Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tên lửa có tầm bắn xa nhất của Triều Tiên có thể chạm đến đất Mỹ, dù vậy, thông tin này vẫn gây nhiều tranh cãi.
Câu chuyện dài về tham vọng tên lửa của Triều Tiên
Theo AP, trong vài thập kỷ qua, Triều Tiên đã nỗ lực phát triển tên lửa hạt nhân có thể tấn công Mỹ và các đồng minh của Mỹ tại châu Á. Đối với Triều Tiên, việc sở hữu loại vũ khí này là “lời đảm bảo chắc chắn nhất” về việc Mỹ không còn dám xâm lược Triều Tiên nữa.
Tham vọng này của Triều Tiên bắt đầu từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước khi Triều Tiên bắt tay vào việc chế tạo vật liệu phân hạch sử dụng cho bom hạt nhân và tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006.
4 vụ thử hạt nhân sau đó mà vụ mới nhất là vào năm 2016 là minh chứng cho việc Triều Tiên đã đạt được bước tiến đáng kể quá trình thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để có thể gắn vào các tên lửa xuyên lục địa của nước này, điều mà Triều Tiên khẳng định họ đã làm được.
Trong thời gian đó, nhiều đời Tổng thống Mỹ đã hết sức nỗ lực nhưng vẫn thất bại trong việc gây áp lực để ngăn chặn Triều Tiên từ bỏ tham vọng tên lửa và hạt nhân của mình.
Thông tin về chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên được nước này giữ kín đến mức chính các chuyên gia Mỹ cũng thừa nhận rất khó có thể dự đoán chính xác về những bước tiến mà Triều Tiên đã đạt được.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ và Nhật Bản đã phải lên tiếng thừa nhận rằng, trong thời gian gần đây Triều Tiên đã đạt được những tiến bộ vượt bậc. Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 8/8 đã đưa ra kết luận rằng: “Nhiều khả năng, Triều Tiên đã đạt được mục tiêu thu nhỏ đầu đạn hạt nhân gắn lên tên lửa của nước này”.
Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ thậm chí còn khẳng định, Triều Tiên đã phát triển được đầu đạn hạt nhân gắn lên các loại tên lửa đạn đạo của họ, trong đó có cả tên lửa xuyên lục địa.
Những bước tiến trong chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên cũng được đưa vào báo cáo của các cơ quan tình báo Mỹ và Nhật Bản. Giới chức Mỹ nhận định, Triều Tiên đang sở hữu 60 đầu đạn hạt nhân- nhiều hơn gấp đôi so với con số mà các chuyên gia độc lập đưa ra.
Giới chức Mỹ giải thích, sự chênh lệch này là do các chuyên gia độc lập chỉ tính dựa trên số lượng plutonim và uranium đã được làm giàu mà Triều Tiên trữ trong kho thay vì phải tính số nhiên liệu mà Triều Tiên đã sử dụng để chế tạo đầu đạn.
Tuy nhiên, theo giới chức Mỹ, Triều Tiên vẫn gặp rất nhiều trở ngại về mặt kỹ thuật nếu muốn tấn công các mục tiêu trên đất Mỹ. Điều này là bởi, dù đã phát triển các tên lửa đạn đạo có tầm bắn đến Mỹ, Triều Tiên vẫn gặp khó trong việc đảm bảo rằng, tên lửa của mình có thể quay trở lại Trái đất trước khi đầu đạn bị đốt cháy hết. Ngoài ra, Triều Tiên cũng đang phải nỗ lực cải thiện độ chính xác của các tên lửa này.
Những toan tính “khó hiểu” của Mỹ
Hiện vẫn chưa rõ Mỹ sẽ có cách tiếp cận như thế nào trong bối cảnh Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa và đạt được những bước tiến rõ rệt trong thời gian qua.
Từ trước đến nay quân đội Mỹ chưa bao giờ tìm cách bắn hạ tên lửa đã rời khỏi bệ phóng của Triều Tiên bởi những quả tên lửa này hầu như không gây ra mối đe dọa nào đối với Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, Mỹ sẽ sớm phải thay đổi quan điểm này.
Theo các chuyên gia, điều này được minh chứng rõ nét nhất qua 2 vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa diễn ra vào tháng 7 vừa qua. Dù cả 2 quả tên lửa đều được phóng đi từ góc bắn rất cao và rơi xuống khu vực Biển Nhật Bản, các chuyên gia vẫn cho rằng, chúng có thể chạm đến Alaska, Los Angeles hoặc Chicago nếu bắn ở góc bắn thông thường.
Hơn thế nữa, Triều Tiên cũng vừa lên tiếng đe dọa tấn công căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Guam, ngoài khơi Thái Bình Dương bằng tên lửa Hwasong-12 mà nước này khẳng định có thể mang theo đầu đạn hạt nhân hạng nặng.
Đáp lại, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo: “Tốt nhất là Triều Tiên đừng đưa ra bất kỳ lời đe dọa nào với Mỹ nữa nếu không muốn hứng chịu bão lửa và sự giận dữ mà thế giới chưa từng chứng kiến từ trước đến nay từ Mỹ”.
Tuyên bố trên của ông Donald Trump gợi nhớ đến lời cảnh báo hồi năm 1945 của Tổng thống Mỹ thời điểm đó là Harry Truman trước khi dội bom nguyên tử xuống Hiroshima (Nhật Bản), trong đó ông Truman nhắc đến “một cơn mưa hủy diệt xuất hiện từ trên không mà thế giới chưa từng được chứng kiến từ trước đến nay”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với những lời đe dọa mạnh mẽ của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhiều người cho rằng, ông Donald Trump đang “cố thổi phồng sự việc” để “tạo cớ” chĩa mũi dùi vào Triều Tiên.
Tổng thống Trump hứng bão chỉ trích
Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Chuck Schumer tuyên bố: “Chúng ta cần phải cứng rắn và khôn khéo khi đối đầu với Triều Tiên. Những lời lẽ hùng hồn nhưng đầy bất cẩn không phải là chiến lược tốt để bảo đảm an toàn cho nước Mỹ”.
Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ và là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot Engel cũng lên tiếng chỉ trích ông Donald Trump đang “gây tổn hại đến uy tín của nước Mỹ khi vạch ra một ranh giới đỏ rất kỳ cục.
“Xin đừng cố tình hiểu nhầm, mối đe dọa từ Triều Tiên là có thực. Tuy nhiên, phản ứng của Tổng thống Donald Trump khiến mọi người lo ngại rằng ông ấy sẽ sử dụng kho vũ khí hạt nhân của Mỹ chỉ để đáp trả những lời khiêu khích không mấy dễ chịu từ Triều Tiên”, ông Engel nói.
Ngay cả Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa như ông John McCain cũng không hài lòng với tuyên bố của ông Donald Trump. Theo ông John McCain, Tổng thống Mỹ khó có thể thực thi được lời đe dọa của mình.
“Tôi coi lời tuyên bố của Tổng thống Donald Trump là hết sức bất thường bởi ông ấy cần phải chắc chắn rằng, ông ấy có thể thực hiện được điều ông ấy nói. Những nhà lãnh đạo vĩ đại mà tôi có dịp chứng kiến đều không đưa ra lời đe dọa trừ khi họ sẵn sàng hành động, mà tôi không chắc rằng ông Trump có sẵn sàng hành động hay không”, ông McCain nói./.
Mỗi năm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) bán ra thị trường trên 10 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Tuy chăn nuôi đã trở thành một nghề quan trọng trong kinh tế địa phương nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.