Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 14 tháng 7 năm 2022 | 13:26

Nâng cao năng lực cạnh tranh để trái cây Việt tiếp cận các thị trường “khó tính”

Xuất khẩu trái cây có sự chuyển dịch khá tích cực sang các thị trường có giá trị xuất khẩu cao nhưng có yêu cầu khắt khe về chất lượng, sự đa dạng của sản phẩm.

1955702_33eea9f78f34eca2fcff1614012807eb1.jpg
Sơ chế vải thiều xuất khẩu tại Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh DANH LAM)

 

Mặc dù xuất khẩu trái cây Việt Nam tăng trưởng mạnh, nhiều loại sản phẩm đã đạt chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia...

Thế nhưng, nhiều ý kiến vẫn cho rằng cần nắm bắt thị hiếu, đẩy mạnh hơn việc tiếp cận thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh để trái cây Việt Nam tiếp cận hiệu quả hơn những thị trường "khó tính."

Sự chuyển dịch tích cực

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương cho biết, mặt hàng trái cây Việt Nam là một trong những nhóm hàng xuất khẩu “tỷ đô,” đóng góp vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đến nay, trái cây của Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó, có nhiều thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Chile, Nhật Bản và Hàn Quốc...

Gần đây, xuất khẩu trái cây có sự chuyển dịch khá tích cực sang các thị trường có giá trị xuất khẩu cao nhưng có yêu cầu khắt khe về chất lượng, sự đa dạng của sản phẩm.

Đáng lưu ý, xu hướng này tiếp tục thể hiện rõ nét ngay trong bối cảnh dịch COVID-19 hết sức phức tạp năm 2021 và dự báo sẽ đem lại nhiều cơ hội cho trái cây Việt Nam trong năm 2022.

Chẳng hạn, kim ngạch xuất khẩu vải thiều năm 2021 sang các thị trường tiềm năng đạt mức tăng trưởng đáng ghi nhận như Nhật Bản tăng 156%; Hàn Quốc tăng 357,6%; Hà Lan 192,9%; Pháp 7.030%; Cộng hòa Séc 1.131%; Đức 96,6%...

Ngoài ra, tại thị trường Hoa Kỳ, Việt Nam đã xuất khẩu 6 loại quả gồm thanh long, xoài, vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa. Đặc biệt, bưởi da xanh đang được hai bên thúc đẩy tích cực để hoàn thành thẩm định các thủ tục và chính thức cho phép nhập khẩu từ Việt Nam.

Tại thị trường Nhật Bản, các loại quả tươi như thanh long, xoài, vải, nhãn… của Việt Nam đã tham gia tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị lớn và bước đầu được nhiều khách hàng đón nhận, ưa thích. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của xúc tiến thương mại cho nông sản nói chung và mặt hàng trái cây nói riêng.

Điều kiện tiên quyết để trái cây Việt Nam có thể tiếp cận các thị trường mới

Với vai trò là cơ quan điều hành lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường nhằm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp phát triển bền vững, Bộ Công Thương đã tích cực cùng các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về phát triển thị trường cho nông sản, nhất là các mặt hàng trái cây có tính mùa vụ.

Trong các giải pháp này, Bộ Công Thương đặc biệt chú trọng hoạt động giao thương, kết nối cung cầu, xúc tiến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

 

img_20190418_103618-3.jpg
Xoài Cao Lãnh đã được xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

 

Với sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương có vùng cây trồng ăn trái lớn tổ chức nhiều hội nghị kết nối cung cầu, xúc tiến xuất khẩu cho các mặt hàng trái cây đến vụ thu hoạch, mang lại giá trị kinh tế cho người sản xuất, doanh nghiệp và đóng góp không nhỏ vào ngân sách địa phương.

Điển hình như các chương trình kết nối tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, nhãn của Hưng Yên, Sơn La; cam Hòa Bình thanh long Bình Thuận; bơ Đắk Lắk, xoài, bưởi, sầu riêng của các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long…

Hơn nữa, Bộ Công Thương cũng thường xuyên chỉ đạo, tạo điều kiện cho các cơ quan xúc tiến thương mại, hiệp hội ngành hàng tổ chức, tham gia những hội chợ triển lãm quốc tế, sự kiện thương mại chuyên ngành lớn để doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp kết nối với nhà nhập khẩu của các thị trường xuất khẩu nông sản, trái cây trọng điểm như EU, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc)…

Bên cạnh đó, hàng trăm hội nghị giao thương giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) trực tuyến và trực tiếp, các phiên tư vấn thông tin thị trường xuất khẩu thường xuyên được tổ chức. Từ đó, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận những thông tin cập nhật về các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu tại thị trường các nước đối với một các mặt hàng nông sản; trong đó, có mặt hàng trái cây để từ đó doanh nghiệp và nhà sản xuất áp dụng và tuân thủ.

Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để trái cây Việt Nam có thể tiếp cận các thị trường mới, chinh phục các thị trường "khó tính," tham gia sâu vào chuỗi cung ứng với lợi thế lớn hơn và giá trị gia tăng hơn.

Khoảng trống chất lượng tại thị trường nội địa

Với một loại quả bình dân và phổ biến ở Việt Nam - quả me, nhưng khi me Thái Lan được bán tại siêu thị Việt Nam: đóng hộp đẹp, có đầy đủ chứng nhận xuất xứ nguồn gốc và thông tin về giá trị dinh dưỡng. Vì vậy, hộp me của Thái Lan được bán với giá gần 60.000 đồng/hộp chưa đầy 500 gram. Với nhiều đơn vị ở Việt Nam, họ gọi đây là khoảng trống thị trường.

Khoảng trống thị trường chính là những sản phẩm trái cây có chứng nhận rõ ràng về xuất xứ và chất lượng. Sau hàng chục năm làm xuất khẩu, Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T quay lại đầu tư thêm vào thị trường nội địa. Dự kiến sắp tới đơn vị sẽ mở hệ thống siêu thị trái cây tươi và đặc sản.

"Đó là một trong những hướng để nâng tầm trái cây Việt Nam. Người tiêu dùng tiếp xúc với những loại trái cây đặc sản và có chất lượng cao. Thanh nhãn Bạc Liêu, vải thiều Lục Ngạn, những loại trước kia chỉ xuất khẩu sẽ đem về bán ở thị trường nội địa. Tôi nghĩ sẽ có sự cạnh tranh sòng phẳng hơn", ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T, cho hay.

Chỉ chú trọng thị trường nước ngoài, đáp ứng yêu cầu chất lượng của nhà nhập khẩu mà bỏ qua nhu cầu từ thị trường trong nước, chính tư duy sản xuất nông nghiệp này làm giảm sức cạnh tranh của trái cây nội.

"Hiện nay, những sản phẩm trái cây của Thái Lan xuất khẩu qua Việt Nam hay nhiều quốc gia khác đều có giấy chứng nhận đảm bảo, tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng. Trong khi ở Việt Nam đều quảng cáo sản phẩm an toàn, chất lượng tốt nhưng thiếu chứng nhận. Đây là điểm yếu của chúng ta cần phải khắc phục", ông Nguyễn Văn Thứ, Giám đốc Công ty GC Food, đánh giá.

Nhiều doanh nghiệp đều khẳng định, thị trường Việt Nam là thị trường đáng để quan tâm, đầu tư và sinh lời với gần 100 triệu dân. Người nông dân và doanh nghiệp phải xác định rằng dù phục vụ thị trường nào cũng đều phải chăm chút để có sản phẩm nông nghiệp chất lượng để cạnh tranh tốt trên sân nhà và tiến tới các thị trường “khó tính”.

Doanh nghiệp cần nâng cao năng lực phù hợp với các phân khúc thị trường

Từ định hướng, phương pháp xúc tiến thương mại phù hợp, hiệu quả mà Bộ Công Thương đã phối hợp và hỗ trợ các địa phương mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản như trên... nhiều địa phương đã chủ động vận dụng và xây dựng kế hoạch xúc tiến xuất khẩu trung và dài hạn cho các mặt hàng nông sản; trong đó, có nhiều loại trái cây được xem như ngành hàng chiến lược của địa phương.

Việt Nam đã và đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hàng rau quả trên cơ sở khai thác lợi thế cạnh tranh về điều kiện tự nhiên, những kết quả đầu tư có tính chiến lược của ngành.

Cùng với đó, tận dụng cơ hội từ nhiều hiệp định thương mại tự do đã ký kết; nắm bắt kịp thời xu hướng tiêu dùng thế giới gia tăng đối với các thực phẩm lành mạnh, có nguồn gốc tự nhiên, hữu cơ…

 

thu_hoach_nhan.jpg
Nhãn tươi là một trong những trái cây đã được xuất khẩu sang thị trường Australia.

 

Trái cây Việt Nam hiện đã có chỗ đứng trên thị trường thế giới nhưng để gia tăng thêm giá trị xuất khẩu doanh nghiệp cùng với người nông dân, dưới góc độ thị trường vẫn cần chú ý một số điểm cụ thể.

Đầu tiên, doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ nhu cầu thị trường và sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo tuân thủ và được chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và thực hành bền vững.

Ngoài ra, thường xuyên cập nhật thông tin về thị hiếu tiêu dùng, tập quán kinh doanh, phương thức thanh toán, cách thức vận chuyển, bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu, giải quyết các vấn đề bất cập có thể phát sinh trong quá trình xuất nhập khẩu...

Đặc biệt, liên kết với các cơ quan chức năng, đơn vị cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu để được hướng dẫn, hỗ trợ quy trình xuất khẩu, giúp hạn chế tối đa những sai sót không đáng có trong quá trình xuất khẩu trái cây.

Mặt khác, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực tiếp cận thị trường thông qua xây dựng chiến lược marketing, truyền thông thương hiệu, phát triển bao bì, nhãn mác phù hợp với phân khúc sản phẩm và thị trường mục tiêu.

Cuối cùng, để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu trong bối cảnh mới, doanh nghiệp phải đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và sản xuất, xuất khẩu. Bởi, đây là xu hướng có tính dẫn dắt và bao trùm kinh tế toàn cầu.

Không những thế, doanh nghiệp còn phải đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại đa kênh, triển khai hiệu quả hoạt động xúc tiến truyền thống cũng như linh hoạt áp dụng các phương thức xúc tiến thương mại mới, hiện đại nhằm mở rộng khả năng tiếp cận, đa dạng hóa thị trường./.

 

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
Top