Trong đó khẳng định, trong khi chờ Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Dược 2016 có hiệu lực thì từ giữa năm ngoái, Nghị định của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh thuốc đã cho phép việc sản xuất, cung ứng thuốc vẫn được thực hiện theo quy định cũ.
Theo Cục Quản lý Dược, Luật dược 2016 đã có một loạt các quy định chuyển tiếp, tránh gián đoạn hoạt động sản xuất, cung ứng thuốc của các cơ sở kinh doanh dược.
Riêng đối với nhóm thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc, tại khoản 3, Điều 26, Nghị định số 102/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 hướng dẫn Luật dược và Luật đầu tư đã cho phép các cơ sở đang kinh doanh những loại thuốc phải kiểm soát đặc biệt, được tiếp tục hoạt động cho đến khi thực hiện theo các quy định của Luật dược mới.
Do đó, đến khi Nghị định hướng dẫn Luật Dược 2016 có hiệu lực thì việc các cơ sở tiếp tục sản xuất, cung ứng thuốc theo đúng các giấy phép và dự trù đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tuân thủ quy định tại Luật dược 2005 và các văn bản dưới luật của luật cũ này.
Đại diện Cục Quản lý Dược khẳng định, điều này là hoàn toàn hợp hiến và đúng quy định. Cũng theo Cục Quản lý Dược, từ ngày 06/01/2017 Cục đã có Công văn số 76/QLD-KD gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Tổng công ty dược Việt Nam, các đơn vị sản xuất, nhập khẩu thuốc đề nghị các đơn vị này xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ thuốc đảm bảo sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Riêng với nhóm thuốc thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc, Cục Quản lý Dược có Công văn số 582/QLD-KD ngày 19/01/2017 đề nghị các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc khẩn trương sản xuất, cung ứng thuốc cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo đúng các giấy phép và dự trù đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc./.