Một nghịch lý đang xảy ra đối với giá thịt lợn hiện nay. Trong khi giá thức ăn tăng cao, giá lợn hơi xuống thấp nhưng giá thịt lợn tại thị trường lại chưa có dấu hiệu giảm, hoặc “giảm” nhỏ giọt. Đâu là nguyên nhân?
Giá lợn hơi giảm nhưng giá thịt lợn vẫn cao
Hiện giá lợn hơi trên cả nước được thu mua trong khoảng 64.000 - 72.000 đồng/kg. So với cùng thời điểm này năm 2020, giá thịt lợn hơi giảm 30.000- 32.000 đồng/kg.
Tuy giá thịt lợn hơi liên tục giảm và đang ở mức đáy trong vòng hơn 1 năm qua, song giá thịt lợn tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ và chợ truyền thống vẫn còn cao.
Tại các chợ dân sinh trên địa bàn của TP. Hà Nội, giá thịt lợn ở mức 120.000 – 160.000 đồng/kg. Cụ thể giá thịt lợn mông, vai là 120.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 150.000 đồng/kg, sườn có giá đắt nhất là 180.000 đồng/kg.
Khảo sát tại chợ Gia Lâm (Long Biên - Hà Nội) thấy, sườn non hiện có giá 180.000 đồng/kg, thịt ba chỉ ở mức 155.000-160.000 đồng/kg, thịt đùi 110.000-120.000 đồng/kg… Tại chợ Văn Chương (Hà Nội), giá sườn non ở mức 165.000 đồng/kg, ba chỉ giá 130.000 đồng/kg, đùi giá 120.000 đồng/kg… Tại một số chợ khác, sườn non giá 170.000 đồng/kg, ba chỉ giá 140.000 đồng/kg, đùi giá 100.000 đồng/kg…
Còn tại các chuỗi siêu thị của Big C, giá thịt ba chỉ do Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam phân phối đang được bày bán với giá 183.000 đồng/kg, thịt vai 115.900 đồng/kg, sườn 200.000 đồng/kg.
Còn các chuỗi cửa hàng bán lẻ Vinmart, giá thịt ba chỉ là 179.000 đồng/kg, thịt vai và thịt sườn lần lượt là 149.000 đồng/kg và 150.900 đồng/kg. Trong đó, đắt nhất là loại sườn non đặc biệt có giá lên tới 286.900 đồng/kg.
Giá thịt lợn đang bán tại các chuỗi siêu thị so với thời điểm giá lợn hơi lập đỉnh vào cùng kỳ năm ngoái, mức giảm tại các siêu thị không đáng kể, chỉ khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg. Thậm chí, một số loại thịt không có sự biến động nhiều về giá cả.
Nguyên nhân?
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), giá lợn hơi biến động giảm mạnh tại các khu vực. Nguyên nhân là do lượng thịt lợn nhập vào Việt Nam tăng mạnh trong thời gian qua. Bên cạnh đó, nhiều người chăn nuôi bán tháo đàn lợn trước diễn biến khó lường của dịch tả lợn châu Phi và dịch bệnh Covid-19. Trước tình hình dịch Covid-19, nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể nhà trường nghỉ khiến lượng tiêu thụ thịt lợn giảm nhiều. Mặc dù thời điểm này giá thức ăn chăn nuôi lại tăng vọt.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục chăn nuôi, lý giải, giá thịt lợn hơi giảm, do nguồn thịt lợn đông lạnh nhập khẩu vẫn còn lớn, trong khi việc tái đàn ở trong nước vẫn đạt hơn 70%. Trong quý 1/2021, Việt Nam nhập khẩu gần 169.300 tấn thịt và sản phẩm từ thịt; tăng 0,5% về lượng so với cùng kỳ năm 2020. Riêng thịt lợn nhập khẩu là 34.650 tấn; tăng hơn 101% về lượng so với cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh đó, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc vận chuyển, tiêu thụ trở nên khó khăn, nhiều hộ chăn nuôi cá thể lo ngại sẽ không bán được nên giá nào cũng cho xuất chuồng. Đặc biệt, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao trong nhiều tháng qua, khiến người dân không chịu nổi đành bán tống, bán tháo, thậm chí bị thương lái ép giá.
Theo ông Trọng, với giá lợn hơi ở mức dưới 70.000 đồng/kg thì chỉ doanh nghiệp chăn nuôi có lãi bởi chủ động được tất cả các khâu, còn nông dân hầu như không lãi.
Ông Trọng phân tích: Giá thức ăn chăn nuôi tăng đến 25-30%, đẩy phần này chiếm đến 60-65% giá thành sản xuất, chưa kể con giống cũng tăng 1,5-2 triệu đồng/con (cao hơn từ 15.000-20.000 đồng/kg so với doanh nghiệp khép kín). Tính ra giá bán đã không đủ bù chi phí khiến nông dân càng nuôi, càng lỗ.
Một trong những nguyên nhân làm giá thịt lợn ngoài thị trường tăng, đó là còn có quá nhiều khâu trung gian từ sản xuất, cung ứng, tiêu dùng, các khâu này chưa bảo đảm hài hòa lợi ích nên có nghịch lý người chăn nuôi thì thua lỗ, còn người tiêu dùng thì vẫn phải chịu giá thịt lợn cao.
Theo một tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Gia Lâm, những người bán thịt lợn như chúng tôi lấy thịt tại các lò mổ, các lò mổ này cũng là các thương lái thu mua lợn hơi từ các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ, chi phí cho việc vận chuyển lợn hơi đến các lò mổ đều được tính vào giá thành, mỗi công đoạn đều phải có lãi, vì thế cho dù giá lợn hơi có giảm nhưng giá thịt lợn vẫn cao là như vậy.
Còn doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm, do có chuỗi cung ứng, giết mổ, vận chuyển khép kín, số lượng lớn nên giá bán có giảm hơn so với giá thịt lợn tại các chợ dân sinh.
Nghịch lý “thấp – cao”
Ông Dương Thái Trung, Trưởng phòng Phân phối hàng hóa và Dịch vụ thương mại (Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương), nhận định, tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, không hình thành chuỗi cung ứng khép kín khiến việc điều tiết thị trường, giá cả trở nên khó khăn. Về cơ cấu giá thịt lợn từ khâu giết mổ đến bán lẻ có nhiều chi phí phát sinh. Cụ thể, tỷ lệ hao hụt chờ giết mổ: 2%, tỷ lệ hao hụt sau khi giết mổ: 25%, tỷ lệ hao hụt khi pha lóc: 1%. Tổng tỷ lệ hao hụt từ khi xuất chuồng đến khi pha lóc là 26 - 28%. Do đó, giá lợn hơi từ khi xuất chuồng đến khi pha lóc đã tăng 26 - 28%, chưa kể đến các chi phí giết mổ, vận chuyển từ chuồng trại về nơi giết mổ. Sau đó, giá thịt lợn hơi còn chịu một số chi phí như thú y, lợi nhuận của thương nhân tại chợ đầu mối...
“Đối với thịt lợn cung cấp tại các siêu thị còn có chi phí trữ đông, cấp lạnh, đóng gói, tem mác, VAT… Ngoài ra, trên thị trường tự do, lưu thông hàng hóa chưa có được sự gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm. Do đó, chênh lệch giá bán từ lúc lợn xuất chuồng đến sản phẩm tiêu thụ trên thị trường còn tương đối cao”, ông Trung phân tích.
Trong khi đó, lợn thịt được chăn nuôi phân tán ở các hộ gia đình, quy mô nhỏ lẻ, hình thức chăn nuôi truyền thống. Do đó, việc tiêu thụ tại các vùng miền phần lớn phụ thuộc vào tiểu thương mua gom và tự giết mổ bán cho tiểu thương tại các chợ. Điều này gây khó khăn cho việc tổ chức lưu thông phân phối cũng như quản lý hoạt động của thương nhân nhỏ lẻ ở khâu trung gian.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, để giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng ở mức phù hợp, ngoài việc tăng tái đàn, các địa phương và doanh nghiệp cần phối hợp để giảm bớt khâu trung gian từ sản xuất đến chế biến, xây dựng mô hình khép kín đến tiêu dùng.
Như vậy, chỉ khi nào giảm được chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán và thực hiện tốt chuỗi liên kết trong sản xuất - tiêu thụ, chúng ta mới có thể xóa bỏ được nghịch lý “thấp – cao” đang xảy ra với giá thịt lợn.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.