Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 19 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 25 tháng 1 năm 2022 | 17:12

Liệu giá lợn có "lập đỉnh" trước Tết Nguyên đán?

Những ngày gần đây, giá lợn hơi trên thị trường cả nước đều có xu hướng tăng khá, từ 5.000-7.000 đồng/kg do nhu cầu thực phẩm gần Tết Nguyên đán tăng cao.

ttxvn_thit_lon1.jpg
Thịt lợn bày bán ở chợ dân sinh tại Hà Nội. 

 

Giá thịt lợn tăng

Theo nhận định của các chuyên gia chăn nuôi, nếu giá lợn hơi còn tăng cũng sẽ không nhiều, sẽ không có đột biến về giá bởi nguồn cung tốt.

Cụ thể, giá lợn hơi ở miền Bắc hiện đang dao động từ 56.000-58.000 đồng/kg, như Hưng Yên, Hà Nội, Nam Định… khoảng 58.000 đồng/kg; tại Thái Nguyên, Yên Bái, Thái Bình… là 57.000 đồng/kg; tại Lào Cai là 56.000 đồng/kg.

Tại miền Trung, lợn hơi có giá từ 54.000-57.000 đồng/kg, như Nghệ An, Hà Tĩnh… là 57.000 đồng/kg; Quảng Nam 54.000 đồng/kg…

Tại miền Nam, giá lợn hơi từ 54.000-57.000 đồng/kg, như Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long… là khoảng 54.000 đồng/kg, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai từ 56.000-57.000 đồng/kg…

Với giá lợn tăng trong những ngày gần đây, các hộ chăn nuôi rất phấn khởi bởi năm nay giá lợn hầu như ở mức rất thấp, có thời điểm thua lỗ bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao.

Ông Trần Quốc Toản ở Khoái Châu, Hưng Yên cho biết, với giá lợn hiện nay thì những hộ chăn nuôi nông hộ mới bắt đầu có chút lợi nhuận.

Dịch COVID-19 vẫn khiến nhu cầu thực phẩm ở mức thấp do không có các lễ hội, cỗ bàn… lớn diễn ra. Thời gian trước, giá lợn ở mức thấp, khiến chăn nuôi nhỏ lẻ bỏ chuồng khá nhiều. Giá lợn cần đạt trên 60.000 đồng/kg thì người chăn nuôi mới có chút lợi nhuận.

Liệu giá lợn có "leo thang?

Hiện, cả nước có khoảng 28 triệu con lợn; trong đó, đàn lợn thịt cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; đặc biệt 16 doanh nghiệp lớn vẫn duy trì khoảng 6,5 triệu con lợn thịt, cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước.

Ông Nguyễn Trọng Long - Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long cho biết, giá lợn hơi bắt đầu tăng khi nhu cầu tiêu thụ thịt cho chế biến các món ăn truyền thống như giò, chả… tăng.

Các tỉnh, thành thích ứng với dịch COVID-19 cũng thúc đẩy tiêu dùng thịt lợn cao hơn, cân bằng với giá lợn sản xuất ra.

"Đây là mức tăng không lớn và dự kiến từ giờ đến Tết Nhâm dần 2022, giá thịt lợn cũng không biến động quá nhiều. Giá lợn tăng trở lại giúp người nuôi lợn có thể giảm lỗ trong thời gian tới" - ông Long khẳng định.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Trọng -Hội Chăn nuôi Việt Nam, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho hay, việc giá lợn hơi tăng lên 57.000 – 60.000 đồng/kg là điều tất yếu. Bởi, thời điểm trước Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng, giá thịt lợn sẽ tăng để phục vụ cho thực phẩm chế biến.

Bên cạnh đó, việc các hàng quán trên cả nước mở cửa trở lại sau thời gian giãn cách xã hội cũng khiến nhu cầu tiêu dùng tăng lên, điều đó cũng khiến giá lợn tăng theo.

"Tôi cho rằng, việc giá lợn hơi tăng là chuyện bình thường. Giá lợn tăng mới hài hoà được 3 khâu: sản xuất – lưu thông phân phối và tiêu dùng. Với giá này, người chăn nuôi mới có hiệu quả, có lãi được", ông Trọng nói.

Cũng theo ông Trọng, giá lợn hơi năm nay tăng cao hơn năm ngoái. Điều này được lý giải bằng việc, năm nay giá thành đầu vào tăng rất mạnh, riêng thức ăn chăn nuôi đã tăng 35%. "Giá tăng, nhưng sẽ không có nhiều biến động, sẽ giữ ở khoảng này hoặc tăng thêm 1-2 giá nữa", ông Trọng khẳng định.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Trọng cũng cho biết, giá lợn ở một số nước lân cận Việt Nam cũng có xu hướng tăng. Tuy giá lợn đang có xu hướng tăng nhưng so với năm 2020, giá lợn vẫn ở mức thấp.

Bởi bên cạnh mặt bằng giá thấp hơn thì năm 2021 giá thức ăn chăn nuôi còn cao hơn năm ngoái rất nhiều từ 16-36%.

Ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc C.P Việt Nam cũng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của việc tăng giá trở lại là nhu cầu thịt lợn tươi và nguyên liệu chế biến tăng cao nên đẩy giá hơn.

 

img0005-11234266.jpg
Nông dân chủ động tái đàn nên lượng lợn trong dân rất phong phú dịp Tết Nguyên đán.

 

Ngoài ra, hiện nay, các quốc gia lận cận đang có nhu cầu nhập lợn sống từ Việt Nam nên giá bắt đầu đi lên. "Hiện, giá lợn hơi xuất sang Thái Lan đang ở mức 83-84 nghìn đồng/kg và có dấu hiệu còn tăng", ông Huy nói.

Theo ông Trọng, đến thời điểm này có thể cam kết đảm bảo nguồn cung thực phẩm sẽ không thiếu hụt, giá thịt lợn sẽ tăng, nhưng không đột biến.

Dẫn số liệu từ Cục Chăn nuôi cho thấy, đến hết năm 2021, tổng đàn lợn của cả nước vẫn ổn định ở mức 28,1 triệu con, cao hơn khoảng 6% so với năm 2020; trong đó 16 doanh nghiệp lớn chiếm 23-24% tương đương 6,5 triệu con.

Nhiều chuyên gia đánh giá, với mức giá 52-55 nghìn đồng/kg, các doanh nghiệp lớn có lãi khoảng 13-16 nghìn đồng/kg, các doanh nghiệp nhỏ, chăn nuôi nông hộ có mức hòa vốn hoặc lãi ít vì chi phí chăn nuôi tăng mạnh, riêng giá thức ăn chăn nuôi năm qua tăng 15-36%.

Do đó, giá chỉ tăng ở những địa phương đang có mức giá thấp, cho đến khi đạt ngưỡng có lãi của các doanh nghiệp lớn tại các địa phương. Bởi vậy, giá không có nhiều biến động khi cung - cầu không có nhiều điểm "vênh".

Không lo thiếu thịt vào dịp Tết

Xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” nuôi lợn lớn nhất miền Bắc những ngày cuối năm tấp nập người vào, ra. Trên dọc đường vào các thôn, nườm nượp phương tiện xe ba gác thô sơ, xe tải vận chuyển lợn hơi.

Bà Nguyễn Thị Phúc (xóm 5, xã Ngọc Lũ) cho biết, hơn 2 tháng nay, giá lợn hơi đã tăng từ 35.000 đồng/kg lên 54.000 đồng/kg nên gia đình bà đã tái đàn số lượng hơn 200 con.

 

gia-thit-lon-hoi-249-1632468266776713752534-16430202254101395255400.jpg
Chăm sóc đàn lợn chuẩn bị xuất chuồng.

 

“Hiện tại, gia đình tôi còn hơn 100 con lợn trọng lượng 120 – 140 kg/con và hơn 100 con có trọng lượng 80 - 100kg/con. Tất cả sẽ được xuất bán vào thời điểm giáp Tết và tháng Giêng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân”, bà Phúc nói.

Là hộ chăn nuôi lợn với số lượng lớn nhất trong xã Ngọc Lũ, ông Trần Mậu Vượng cho biết, trang trại của ông thường có từ 2.000 - 5.000 con trọng lượng khác nhau. “Riêng Tết năm nay, trang trại lợn của tôi sẽ cung cấp ra thị trường khoảng hơn 4.000 con, tương đương với khoảng 500 tấn lợn hơi. Sản lượng cung cấp của các trang trại chăn nuôi lớn nên dự báo năm nay, giá lợn hơi không cao bất thường”, ông Vượng nói.

Tương tự, theo anh Trần Hữu Duy, lái xe vận chuyển lợn hơi từ các nơi về chợ đầu mối gia súc gia cầm Hà Nam, nhiều năm qua anh vận chuyển thuê các thương lái về đổ buôn ở chợ này. Riêng năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nhu cầu tiêu thụ thịt của người tiêu dùng giảm. "Nguồn cầu thấp trong khi lượng cung dồi dào thì khó xảy ra sốt giá", anh Duy nói.

Ông Trần Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam cho biết, hơn 2 tháng nay giá lợn hơi tăng từ 35.000 đồng lên 57.000 đồng/kg. Tranh thủ thời cơ này, nhiều người chăn nuôi ở địa phương đã chủ động tái đàn so với vài tháng trước. Đặc biệt, trước Tết khoảng 2 tháng, người dân địa phương cũng tái đàn để phục vụ nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng cao. Đến thời điểm này, toàn xã Ngọc Lũ có tổng đàn 1.800 con, với hơn 500 hộ nuôi.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Lộc, Trưởng Ban quản lý Chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam cho biết, năm nay lượng lợn hơi từ các nơi đổ về khá nhiều, do đó không lo thiếu thịt lợn dịp Tết. “Hiện tại, giá lợn hơi giao dịch tại chợ hàng đẹp, ngon có giá 54.000 - 60.000 đồng/kg. Ngoài giao dịch của các thương lái tại chợ, nhiều công ty, đơn vị cũng đã cung cấp ra thị trường hàng nghìn tấn mỗi ngày nên thịt lợn còn nhiều và rất phong phú, giá cả tăng không đáng kể”, ông Lộc nói.

Ngoài thị trường chăn nuôi lợn truyền thống là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như của người dân, năm nay các đơn vị sản xuất lớn cũng cung cấp ra thị trường hàng nghìn tấn thịt lợn hơi, thị gà, thịt bò mỗi ngày. Ông Nguyễn Đức Lợi, Giám đốc bán hàng của Meatdeli (Tập đoàn Masan) cho biết, đơn vị đã thu mua hàng trăm nghìn con lợn, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái để phục vụ nhu cầu tiêu thụ thực phẩm vào dịp Tết của người dân.

Bình ổn giá lợn

Bằng nhiều giải pháp liên kết đầu vào, đầu ra với các địa phương, cũng như tích cực thực hiện chương trình bình ổn giá, TP Hồ Chí Minh vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ thịt lợn cho Tết Nguyên đán sắp tới; đồng thời sẵn sàng kịch bản có thể tăng lên theo nhu cầu thị trường.

Theo nhận định, sát Tết, giá thịt lợn có thể sẽ tăng 10 - 20% so với hiện nay do lực cầu tăng mạnh. Để giữ mức giá bình ổn, các đơn vị phải tính toán cân đối đầu vào - đầu ra. Kể cả các hệ thống siêu thị, điểm bán lẻ cũng phải lên phương án chuẩn bị nguồn hàng.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho hay: "Hết sức an tâm về mặt hàng thịt lợn không thiếu, không tăng giá trong Tết này. Chúng tôi chuẩn bị lượng hàng đầy đủ để khi thị trường có nhu cầu vẫn sẵn sàng đáp ứng".

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cho biết, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn vào dịp Tết của thành phố vào khoảng 7.600 - 9.000 con 1 ngày. TP Hồ Chí Minh đã chủ động kiểm tra nguồn cung, kết nối chuỗi cung cầu với các địa phương, đảm bảo không xảy ra tình trạng thiếu hụt thịt, tăng giá.

TP Hồ Chí Minh cho biết, cơ quan liên ngành cũng sẽ triển khai nhiều hoạt động thanh kiểm tra tình hình giá cả trên thị trường, kịp thời xử lý các trường hợp tạo khan hàng, sốt giá, làm biến động thị trường, nhất là với mặt hàng thịt lợn./.

 

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
Top