Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 16 tháng 1 năm 2017 | 2:55

Ngành Giáo dục và Đào tạo Điện Biên: Nhiều kết quả đáng ghi nhận

“Những năm qua, bằng sự đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, ngành Giáo dục và Đào tạo Điện Biên đã tập trung phát triển hệ thống giáo dục khá toàn diện từ mầm non đến phổ thông và chuyên nghiệp. Quy mô học sinh, sinh viên tương đối ổn định. Tỷ lệ huy động dân số trong độ tuổi đến trường tiếp tục tăng”, ông Nguyễn Sỹ Quân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên, chia sẻ.

Thưa ông, ông có thể nêu ngắn gọn những nét nổi bật của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên thời gian qua?

Năm học 2016-2017, toàn tỉnh có 522 trường với 179.020 học sinh, sinh viên. Chất lượng giáo dục toàn diện đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt khá, số học sinh giỏi quốc gia, số lượt thí sinh dự thi cao đẳng, đại học có tổng điểm thi 3 môn theo khối dự thi đạt điểm sàn đại học, cao đẳng của Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt từ 18 điểm trở lên tăng dần qua các năm. Giáo dục vùng dân tộc được đặc biệt quan tâm và đạt được những kết quả khả quan với mục tiêu tạo nguồn cán bộ là người thiểu số có chất lượng, phục vụ cho công cuộc xây dựng miền núi, vùng dân tộc từng bước tiến kịp miền xuôi.

Vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo đã được chú trọng thế nào, thưa ông?

Ngành Giáo dục và Đào tạo Điện Biên đang tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục các cấp từ mầm non đến phổ thông và chuyên nghiệp. Hiện, 100% số trường mầm non trên địa bàn tỉnh tổ chức học 2 buổi/ngày; trên 90% số trẻ học bán trú tại trường; chất lượng đánh giá trẻ theo 5 lĩnh vực đạt trên 90% trở lên.

Giáo dục phổ thông tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực hoá hoạt động của người học, nhằm phát huy khả năng sáng tạo, hứng thú học tập, tạo điều kiện để mọi học sinh được bộc lộ khả năng và năng lực của bản thân. Tỷ lệ học sinh các cấp lên lớp đạt 99,67%.

Một lớp học mầm nọn tại huyện Tủa Chùa.

Sở cũng tập trung đầu tư và chỉ đạo xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên. Tỷ lệ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn tăng nhanh. Năm học 2016-2017,  toàn ngành có 16.397 cán bộ, công chức, viên chức; trong đó, 100% giáo viên mầm non và tiểu học; 97,29% giáo viên THCS, 98% giáo viên THPT đạt chuẩn và trên chuẩn về đào tạo.

Tỉnh cũng chú tâm đến việc chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trường lớp học, trang thiết bị, xã hội hóa giáo dục. Toàn ngành đã có 7.401 phòng học, trong đó có 4.148 phòng học kiên cố. Số trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn toàn tỉnh là 267/505 trường, đạt 52,87% (trong đó mầm non 78/172 trường, tiểu học 99/176 trường, THCS 75/125 trường, THPT 15/32 trường).

Ngành Giáo dục và Đào tạo Điện Biên đã có những đóng góp gì trong Chương trình XDNTM, thưa ông?

Với sự cố gắng nỗ lực của toàn ngành, đến hết năm 2016, toàn tỉnh đã có 40/116 xã đạt tiêu chí số 5 và 50 xã đạt tiêu chí số 14 theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM. Việc triển khai thực hiện Chương trình XDNTM trong những năm qua đã giúp cơ sở vật chất các trường vùng nông thôn được tăng cường đầu tư cải tạo và nâng cấp.

Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư từ Nhà nước còn hạn chế nên điều kiện triển khai giáo dục tại các địa phương miền núi còn nhiều khó khăn, nguồn lực thu hút xã hội hoá, huy động trong dân hầu như không đáng kể… Do đó, chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, tạo điều kiện ưu tiên bố trí nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất cho các trường vùng nông thôn, vùng khó khăn, đảm bảo đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu XDNTM và nâng cao chất lượng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Hùng - trang (thực hiện)

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top