Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 20 tháng 10 năm 2020 | 9:56

Mỳ Chũ Green có gì đặc biệt?

Nói đến mỳ gạo, người ta sẽ nghĩ ngay tới mỳ Chũ - Bắc Giang, một trong những thực phẩm có tiếng không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài.

 

Mỳ Chũ Green được đánh giá là sản phẩm đặc biệt nhất bởi khác hẳn với những loại mỳ thông thường và được người tiêu dùng ưa chuộng. Vậy, mỳ Chũ Green có gì đặc biệt?

1.jpg
Xã viên HTX sản xuất kinh doanh tiêu thụ mỳ Trại Lâm bó mỳ ngũ sắc rau củ quả .

 

Mỳ cao cấp, thân thiện môi trường

HTX sản xuất kinh doanh tiêu thụ mỳ Trại Lâm (xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) là đơn vị chế biến sản phẩm mỳ Chũ Green.

Trao đổi với phóng viên, bà Đào Thị Hương, Giám đốc HTX, cho biết, hiện HTX có 3 dòng mỳ chính gồm: mỳ Chũ trắng truyền thống, mỳ ngũ sắc rau củ quả và mỳ Chũ Green - đây là dòng cao cấp và sản phẩm đã đạt OCOP 4 sao.

Theo bà Hương, mỳ Chũ Green là dòng cao cấp, thân thiện với môi trường bởi từ nguyên liệu đến quy trình sản xuất đều rất cầu kỳ và lựa chọn kỹ lưỡng. Gạo làm mỳ phải là gạo Bao thai hồng. Giống lúa cho ra loại gạo này thường trồng trên đất đèo núi như: Tân Sơn, Cấm Sơn, Kiên Thành… ở Lục Ngạn, Sơn Động và một số huyện ở Lạng Sơn.

Với đặc điểm thời gian sinh trưởng dài, năng suất thấp nên giá gạo mua vào đắt hơn 2 lần so với gạo thường. Quá trình canh tác không dùng thuốc bảo vệ phực vật; phân bón là phân chuồng tự nhiên kết hợp phân ngâm ủ từ cây lá. Bởi vậy, lúa cho hạt gạo tròn đều, thơm ngon, vị ngọt ngọt, khi xát gạo có màu trắng, nhưng khi tráng thành mỳ thì có màu hồng tự nhiên.

Quy trình sản xuất hoàn toàn thủ công truyền thống, tuân thủ các nguyên tắc cốt lõi: không chất bảo quản và phụ gia, organic, thuần khiết hương vị thiên nhiên…

Túi đựng mỳ sử dụng loại giấy Kraft của Nhật Bản (năm 2017 nhập từ Nhật Bản; từ năm 2018, công ty bên Nhật có chi nhánh tại Việt Nam) dành riêng trong thực phẩm, thân thiện với môi trường, có chứng chỉ FSSC 22000 của Úc... Sử dụng túi giấy Kraft sẽ giữ được mùi thơm của mỳ, không bị hôi như các loại túi khác. Do là túi giấy nên phải dùng keo để dán mép, không được dùng gim để bấm.

Bí quyết để tạo ra sợi mỳ dai, thơm thanh vị gạo nằm ở quy trình sản xuất hoàn toàn thủ công truyền thống, công thức gia truyền, tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc từ khâu chọn, vo, ngâm xay, phơi, chần và đóng gói sản phẩm. Mỳ được phơi dưới nắng và gió hoàn toàn tự nhiên.

Bà Hương cho biết, do giá gạo cao (gấp khoảng 2 lần so với gạo thường), giá túi đựng đắt, thời gian làm kéo dài và cầu kỳ hơn nên giá bán mỳ Chũ Green khá cao, khoảng 65.000 đồng/kg, cao hơn so với mỳ truyền thống. Sản phẩm được khách hàng tin dùng, sản lượng tiêu thụ tốt, đạt gần 10 tấn/tháng.

2.jpg
 Mỳ chũ Green là sản phẩm tốt nhất thị trường hiện nay.

 

Tạo cơ hội phát triển

Bà Hương cho biết thêm, năm 2019, HTX được tỉnh hỗ trợ 200 triệu đồng mua túi và hộp đựng cho sản phẩm mỳ Chũ Green. Năm nay, tỉnh hỗ trợ 150 triệu đồng mua túi đựng mỳ Chũ Green, phần nào giúp HTX giảm bớt khó khăn.

Tuy nhiên, những hôm thời tiết xấu, phơi không khô được bánh, HTX rất mong huyện, tỉnh quan tâm hỗ trợ một phần kinh phí để xây nhà màng, nhà lưới, lò sấy năng lượng mặt trời kết hợp điện lưới và quạt hút gió, để sấy theo kiểu tự nhiên; được hỗ trợ về pháp lý khi HTX xuất mỳ đi nước ngoài.

Ông Nguyễn Thế Thi, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, cho biết, mỳ Chũ có nhiều sản phẩm, song mỳ Chũ Green được đánh giá là sản phẩm tốt nhất thị trường hiện nay. HTX đã đi vào chất lượng từ khâu chọn nguyên liệu đầu vào đến quy trình sản xuất tạo ra sản phẩm làm rất nghiêm ngặt. Người sản xuất ra sản phẩm này có cái Tâm và cái Tầm nhìn xa. Sản phẩm đi vào chất lượng, mẫu mã bắt mắt, đóng trọng lượng vừa đủ, đóng trong túi giấy, in cả tiếng Việt và tiếng Anh hợp với xu thế phát triển của xã hội.

 

 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top