Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 2 tháng 4 năm 2021 | 11:49

Người tiêu dùng cần thận trọng trước những sản phẩm gây mất ATTP?

Nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho người sử dụng, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên cẩn trọng trước những sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật về công dụng sản phẩm…

Cụ thể, theo Cục ATTP, qua công tác hậu kiểm việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên internet và môi trường mạng, đơn vị phát hiện website https://www.suckhoe.vungcao.online quảng cáo sản phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Navigout vi phạm: Quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm.
sản-phẩm-thực-phẩm-bảo-vệ-sức-khỏe-navigout.jpg
Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Navigout.
Đây là sản phẩm do Công ty TNHH Thương mại IAC, địa chỉ tại số nhà 31, ngõ 186, đường Khương Trung, phường Khương Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm. Thế nhưng, khi xác minh xử lý, Công ty TNHH Thương mại IAC không thừa nhận website nêu trên là của doanh nghiệp và không chịu trách nhiệm về việc quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Navigout tại website nêu trên.
 
Được biết, hiện nay website https://www.suckhoe.vungcao.online không còn truy cập được. Trước đó, vào cuối tháng 4-2020, Cục ATTP cũng thông báo về việc sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Navigout của Công ty TNHH Thương mại IAC quảng cáo trên một số website, như: http://goutvn.khopchackhoe.com; http://benhgout.biquyetsongkhoe.asia không đúng quy định của pháp luật, lừa dối người tiêu dùng.
 
Người dân cẩn trọng trước thực phẩm “hút chân không”
 
Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, những ngày gần đây, tại một số địa phương ghi nhận các trường hợp ngộ độc nghi do độc tố botulinum. Ngộ độc do độc tố botulinum là ngộ độc nặng, nguy cơ tử vong cao, hoặc ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe.
 
Cụ thể, mới đây, Bình Dương ghi nhận chùm 6 ca bệnh ngộ độc nghi do ăn patê chay, trong đó có một bệnh nhân đã tử vong tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Nhi Đồng 2. Điều tra bước đầu vụ ngộ độc này cho thấy các nạn nhân cùng ăn món bún riêu chay có sử dụng hộp pate đã phồng.
 
Bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho hay, loại thực phẩm thường gây ngộ độc do độc tố botulinum là thực phẩm đóng hộp, phổ biến là thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không bảo đảm. Đặc biệt, thời gian gần đây lại nổi lên ngộ độc thực phẩm tại các hộ gia đình do người dân tự chế biến, tiệc trong làng, chế biến cho gia đình sử dụng. Các vụ ngộ độc xảy ra với triệu chứng nặng như vụ ngộ độc bún chay ở Bình Dương (đang điều trị tại thành phố Hồ Chí Minh); vụ ở Kon Tum khi người dân chế biến cá ủ muối đóng vào hộp, bỏ ra ăn. Các ca ngộ độc này nặng bởi nhiễm độc tố của botulinum - độc tố được sinh ra trong môi trường yếm khí, điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
cẩn-trọng-với-trào-lưu-hút-chân-không-thực-phẩm-ảnh-minh-họa.jpg
Cẩn trọng với trào lưu “hút chân không” thực phẩm. Ảnh minh họa
Vi khuẩn clostridium botulinum sinh ra trong môi trường yếm khí. Vì thế, bất cứ sản phẩm nào đóng hộp (không riêng pate), thực phẩm hun khói, thực phẩm lên men yếm khí (thịt, cá ướp...), thực phẩm bảo quản trong môi trường yếm khí đều có thể sinh ra vi khuẩn này. Các vụ ngộ độc do botulinum vốn rất hiếm gặp, nhưng thời gian gần đây gặp nhiều, liên quan nhiều đến những bữa ăn tự nấu, chế biến thủ công tại hộ gia đình, trào lưu bảo quản thực phẩm “hút chân không”, đóng hộp thực phẩm không đúng cách là nguy cơ rất lớn nhiễm độc tố chết người botulinum. Hậu quả của ngộ độc botulinum thường rất nặng nề, nguy cơ tử vong cao hoặc ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe.
 
Các sản phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản lên men, đóng hộp không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum và sinh độc tố botulinum. Nguy cơ này không chỉ hiện hữu tại Việt Nam. Tổ chức Y tế thế giới cũng đã cảnh báo trên thế giới về trào lưu sử dụng túi “hút chân không” các hộ gia đình tự làm không đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguy cơ gây ngộ độc, đặc biệt ngộ độc vi khuẩn botulinum. Vì thế bà Trần Việt Nga lưu ý, các hộ gia đình, cơ sở sản xuất thủ công không tự đóng gói, đóng kín thực phẩm (dạng hút chân không) để bảo quản trong thời gian dài. Những thực phẩm được đóng gói kín không đủ điều kiện công nghệ để tiệt trùng sẽ có nguy cơ sinh ra vi khuẩn yếm khí nguy hiểm.
 
Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩmTrần Việt Nga cũng khuyến cáo người dân, khi sử dụng đồ hộp, nếu thấy sản phẩm bị phồng, khả năng trong sản phẩm vi khuẩn kỵ khí đã phát triển, sinh độc tố.Do vậy, người dân không nên mua loại đồ hộp bị phồng, méo. Nếu trong quá trình bảo quản ở nhà, đồ hộp bị phồng thì cũng không nên sử dụng. Ngoài ra, hiện nhiều người Việt cũng có thói quen chế biến thực phẩm và hút chân không để trong ngăn mát tủ lạnh hoặc bên ngoài môi trường với nhiệt độ bình thường để sử dụng. Tuy nhiên, thói quen này sẽ tiểm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc botulinum.“Người dân muốn đóng gói đồ hộp hay hút chân không thực phẩm cần áp dụng các quy trình chuẩn về khử trùng đồ hộp ở nhiệt độ cao. Không đóng gói, hút chân không thực phẩm khi công nghệ không bảo đảm”, bà Nga thông tin.
 
Bên cạnh đó, Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo người dân, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm phải lưu ý để bảo đảm an toàn, phòng ngộ độc. Đặc biệt những cơ sở sản xuất quy mô nhỏ hoặc hộ gia đình không nên cho thực phẩm vào đóng gói kín, không đủ điều kiện tiệt trùng nguy cơ ngộ độc độc tố botulinum rất lớn do độc tố này được sinh ra trong môi trường yếm khí, khi dụng cụ bao gói không bảo đảm an toàn.
 
Để lựa chọn thực phẩm an toàn, người tiêu dùng nên chọn mua đồ hộp phải đủ nhãn, ghi đầy đủ thông tin về tên hàng hoá; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá thực phẩm; xuất xứ hàng hoá, định lượng; ngày sản xuất, hạn sử dụng; thành phần hoặc thành phần định lượng; thông tin cảnh báo vệ sinh, an toàn; hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản.Người dân cần tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất để bảo đảm chất lượng như đã ghi trên nhãn sản phẩm, theo đúng vòng đời của sản phẩm.
 
Ngoài ra, vi khuẩn botulinum sẽ bị diệt ở 60 độ C trong 30 phút và bởi các hóa chất khử trùng thông dụng; để khử độc tố cần đun sôi 100 độ C ít nhất 15 phút; để diệt nha bào cần đun ở 100 độ C ít nhất một giờ, hoặc hơi nước nóng ở áp lực cao hay sấy khô trên 160 độ C ít nhất 30 phút. Do đó, người dân cần thực hiện nghiêm túc ăn chín, uống chín, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.
 
Bộ Y tế cũng khuyến cáo, sau khi sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe (với triệu chứng mệt mỏi, sụp mi mắt, yếu cơ tứ chi, khó nuốt, liệt cơ, khó thở ….) cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và xử lý kịp thời.
 
Triệt phá kho hàng giả, hàng nhái
 
Liên quan đến kho hàng chứa một lượng lớn các sản phẩm gia dụng, dân dụng, thực phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, đồng hồ... có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, nhập lậu, vi phạm về nhãn hàng hóa, an toàn thực phẩm.
 
Cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình cho biết, sau một thời gian trinh sát, vào lúc 14 giờ 30 phút ngày 31/3, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh Ninh Bình (trực tiếp là Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và Công an huyện Gia Viễn) tiến hành kiểm tra đột xuất kho hàng có diện tích gần 1.000m2 của ông Trần Văn Bản (ở thôn Điềm Khê, xã Gia Trung, huyện Gia Viễn).
 
Qua điều tra của lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình, một trong những phương thức được cơ sở này sử dụng để kinh doanh là sử dụng nền tảng số để livestream bán hàng trên mạng xã hội (chủ yếu là Facebook).
 
Ghi nhận trên hệ thống bán hàng của cơ sở, mỗi video livestream có khoảng 5.000 view và trung bình một ngày sẽ có khoảng 1.000 đơn hàng được gửi đi thông qua các dịch vụ vận chuyển.
moit-qltt-1.jpg
Kho hàng chứa một lượng lớn các sản phẩm gia dụng, dân dụng, thực phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, đồng hồ... có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, nhập lậu, vi phạm về nhãn hàng hóa, an toàn thực phẩm.
Đây là cơ sở đã hoạt động kinh doanh lâu năm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên phương thức hoạt động rất tinh vi với nhiều chiêu trò nhằm qua mắt lực lượng chức năng.
 
Theo ông Trần Duy Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Ninh Bình, việc trinh sát và điều tra kho hàng này mất rất nhiều thời gian, công sức, thấy có đủ chứng cứ vi phạm, lực lượng chức năng mới tiến hành bắt giữ. Bởi, đối tượng vi phạm chủ yếu sử dụng mạng xã hội để chào bán và sử dụng dịch vụ chuyển phát vận chuyển hàng hóa.
 
Cũng theo Cục trưởng Cục QLTT Ninh Bình, đây là chuyên án khám kho hàng sử dụng nền tảng số để bán hàng trên mạng lớn nhất từ trước đến nay tại Ninh Bình.
 
Trong ngày hôm nay (1/4), lực lượng Quản lý thị trường Ninh Bình tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng phân loại, kiểm đếm và niêm phong để tiếp tục xác minh làm rõ các vi phạm của cơ sở, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
 
 
 
Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top