Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 31 tháng 8 năm 2021 | 16:37

Tăng cường kết nối đưa thanh long Việt Nam "xuất ngoại"

Quả thanh long Việt Nam đã được các thị trường châu Á, châu Âu, Mỹ tiếp nhận từ nhiều năm và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Tuy nhiên, những năm gần đây, thanh long Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh gay gắt với một số nguồn cung khác từ Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Malaysia…

Ngày 30 và 31/8, Bộ Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài), cùng với sự phối hợp của Sở Công Thương tỉnh Long An và Bình Thuận tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến thanh long Việt Nam với các thị trường xuất khẩu tiềm năng 2021. Sự kiện thuộc chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2021, nhằm hỗ trợ quả thanh long tươi và các sản phẩm từ thanh long Việt Nam tiếp cận, khai thác thành công những thị trường nhập khẩu tiềm năng trên thế giới.
 
21.JPG
Đại diện các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tham gia Hội nghị. Ảnh: VGP

 

Có chỉ dẫn địa lý, được bảo hộ thương hiệu tại 5 quốc gia

Giới thiệu về tiềm năng của thanh long Long An, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Giám đốc Sở Công Thương Long An cho biết, sản lượng quả thanh long hàng năm của tỉnh đạt khoảng 330.000 tấn. Long An đã và đang thực hiện nhiều giải pháp xây dựng, phát triển vùng thanh long bền vững, theo hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cung cấp theo đơn hàng quanh năm.

Ngoài thanh long truyền thống vỏ đỏ ruột trắng, Long An còn có sản phẩm chủ lực là thanh long ruột đỏ. Ngoài ra, tỉnh cũng đã phát triển nhiều giống thanh long tím hồng, thanh long vỏ màu vàng ruột trắng đẹp mắt với thành phần dinh dưỡng cao.

Đặc biệt, quả thanh long Châu Thành của Long An đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Nhãn hiệu thanh long Tầm Vu cũng được bảo hộ tại 5 quốc gia, gồm Mỹ, Pháp, Nhật, Singapore và Trung Quốc.

Hiệp hội thanh long Long An có trên 100 thành viên là các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh Long An, Tiền Giang, có năng lực kho, sơ chế có thể xuất khẩu với số lượng lớn. Long An còn có nhà máy xử lý trái cây bằng công nghệ hơi nước nóng (VHT) với công suất 12.000 tấn/năm và đủ điều kiện đóng gói xuất khẩu sang một số thị trường có yêu cầu cao về chất lượng.

Đại diện Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cũng cho biết, diện tích trồng thanh long của tỉnh đạt 33.750 ha, trong đó, diện tích thanh long được chứng nhận VietGAP đạt 11.936 ha, GlobalGAP đạt 517 ha, với sản lượng trung bình 650.000 tấn quả/năm. Tỉnh có khoảng 240 cơ sở thu mua, sơ chế, đóng gói thanh long và 6 cơ sở chế biến thanh long (rượu vang thanh long, thanh long sấy khô, sấy dẻo...).

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhìn nhận, thanh long được xếp vào nhóm mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực và thường nằm trong nhóm sản phẩm xuất khẩu "tỷ đô" của Việt Nam trong nhiều năm qua. Ngoài thanh long quả tươi, hiện Việt Nam cũng có các sản phẩm được chế biến từ loại quả này, như thanh long sấy khô, sấy dẻo, nước ép sirô, snack, rượu vang, kem, chả cá, bánh mỳ… Một số sản phẩm thanh long chế biến đã được xuất khẩu.

Thị trường xuất khẩu chính của thanh long Việt Nam là Trung Quốc (chiếm tới hơn 80%), Thái Lan, Indonesia. Bên cạnh đó, thanh long Việt Nam cũng đã được xuất khẩu sang nhiều nước khác như Ấn Độ, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Liên minh châu Âu và Chile.

Thời gian qua, thanh long Việt Nam đã chiếm thị phần xuất khẩu đáng kể ở các khu vực thị trường như châu Á, châu Âu và Mỹ, đồng thời được nhiều người Âu, Mỹ gốc Á biết tới và tiêu thụ. Tuy nhiên, những năm gần đây, thanh long Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh ngày càng tăng lên với một số nguồn cung khác từ Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Malaysia…  

Thêm vào đó, hiện nay, một số tỉnh trồng thanh long ở khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ đang chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19, khiến hoạt động sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nhiều sản phẩm nông sản, trong đó có thanh long, gặp khó.

Khó càng thêm khó khi thị trường xuất khẩu chủ lực của thanh long Việt Nam là Trung Quốc lại đang siết chặt kiểm dịch với nhiều mặt hàng, trong đó có thanh long, hoặc đóng biên tại một vài cửa khẩu; các hoạt động logistics có chi phí tăng cao đột biến cũng đang là rào cản trong việc xuất khẩu thanh long, gây khó khăn cho người nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu.

tl.jpg
Dây chuyền đóng gói thanh long xuất khẩu

 

Ổn định chất lượng, tăng cường tiếp thị

Tuy nhiên, theo thông tin từ các thương vụ tại các thị trường nước ngoài, người tiêu dùng các nước vẫn có nhu cầu cao đối với quả thanh long của Việt Nam. Nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài quan tâm phát triển nguồn cung thanh long chất lượng cao từ Việt Nam.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, Thương vụ đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tiếp thị, quảng cáo quả thanh long tại thị trường Australia. Đến nay, trên kệ nhiều siêu thị tại Australia đã bày bán quả thanh long và những sản phẩm chế biến từ thanh long của Việt Nam. Sắp tới, Thương vụ Việt Nam tại Australia sẽ tiếp tục tiếp thị quảng bá thanh long Việt Nam tới người tiêu dùng phương Tây tại Australia để mở rộng thị trường cho thanh long Việt.

Thương vụ lưu ý các địa phương, người trồng và doanh nghiệp cần quan tâm sản xuất những sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, người tiêu dùng Nhật Bản coi thanh long là loại quả giàu dinh dưỡng, giàu chất xơ, đem lại làn da đẹp, mịn màng. Họ thường ăn thanh long theo kiểu làm salad, trộn với ngũ cốc, hoặc ăn trực tiếp.

Ông Tạ Đức Minh lưu ý, các sản phẩm chế biến từ thanh long, như nước thanh long đóng chai, thanh long sấy dẻo, kẹo thanh long… nên đa dạng hơn về mẫu mã, mùi vị, nâng cao chất lượng để phù hợp với thị hiếu tiêu dùng tại Nhật Bản. Đồng thời, các doanh nghiệp nên thực hiện liên kết đồng bộ, từ khâu trồng trọt, đến xử lý, bảo quản, vận chuyển và xuất khẩu để đảm bảo giữ được độ tươi ngon và chất lượng sản phẩm, giữ vững thương hiệu và thị trường.

Các doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng ưu đãi thuế từ các hiệp định thương mại (FTA) mà Việt Nam và Nhật Bản cùng là thành viên như VJEPA, AJCEP, CPTPP… và đảm bảo sự ổn định giá cả, chất lượng của sản phẩm, do người tiêu dùng Nhật Bản "nhạy cảm" nếu sản phẩm thay đổi giá liên tục.

Mặt khác, doanh nghiệp cũng nên chú trọng đầu tư nghiên cứu và áp dụng công nghệ, kỹ thuật sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng, đa dạng chủng loại, mẫu mã sản phẩm, từ đó đáp ứng thị hiếu riêng biệt của từng nhóm đối tượng khách hàng khác nhau.

Để tiếp tục hỗ trợ thanh long Việt mở rộng thị phần trên thế giới, ông Vũ Bá Phú cam kết, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các sản phẩm thanh long Việt Nam trong hoạt động quảng bá thương hiệu, xúc tiến phát triển thị trường cho sản phẩm, phối hợp với các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tìm kiếm và kết nối các khách hàng nhập khẩu triển vọng cho doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ hội nghị, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tổ chức các phiên giao thương trực tuyến, tạo điều kiện để các doanh nghiệp thanh long Việt Nam quảng bá, giới thiệu đa dạng các mặt hàng thanh long Việt Nam tới khách hàng tiềm năng từ Australia, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu...

Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu thanh long Việt Nam sang Australia đã ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục, đạt giá trị 4,18 triệu USD, cao hơn 36% so với năm trước đó. 6 tháng đầu năm nay, sản lượng thanh long xuất khẩu sang quốc gia lớn nhất châu Đại Dương tiếp tục giữ ổn định và có giá bán tốt.

Hệ thống siêu thị Coles, một trong hai chuỗi bán lẻ hàng đầu của Australia, đã nhập khẩu thanh long của Việt Nam và bán với giá trung bình 4,9 AUD/quả (80.000 đồng). Trong khi đó, tại các hệ thống siêu thị chuyên về trái cây và thực phẩm tươi ở các thành phố lớn như Melbourne, Sydney và Brisbane, giá bán của thanh long Việt Nam vào khoảng 9-15 AUD/kg (149.000-247.000 đồng).

Thanh long được xếp vào loại cây trồng có giá trị cao và ngành công nghiệp trái cây địa phương ở Việt Nam có lợi thế cạnh tranh. Quả thanh long có hàm lượng nước cao và là nguồn cung cấp sắt, magiê, vitamin B, phốt pho, protein, canxi, chất xơ tốt. Hạt trái cây ăn được cũng rất bổ dưỡng, vì chúng có nhiều chất béo không bão hòa đa, như acid béo omega-3 và omega-6, đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ rối loạn tim mạch.

 

 

Phan Trang/Chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
  • Techcombank được vinh danh về đổi mới sáng tạo khu vực châu Á-Thái Bình Dương 2024

    Techcombank được vinh danh về đổi mới sáng tạo khu vực châu Á-Thái Bình Dương 2024

    Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (“Techcombank”) là đại diện ngân hàng duy nhất tại Việt Nam được tôn vinh 2 giải thưởng lớn tại hạng mục đổi mới sáng tạo lĩnh vực thương hiệu và tiếp thị của Stevie Awards châu Á-Thái Bình Dương.

  • Bảo chứng vàng cho tiềm năng tăng trưởng đột phá của Vincom Shophouse Diamond Legacy

    Bảo chứng vàng cho tiềm năng tăng trưởng đột phá của Vincom Shophouse Diamond Legacy

    Các shophouse ở vị trí trung tâm, tọa lạc tại những nơi có hạ tầng hoàn chỉnh, kết hợp với mô hình tổ hợp thương mại – giải trí hiện đại… là yếu tố tạo nên sức hút bền bỉ theo thời gian cho loại hình kinh doanh shophouse, đồng thời là bệ phóng gia tăng giá trị BĐS mà các nhà đầu tư sành sỏi luôn nhắm đến.

  • Bất động sản ven sông Đà Nẵng: Đã có những "mảnh ghép" xứng tầm

    Bất động sản ven sông Đà Nẵng: Đã có những

    Quy hoạch phân khu ven sông Hàn và bờ đông chính thức được phê duyệt mở ra kỳ vọng về diện mạo mới của khu vực trung tâm Đà Nẵng. Với giới thành đạt, đó còn là khát khao về không gian sống tiện nghi, đẳng cấp ven sông Hàn, trong những công trình biểu tượng chứng kiến trọn vẹn vẻ phồn hoa của đô thị biển tầm cỡ quốc tế tương lai.

Top