Tết Âm lịch không phải Tết của riêng người Trung Quốc
Ở Trung Quốc, Tết Âm lịch được gọi là lễ hội mùa xuân hoặc Tết Nguyên đán nhưng không phải duy nhất người Trung Quốc đón Tết theo Âm lịch.
Hàn Quốc, Việt Nam và một số nước khác cũng đón Tết theo lịch Mặt trăng (Âm lịch).
Giao thông là “ác mộng” trong dịp Tết
Tết Âm lịch về cơ bản giống như dịp đoàn tụ các gia đình, điều đáng nói là cuộc đoàn tụ này diễn ra cùng một thời điểm nên gây ra sức ép cực kỳ lớn với hệ thống giao thông.
Để có thể về quê sau một năm bươn chải kiếm sống nơi đất khách quê người, nhiều người sẵn sàng làm mọi cách, từ chấp nhận bị “lèn chặt” trên những chuyến xe khách hay chuyến tàu, mua vé tàu xe với giá “cắt cổ” ở chợ đen, xếp hàng nhiều giờ liền chỉ để mua được tấm vé để về quê...
Theo ước tính, cứ vào dịp Tết mỗi năm, hệ thống giao thông Trung Quốc phải “gồng mình” gánh hàng tỷ lượt đi lại, phục vụ nhu cầu về quê đón Tết của người dân. Trong khi đó, con số này ở Hàn Quốc cũng phải lên đến hàng chục triệu.
Tết Âm lịch không chỉ trong một ngày
Tết Âm lịch thông thường được hiểu bắt đầu từ ngày đầu tiên của Năm mới theo lịch âm và kéo dài đến ngày 3/1 (Âm lịch). Tuy nhiên, có thể nói Tết Âm lịch bắt đầu ngay từ đêm Giao thừa – thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới.
Nhiều người có thói quen ra đường, hòa mình vào dòng người tụ tập ở những địa điểm vui chơi, ngắm pháo hoa đêm Giao thừa nhưng cũng có những người lựa chọn việc quây quần bên gia đình để chia tay năm cũ, chào đón năm mới.
Những điều kiêng kỵ ngày Tết
Trước Tết các gia đình đều quét dọn nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng để tránh việc phải quét dọn nhà cửa trong ngày đầu năm bởi theo quan niệm, nếu quét nhà, vứt rác đi vào dịp Năm mới chẳng khác nào bỏ đi sự may mắn và thịnh vượng.
Người Việt Nam quan niệm đổ vỡ đồ dùng trong nhà như bát đĩa, ấm chén, gương trong ngày đầu năm báo hiệu cho sự chia lìa, đổ vỡ nên rất kiêng kỵ.
Ngày đầu năm mọi người cũng tránh cho vay, đi vay, đòi nợ hay trả nợ. Vì theo quan niệm, nếu đi vay thì cả năm sẽ túng thiếu cùng quẫn còn cho vay thì tiền bạc phân tán, không được may mắn, phát đạt.
Ngoài ra còn có rất nhiều điều kiêng kỵ khác như cắt tóc cạo râu, nói những điều xui xẻo, cãi vã… dịp Năm mới.
Âm thanh và ánh sáng mừng Năm mới
Theo quan niệm của người châu Á, ánh sáng và tiếng động là những thứ có thể xua đuổi tà ma và những điều xấu xa, chính vì thế, pháo hoa thường được bắn vào dịp này.
Pháo hoa không chỉ mang đến những giây phút thư giãn cho người dân dịp đầu năm mà còn giúp xua đuổi những điều xấu trong năm cũ, đem lại hy vọng về một Năm mới tốt đẹp.
Tập tục lì xì đầu năm
Lì xì là những phong bì màu đỏ bên trong chứa những tờ tiền mới, gọi là “tiền may mắn”. Phong bì mừng tuổi tượng trưng cho tài lộc, nhiều người nhận được hay cho đi càng nhiều bao lì xì thì càng tin rằng mình đã phát tài phát lộc...
Ý nghĩa chính không nằm ở "tiền" mà quan trọng là ở thông điệp, con cháu chúc ông bà bách niên giai lão, ông bà mong con cháu làm ăn phát đạt, ăn nên làm ra, trẻ em thì hay ăn chóng lớn…
Năm Đinh Dậu
Năm 2017 theo Âm lịch là Năm con Gà. Năm mới sẽ bắt đầu vào ngày 28/1 (theo Dương lịch). Những người ở các nước sử dụng Dương lịch đôi khi thắc mắc vì mỗi năm họ lại thấy người dân châu Á đón Tết vào một ngày khác nhau. Sở dĩ có hiện tượng này bởi cách tính lịch âm và lịch dương có một số điểm khác biệt, bao gồm cả cách tính “năm nhuận” chỉ có ở lịch âm mà lịch dương không có.
Thông thường, Tết Âm lịch thường diễn ra vào khoảng nửa cuối của tháng 1 đến giữa tháng 2 (theo Dương lịch).
Năm Âm lịch gắn với 12 con vật khác nhau trong cung Hoàng đạo và năm 2017 sẽ là năm con Gà (Đinh Dậu).
Con Gà (Dậu) là con vật đứng thứ 10 trong thứ tự 12 con giáp và được xem là biểu tượng của sự tự tin, trung thực và chăm chỉ. Những người tuổi Gà là những người rất tinh ý, cần cù, tháo vát, dũng cảm và tài năng.
Dịp Tết nào, người dân những nước đón Tết theo Âm lịch đều kỳ vọng vào một năm Đinh Dậu với thật nhiều niềm vui, may mắn và hạnh phúc tràn đầy./.