Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua (4/11) bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ bắt các lãnh đạo của đảng đối lập chính thân cộng đồng người Kurd tại nước này Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) và Liên Hợp Quốc cũng đồng loạt lên tiếng phản đối cuộc “thanh trừng” chính trị nội bộ đang diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa cơ quan truyền thông của người Kurd đã vấp phải sự phản đối của nhiều người. (Ảnh: Reuters) |
Có thể nói Thổ Nhĩ Kỳ đang có nguy cơ khủng hoảng đối ngoại khi gây ra sự rạn nứt với hàng loạt đối tác quan trọng vì vấn đề nội bộ.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken ngày 4/11 đã trao đổi với Trợ lý Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ để bày tỏ những quan ngại của Mỹ về việc chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ 11 nghị sĩ đảng Dân Chủ Nhân Dân (HDP) thân người Kurd và là đảng hợp pháp lớn thứ 3 ở Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã có các biện pháp giới hạn tiếp cận thông tin trên mạng internet.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết: “Ông Blinken đã nói rõ rằng, khi các nền dân chủ theo đuổi hành động pháp lý chống lại đại diện được người dân bầu ra thì họ phải làm theo cách nào đó có thể củng cố niềm tin của người dân vào quy định luật pháp. Và việc hạn chế dùng internet đang làm xói mòn lòng tin vào nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng như vào sự thịnh vượng của nền kinh tế này”.
Liên Hợp Quốc cũng cho rằng, việc Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ mạnh tay cả với giới truyền thông là đáng lo ngại. Theo người phát ngôn Cơ quan Nhân quyền Liên Hợp Quốc Ravina Shamdasani, các biện pháp mà Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra đã “vượt qua giới hạn các quy định của luật quốc tế”, trong đó có Hiệp ước Quốc tế về các quyền Chính trị và Dân sự (ICCPR).
Người phát ngôn Cơ quan Nhân quyền Liên Hợp Quốc kêu gọi Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cần đảm bảo sự minh bạch và cam kết rằng các biện pháp mà họ đang tiến hành là phù hợp với khuôn khổ của luật pháp.
Hôm qua, Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách An ninh và Đối ngoại Federica Mogherini cũng bày tỏ quan ngại về vụ việc này, đồng thời bày tỏ hy vọng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng thể chế dân chủ nghị viện.
Bà Mogherini kêu gọi triệu tập cuộc họp giữa các đặc phái viên của các nước thành viên Liên minh châu Âu tại Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về tình hình hiện nay. Trong khi đó, Đức và Đan Mạch đã triệu các nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tới để lên tiếng về vụ bắt giữ những Nghị sỹ người Kurd này.
Đến nay đã có 50 trên tổng số 59 nghị sỹ của đảng Dân Chủ Nhân Dân bị tước quyền bất khả xâm phạm bởi vì chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, đảng này là “bình phong chính trị” của nhóm “Đảng Công nhân người Kurd” (PKK) vốn bị liệt vào danh sách khủng bố tại nước này.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ còn đình chỉ công tác thị trưởng là người của đảng Dân chủ Nhân dân và đóng cửa cơ quan truyền thông của người Kurd.
Vì những biện pháp này, không chỉ quan hệ đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ với các đối tác phương Tây trở nên căng thẳng mà tình hình trong nước cũng xấu đi. Ở Diyarbakir, thành phố đông người Kurd nhất ở miền đông nam, đã xảy ra những vụ xuống đường, xô xát với cảnh sát.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lập tức cho rằng, “Đảng Công nhân người Kurd” tiến hành vụ đánh bom ở Diyarbakir làm 9 người thiệt mạng và khoảng 100 người bị thương nhưng sau đó tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã đứng ra nhận trách nhiệm về vụ việc này./.