Để kịp thời cung ứng hàng hóa đến người dân được thuận lợi hơn nữa, ngành Nông nghiệp, Công Thương phối hợp liên ngành, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh... trên các địa bàn cung cấp lương thực, thực phẩm đảm bảo ổn định đời sống cho người dân.
Tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và nhiều tỉnh, thành phố vẫn đang tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/TC-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Nhờ nỗ lực từ các bộ, ngành chức năng và các địa phương, việc cung ứng hàng hóa đến cho người dân đã dần được ổn định. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn tiếp tục phát sinh nhiều vấn đề trong điều phối, lưu thông hàng hóa đang được các cơ quan chức năng khẩn trương giải quyết.
Tăng kết nối cung ứng
Bà Phạm Thị Vân, Trưởng Ban quản lý hệ thống bán lẻ Tổng công ty Thương mại Sài Gòn-Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (Satra) cho biết, hệ thống bán lẻ Satra vẫn đảm bảo được lượng hàng hóa cung ứng cho người tiêu dùng với giá ổn định nhờ vào việc liên tục đàm phán với mạng lưới nhà cung cấp. Satra không ngừng tìm kiếm thêm những nhà cung cấp mới, thương thảo hợp đồng gối đầu; giải quyết nhanh công tác vận chuyển để hàng hóa kịp phục vụ người dân. Nhờ đó, hệ thống bán lẻ Satra vẫn giữ giá ổn định khi cung cấp hàng hóa ra thị trường.
Ngành Công Thương TP. Hồ Chí Minh cũng đang khẩn trường phối hợp với nhà bán lẻ, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh để đưa ra những kịch bản linh hoạt, thích ứng với quy định quy định. Để kịp thời cung ứng hàng hóa đến người dân được thuận lợi hơn nữa, ngành công thương phối hợp liên ngành, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh... trên địa bàn tìm đường, mở lối cung cấp lương thực, thực phẩm... đến các địa phương, nhất là khu vực bị phong tỏa, cách ly. Trên địa bàn thành phố hiện chỉ còn khoảng 30 chợ hoạt động. Một số địa phương như thành phố Thủ Đức; các quận 1, 3, 4, 6, 7, 8, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú... đã đóng toàn bộ mạng lưới chợ truyền thống.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, cho hay, Sở đã ban hành văn bản hướng dẫn, kèm sơ đồ mẫu hướng dẫn mô hình tổ chức bán thực phẩm tươi sống an toàn đến thành phố Thủ Đức, quận, huyện để tham khảo. Do đó, đã có một số địa phương như huyện Củ Chi, quận 12... tổ chức khá tốt mô hình này; còn những quận, huyện khác cũng đã rà soát, đánh giá, mở cửa hoạt động trở lại một số chợ để bán thực phẩm cho bà con.
Cụ thể, hoạt động cung ứng lương thực, thực phẩm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh chỉ được phép hoạt động theo mô hình mới, có quy mô giảm còn khoảng 30%. Hộ kinh doanh được tổ chức hoạt động luân phiên theo ngày chẵn-lẻ để giảm tối đa lượng người tương tác.
Tại Đồng Tháp, tỉnh có trên 250 cơ sở kinh doanh cung cấp hàng hóa thiết yếu đã dự trữ hàng hóa tăng từ 3-5 lần. Ngoài các siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, tiện ích, các doanh nghiệp sản xuất các hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh sẵn sàng cung cấp ngay khi cần thiết.
Theo các tiểu thương chợ thành phố Cao Lãnh, nguồn cung cấp rau xanh các loại dồi dào và không xảy ra tình trạng khan hiếm. Các loại rau ở địa phương và rau từ Đà Lạt đưa về luôn có giá bình ổn và giảm giá 20% so với trước đây 1 tuần.
Ông Dương Minh Sang, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất-Tiêu thụ rau an toàn xã Long Thuận (Đồng Tháp), cho biết, hợp tác xã và hệ thống siêu thị Co.opmart trên địa bàn tỉnh thiết lập một mối liên kết bền vững. Trung bình mỗi ngày, hợp tác xã cung cấp từ 1,2-1,5 tấn rau tươi các loại cho siêu thị, chủ yếu là cải xanh, cải ngọt, rau dền, củ cải, hành, rau muống... Từ đó, các siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, tiện ích có các sản phẩm rau, củ quả đầy đủ hàng ngày, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân trong thời gian giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), thống kê từ 388 đầu mối đăng kí qua Tổ công tác đặc biệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại TP. Hồ Chí Minh, sản lượng hàng hóa có thể cung cấp đến 31/7/2021 rất dồi dào và đang có dấu hiệu thừa nhóm hàng trái cây, sản phẩm chăn nuôi và thủy sản.
Cụ thể, nhóm rau củ tăng đột biến sản lượng khoai lang tím và dứa. Dưa leo có dấu hiệu cung vượt cầu. Nhóm trái cây có số lượng đăng ký tăng cao nhất là nhãn, lượng cung các đầu mối lên tới trên 700 tấn/ngày. Nhãn và chuối đang có dấu hiệu khó khăn trong tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp thu mua không thể tiếp cận hết các địa bàn.
Trong khi đó, nhóm thủy sản cũng ghi nhận sản lượng của tôm, cua, cá nước mặn tăng nhanh. Số đầu mối sản phẩm chăn nuôi cung cấp ít nhưng có dấu hiệu dư thừa của thịt gà lông trắng, chim bồ câu ở khu vực các tỉnh miền Đông. Dự báo, những ngày sắp tới, các mặt hàng dưa leo, nhãn xuồng, nhãn Idor, khóm, chanh, chuối, khoai lang, gà lông trắng, cua và tôm nước mặn sẽ cung vượt cầu.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam thông tin, hầu hết các tỉnh, thành trong khu vực phía Nam đã tạm hoàn chỉnh hệ thống cập nhật dữ liệu của các đầu mối cung cấp nông sản; hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn về vận chuyển, xét nghiệm nhanh Covid-19, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đến địa phương mua hàng.
Nhiều tỉnh hình thành các điểm bán hàng nhu yếu phẩm đến từng huyện, xã cho người dân, đáp ứng các biện pháp phòng dịch như huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), thành phố Bến Tre, thành phố Vị Thanh-Hậu Giang… Nhờ đó, lượng nông sản, thực phẩm được thu mua, tiêu thụ tại chỗ rất ổn định và cung cấp một phần cho các tỉnh lân cận.
Linh hoạt phương án sản xuất và tiêu thụ nông sản
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Bộ cho biết Tổ công tác đã và tiếp tục chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với doanh nghiệp để có những phương án tổ chức thu hoạch, tiêu thụ nông sản đảm bảo mùa vụ và chất lượng sản phẩm.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, đối với vụ lúa hè thu đang thu hoạch rộ ở Đồng bằng sông Cửu Long, Tổ công tác đã chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất với các tỉnh, thành phố thành lập các tổ máy gặt liên hợp.
Các tổ máy này sẽ hoạt động và được di chuyển đến các vùng thu hoạch, tránh việc phải huy động đông người để đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Hiện nhiều thương lái, doanh nghiệp ngại di chuyển đi thu mua nông sản vì lo ngại dịch bệnh và chi phí tăng khi phải xét nghiệm.
Với các đơn vị có liên kết, hợp tác trong sản xuất thì các doanh nghiệp vẫn sẵn sàng thu mua, chỉ các cánh đồng không có liên kết tiêu thụ gặp khó khăn về tiêu thụ.
Tổ công tác đã chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn họp với doanh nghiệp để thu mua, lưu trữ tại địa phương trong điều kiện di chuyển, vận chuyển khó khăn nhằm bảo thu mua cho nông dân. Các địa phương cần tạo điều kiện và tổ chức thu hoạch tập trung, giám sát, phân luồng phương tiện cơ giới hoạt động thu hoạch thuận lợi.
Đối với trái cây, điển hình như nhãn đang bước vào vụ thu hoạch với sản lượng lớn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết nhu cầu doanh nghiệp xuất khẩu vẫn có. Hiệp hội Rau quả Việt Nam đang cử các doanh nghiệp liên hệ với các nhà vườn để đẩy mạnh thu mua để xuất khẩu.
Tổ công tác cũng liên hệ với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khu vực miền Nam để hỗ trợ doanh nghiệp trong thu mua và lưu thông với các giải pháp cụ thể. Điều quan trọng là các sở phải chỉ ra được điểm tập kết nông sản vì không thể đi mua rải rác mua như trước đây.
“Đã có đơn vị đề xuất đưa quân đội vào hỗ trợ nông dân thu hoạch trái cây nhưng thực tế không thể được vì thu hoạch trái cây không giống như thu hoạch lúa. Trái cây xuất khẩu đòi hỏi kỹ năng thu hoạch mỗi loại sản phẩm khác nhau nên nếu nhân công không chuyên nghiệp thì sẽ rất dễ bị hư hỏng trong quá trình thu hoạch, không đảm bảo chất lượng sản phẩm," Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay.
Để đảm bảo khâu thu hoạch, Tổ công tác đã chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp thu mua xuất khẩu, vận động nhân công đi làm và đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh.
Cây ăn trái thu hoạch theo mùa nên Tổ công tác đề nghị các tỉnh, thành phố cập nhật và tổng hợp tình hình tại các địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp và nhà vườn tuân thủ quy định, tổ chức thu hoạch nhanh, gọn, kết nối tiêu thụ.
Về tình hình tiêu thụ gạo nếp khó khăn, giá xuống thấp, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết lúa nếp tiêu khó khăn không hẳn do dịch COVID-19. Hàng năm, từ tháng Sáu trở đi, tiêu thụ gạo nếp thường khó khăn và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thường xuyên khuyến cáo về việc sản xuất gạo nếp trong vụ Hè Thu và Thu Đông.
Ông Lê Thanh Tùng cũng cho biết thêm, hiện xuất khẩu gạo cũng đang khó khăn do thay đổi thủ tục nhập khẩu một số quốc gia. Không chỉ Việt Nam mà các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng thu hoạch lúa Hè Thu. Do đó, nhiều nhà nhập khẩu đang chờ đợi những thông tin từ sản xuất vụ này thì mới quyết định kế hoạch nhập khẩu.
Theo Tổ công tác, tại Sóc Trăng, giá một số loại nông sản như chanh, cam, nhãn giảm; bưởi hiện nay tiêu thụ ổn định.
Tại Vĩnh Long, giá rau củ quả ổn định, giá khoai lang tím đã tăng nhẹ nhưng vẫn ở mức thấp; giá nhãn, mít Thái giảm nhẹ; giá thịt, cá, trứng có giảm nhẹ nhưng vẫn ổn định. Tình hình vận chuyển, lưu thông nông sản ở Vĩnh Long bình thường, không khó khăn.
Tại Đồng Nai, giá trái cây ổn định, riêng thanh long giảm sâu còn 4.000 đồng/kg; chôm chôm đang trong tình trạng khó tiêu thụ và cần hỗ trợ….
Theo Cục Trồng trọt, các tỉnh phía Nam có diện tích cây ăn quả ước đạt 693.000ha, bằng 61% so cả nước; trong đó Đồng bằng sông Cửu Long là vùng cây ăn quả chủ lực, chiếm hơn 33% tổng diện tích cây ăn quả cả nước.
Trong 6 tháng cuối năm, các tỉnh phía Nam cung ứng ra thị trường với các loại trái cây chính như: xoài khoảng 190.000 tấn, bình quân mỗi tháng cung ứng 32.000 tấn; chuối 245.000 tấn, mỗi tháng cung ứng 41.000 tấn; thanh long 290.000 tấn, mỗi tháng cung ứng 48.000 tấn; sầu riêng 150.000 tấn, bình quân 25.000 tấn/tháng; chôm chôm sản lượng 60.000 tấn, bình quân 10.000 tấn/tháng; nhãn 120.000 tấn, bình quân 20.000 tấn/tháng...
Triển khai các phương thức kinh doanh mới
Để hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản, thời gian qua Vietnam Post đã tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ nông dân tiêu thụ các đặc sản, nông sản theo mùa vụ. Điển hình như vải Bắc Giang, nhãn Hưng Yên, na Lạng Sơn…
Đối với các tỉnh phía Nam, hiện Vietnam Post cũng đang triển khai kênh tiêu thụ các mặt hàng trái cây qua mạng lưới Bưu điện, đặc biệt là hỗ trợ người dân đưa hàng lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn.
Điển hình như tại Đồng Tháp, Vietnam Post đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương, Sở Giao thông Vận tải và Hội nông dân tỉnh để tạo thuận lợi cho việc vận chuyển và tiêu thụ nhãn xuồng. Chỉ tính riêng ngày 29/7, Bưu điện tỉnh Đồng Tháp đã tiêu thụ 3,5 tấn nhãn tại 24 điểm bán hàng bình ổn giá.
Đặc biệt để mang được những trái nhãn xuồng cơm vàng của Tây Ninh và các nông sản khác đi xa hơn tới khách hàng trên cả nước, Bưu điện tỉnh đã triển khai bán hàng trên tất cả các nền tảng số, nhất là trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn.
Mặc dù mới triển khai, nhưng trong ngày đầu tiên, Bưu điện tỉnh Tây Ninh đã tổ chức tiêu thụ gần 2 tấn nhãn. Trong quá trình chuyển phát, công tác an toàn phòng chống dịch luôn được đặt lên hàng đầu. Toàn bộ số trái cây khi chuyển đến người nhận đều rất an toàn và tươi ngon như khi vừa hái.
Theo ông Phan Trọng Lê, Trưởng Ban Nghiên cứu và Phát triển thương hiệu Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, khi đầu ra bị hạn chế, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử là cách khá hiệu quả. Hiện trên sàn Postmart.vn Bưu điện Việt Nam đang tập trung đẩy mạnh hỗ trợ nhà cung cấp đưa các nông sản, nhất là trái cây mùa vụ để tiêu thụ nhanh hơn.
Với kinh nghiệm hỗ trợ nông dân Bắc Giang tiêu thụ vải thiều trong khi địa phương này thực hiện giãn cách xã hội, đồng thời phát huy lợi thế về hệ thống phương tiện chuyên dụng, mạng lưới trải rộng đến tận các xã, phường trên cả nước, Vietnam Post cam kết sẽ luôn đồng hành cùng bà con các tỉnh phía Nam để góp phần giảm bớt khó khăn trong giai đoạn giãn cách. Và xa hơn nữa, Vietnam Post sẽ cùng với người dân cả nước triển khai các phương thức kinh doanh mới hiệu quả và bền vững hơn trên môi trường số.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho biết, mấu chốt lớn nhất hiện nay là bị đứt gãy chuỗi cung ứng, cả việc tiêu thụ trong nước và quốc tế. Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cũng cho rằng, càng siết chặt giãn cách, càng phải tạo điều kiện cho nhân viên giao hàng, shipper làm việc, kèm theo đó là quản lý chặt để ngăn chặn dịch.
"Các doanh nghiệp bưu chính lớn của Việt Nam hiện nay đang tham gia sâu vào việc cung cấp hàng thiết yếu, hàng bình ổn giá để phục vụ người dân tại địa phương. Đồng thời các doanh nghiệp bưu chính cũng đang tích cực hỗ trợ các hộ gia đình, để tiêu thụ nông sản trong dịch thông qua kênh bán hàng vật lý và kênh bán hàng số", Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh./.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.