Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 26 tháng 3 năm 2008 | 12:45

Phản hồi vụ Khách sạn New World Sài Gòn bị kiện: Vì sao Tổng cục Thuế yêu cầu kiểm tra lại?

Ban đầu chậm trễ

Tuy nhiên, hơn ba tháng kể từ khi có công văn số 2598, ông Quang vẫn không nhận được thông báo từ Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh. Ngày 25/06/2007, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài Chính) Phạm Duy Khương ký công văn số 2413, gửi Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh kèm theo đơn tố cáo của ông Quang yêu cầu giải quyết theo thẩm quyền và báo cáo kết quả cho Tổng cục Thuế. Gần một tháng sau, Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh hồi âm kết quả giải quyết nhưng ông Quang cho rằng không thuyết phục. Ngày 24/07/2007, ông Lê Xuân Dương (Phó cục trưởng Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh) ký Công văn số 7214, gửi ông Trần Quốc Quang, cho biết: Ngày 04/04/2007, Cục trưởng Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh đã ra Quyết định số 4105, kiểm tra việc kê khai thuế của Công ty liên doanh Khách sạn New World Sài Gòn đối với các khoản thu từ CLBSK niên độ 2002 đến 2006. Căn cứ kết quả kiểm tra được ghi nhận tại biên bản ngày 10/07/2007 thì từ năm 1995 đến năm 2000, khách sạn nhận hội viên trên cơ sở đóng phí gia nhập lần đầu kèm phí hội viên từng năm. Qua kiểm tra sổ sách kế toán, trừ việc vào năm 2002 có sử dụng hóa đơn tự phát hành bất hợp pháp, Cục Thuế chưa phát hiện Khách sạn New World Sài Gòn có hành vi gian lận trong việc kê khai nộp thuế đối với khoản thu từ phí hội viên như đơn ông Quang phản ảnh.

Không đồng ý với kết luận trên, ngày 08/08/2007, ông Trần Quốc Quang gửi đơn tới Tổng cục Thuế phản ảnh việc Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh không làm rõ các các nội dung sai phạm của Khách sạn New World Sài Gòn như ông đã tố cáo. Ngày 24/08/2007, Tổng cục Thuế có Công văn số 3470, gửi Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh, yêu cầu kiểm tra lại.

Về sau nhùng nhằng

Cũng theo ông Quang, sau khi thành lập CLBSK vào cuối năm 1994, Khách sạn New World Sài Gòn đã “mồi chài” khách hàng bằng một cam kết dân sự: nếu cá nhân, gia đình hay công ty nào lần đầu tiên tham gia đồng ý đóng cho khách sạn một khoản gọi là phí gia nhập thì mức phí tham gia CLBSK hàng năm của khách sạn sẽ không thay đổi. Chẳng hạn, nếu người nào đóng “phí gia nhập” 1.000USD thì phí sử dụng CLBSK của cá nhân đó về sau chỉ phải đóng 500USD/năm. Nếu gia đình nào đóng phí gia nhập 2.000USD thì phí sử dụng CLBSK của gia đình đó về sau chỉ 1.000USD/năm. Thậm chí, nếu công ty nào đóng phí gia nhập 7.500USD thì phí sử dụng CLBSK về sau của mỗi thành viên công ty đó chỉ là 500USD/năm.

Trong mẫu đơn do Khách sạn New World Sài Gòn phát hành để ký kết với khách hàng có phần cam kết: Chỉ khi khách sạn nhận được thông báo của người sử dụng CLBSK về việc thôi tập luyện tại đây trước hai tuần thì tư cách hội viên của người đó mới bị chấm dứt… Từ năm 1994-1997, có khoảng 130 gia đình, 260 cá nhân và 30 công ty tham gia. Tổng số tiền khách sạn thu được từ số khách hàng này qua hoạt động cung cấp dịch vụ CLBSK là rất lớn. Trong đó “phí gia nhập” từ 1994-1997 khoảng 800.000USD, “phí sử dụng” từ 1994-2002 khoảng 4, 8 triệu USD. Theo đúng luật, khi thu của khách hàng từ 100.000 đồng trở lên, khách sạn phải dùng hóa đơn nhưng từ năm 1994-2006, Khách sạn New World Sài Gòn thu gộp cả phí gia nhập lẫn phí hội viên của khách hàng tham gia CLBSK có khi đến 3.000USD/người nhưng chỉ xuất biên nhận tự in, không đóng dấu. Để biết khả năng nguồn thu này có được kê khai nộp thuế hay không, ít nhất Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh phải làm rõ từ trước đến nay, có bao nhiêu hội viên tham gia CLBSK của Khách sạn New World Sài Gòn? Khoản thu phí gia nhập, phí hàng năm cho cả ba loại hình cá nhân, gia đình và công ty là bao nhiêu? Việc nhiều hội viên mới (đóng phí 2.000USD/năm) được sử dụng mã số của hội viên cũ (1.000USD/năm) phải chăng là cách che dấu một nguồn thu phải khai báo? Rất tiếc, từ ngày có yêu cầu kiểm tra lại như đã nói ở trên cho đến nay là đã 7 tháng trôi qua nhưng Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh vẫn chưa có hồi âm.

Đình Nghĩa

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top