Thương hiệu mỳ Chũ của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) từ lâu đã được người tiêu dùng trong nước biết tới. Những năm gần đây, nhờ có sự hỗ trợ kịp thời của tỉnh Bắc Giang mà mỳ Chũ ngày càng phát triển, tìm được chỗ đứng trên thị trường.
Đặc biệt là, đã và đang hình thành chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, hướng đến xuất khẩu mỳ Chũ.
Xây dựng chuỗi liên kết
Hiện, Bắc Giang có 3 thương hiệu mỳ gạo gồm: Mỳ Chũ (Lục Ngạn), mỳ Kế (TP. Bắc Giang) và mỳ Châu Sơn (Tân Yên). Trong số đó, mỳ Chũ là sản phẩm được người tiêu dùng biết đến và sử dụng rộng rãi ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Bước đầu đã xuất khẩu sang một số nước như Anh, Australia...
Để giúp một số hợp tác xã (HTX) mỳ Chũ xây dựng, phát triển thương hiệu, từ năm 2017 đến nay, Sở Công Thương Bắc Giang đã hỗ trợ 3 HTX: HTX sản xuất, kinh doanh tiêu thụ mỳ gạo Chũ Hiền Phước (HTX Hiền Phước), HTX mỳ Chũ Xuân Trường và HTX mỳ Chũ Bắc Giang Tùng Chi (cả 3 HTX đều ở xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn) xây dựng, phát triển chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm.
Theo đó, Sở Công Thương hỗ trợ kinh phí giúp các đơn vị xây dựng website để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và thực hiện thương mại điện tử; nâng cấp chuyển giao trang thiết bị công nghệ tiên tiến, máy đóng, dán túi, máy đóng date. Tổng chi phí hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX lựa chọn tham gia chuỗi liên kết không quá 300 triệu đồng.
Đồng thời, Sở cũng tích cực tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, chủ động kết nối, giới thiệu, đưa lãnh đạo các HTX đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại các làng nghề, đơn vị sản xuất mỳ nổi tiếng trong nước. Giới thiệu các đơn vị tham gia triển lãm, hội chợ, mời gọi doanh nghiệp đến hợp tác đầu tư, kinh doanh, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm
Theo ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương Bắc Giang), với sự hỗ trợ của Sở, các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ mỳ Chũ của 3 HTX đã hình thành, phát huy tốt hiệu quả. Để duy trì, nhân rộng, thời gian tới, Phòng tiếp tục tham mưu cho Sở Công Thương xây dựng các đề án hỗ trợ, giúp người dân, HTX và các doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết, tạo đầu ra ổn định, phát triển hơn nữa thương hiệu sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh.
Ông Đào Xuân Cường, Phó giám đốc Sở Công Thương cho rằng, để sản phẩm làng nghề tiếp tục vươn xa, các HTX cần đổi mới tư duy, nhận thức; tăng cường xây dựng chuỗi liên kết, bổ trợ cho nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, đầu tư các lò sấy quy mô lớn, nhà kho đạt chuẩn nhằm khắc phục tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết.
Hướng tới xuất khẩu
HTX mỳ Chũ Xuân Trường thành lập năm 2009. Những năm đầu đi vào hoạt động, HTX gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn để đầu tư nhà xưởng, mua máy móc, sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ ổn định. Do vậy, 2 năm liền HTX bị lỗ.
Để có thị trường, ngoài việc trực tiếp đến các tỉnh, thành phố tìm đầu mối tiêu thụ, năm 2011, anh Phạm Xuân Trường, Giám đốc HTX, may mắn được tham gia chương trình “Sinh ra từ làng”. Qua chương trình, sản phẩm của HTX được hỗ trợ truyền thông. Nắm bắt được cơ hội, anh Trường mạnh dạn thay đổi tem dán, đầu tư thêm máy móc, sản xuất ra sản phẩm với nhiều mẫu mã bắt mắt. Nhờ vậy, sản lượng tiêu thụ của HTX liên tục tăng, đạt tới 30 tấn/tháng.
Hiện, mỗi tháng HTX cung cấp ra thị trường 70 tấn mỳ, trong đó, tiêu thụ chính là các siêu thị tại Hà Nội như: BigC, Vinmart, Hapro… Doanh thu năm 2017 đạt 6 tỷ đồng, trừ chi phí, lãi 1,2 tỷ đồng.
Để đáp ứng các đơn hàng, HTX đã hợp tác, liên kết cùng 30 hộ làm mỳ trong xã. Đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp nguyên liệu, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, giám sát chất lượng sản phẩm. Mỳ thành phẩm được HTX thu mua, đóng gói, vận chuyển đến nơi tiêu thụ.
Anh Trường cho biết, khi tham gia vào chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm, HTX được Sở Công Thương hỗ trợ tem truy xuất, trục in, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, từ đó khẳng định thương hiệu của mình hơn.
Tại HTX Hiền Phước, hiện cũng đang liên kết với 40 hộ trong xã sản xuất, tiêu thụ 30 - 40 tấn mỳ/tháng. Thị trường tiêu thụ tương đối ổn định, thông qua hợp đồng đã ký kết với các bếp ăn tập thể tại trường học và nhiều cửa hàng tiện lợi, đại lý lớn trong, ngoài tỉnh.
Bà Hoàng Thị Thu Hiền, Giám đốc HTX Hiền Phước, cho biết, được sự hỗ trợ của huyện và Sở Công Thương, mỳ Chũ của HTX được quảng bá rộng rãi tới người tiêu dùng, sản phẩm không chỉ tiêu thụ tại thị trường trong nước mà đã xuất sang Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia, Singapore. Mong muốn của HTX là được xuất khẩu chính ngạch và trực tiếp, không qua trung gian.
Trong khi thị trường tiêu thụ mỳ đang tiếp tục được mở rộng, đầu năm nay, HTX Tùng Chi đã đầu tư hơn 500 triệu đồng xây dựng lò sấy mỳ bằng phương pháp tản nhiệt. Đây là giải pháp khắc phục khó khăn trong công đoạn phơi mỳ, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết. Nhờ phương pháp này, ngay cả khi trời mưa dài ngày, HTX vẫn duy trì sản xuất, cung ứng cho các đơn hàng, sản lượng đạt hơn 1 nghìn tấn/năm, tăng khoảng 20% so với trước.
Có thể nói, liên kết từ khâu sản xuất tới tiêu thụ thành chuỗi khép kín là rất quan trọng, quyết định đến giá thành, sự tồn tại của sản phẩm và cả doanh nghiệp. Việc, Bắc Giang hỗ trợ các HTX sản xuất mỳ hình thành chuỗi liên kết là hướng đi đúng. Kết quả là, người sản xuất không phải lo đầu ra, HTX có đầu mối tiêu thụ ổn định, các siêu thị luôn có nguồn hàng đảm bảo, nhà quản lý và người dân thì không phải lo... giải cứu. Tất cả các bên đều có lợi.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…