Để hạn chế ảnh hưởng từ thời tiết khắc nghiệt, nông dân Pháp sử dụng pin mặt trời đi động làm mái che cho vườn cây ăn quả, vừa sản xuất điện, vừa tạo bóng râm giúp cây trồng đạt năng suất cao.
Để đối phó với hiện tượng nóng lên toàn cầu và góp phần tăng gia sản xuất, nông dân Pháp đã sáng tạo ra mô hình trồng trọt mới. Đó là mái che di động làm từ pin mặt trời. Giải pháp này vừa tạo ra nguồn điện sạch, dồi dào, vừa giúp cây trồng phát triển tốt hơn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Gautier Hugues (nông dân trồng nho ở vùng Var, Provence-Alpes-Côte d’Azur) chia sẻ: “Những mái che bằng pin mặt trời sẽ tạo ra bóng râm mát, bảo vệ cây nho khỏi những đợt nắng nóng gay gắt, tránh tình trạng cây bị cháy nắng, khô héo. Mô hình trồng trọt mới này cũng giúp hạn chế việc nước bay hơi, nhờ đó cây dự trữ được lượng nước cần thiết cho quá trình phát triển”.
Tuy nhiên, không phải lúc nào cây nho cũng cần môi trường nhiều bóng râm mát. Nếu cung cấp bóng mát khi cây không cần nó thì sẽ gây ra tác hại khó lường. Bởi yếu tố này mà nông dân Pháp đã nghĩ ra cách thiết kế mái che bằng pin mặt trời di động, có thể dịch chuyển linh hoạt để cung cấp bóng râm khi cây cần.
Công ty Ombrea đã phát triển các cảm biến đặc biệt có khả năng đo độ ẩm, tốc độ gió, ánh sáng và tình trạng đất trong vườn nho. Thiết bị này hoạt động rất nhanh chóng, sau 15-20 giây sẽ gửi dữ liệu tới một phần mềm để phân tích và điều khiển chuyển động của mái che từ xa, tạo ra một môi trường vi khí hậu lý tưởng giúp nho phát triển thuận lợi.
Không chỉ tạo bóng mát giúp cây nho sống khỏe dưới điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt, những mái che di động bằng pin mặt trời còn sản xuất ra nguồn điện sạch, cung cấp cho các mạng lưới ở địa phương, từ đó giúp giảm một phần chi phí lắp đặt thiết bị này.
Trạm thí nghiệm nông nghiệp La Pugère chuyên về sản xuất lê và táo tại Pháp cũng đang kết hợp với công ty sản xuất năng lượng Sun’R thử nghiệm mô hình mái che di động trên vườn táo rộng 700m2.
Kết quả thu được là mái che giúp hạ nhiệt thấp hơn tới 4 độ C trên tán lá, bảo vệ cây khỏi tình trạng cháy nắng dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Tuy nhiên, vì các mái che di động này giúp cây không bị bốc hơi nước nhưng việc giữ lại độ ẩm đôi khi có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nấm ở cây. Các chuyên gia vẫn chưa chắc chắn về tất cả những lợi ích của mô hình trồng trọt mới nên đang tập trung thử nghiệm và giám sát kỹ càng trước khi mở rộng quy mô.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.