Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 29/6 tuyên bố áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các thực thể Trung Quốc bị cáo buộc trợ giúp chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) trong một cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: NDTV) |
Động thái trên cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận của Tổng thống Donald Trump và có thể là sự khởi đầu mới không thể đoán trước khi Mỹ quyết định sử dụng “cây gậy” thay vì “củ cà rốt” với Trung Quốc liên quan đến vấn đề Triều Tiên.
Về mặt hình thức, các quan chức chính quyền Mỹ vẫn lý giải những biện pháp chế tài mới được áp dụng chỉ tập trung vào Triều Tiên chứ không phải Trung Quốc.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin trong một cuộc họp báo cho biết: “Với những biện pháp này, chúng tôi không hề nhằm đến mục tiêu Trung Quốc. Chúng tôi đánh giá cao công việc của họ và hy vọng họ sẽ tiếp tục hợp tác với chúng tôi”.
Cũng theo ông Mnuchin, các quan chức Chính phủ Mỹ sẽ họp bàn với giới chức Trung Quốc bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra trong hai ngày 7-8/7 tại thành phố Hamburg, Đức để tìm cách tiếp tục ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp của Triều Tiên.
Tuy nhiên, đằng sau tuyên bố đậm tính ngoại giao của Bộ trưởng Tài chính Mỹ, các quan chức giấu tên cho biết, quyết định công bố các biện pháp trừng phạt mới được đưa ra sau “một nỗ lực hợp lý” để xác minh thông tin các công ty Trung Quốc mà Mỹ tin rằng đang làm suy yếu các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Triều Tiên.
Trung Quốc có làm nhưng chưa tới?
Mỹ đã trao cho Trung Quốc bản danh sách các công ty mà nước này cho là đang hỗ trợ Triều Tiên và hạn cho Bắc Kinh 30 ngày để có các biện pháp can thiệp. Trung Quốc có hồi đáp với một bản báo cáo về những hành động họ có thể đưa ra nhưng chính quyền Tổng thống Donald Trump cho rằng phản ứng của Bắc Kinh là không đầy đủ.
Hôm 2/7, Bộ Tài chính Mỹ cũng đã thông báo rằng, họ không nhận được sự hợp tác từ phía Bắc Kinh trong việc giải quyết vấn đề liên quan.
Theo thông báo của Bộ Tài chính Mỹ, Ngân hàng Dandong của Trung Quốc bị loại khỏi hệ thống tài chính Mỹ vì là “cổng” cho Triều Tiên tiếp cận các hệ thống tài chính Mỹ và quốc tế, tạo điều kiện dễ dàng cho việc chuyển hàng triệu USD cho các công ty liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên
Ngoài ra, Phòng Quản lý Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ cũng ra lệnh trừng phạt hai cá nhân và một công ty Trung Quốc vì hành vi tiếp tay cho Triều Tiên vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Các nhà lập pháp và giới chuyên gia ngay lập tức ca ngợi động thái này như một dấu hiệu cho thấy ông Donald Trump đã sẵn sàng với chính sách “gây áp lực tối đa” đối với Triều Tiên.
Nghị sĩ Cory Gardner của đảng Cộng hòa nói: “Đây là một bước tiến lớn và điều này cho thấy áp lực tối đa trên thực tế chứ không phải chỉ bằng những lời dọa nạt. Tôi đánh giá cao quyết định này và chúng ta cần phải tiếp tục đẩy mạnh những hành động tương tự”.
Năm ngoái, chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đã trừng phạt Giám đốc điều hành của công ty Trung Quốc Dandong Hongxiang Industrial Development với cáo buộc vi phạm các lệnh trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, hành động hôm 29/6 của Mỹ đánh dấu lần đầu tiên chính quyền ông Donald Trump trực tiếp đưa ra lệnh trừng phạt các công ty Trung Quốc.
Giới chuyên gia nhận định, mục tiêu mà Mỹ theo đuổi khi áp đặt các lệnh trừng phạt mới là nhằm thuyết phục Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng việc cùng nhau hợp tác gia tăng áp lực lên Triều Tiên cũng là vì lợi ích của Bắc Kinh. Cho đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông Tập Cận Bình đồng tình với quan điểm này và bản thân ông cũng không mấy "thiết tha" trong việc thay đổi những toan tính chiến lược của mình.
Trừng phạt chỉ mang tính biểu tượng
“Thực tế là Trung Quốc đã không thực hiện bước đi quan trọng nhất, đó là không cho phép Triều Tiên tiếp cận các ngân hàng của Trung Quốc, ngăn chặn các công ty Triều Tiên rửa tiền và tiếp tục các hoạt động bất hợp pháp của họ”, Bonnie Glaser, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận định.
Cũng theo bà Glaser, các biện pháp trừng phạt mới nhất mà Mỹ áp đặt với các thực thể của Trung Quốc là chưa đủ và để tháo gỡ được vấn đề thì bản thân Trung Quốc cần phải tự hành động.
Bà Glaser cho rằng, các biện pháp trừng phạt nói trên chủ yếu mang tính biểu tượng cho dù nó cũng cho thấy chính quyền của ông Donald Trump đã có thay đổi trong cách tiếp cận và đang gia tăng áp lực lên nước thứ ba.
“Vấn đề thực sự là đối với các ngân hàng ở Đông Bắc Trung Quốc, bạn có thể ‘dập’ họ ở một nơi này nhưng họ sẽ ‘bật lên’ ở một nơi khác và chúng ta sẽ bị họ giỡn mặt”, bà Glaser nhận định.
Mặc dù chính quyền Mỹ có thể nghĩ rằng đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên có thể không làm ảnh hưởng đến các khía cạnh khác trong mối quan hệ Mỹ - Trung, nhưng thực tế những gì diễn ra không phải như vậy.
“Sẽ có nhiều tranh cãi hơn nữa trong quan hệ giữa hai nước. Đường đi của mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ hướng tới sự cạnh tranh chiến lược nhiều hơn”, bà Glaser nhận định.
Những người ủng hộ chính sách cứng rắn hơn của Mỹ đối với Triều Tiên đã đổ lỗi cho Trung Quốc là bên gây ra những mối nguy tiềm ẩn trong quan hệ song phương. Bình luận về khả năng quyết định của Tổng thống Donald Trump sẽ đẩy quan hệ Mỹ - Trung đến chỗ căng thẳng hơn, bà Glaser cho rằng, “Đó là một nguy cơ mà Trung Quốc dường như coi là chấp nhận được”./.
Mỗi năm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) bán ra thị trường trên 10 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Tuy chăn nuôi đã trở thành một nghề quan trọng trong kinh tế địa phương nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.