Khi Cơ quan Nghiên cứu Quốc tế về ung thư (IARC) tiến hành đánh giá về Glyphosate, bản báo cáo được công bố cuối cùng năm 2015 đã có một số thay đổi quan trọng so với bản dự thảo trước đó. Tuy vậy, danh tính cá nhân thực hiện hay nguyên nhân dẫn đến những chỉnh sửa này không được IARC công bố. Đây là những thông tin vừa được đưa ra bởi Reuters.
Nông dân Pháp biểu tình phản đối lệnh cấm Glyphosate.
IARC, có trụ sở tại Lyon, Pháp, là một đơn vị nghiên cứu độc lập của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thuộc Liên Hợp quốc. Tháng 3 năm 2015, cơ quan này đã đưa ra một báo cáo đánh giá về Glyphosate và xếp hoạt chất này vào nhóm 2A gồm các chất có thể gây ung thư ở người. Theo IARC, căn cứ để đưa ra kết luận xếp loại hoạt chất này vào nhóm 2A dựa trên quan điểm của các chuyên gia rằng có những “bằng chứng hữu hiệu” cho thấy Glyphosate có thể gây ung thư trên động vật và “bằng chứng hạn chế” cho thấy chất này có thể gây ung thư ở người.
Điều tra của Reuters
Khi tiến hành rà soát và nghiên cứu lại các tài liệu liên quan, Reuters đã phát hiện một phần nội dung chính trong bản dự thảo đánh giá về Glyphosate của IARC đã được chỉnh sửa và xóa bỏ đáng kể trước khi hoàn thiện và công bố. Những nội dung sửa đổi chủ yếu nằm trong chương đánh giá của IARC về các nghiên cứu thử nghiệm trên động vật. Đây là một chương rất quan trọng trong tổng thể toàn bộ báo cáo bởi các nghiên cứu thử nghiệm trên động vật của IARC sẽ quyết định tính chính xác của cái được gọi là “bằng chứng hữu hiệu” về tính gây ung thư của Glyphosate.
Một điểm đáng chú ý nữa trong những thay đổi về mặt nội dung giữa bản dự thảo với bản được công bố đó là việc loại bỏ kết luận của nhiều nhà khoa học đã khẳng định rằng các nghiên cứu của họ không cho thấy mối liên hệ giữa Glyphosate và ung thư trên động vật thí nghiệm.
Một ví dụ khác được chỉ ra đó là báo cáo được công bố đã thêm vào một phân tích thống kê mới với nội dung đảo ngược hoàn toàn so với các kết luận ban đầu của IARC. Không chỉ vậy, dự thảo báo cáo có câu dẫn chiếu tới kết luận của một báo cáo bệnh lý khác được yêu cầu thực hiện bởi các chuyên gia tại Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA). Cụ thể câu đó đã ghi rõ rằng báo cáo bệnh lý (được đề cập ở trên) khẳng định một cách “chắc chắn” và “thống nhất” rằng “hợp chất” - Glyphosate - đã không gây ra bất kỳ một sự tăng trưởng bất thường nào trên các cá thể chuột thí nghiệm. Trong báo cáo được IARC xuất bản sau cùng, dòng văn này đã bị xóa bỏ.
Chỉ riêng trong chương nghiên cứu trên động vật, Reuters đã tìm thấy 10 thay đổi đáng kể giữa bản bản dự thảo so với bản được công bố trong báo cáo đánh giá cuối cùng về Glyphosate. Trong mỗi trường hợp, những kết luận không ủng hộ về khả năng Glyphosate có thể gây ra các khối u trên cơ thể cá thể nghiên cứu hoặc là bị xóa bỏ hoặc bị thay thế bởi những thông tin mang tính trung lập hoặc có tính ủng hộ hơn. Reuters hiện không thể xác định danh tính cá nhân đã thực hiện những sửa đổi này.
IARC từ chối đưa ra bình luận
“IARC muốn nhắc lại rằng các phiên bản dự thảo của báo cáo chuyên khảo chỉ mang tính chất thảo luận và là thông tin tuyệt mật”. Tuyên bố này được đưa ra trên trang web của IARC sau khi Reuters đặt câu hỏi về cá nhân đã thực hiện những thay đổi nội dung trong bản dự thảo đánh giá Glyphosate. Đồng thời, trong thông tin đăng tải trên website, cơ quan này cũng khuyên các nhà khoa học – những người đã tham gia vào nhóm làm việc “không cần cảm thấy bị áp lực khi thảo luận về các vấn đề nằm ngoài phạm vi nghiên cứu của IARC".
Reuters cũng đã liên hệ với 16 nhà khoa học trong nhóm làm việc công tác tại IARC, vốn phụ trách thực hiện các nghiên cứu đánh giá về thuốc trừ cỏ để phỏng vấn họ về các nội dung được chỉnh sửa và xóa bỏ. Hầu hết họ đều từ chối tham gia phỏng vấn; 5 người cho biết họ không thể trả lời các câu hỏi có liên quan đến nội dung bản dự thảo báo cáo; không ai sẵn sàng hoặc có thể tiết lộ danh tính người đã thực hiện các thay đổi này, hay tại sao hoặc khi nào chúng đã được thực hiện.
Mặc dù nhiều cơ quan trong nước và quốc tế đã tiến hành các nghiên cứu đánh giá tương tự về Glyphosate, IARC là cơ quan duy nhất tuyên bố hoạt chất này có khả năng gây ung thư. So với các đơn vị khác, IARC tiết lộ rất ít về quá trình nghiên cứu, đánh giá của mình. Cho đến bây giờ, hầu như không có thông tin cụ thể, chẳng hạn như các tài liệu dự thảo, về việc IARC đã đi đến kết luận cuối cùng như thế nào.
Đáng chú ý là việc IARC công bố báo cáo về Glyphosate này rơi vào thời điểm khá quan trọng khi Liên minh châu Âu đang tiến hành cân nhắc về khả năng tiếp tục gia hạn giấy phép sử dụng hoạt chất này. Liên minh châu Âu theo đó đã trì hoãn việc quyết định gia hạn giấy phép đối với Glyphosate tới cuối năm nay. Trong khi đó Pháp, một trong những quốc gia đầu tàu trong lĩnh vực nông nghiệp của khối, cho biết họ muốn loại bỏ loại thuốc trừ cỏ này và sau đó là đưa ra lệnh cấm hoàn toàn. Điều này đã kích động hàng loạt các cuộc biểu tình của nông dân, những người cho rằng Glyphosate có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của họ.
“Chúng tôi cần tiếp tục được sử dụng các sản phẩm bảo vệ thực vật, không phải vì sự phụ thuộc như một vài người nói, mà bởi chưa có bất cứ giải pháp thay thế hữu hiệu nào khác cả” - đại diện nhóm nông dân trồng hạt cải dầu tại Pháp (FOP) Arnaud Rousseau nhấn mạnh.
Không chỉ tại Pháp, nông dân tại Đức cũng kêu gọi chính phủ các nước châu Âu gia hạn giấy phép cho thuốc trừ cỏ Glyphosate, trong đó nêu rõ không có bằng chứng nào về tính độc hại của hoạt chất này và lệnh cấm một khi ban hành sẽ gây ra các thiệt hại to lớn đối với mùa màng. “Chúng tôi rất hy vọng chính quyền mới sẽ phê chuẩn giấy phép cho Glyphosate,” người đứng đầu Hiệp hội ngành hạt cải dầu Đức (UFOP) Wolfgang Vogel nói. “Nông dân sẽ gặp khó khăn rất nhiều nếu họ buộc phải từ bỏ Glyphosate".
Anh Thơ
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…