Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 12 tháng 8 năm 2022 | 16:36

Nhiều giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế

Tại cuộc tọa đàm "Các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế" các diễn giả, chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp trước mắt và dài hạn để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.

Liên quan tới nội dung, để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế thì chúng ta cần rất nhiều giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Những giải pháp đó là gì, và cần phải đưa ra những quy định pháp luật, bổ sung những quy định này như thế nào để có thể tránh được tâm lý lo ngại, sợ sai của các đơn vị và doanh nghiệp?. Các đơn vị cần phải làm gì để phát huy tính chủ động, quyền tự quyết cũng như là tự chịu trách nhiệm trong việc mua sắm thuốc, vật tư y tế?.

 

 Các khách mời dự  tọa đàm "Các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế".

 

Về vấn đề này, PGS.TS. Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết, theo tôi, nhìn chung tình trạng thiếu thuốc như các nguyên nhân nêu trên là đúng. Ở đây, sự phức tạp trong đấu thầu thuốc cũng như thiết bị vật tư y tế khác với ngành khác vì nó rất da dạng. Tôi nghĩ rằng vướng mắc này chắc chắn gỡ được.

Trước hết là ở văn bản quy phạm pháp luật. Ở đây nguyên nhân là do cơ chế và con người. Hiện Chính phủ đã có nghị quyết mới rồi, vì thế tôi đề nghị Bộ Y tế rà soát ngay lập tức. Nếu cái gì sai, cái gì chưa thích hợp thì Bộ Y tế dự thảo, rồi báo cáo Chính phủ sửa ngay lập tức. Trong việc này, Bộ Y tế cần xuống làm việc ngay với các bệnh viện, đừng đợi các bệnh viện báo cáo lên. Trong việc làm luật, cần những cán bộ biết dự báo.

Thứ hai là phân cấp triệt để, nhưng phân cấp không có nghĩa là khoán trắng mà phải quản lý. Ở đây quản lý phải dựa trên văn bản pháp luật. Thứ ba là vấn đề giá. Việc này cần cả Bộ Tài chính và Bộ Y tế vào cuộc để thẩm định giá và phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và pháp luật.

Thứ tư là cần Bộ Ngoại giao vào cuộc. Ở đây chúng ta có hệ thống đại sứ các nước, qua đó chúng ta có thể nắm được giá các mặt hàng thuốc. Có thể doanh nghiệp luôn đưa giá cao vì lợi nhuận của họ là mục tiêu cuối cùng, nhưng thông qua Bộ Ngoại giao, có thể thẩm định được giá của các công ty nước ngoài. Khi những Bộ này cùng vào cuộc thì tôi tin là chúng ta sẽ tìm được giá thích hợp nhất.

 

 PGS.TS. Bùi Thị An cho rằng, giai đoạn cần chỉ đạo quyết liệt như là chỉ đạo cho một chiến dịch để cho các cơ sở có thuốc điều trị cho người dân.

 

Về phía Bộ Y tế cần đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật rõ ràng, ví dụ thuốc này thì cần những tiêu chuẩn gì. Trên cơ sở này, cũng dễ là cơ sở để đấu thầu.

Tuy nhiên, theo tôi, ngoài vấn đề chính sách thì còn con người. Người được giao nhiệm vụ phải là người có đủ trình độ để tìm được giá đấu thầu thuốc với chất lượng tốt nhất.

Ngoài ra, theo tôi cũng cần phải quy trách nhiệm người đứng đầu. Nếu người đứng đầu bị gắn trách nhiệm thì người đứng đầu sẽ chọn ra ê kíp những người làm việc có tư cách, trình độ.

Về phía Chính phủ, phải coi đây là giai đoạn cần chỉ đạo quyết liệt như là chỉ đạo cho một chiến dịch để cho các cơ sở có thuốc điều trị cho người dân. Chính phủ đồng hành cùng ngành y tế, đồng thời cũng quản lý ngành y tế để tránh sai phạm, nhằm đáp ứng đủ thuốc cho người dân và cũng bảo vệ được cán bộ làm trong ngành y tế.

Về giải pháp ngắn hạn và dài hạn, TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, nói như chị An với ngôn ngữ của chính khách thì bao giờ mình cũng phải lo cho dân, làm khách quan, minh bạch, rồi trách nhiệm của người đứng đầu, tức là dám làm, dám chịu trách nhiệm. Thế nhưng đằng sau là cả một vấn đề, ví dụ như cứ giao cho anh Cơ làm đi, anh Cơ có dám làm không, bởi vì hệ thống thể chế của chúng ta chưa rõ ràng, chưa cụ thể. Anh Cơ làm mà anh Cơ không có đồng nào thì anh Cơ cũng vẫn sợ bởi nó ảnh hưởng đến trách nhiệm của anh ấy. Có khi anh không chết vì khám bệnh, chữa bệnh cho người dân, thì anh lại chết vì cương vị quản lý của anh. Cho nên tất cả những cương vị đó theo tôi chúng ta đều cần phải có các giải pháp trước mắt và các giải pháp mang tính chất lâu dài, căn cơ và bài bản.

 

 TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) chia sẻ tại toạ đàm.

 

Đối với các giải pháp trước mắt thì vừa rồi Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo cho Bộ Y tế là cần đề xuất các giải pháp mà Bộ Y tế trong thẩm quyền của mình không thể giải quyết được. Cho nên có những giải pháp lại đè lên các quy định pháp luật khác và Thủ tướng Chính phủ là người chịu trách nhiệm. Nên trong dự thảo Nghị quyết bảo đảm thuốc, cũng như vật tư y tế, thanh toán bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế thì Chính phủ dự kiến sẽ viết 7 vấn đề, trong đó có những vấn đề như chị Bảo, anh Cơ đã đề cập. Tôi cho đó là những giải pháp mang tính chất trước mắt. Trong đó, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Y tế phải làm cái gì, giao nhiệm vụ cho Bộ KH&ĐT phải làm gì, giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính phải làm gì. Và như vậy, tất cả các vấn đề, tất cả các quan hệ xã hội liên quan đến đấu thầu thuốc, đấu thầu trang thiết bị y tế, trong đó có vật tư y tế, hóa chất là chúng ta phải có tháo gỡ, thậm chí có cả nghiên cứu liên quan đến Nghị quyết 12, Nghị quyết 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chúng ta cũng phải có đề xuất để gia hạn các Nghị quyết này, có như vậy mới đáp ứng được những yêu cầu đặt ra.

Bên cạnh đó, cần giao cho Bộ Y tế sửa những thông tư về đăng ký thuốc, về đấu thầu thuốc. Cũng phải xem Nghị định 98 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế thì Bộ Y tế đã có thông tư hướng dẫn chưa, và trong thông tư hướng dẫn ấy có đưa vấn đề quản lý giá trang thiết bị y tế như đối với mặt hàng thuốc không? Thuốc đó có thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế không hay thuộc thẩm quyền của Chính phủ? Chúng ta lại phải có những đề xuất để đưa vào. Như vậy là chúng ta có những giải pháp mang tính trước mắt để giải quyết và có những giải pháp mang tính chất căn cơ, bài bản, có như vậy mới có thể giải quyết được bài toán thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, Bộ Y tế cho rằng, bất kỳ việc gì chúng ta cũng phải xem xét nguyên nhân từ khách quan và chủ quan. Các diễn giả đã nêu, khách quan cũng có, chủ quan cũng có, rồi các yếu tố văn bản quy phạm pháp luật, các yếu tố về nhân lực, các yếu tố thực thi, quá trình thực hiện. Tôi cũng đồng quan điểm với những vấn đề các diễn giả đã nêu.

Tuy nhiên, không phải chúng ta đều đáp ứng được những nội dung là sửa thông tư này, hay ban hành các văn bản kia đúng thời điểm. Vì vậy, trước mắt, Bộ Y tế đang trình Chính phủ ban hành Nghị quyết, đưa ra những giải pháp cấp bách nhất, cần thiết nhất và thiết yếu nhất ở thời điểm hiện nay.

 

 TS. Nguyễn Thị Ngọc Bảo chia sẻ tại Tọa đàm.

 

Tôi ví dụ, quy định thời điểm mua bán, đối với vật tư trang thiết bị là thời điểm trong đấu thầu ở Nghị định 98. Hay nội dung thời hạn, gia hạn số đăng ký mà Nghị quyết 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành cuối tháng 11/2021 thì sẽ áp dụng khi nào? Hoặc thanh toán cho chi phí khám chữa bệnh BHYT, hay những nội dung có liên quan, ví dụ đối với máy đặt, hay máy mượn như thế nào để vẫn thanh toán được cho các bệnh nhân bảo hiểm. Đấy là những nội dung trong dự thảo nghị quyết Bộ Y tế đã trình chính thức lên Chính phủ để ban hành, kịp thời khắc phục được phần nào và tối cần thiết nhất cho tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị vật tư y tế.

Rất nhiều nhà chuyên môn là các bác sĩ có nêu là, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cũng giống như trang thiết bị khi ra chiến trường, là bắt buộc phải có. Không có vật tư thì làm sao có thể đưa ra những xét nghiệm để chẩn đoán được bệnh. Có chẩn đoán bệnh thì chúng ta mới đưa ra được phác đồ điều trị ở chuyên môn của các bác sĩ. Như vậy thì trang thiết bị vật tư y tế là rất cần thiết. Rồi trong quá trình điều trị, thuốc cũng cần thiết như vậy, chứ không phải chỉ có mỗi trình độ chuyên môn của các bác sĩ. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào chuyên môn, nhưng nếu thiếu các trang thiết bị thì chúng ta lại quay lại những thời kỳ trước.

Cho nên, khi phân tích ra thì tôi hoàn toàn nhất trí giải pháp xử lý về văn bản, và những người thực thi, có xem xét thứ tự ưu tiên. Những phần nào làm trước thì Chính phủ cũng như là các cơ quan ban ngành rất sát sao và giải quyết kịp thời tất cả những vấn đề thiết yếu nhất. 

 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top