Mưa lũ làm ít nhất 73 người thiệt mạng ở Ấn Độ. (Ảnh: AFP)

Ba ngày liền mưa lớn không ngừng đã gây ra lũ lụt và lở đất làm ít nhất 70 người thiệt mạng ở Nepal, 73 người thiệt mạng ở  miền Bắc và miền Đông Ấn Độ và 22 người thiệt mạng ở Bangladesh.

Tại Ấn Độ, khoảng 200.000 người hiện đang tạm trú trong các trại khẩn cấp ở Assam, khu vực Đông Bắc. Đây là khu vực thường xuyên bị ngập lụt trong mùa mưa hàng năm.

Trong khi đó, khoảng 15.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa của họ ở bang miền Đông Bihar – giáp biên giới với Nepal. Giới chức Ấn Độ cho biết, có tới 7 con sông ở bang này đang ở mức nguy hiểm.

Ngày 13/8, một vụ lở đất lớn ở khu vực đồi núi ở bang Himachal Pradesh đã chôn vùi hai xe buýt, làm ít nhất 46 người thiệt mạng. Hai chiếc xe bị đất đá cuốn xuống sườn đồi dài 800m, cách thủ đô New Delhi 431 km về phía Bắc. Nhiều ngôi nhà cũng bị phá hủy trong vụ sạt lở này.

Tại Nepal, hơn 48.000 căn nhà đã bị ngập trong nước lũ và 21.000 người phải đi sơ tán. Khi lực lượng cứu hộ tiếp cận được các khu vực xa xôi, có 47 người được xác nhận vẫn mất tích – những người này được cho là đã thiệt mạng.

Hội Chữ thập đỏ Nepal cảnh báo tình trạng thiếu nước uống và thức ăn có thể làm gia tăng cuộc khủng hoảng nhân đạo ở khu vực Himalaya.

Trong khi đó, theo giới chức Nepal, nhiều ngôi làng và khu định cư vẫn chưa được tiếp cận, giao thông liên lạc vẫn đang bị cắt, do vậy vẫn chưa có đánh giá đầy đủ về thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Terai là khu vực đất đai màu mỡ nhất Nepal và nền kinh tế của khu vực này được dự báo bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiên tai.

Một nhà kinh tế nông nghiệp có tên Shankar Sapkota cho biết: “Chúng tôi nhận được báo cáo rằng khoảng 70% diện tích nông nghiệp của Tarai bị ngập”.

Trong khi đó, mưa được dự báo sẽ di chuyển tiếp theo hướng tây và giới chức Nepal đã bắt đầu sơ tán 74.000 người dân ở các khu vực được cho là sẽ bị ảnh hưởng.

Tính từ khi mùa mưa bắt đầu kể từ cuối tháng 6 tới nay, đã có khoảng 150 người dân ở Nepal thiệt mạng.

Trong khi đó, Bangladesh cũng triển khai quân đội để đảm bảo gia cố hệ thống đê ở phía Bắc của đất nước – nơi lũ lụt đã cướp đi sinh mạng của 22 người.

Lực lượng chức năng Bangladesh đã tiến hành sơ tán người dân sinh sống tại hàng trăm ngôi làng.

Giới chuyên gia từng cảnh báo các hiện tượng liên quan đến biến đổi khí hậu như mưa bão và lũ lụt có thể tác động nặng nề hơn đối với Bangladesh, trong khi khả năng bảo vệ người dân của nước này còn hạn chế./.

Kiều Giang (theo Daily Mail/AFP, NHK)