Mặc dù nuôi với mục đích lấy thịt, nhưng cá hồi của địa phương chủ yếu nuôi từ giống nhân tạo toàn cái. Trong khi đặc tính của cá hồi cái là sau khi đẻ trứng chúng sẽ chết nên việc nuôi cầm chừng không thể kéo quá dài. Lào Cai đang khẩn trương tìm đầu ra cho 250 tấn cá hồi ở vùng cao.
Nhiều người nhập cá hồi từ các trại về bán online.Theo Hiệp hội cá nước lạnh Lào Cai, toàn tỉnh hiện còn khoảng 250 tấn cá hồi đã đến kỳ thu hoạch, nhưng không xuất bán được đang phải khẩn trương tìm đầu ra.
Nguyên nhân dẫn đến khó khăn này do các trại căn thời điểm thả giống từ trước để có thể xuất bán đúng mùa cao điểm du lịch xuân hè 2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tất cả hoạt động du lịch, dịch vụ ăn uống bị tạm dừng, việc đi lại giữa các địa phương bị hạn chế khiến những thị trường tiêu thụ lớn nhất của cá hồi là khu du lịch Sa Pa, thành phố Lào Cai và thủ đô Hà Nội đều bất ngờ "đóng băng".
Cá hồi khó tiêu thụ là một cú sốc lớn đối với các trại nuôi ở Lào Cai, vì tầm này năm trước còn không đủ cá bán, trung bình trọng lượng chưa đạt 1Kg đã xuất đi. Nay, cá hồi đang được rao bán chủ yếu đều từ 1,5 – 2,5 kg, với giá tại trại dao động từ 150.000 – 170.000 đồng/kg, giảm khoảng 40% so với trước. Mức giá này đã tiệm cận với chi phí bỏ ra, nếu tiếp tục kéo dài sẽ dẫn đến thua lỗ do đầu tư nuôi cá hồi đòi hỏi nguồn vốn lớn, nhiều chủ trại phải đi vay.
Ông Nguyễn Xuân Nhẫn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết, toàn tỉnh có khoảng 150 trại cá hồi, tập trung chủ yếu ở khu vực vùng cao thuộc các huyện Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn và thành phố Lào Cai. Trong điều kiện khó khăn, hầu hết các trại đều phải xoay sang nuôi cầm chừng để tiết giảm chi phí.
Có điều, mặc dù nuôi với mục đích lấy thịt nhưng cá hồi của địa phương chủ yếu nuôi từ giống nhân tạo toàn cái. Trong khi đặc tính của cá hồi cái là sau khi đẻ trứng chúng sẽ chết nên việc nuôi cầm chừng cũng không thể kéo quá dài. Giải pháp cấp bách hiệu quả nhất ở thời điểm này chỉ có thể là tháo tiết, cấp đông nhanh và vận chuyển thẳng tới nơi tiêu thụ, nhưng Lào Cai lại đang thiếu các cơ sở này. Còn về lâu dài vẫn phải khuyến khích thu hút đầu tư nhà máy bảo quản, nhằm hạn chế ảnh hưởng về giá khi có tác động ngoài ý muốn.
“Trước mắt, Sở đã phân công cho Hội Cá nước lạnh và Hội nông sản an toàn của tỉnh kêu gọi, kết nối, tìm kiếm các cơ sở bảo quản lạnh sâu đủ năng lực vào cuộc. Sở cũng đề nghị với tỉnh báo cáo Chính phủ có chính sách hỗ trợ lãi suất, giãn nợ, miễn thuế, được vay vốn ưu đãi cho ngành chăn nuôi đặc thù là cá nước lạnh”, ông Nhẫn cho hay.
Cá hồi tại hầu hết các trại đều đã đến kỳ trưởng thành.Lào Cai là tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, nếu tận dụng được lợi thế cửa khẩu để mở đường xuất cá hồi thì cũng là giải pháp hay. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Khải, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Lào Cai, dù hàng hóa xuất khẩu qua Lào Cai hiện nay chủ yếu là nông sản, nhưng đáng tiếc chưa hề có cá hồi. Vì mặt hàng thủy sản bao gồm cá hồi muốn xuất qua Trung Quốc phải qua truy xuất nguồn gốc ngặt nghèo, yêu cầu giấy phép tới tận cấp Bộ.
“Cá hồi chủ yếu tiêu thụ trong nội địa nên ngay cả nếu xuất được cũng phải thông qua các đại diện chắp nối xem phía Trung Quốc có nhập không, để làm được thì cũng khó sớm được trong khi nhu cầu tiêu thụ đang cấp bách”, ông Khải nói.
Hiện nay, dù đang tồn đọng rất nhiều, nhưng ít thấy cá hồi bán tại các chợ dân sinh do giá thành vẫn cao so với những loại cá thông thường và việc vận chuyển, bảo quản đòi hỏi khá cầu kỳ.
Để khắc phục khó khăn, nhiều trại cá tự chế biến ruốc cá hồi, cá hồi sấy khô, hun khói. Tuy nhiên, các sản phẩm này thời gian bảo quản tối đa cũng chỉ được khoảng 1 tháng mới đảm bảo chất lượng và sau chế biến thì chi phí lại đội lên. Không ít trại cá tìm đến giải pháp chào bán online, nhưng lượng tiêu thụ thực tế vẫn rất thấp./.