Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 9 tháng 8 năm 2022 | 21:35

Liên minh châu Âu và Anh bị hạn hán nghiêm trọng

Trong tháng 7, mực nước của hồ chứa tại một số khu vực của châu Âu xuống mức rất thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng. Miền Nam nước Anh trải qua tháng 7 khô hạn nhất kể từ năm 1836.

Hiện, 60% diện tích đất của Liên minh châu Âu (EU) và Anh đang đặt trong cảnh báo hạn hán. Kết quả này được Đài quan sát về tình trạng hạn hán châu Âu đưa ra dựa trên thống kê 10 ngày cuối tháng 7 vừa qua. Theo đó, 45% diện tích đất đang bị mất độ ẩm, 15% diện tích đất có thảm thực vật đang bị tác động từ hạn hán.

 

han-han.jpg
Ảnh: Euronews

 

Trong tháng 7, mực nước của hồ chứa tại một số khu vực của châu Âu xuống mức rất thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng. Miền Nam nước Anh trải qua tháng 7 khô hạn nhất kể từ năm 1836. Nước Pháp có tổng lượng mưa trong tháng 7 là 9,7mm, giảm 85% so với lượng mưa trung bình trong giai đoạn 1991-2020. Nhiều đoạn của sông Po, Italy bị cạn nước hoàn toàn. Tây Ban Nha, Pháp và Anh cũng ghi nhận nhiệt độ lên đến 40 độ C. Tháng 7 vừa qua là tháng nóng nhất tại Tây Ban Nha trong 60 năm qua.

Hạn hán cũng là nguyên nhân gây ra các đợt cháy rừng liên tiếp trong thời gian qua tại châu Âu. Thời tiết cực đoan và các vấn đề về chuỗi cung ứng  đang làm trầm trọng thêm khủng hoảng lương thực toàn cầu. Một báo cáo gần đây của Trung tâm hợp tác nghiên cứu dự báo sản lượng ngô ngũ cốc, hoa hướng dương và đậu tương ở EU giảm 8-9% do điều kiện thời tiết khô nóng trong mùa hè, thấp hơn mức trung bình trong 5 năm qua.

Khủng hoảng nước

Hàng loạt các nước ở châu Âu đang thiếu nước sau khi các đợt nắng nóng càn quét qua khu vực này trong tháng qua. Tình hình hạn hán đặc biệt nghiêm trọng ở nước Pháp, nơi giới chức trách đã thành lập nhóm chuyên trách ứng phó khủng hoảng thiếu nước.

Tại một khu vực miền núi ở bang Obwalden nằm ở dãy Alps chạy qua Thụy Sĩ, quân đội được triển khai để cứu đàn bò. Khi những dòng suối từ núi Alps khô cạn, tuần trước trực thăng của quân đội đã vận chuyển các container nước khổng lồ để tưới các đồng cỏ trong nỗ lực ngăn đàn gia súc chết khát.

Sonia Seneviratne, giáo sư trong lĩnh vực khí hậu và đất đai tại Đại học nghiên cứu ETH Zurich, cho biết: “Ở Thụy Sĩ, chúng tôi không quen với ý nghĩ về hạn hán. Chúng tôi tự coi mình là “pháo đài nước” của châu Âu, nhưng khi các sông băng thu hẹp và nhiệt độ mùa hè trở nên khắc nghiệt hơn, điều này ngày càng không còn đúng nữa”.

 

han-han-p.jpg
Nhân viên của Cơ quan Đa dạng sinh học Pháp đang kiểm tra một cánh đồng khô hạn ở Herzeele, miền Bắc nước Pháp. Ảnh: AFP

 

Tình trạng thiếu nước là hậu quả của đợt hạn hán nghiêm trọng đang quét qua lục địa châu Âu từ Bồ Đào Nha đến Đông Âu, từ miền nam nước Anh cho đến Ý. Các nhà khoa học cho rằng sự kết hợp của một mùa đông khô bất thường và sau đó là một mùa xuân cũng hanh khô và một mùa hè nắng nóng là do hiện tượng ấm lên khi khí hậu biến đổi.

Hạn hán và nhiệt độ cực cao đang xuất hiện trên khắp châu Âu, với nước Pháp đang trải qua đợt nắng nóng thứ ba trong mùa hè này, gây ảnh hưởng đến các hộ gia đình, các ngành công nghiệp, giao thông và du lịch, cũng như mùa màng. Mặt đất khô cằn cũng là điều kiện lý tưởng dẫn đến các trận cháy rừng tàn phá ở nước Pháp, Bồ Đào Nha và các nước khác trong khu vực.

Hôm 5/8, Thủ tướng Pháp Élisabeth Borne đã thành lập một nhóm chuyên trách ứng phó khủng hoảng để tìm các giải pháp giúp đất nước vượt qua cơn hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử nước này. 93/96 tỉnh của nước Pháp đã yêu cầu người dân hạn chế sử dụng  nước, trong đó, khoảng 2/3 số tỉnh được được xếp vào diện “khủng hoảng”, theo Bộ Môi trường Pháp. Gần 100 thị trấn của nước Pháp đang thiếu nước và phải vận chuyển nước từ nơi khác đến để sử dụng.

“Đây là đợt hạn hán tồi tệ nhất từng được ghi nhận ở đất nước chúng ta”, Văn phòng Thủ tướng Élisabeth Borne cho biết trong một tuyên bố.

Tại thung lũng Loire, ở phía tây nước Pháp, Clément Traineau, một nông dân chăn nuôi gia súc, cho biết đây là cơn hạn hán tồi tệ nhất mà anh và ngay cả cha anh từng chứng kiến. Các cánh đồng cỏ ở khu vực của anh đã khô héo từ lâu vì nắng nóng và trời ít mưa trong nhiều tháng. Anh cho biết các cơn gió mang hơi nóng hừng hực, cảm giác “như máy sấy tóc”. “Đất không chỉ khô trên bề mặt và ngay cả sâu ở bên dưới”, anh nói.

Bộ Nông nghiệp Pháp cảnh báo sản lượng trong vụ mùa bắp hiện tại có thể giảm đến 19% vì thời tiết khô hạn. Các nhà khoa học tin rằng hạn hán vào mùa hè có thể trở thành điều bình thường ở Tây Âu, do tác động của biến đổi khí hậu.

Giáo sư Sonia Seneviratne giải thích: “Một biến cố thời tiết nắng nóng khắc nghiệt có thể xảy ra 10 năm một lần nếu như có sự biến đổi khí hậu do con người gây ra. Nhưng hiện nay, các đợt hạn hán nghiêm trọng đang xảy ra 3 lần sau mỗi 10 năm. Có thể trong vòng một năm tới, mỗi mùa hè sẽ có nắng nóng như vậy và tình trạng này sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu chúng ta không ngừng phát thải carbon”.

Đánh giá mới nhất của Đài quan sát hạn hán châu Âu cho thấy 13% lãnh thổ của Liên minh châu Âu đang rơi vào tình trạng báo động nghiêm trọng về khô hạn hồi đầu tháng 7 và tình trạng hạn hán đã nghiêm trọng hơn kể từ đó.

Cơ quan Khí tượng thủy văn Pháp (Météo France) cho biết độ ẩm đất bề mặt trên toàn quốc đang ở mức thấp kỷ lục. Lượng mưa trong tháng 7 ở Pháp chỉ ở mức trung bình 9,7mm, thấp hơn 85% so với tiêu chuẩn theo mùa và đây là tháng khô hạn thứ hai từng được ghi nhận, sau tháng 3-1961. Thời tiết ở miền tây nước Pháp đang cực kỳ nóng, với nhiệt độ ở thị trấn Biscarrosse lên tới 42,6 độ C vào tháng trước, một kỷ lục ở địa phương này.

Christian Huyghe, Giám đốc khoa học nông nghiệp tại Viện nghiên cứu nông học quốc gia của Pháp, cho biết: “Nếu không có mưa lớn trước cuối tháng 9 thì có nguy cơ tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn”.

Trong tuần này, Hà Lan đã tuyên bố tình trạng thiếu nước trên toàn quốc. Trong khi đó, giới chức trách ở Ba Lan đã đưa ra các biện pháp hạn chế khai thác nước từ các con sông, bao gồm cả sông Vistula, con sông dài nhất của đất nước, nơi mực nước đã xuống gần mức thấp kỷ lục. Tại thủ đô Warsaw, các dịch vụ vận chuyển bằng phà qua sông Vistula đã dừng lại trong một tuần vào tháng trước vì mực nước quá thấp.

Nếu mực nước trên sông Rhine ở châu Âu giảm thêm 7 cm nữa thì những đoạn dài của con sông này, chạy qua một trong những hành lang công nghiệp quan trọng nhất của châu Âu, sẽ không thể sử dụng được cho tàu bè.

Một số nhà máy điện hạt nhân của Pháp đã phải giảm công suất hoạt động vì các quy định môi trường hạn chế nhiệt độ của nước thải vào cho các con sông sau khi được sử dụng cho các tháp làm mát. Hạn hán cũng đã làm giảm sản lượng thủy điện của châu Âu, bao gồm cả cả những nhà máy nằm ở dãy Alps.

Trước tình trạng khô hạn, thiếu nước ở khắp nơi tại châu Âu và nguy cơ khan hiếm nước trong những năm sắp tới do biến đổi khí hậu, hôm 3-8, Ủy ban châu Âu đã kêu gọi các nước thành viên EU nỗ lực xử lý và tái sử dụng nước thải trong lĩnh vực nông nghiệp.

Năm ngoái, EU dự báo hạn hán sẽ khiến khu vực này thiệt hại khoảng 9 tỉ euro mỗi năm và con số thiệt hại sẽ tăng vọt mức 40 tỉ euro mỗi năm nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Theo các nhà khoa học, hiện nay, nhiệt độ Trái đất đã tăng ít nhất 1,1 độ C kể từ thời tiền công nghiệp.

Một số người dân châu Âu đã cầu cứu các đấng thần linh. Vào tháng trước, ở Cagnano, tại một ngôi làng ở miền nam nước Ý, cư dân đã tụ tập để cầu khẩn thánh St. Vincent Ferrer, một vị thánh che chở những người trồng nho, mang lại những cơn mưa rất cần thiết.

Thủy điện bị ảnh hưởng nghiêm trọng 

Các con sông có mực nước thấp hơn mọi năm không chỉ làm cho các đập thủy điện thiếu nước, mà còn ảnh hưởng cả tới các nhà máy điện nguyên tử và nhiệt điện dùng than đá. Các nhà máy điện nguyên tử luôn luôn được đặt ven sông, vì các lò phản ứng nhiệt hạch cần có nước sông để làm mát. Các nhà máy nhiệt điện dùng than đá cũng thường được đặt ven sông, vì lượng than cung cấp cho lò đốt thường do tàu thủy mang tới. Nay mực nước sông thấp hơn, làm cho tàu chở than có lúc không thể di chuyển và làm mát các lò phản ứng hạt nhân trở nên phức tạp hơn. Có thể nói, hạn hán làm trầm trọng hơn bài toán năng lượng của nhiều quốc gia châu Âu.

Các nước châu Âu đã thảo luận về các biện pháp thích ứng với hạn hán và nắng nóng từ vài năm trở lại đây. Có hai biện pháp chính đang được áp dụng.

Thứ nhất là trồng thêm cây bóng mát, cả trong thành phố lẫn giữa các thửa ruộng, giúp làm mát không khí, hấp thụ ánh nắng, giữ nền đất ổn định.

Thứ hai là ngừng bê tông hóa mặt đất, xây cất thế nào thì mặt đất cũng phải để cho nước mưa thấm qua được, ví dụ nền bãi đỗ xe lát bằng gạch có lỗ thấm lớn, vừa giảm được ngập khi mưa lớn, vừa bổ sung nước cho các mạch ngầm.

Nhiều thành phố châu Âu thậm chí đã phá các mặt phẳng lát bằng bê tông tấm lớn, thay bằng gạch có lỗ thấm. Một số biện pháp khác cũng đang được thử nghiệm theo hướng thuận theo biến đổi của thiên nhiên.

Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, châu Âu đã và đang phải hứng chịu các đợt nắng nóng liên tục, nhiệt độ nhiều nơi đã tăng lên mức kỷ lục 44 - 45oC. Ủy ban này cảnh báo, các đợt nắng nóng sẽ trở nên thường xuyên hơn, đến sớm hơn và kéo dài hơn. Do đó, tác động tới sức khỏe con người hay tới kinh tế sẽ càng lớn hơn. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ước tính, đến năm 2030, nắng nóng có thể làm giảm 2,2% tổng số giờ làm việc trên toàn thế giới, cái giá phải trả cho hiện tượng này sẽ là khả năng "bốc hơi" 2.400 tỷ USD trên toàn cầu.

 

 

 

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top