Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 10 tháng 10 năm 2018 | 9:55

Liên minh Mỹ-Nhật có kiềm chế nổi tham vọng của Trung Quốc ở Đông Á?

Giới quan sát cho rằng, việc duy trì và củng cố quan hệ liên minh Mỹ-Nhật Bản, có thể giảm bớt sự ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Đông Á.

Hiện nay, vấn đề chiến lược quan trọng ở khu vực Đông Á là sự gia tăng quyền lực của Trung Quốc. Một số nhà phân tích thậm chí còn cho rằng, việc Trung Quốc tìm cách gây dựng trục quyền lực tại Đông Á sẽ dẫn tới xung đột. Bởi không giống như châu Âu, Đông Á không bao giờ hoàn toàn chấp nhận các điều khoản của thập niên 1930, và những chia rẽ trong suốt thời Chiến tranh Lạnh sau đó đã hạn chế việc hòa giải.

 

lien minh my nhat co kiem che noi tham vong cua trung quoc o dong a hinh 1
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty.

 

Hiện giờ, Tổng thống Donald Trump đã phát động cuộc chiến thương mại đối với Trung Quốc và đàm phán với Nhật Bản nhằm mục đích giải quyết vấn đề thặng dư thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản. Dù các cuộc đàm phán song phương Mỹ-Nhật đã trì hoãn mối đe dọa của ông Trump đánh thuế lên sản phẩm ô tô của Nhật Bản, nhưng các nhà quan sát vẫn lo ngại rằng ông Trump có thể đẩy Nhật Bản xích lại gần hơn với Trung Quốc, khi chủ tịch Tập Cận Bình đang lên kế hoạch tổ chức một Hội nghị Thượng đỉnh với Thủ tướng Shinzo Abe vào cuối tháng 10/2018.

Thay đổi cán cân quyền lực

Cán cân quyền lực giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã thay đổi đáng kể trong những thập kỷ gần đây. Tính riêng trong năm 2010, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã vượt quá GDP của Nhật Bản (tính theo gía trị của đồng USD, mặc dù thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc vẫn thấp hơn).

Cần phải nhắc lại rằng, cách đây 2 thập kỷ nhiều người Mỹ lo ngại Nhật Bản sẽ soán ngôi Mỹ chứ không phải Trung Quốc. Nhiều cuốn sách dự đoán, Nhật Bản có thể đứng đầu khối Thái Bình Dương mà không có sự tham gia của Mỹ. Thế nhưng đến thời chính quyền Tổng thống Bill Clinton, Mỹ lại tái khẳng định liên minh an ninh chặt chẽ với Nhật Bản, song song với việc chấp nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc và ủng hộ Trung Quốc tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Rạn nứt trong liên minh

Vào đầu những năm 1990, nhiều nhà quan sát cho rằng, liên minh Mỹ và Nhật Bản sẽ đổ vỡ như một tàn tích của Chiến tranh Lạnh. Căng thẳng thương mại giữa hai nước tăng cao. Trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống năm 1992, Thượng nghị sỹ Mỹ Paul Tsongas đã đưa ra khẩu hiệu: “Chiến Tranh Lạnh đã đi qua và Nhật Bản đã chiến thắng”. Chính quyền Tổng thống Clinton lúc đó bắt đầu công kích Nhật Bản. Tuy nhiên, sau tiến trình đàm phán kéo dài 2 năm, ông Clinton và Thủ tướng Nhật Bản Ryutaro Hashimoto đã ban hành một tuyên bố vào năm 1996 rằng, liên minh Mỹ-Nhật là nền tảng cho sự ổn định của khu vực Đông Á hậu Chiến Tranh Lạnh.

Dẫu vậy, vẫn có nhiều rạn nứt sâu sắc, mặc dù điều này hiếm khi được công khai, liên quan đến mối lo ngại của Nhật Bản cho rằng nước này sẽ bị gạt ra rìa khi Mỹ chuyển hướng sang Trung Quốc. Điều này không bất ngờ bởi khi năng lực quốc phòng của hai nước đồng minh không tương xứng, bên phụ thuộc nhiều hơn sẽ phải lo lắng nhiều hơn về quan hệ đối tác.

Trong nhiều năm qua, một số người Nhật Bản cho rằng, Nhật Bản nên trở thành một quốc gia “bình thường” với năng lực quân sự đầy đủ và toàn diện hơn. Một số chuyên gia thậm chí còn cho rằng Nhật Bản nên từ bỏ một số nguyên tắc chống hạt nhân và phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, những biện pháp như vậy sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp hơn là những gì chúng có thể giải quyết. Thậm chí nếu Nhật Bản thực hiện các bước đi để trở thành một quốc gia “bình thường” (bất kể thuật ngữ đó ám chỉ điều gì) thì nước này vẫn không có được sức mạnh ngang hàng với Mỹ hoặc Trung Quốc

Mối lo ngại mới

Hiện nay, Nhật Bản đang có mối lo ngại mới về nguy cơ sẽ bị Mỹ bỏ rơi. Chủ nghĩa bảo hộ và chính sách “Nước Mỹ trên hết” mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đang theo đuổi đã đặt ra rủi ro mới cho liên minh. Việc ông Trump rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được coi là cú giáng mạnh vào Nhật Bản.

Mặc dù chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã rất khéo léo chiều theo “cái tôi” của Tổng thống Donald Trump để tránh xung khắc, song những bất đồng sâu sắc giữa hai nước vẫn còn đó. Việc chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt thuế đối với nhôm và thép nhập khẩu từ Nhật Bản viện lý do an ninh quốc gia đã gây ngạc nhiên đối với Tổng thống Abe và làm gia tăng sự bất bình tại Nhật Bản.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng cho rằng, các nước đồng minh của Mỹ tại Châu Á nên làm nhiều hơn nữa để bảo vệ chính bản thân họ, đồng thời đặt câu hỏi về giá trị của việc triển khai các lực lượng Mỹ tại những quốc gia này. Một số nhà phân tích băn khoăn liệu các hành động của ông Donald Trump có buộc Nhật Bản tung ra biện pháp phòng tránh rủi ro và tiến gần hơn với Trung Quốc hay không. Nhưng điều này nhiều khả năng sẽ không xảy ra ở thời điểm hiện tại. Mặc dù sự lựa chọn như vậy có thể được xem xét nhưng sẽ rất hạn chế bởi Nhật Bản luôn lo ngại về sự thống trị của Trung Quốc. Trong trường hợp này, liên minh với Mỹ vẫn là sự lựa chọn tốt nhất, nếu Tổng thống Donald Trump không đi quá xa.

Quan hệ Mỹ - Nhật Bản vẫn duy trì mạnh mẽ

Đến thời điểm hiện tại, liên minh Mỹ-Nhật Bản vẫn rất mạnh mẽ. Thủ tướng Nhật Bản Abe đã sớm tiếp cận với ông Donald Trump ngay khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Thủ tướng Nhật Bản là nhà lãnh đạo quốc gia đầu tiên gặp ông Trump tại Tháp Trump ở New York, tiếp đến là các cuộc gặp khác tại Washington và khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của Tổng thống Trump tại Florida.

Mối quan hệ thân thiết Trump-Abe đã cho phép Bộ Quốc phòng Mỹ duy trì hợp tác chặt chẽ về các vấn đề an ninh với Nhật Bản. Vấn đề Triều Tiên đã thu hút sự quan tâm của liên minh và mở ra cơ hội cho Tổng thống Donald Trump để trấn an Nhật Bản rằng Mỹ vẫn luôn đứng sau và ủng hộ Nhật Bản 100%.

Cả Thủ tướng Abe và Tổng thống Donald Trump đều theo đuổi chiến lược gây “sức ép tối đa” đối với Triều Tiên, nỗ lực làm việc để vận động cộng đồng quốc tế ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên. Cùng với đó, Nhật Bản cũng công bố khoản đầu tư lớn vào hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo và hợp tác với Mỹ phát triển hệ thống này.

Dẫu vậy, Nhật Bản cũng không khỏi lo ngại khi Tổng thống Donald Trump bất ngờ thể hiện thái độ thân thiện với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sạu Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore vào tháng 6/2018. Nhật Bản lo lắng thỏa thuận mà Mỹ và Triều Tiên đạt được chỉ tập trung kiềm chế tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên và bỏ qua các loại tên lửa tầm ngắn khác có thể vươn tới lãnh thổ Nhật Bản.

Chia sẻ gánh nặng quốc phòng

Việc Tổng thống Donald Trump chỉ trích về vấn đề chia sẻ gánh nặng quốc phòng cũng làm dấy lên lo ngại từ phía Nhật Bản.  Mặc dù chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản chỉ nhỉnh hơn 1% GDP của nước này, nhưng với vai trò là nước chủ nhà Nhật Bản đã có những đóng góp đáng kể.

Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng Mỹ, chính phủ Nhật Bản chi trả khoảng 75% chi phí hỗ trợ các lực lượng Mỹ tại Nhật Bản. Chỉ tính riêng trong năm 2018, chính phủ Nhật Bản đã dự chi 1,7 tỷ USD cho việc chia sẻ chi phí quốc phòng với Mỹ, 2 tỷ USD cho việc tái cơ cấu các lực lượng Mỹ tại Nhật Bản và 2,3 tỷ USD cho các hoạt động khác bao gồm hỗ trợ cộng đồng nơi các lực lượng Mỹ đồn trú, cùng nhiều khoản khác liên quan đến liên minh.

Như chính quyền Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng công nhận cách đây 1/4 thế kỷ, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã tạo ra thế chân vạc ở Đông Á. Nếu Mỹ và Nhật Bản duy trì liên minh, thì điều đó có thể định hình môi trường Trung Quốc phải đối mặt và giúp kiềm chế sự gia tăng quyền lực của Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đó phụ thuộc vào việc liệu chính quyền Tổng thống Donald Trump có duy trì thành công liên minh này hay không./.

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

  • HTX An Hòa: Tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

    HTX An Hòa: Tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

    Để phát huy hiệu quả giá trị tài nguyên đất, chị Hoàng Thị Gái, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX An Hòa đã mạnh dạn tập trung ruộng đất, áp dụng cơ giới hóa, từ đó nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Top