Là người tiên phong đưa tre Bát Độ về với vùng đất khó, chị Lương Thị Thanh, thôn 4, xã An Lạc (Lục Yên - Yên Bái) rất tự tin vào sự thành công của mô hình.
Sau gần 7 năm chăm sóc, vườn tre Bát Độ của chị đã cho thu nhập khá, giúp đời sống gia đình ngày càng ổn định.
Trước đây, với gần 2ha đất rừng, gia đình chị Thanh trồng cây lâm nghiệp như keo, bồ đề, mỡ… nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2011, nhận thấy nhiều nơi thành công với mô hình trồng tre Bát Độ, vợ chồng chị quyết định đến huyện Bảo Yên (Lào Cai) mua giống về trồng trên diện tích đất lâm nghiệp của gia đình.
Sau gần 3 năm chăm sóc, lứa măng đầu tiên đã cho thu hoạch và cũng chính thời gian này chị gặp khó khăn, trở ngại rất lớn trong khâu tiêu thụ. Chị phải chở măng đi khắp các chợ để bán. Tuy nhiên, cũng chính những lần mang măng ra chợ bán đã giúp chị hình thành các mối tiêu thụ. Hai năm trở lại đây, vườn măng bắt đầu cho thu hoạch rộ, mỗi gốc cho thu hàng tạ măng tươi, giá bán 5.000 - 7.000 đồng /kg, trừ chi phí, mỗi vụ thu hoạch rộ (tháng 7 - 8), gia đình thu lãi trên 20 triệu đồng.
Chị Thanh cho biết, muốn tre ra nhiều măng và tập trung thì ngày nắng ráo phải dùng dao chặt toàn bộ phần cành, lá cách mặt đất khoảng 4m để ức chế quá trình sinh trưởng của thân, lá, giúp kích thích ra nhiều măng. Đồng thời cắt tỉa cây nhỏ và dùng cuốc moi đất xung quanh gốc để đất khô 10-12 ngày, sau đó dùng phân NPK và phân chuồng rắc xung quanh gốc cách xa khoảng 25-30cm, vun cao giữ ẩm, tạo điều kiện cho măng mọc thuận lợi. Khoảng 2 tháng sau, tre bắt đầu ra măng; măng cao 5-10cm là thời điểm thu hoạch tốt nhất.
Kỹ thuật trồng tre măng Bát Độ không quá khó đối với nông dân, 1ha trồng 600 - 625 gốc (độ cao 500m so với mặt nước biển trở xuống), vốn đầu tư ban đầu không lớn, tiền mua giống khoảng 3 triệu đồng/ha, chủ yếu là công lao động. Thuộc họ Tre, nứa, tre măng Bát Độ dễ trồng, không kén đất, chỉ trồng một lần được khai thác nhiều năm.
Bên cạnh thu hoạch măng, gia đình chị Thanh còn bán giống cho nhiều hộ dân trong và ngoài xã. Qua hạch toán, gia đình chị Thanh thu về khoảng 50 triệu đồng/năm từ bán măng tươi, bán giống và bán măng khô.
Ông Triệu Việt Phú, Phó chủ tịch UBND xã An Lạc, khẳng định: “Chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của xã trong thời gian tới có cây tre Bát Độ. Gia đình chị Thanh là hộ tiên phong với cây trồng này. Chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi đất rừng kém hiệu quả sang trồng tre Bát Độ để tăng thu nhập”.
Thấy hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này, sắp tới, chị Thanh dự định mở rộng thêm diện tích đất trồng tre để tăng thu nhập cho gia đình và tạo công ăn việc làm cho những lao động có hoàn cảnh khó khăn trong thôn. Nhờ tre Bát Độ, chị đã có cuộc sống ổn định và nhiều người dân đã đến tham quan, học tập để cùng phát triển mô hình mới mẻ trên vùng đất còn nhiều khó khăn này.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.