Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 7 năm 2022 | 9:44

Thế giới “quay cuồng” vì nắng nóng

Đã có hàng nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người khác phải đi sơ tán do các hình thái thời tiết cực đoan từ đầu năm 2022 đến nay. Thế giới đang trải qua nhiều đợt nắng nóng thiêu đốt và mưa lũ có sức tàn phá lớn.

Nghêu, sò, ốc, hến... chết hàng loạt vì nắng nóng

Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Ecology cho thấy, đợt sóng nhiệt xảy ra tại Mỹ năm 2021 đã khiến động vật có vỏ (nghêu, sò, ốc, hến, hàu...) chết hàng loạt ở bang Washington (Mỹ) và tỉnh British Columbia (Canada).

 

z3564026584805_cd101ddaebab5c431db4f2f16b0aabcd.jpg
Các loài thực vật được phát triển chịu nhiệt nhằm giúp ngăn ngừa khủng hoảng lương thực trong các đợt nắng nóng.
 

Nhiệt độ ở các bang Oregon và Washington của Mỹ và tỉnh British Columbia của Canada đã tăng vọt lên 37,8 độ C. Trong đó, thành phố cảng Seattle (bang Washington) ghi nhận nhiệt độ cao nhất mọi thời đại ở đây là 42,2 độ C vào ngày 28/6/2021.

Các nhà nghiên cứu cho biết, tình trạng động vật có vỏ chết hàng loạt trên diện rộng là do sự kết hợp của nhiều yếu tố xảy ra cùng lúc, trong đó có thủy triều thấp nhất trong năm xảy ra vào những ngày nóng nhất và vào những thời điểm nóng nhất trong ngày.

“Phân tích này đã cho chúng ta một bức tranh tổng thể thực sự rõ về việc các động vật có vỏ bị ảnh hưởng ra sao do nắng nóng”, nhà khoa học Wendel Raymond, tác giả chính của nghiên cứu đến từ Đại học Washington, bình luận, đồng thời cho rằng, đây có thể mới chỉ là một phần của những gì diễn ra trên thực tế.

Nắng nóng tại Hàn Quốc gây thiếu điện

Thời gian gần đây, Cục Khí tượng và Thủy văn Hàn Quốc cảnh báo nắng nóng tại hầu hết các khu vực trên cả nước, nhiệt độ tối đa trong ngày khoảng 33-35 độ C. Theo đó, hàng trăm ca đã phải cấp cứu do sốc nhiệt.

Nắng nóng cũng là nguyên nhân làm Hàn Quốc thiếu điện. Trong tháng 6, nhu cầu điện năng tối đa bình quân vượt mức 70.000 MW. Nhu cầu điện năng đang có chiều hướng hồi phục sau dịch Covid-19, cộng thêm thời tiết nắng nóng khiến người dân có khuynh hướng tăng nhu cầu sử dụng điện.

Trong ngày 26/6 vừa qua, Thủ đô Seoul lần đầu tiên trong lịch sử ghi nhận hiện tượng đêm nhiệt đới vào tháng 6, khi nhiệt độ thấp nhất vào buổi tối từ lúc 18 giờ chiều tới 9 giờ sáng hôm sau không xuống dưới 25 độ C. Thời tiết tại các địa phương khác trên cả nước đều nóng ẩm, nhiệt độ cao hơn bình quân mọi năm.

Bộ Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên Hàn Quốc dự báo, tuần thứ hai của tháng 8 sẽ là thời điểm nhu cầu điện năng lên tới đỉnh điểm trong mùa hè năm nay. Mặc dù đã chuẩn bị thêm điện dự phòng để đảm bảo cung cấp điện năng ổn định khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao, nhưng Bộ Công nghiệp vẫn đề nghị các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh phối hợp tiết kiệm năng lượng. 

Hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm, Italy ban bố tình trạng khẩn cấp

Ngày 4/7, Italy ban bố tình trạng khẩn cấp tại 5 khu vực ở phía Bắc đất nước trong bối cảnh đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm qua vẫn tiếp tục hoành hành.

Theo tuyên bố, tình trạng khẩn cấp sẽ được áp dụng tại những khu vực giáp sông Po và lưu vực nước của phía Đông dãy Alps bao gồm các vùng: Emilia-Romagna, Friuli Venezia Giulia, Lombardy, Piedmont và Veneto.

Tình trạng khẩn cấp được ban bố sẽ phân bổ 36,5 triệu euro, cho phép giới chức địa phương loại bỏ trở ngại liên quan đến thủ tục và hành động ngay lập tức nếu họ cho là cần thiết, chẳng hạn như áp đặt hạn mức nước cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Thung lũng sông Po - nơi sản xuất khoảng 40% lương thực của Italy, bao gồm các sản phẩm chủ đạo như lúa mì và gạo, đã không ghi nhận lượng mưa trong khoảng 4 tháng qua.

Các cơ quan quản lý cấp nước Italy cảnh báo tình trạng hạn hán kéo dài ngày càng ảnh hưởng tới khu vực miền Trung sau một mùa đông và mùa xuân cực kỳ khô hạn, tiếp đó là đầu hè đặc biệt nóng.

Tình trạng khẩn cấp do hạn hán tại Italy được đưa ra chỉ một ngày sau khi có ít nhất 7 người chết do khô hạn khiến sập sông băng tại dãy Alps. Nhiều thành phố ở miền Bắc Italy cũng đã buộc phải áp dụng các biện pháp để dữ trữ nguồn nước.

Các đợt nắng nóng trên toàn cầu sẽ ngày càng khủng khiếp 

Một nghiên cứu lớn được công bố trên tạp chí khoa học Environmental Research ngày 28/6 khẳng định, các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ xảy ra thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu.

Trong ba tháng qua, mưa lũ thảm khốc xảy ra ở Bangladesh, Australia, nắng nóng như thiêu đốt Nam Á và châu Âu. Trong khi đó, hạn hán kéo dài khiến hàng triệu người ở Đông Phi đứng bên bờ của nạn đói.

 

z3564026559580_a1673d844e4c4103341be9500ace0f10.jpg

Bé gái cõng em trên con đường ngập do mưa lớn ở ngoại ô thành phố Agartala, Ấn Độ ngày 18/6/2022. Ảnh: Reuters.

 

Đồng tác giả nghiên cứu của tạp chí Environmental Research, ông Luke Harrington, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Victoria, Wellington (New Zealand) cho biết, trong khi có nhiều bằng chứng về sự liên hệ của biến đổi khí hậu với nắng nóng và mưa lũ, họ vẫn chưa hiểu nhiều về tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến cháy rừng và hạn hán.

Nghiên cứu chỉ ra biến đổi khí hậu có khả năng làm các đợt nắng nóng càng khủng khiếp hơn và xảy ra thường xuyên hơn. Nói chung, một đợt nắng nóng trước đây có 1/10 cơ hội xảy ra thì nay xác suất gần gấp 3 lần, đạt đỉnh ở nhiệt độ cao hơn khoảng 1 độ C so với khi không có biến đổi khí hậu.

Chẳng hạn, khả năng xảy ra một đợt nắng nóng với nhiệt độ đến trên 50 độ C như đã xảy ra ở Ấn Độ và Pakistan vào tháng 4/2022 tăng lên 30% do tác động của biến đổi khí hậu. Tần suất xảy ra nắng nóng trong tháng 6/2022 ở châu Âu và Mỹ cũng thường xuyên hơn.

Dù gặp khó khăn khi xác định ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến hạn hán, nhóm nghiên cứu cho biết, một số khu vực đã xuất hiện hạn hán kéo dài. Mùa mưa trong mùa xuân ngắn hơn ở Ấn Độ Dương có thể do nước biển ấm hơn ở phía Tây Ấn Độ Dương, gây mưa nhiều ở Đông Phi và do đó, đến khu vực mũi Hảo Vọng thì không còn mưa và gây hạn hán ở khu vực này.

Cách giúp cây nông nghiệp chịu được nắng nóng

Trước việc nhiều loại cây nông nghiệp trên khắp thế giới bị đe dọa bởi nhiệt độ tăng cao, các nhà khoa học tại các trường đại học của Mỹ bao gồm Yale, California, Berkeley và Duke đã phối hợp cùng Đại học Nông nghiệp Tao Chen Huazhong (Trung Quốc) phát triển một phương pháp giúp thực vật có khả năng chống chịu tốt hơn trước thời tiết nắng nóng.

Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra thời tiết nắng nóng đã khiến axit salicylic (một loại hormone của thực vật) bị suy yếu. Điều này khiến khả năng phòng vệ của chúng mất đi tác dụng trước sự tấn công của côn trùng và mầm bệnh.

Để ngăn chặn sự sụt giảm axit salicylic do nắng nóng, các nhà khoa học đã tiến hành giải trình tự gene của cây trồng ở các nhiệt độ khác nhau nhằm tìm ra loại gene làm suy giảm hormone axit salicylic. Từ đây, họ đã phát hiện CBP60g chính là gene khiến khả năng phòng vệ của cây lương thực bị mất đi.

Nhóm nghiên cứu giải thích: Khi CBP60g ngừng hoạt động vì quá nóng, nó sẽ đồng thời khiến việc sản xuất protein (chìa khóa tạo ra nhiều axit salicylic) cũng bị ngừng lại và làm cho sức phòng vệ của cây bị giảm sút.

Chính vì vậy, họ đã phát triển gene CBP60g đột biến có khả năng hoạt động dưới cả thời tiết nắng nóng, nhằm ngăn chặn sự tấn công của mầm bệnh và sâu bọ.

Theo Đài Euronews, các loại cây lương thực như cải dầu, cải xoong đang cho kết quả khả quan khi được thử nghiệm với gene CBP60g đột biến.

“Nếu đột biến gene này giúp các cây trồng lương thực thông thường khác thích ứng được với điều kiện nắng nóng, nó sẽ giúp năng suất cây lương thực vẫn được đảm bảo ổn định”, Euronews cho biết thêm. 

Tuy nhiên, việc áp dụng gene CBP60g đột biến lên cây lương thực sẽ vẫn cần thời gian đánh giá thêm, bởi nhóm nghiên cứu vẫn chưa biết được liệu hương vị và độ an toàn có được đảm bảo hay không.

 

 

 

Chanh
Ý kiến bạn đọc
  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top