
“Tuần lễ quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, trái cây, nông sản tại Hà Nội có ý nghĩa thiết thực trong việc đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã của Hà Nội và các tỉnh, thành phố quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm, đồng thời giúp người tiêu dùng Thủ đô nhận biết, có thêm nhiều lựa chọn tiêu dùng sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý”, bà Trần Thị Phương Lan khẳng định.
Ngành công nghiệp và kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các dự án hạ tầng quy mô lớn và môi trường pháp lý thuận lợi. Sự chuyển đổi sang hướng sản xuất giá trị gia tăng cao, cùng với khả năng logistics và trung tâm dữ liệu mở rộng, đang nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Phát triển nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân thu nhập thấp là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững. Trong bối cảnh việc triển khai các chương trình nhà ở xã hội trong thời gian qua còn nhiều vướng mắc, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) với trách nhiệm của NHTM Nhà nước, Ngân hàng vì cộng đồng đã tích cực đồng hành cùng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước triển khai các giải pháp tín dụng ưu đãi để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội vào năm 2030.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…