Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 12 tháng 12 năm 2017 | 10:4

Quyết định của Tổng thống Trump về Jerusalem: Lợi bất cập hại?

Gần 1 tuần kể từ ngày Tổng thống Mỹ Trump công nhận Jerusalem là của Israel, vẫn chưa rõ vì sao ông lại có quyết định gây tranh cãi đến thế.

Nước cờ đầy mạo hiểm của Mỹ

Có thể nói, quyết định của Tổng thống Trump là rất khó hiểu, bởi ông không hề chịu sức ép từ Israel hay từ các chính trị gia tại Washington, dù vậy, ông Trump vẫn sẵn sàng đảo ngược quan điểm chính trị về Jerusalem mà nhiều đời Tổng thống Mỹ đã duy trì từ vài thập kỷ qua.

quyet dinh cua tong thong trump ve jerusalem loi bat cap hai hinh 1
Quyết định của Tổng thống Donald Trump (phải) về Jerusalem được cho là gây ra nhiều hệ lụy đối với Mỹ hơn là những lợi ích mà quyết định này mang lại. Ảnh: Reuters

Theo các chuyên gia, với việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel mà “không đếm xỉa gì” đến tuyên bố của phía Palestines rằng Đông Jerusalem sẽ là thủ đô tương lai của họ, Tổng thống Trump đã “đóng đinh vào cỗ quan tài” mang tên “giải pháp 2 nhà nước ở Jerusalem”.

Ngay cả khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định rằng, quyết định của ông là rất quan trọng trong việc “thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông hướng tới một thỏa thuận lâu dài”, vẫn có nhiều chuyên gia cho rằng, kết quả trên thực địa sẽ hoàn toàn trái ngược với những lời lẽ trấn an của ông Trump.

Không chỉ có Palestine phản ứng dữ dội với quyết định của ông Trump mà nhiều nước trong khu vực và trên thế giới cũng có hành động tương tự. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã hủy cuộc gặp với Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nhân dịp ông đặt chân đến thánh địa Jerusalem và một số nước trong khu vực.

Trong khi đó, cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đều lên tiếng khẳng định đang hợp tác chặt chẽ nhằm thuyết phục người đứng đầu Nhà Trắng xem xét lại quyết định của ông về Jerusalem.

Theo phóng viên CNN Fareed Zakaria, “nước cờ” Jerusalem của ông Trump là rất khó hiểu và khá mạo hiểm: “Có nhiều cách để giải quyết vấn đề Jerusalem, một trong số này chính là việc dành một phần đất ở phía Đông thánh địa này cho người Palestine để họ sử dụng làm thủ đô trong tương lai. Tuy nhiên, ông Trump đã không làm như vậy.

Quyết định của ông Trump không có nhiều ý nghĩa trên thực địa trong khi lại gây ra phản ứng không đáng có từ hàng triệu người Palestine, hàng trăm triệu người Arab và cộng đồng quốc tế.

Một khi cả Trung Quốc, các đồng minh châu Âu, Giáo hoàng, Quốc vương Saudi Arabia và Jordan đều cũng lên tiếng phản đối quyết định của ông Trump, hẳn nhiên chính sách của ông Trump về Jerusalem phải có vấn đề”.

Tạo sự đã rồi, gây khó cho các đồng minh

Theo các chuyên gia, nhiều khả năng khi tuyên bố Jerusalem là của Israel, giới chức Mỹ đã tính đến việc lãnh đạo các nước Arab và châu Âu sẽ tỏ thái độ “ngoài nóng, trong lạnh” với Palestine.

Ngay cả khi họ có những lời lẽ gay gắt nhằm vào Tổng thống Donald Trump nhằm thể hiện sự đồng cảm và thiện chí dành của “cộng đồng quốc tế” dành cho Palestine, phía Mỹ vẫn tin rằng, đó “vẫn chỉ thuần túy là những lời nói” và khó có thể biến thành “hành động thực tế”.

Điều này thể hiện ở việc, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan- người có tiếng nói mạnh mẽ nhất nhằm vào Israel khi gọi nhà nước Do Thái là “quốc gia khủng bố”- cũng được cho là sẽ không đời nào tính đến chuyện cắt đứt quan hệ với Israel.

Chính vì thế, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc đã rất tự tin tuyên bố trước Hội đồng Bảo an sau quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng: “Bầu trời vẫn ở trên cao và chưa đổ sập xuống”.

Tuy nhiên, chính các đồng minh của Mỹ, nhất là các quốc gia Arab cũng thừa nhận, quyết định của Mỹ đã gây rất nhiều khó khăn cho họ. Saudi Arabia dù bận tâm nhiều với việc đối phó với “mối đe dọa từ Iran” hơn là vấn đề Palestine vẫn gặp rất nhiều thách thức trong việc xoa dịu sự giận dữ của người dân. Chính phủ Ai Cập và Jordan cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự.

Hơn thế nữa, theo các chuyên gia, quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến rất nhiều người hoài nghi về cam kết của ông đối với nền hòa bình trong khu vực. Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng, điều này cho thấy Mỹ chưa bao giờ thực sự đóng vai trò “trung gian hòa giải một cách công bằng” trong vấn đề xung đột Palestine và Israel. Thay vì thế, Mỹ đang ngày càng bộc lộ rõ thái độ ủng hộ Israel ra mặt và tìm cách cản trở Palestine tuyên bố chủ quyền hợp pháp của mình.

Nhà phân tích Roger Cohen nhận định: “Tiến trình hòa bình Trung Đông chính là “lớp vỏ bọc lý tưởng” cho việc Israel đẩy nhanh việc xây dựng thêm các khu định cư Do Thái tại Jerusalem. Điều này giúp Israel mở rộng vùng chiếm đóng bất hợp pháp của mình bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế”.

Dù vậy, quyết định của Tổng thống Donald Trump- dù rất bất lợi cho Palestine- được cho là vẫn mang lại những “động lực mới” cho cuộc đấu tranh bền bỉ của người Palestine để đạt được mục tiêu cuối cùng cho giải pháp “2 nhà nước tại Jerusalem”.

“Nếu có một “điều thần kỳ” gì trong tuyên bố của ông Trump dành cho người Palestine thì đó hẳn là việc người dân Palestine giờ sẽ đoàn kết và quyết tâm hơn trong vấn đề Jerusalem và rất có thể họ sẽ thành công dù đó là một con đường rất chông gai”, nhà báo Dalia Hatuqa nhận định./.

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

  • HTX An Hòa: Tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

    HTX An Hòa: Tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

    Để phát huy hiệu quả giá trị tài nguyên đất, chị Hoàng Thị Gái, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX An Hòa đã mạnh dạn tập trung ruộng đất, áp dụng cơ giới hóa, từ đó nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Top